Ngày 8/5, 41 thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng và những nguy cơ xuất phát từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ.
|
Nhà máy đúc nhôm tại tỉnh Khakassia, Đông Siberia, Nga. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Tuyên bố được đưa ra tại một cuộc họp của Đại hội đồng WTO đã kêu gọi chính phủ các nước giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và hợp tác, bao gồm việc giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan của WTO.
Tuyên bố nhấn mạnh quan ngại của các nước thành viên trước sự gia tăng những căng thẳng thương mại cũng như những nguy cơ đối với hệ thống thương mại đa phương và thương mại thế giới.
Văn kiện này đồng thời kêu gọi các nước thành viên WTO tránh thực thi các biện pháp bảo hộ cũng như những hành động làm leo thang căng thẳng.
Các nước thành viên trên, bao gồm các quốc gia đang phát triển và phát triển, cũng nhấn mạnh hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc được hợp nhất trong WTO giữ vai trò then chốt đối với các nền kinh tế cũng như sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Các nước đồng thời kêu gọi hành động để giải quyết những thách thức lớn mà WTO đang phải đối mặt, bao gồm vượt qua những khó khăn trong việc hoàn tất các cuộc thương lượng và giải quyết những quan điểm khác biệt về thương mại và phát triển.
Cùng ngày, cũng tại cuộc họp của Đại hội đồng WTO, Đại diện Trung Quốc tại WTO Trương Hướng Thần cho rằng Mỹ đã phản đối cơ chế ra quyết định dựa trên đồng thuận của WTO bằng cách gây khó khăn cho quy trình tuyển chọn các thành viên mới của Cơ quan phúc thẩm.
Cơ quan phúc thẩm, do Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO bổ nhiệm với nhiệm kỳ 4 năm, gồm 7 thành viên là những chuyên gia pháp lý và thương mại quốc tế có kinh nghiệm lâu năm. Tuy nhiên, hiện chỉ 4 trong số 7 thành viên làm việc kể từ khi Washington từ chối tiến hành quy trình tuyển chọn các thành viên mới.
Trong phát biểu của mình, ông Trương Hướng Thần cảnh báo nếu quy trình tuyển chọn không được tiến hành, chức năng của Cơ quan phúc thẩm sẽ bị tê liệt, khiến toàn bộ hệ thống giải quyết tranh chấp rơi vào khủng hoảng.
Quan chức này nhận định hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang đối mặt với khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi được thành lập, nhấn mạnh nếu không có hệ thống này, các quy tắc thương mại của WTO sẽ không còn phát huy hiệu quả và niềm tin cũng như uy tín của hệ thống thương mại đa phương sẽ bị suy yếu.
Trước đó, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo đã cảnh báo mặc dù thế giới có thể đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2018 và 2019, song tiến bộ quan trọng này có thể nhanh chóng bị hủy hoại nếu các chính phủ chỉ dựa vào các chính sách thương mại hạn chế, đặc biệt các biện pháp trả đũa thương mại leo thang không thể kiểm soát nổi./.