Phân loại gạo tại một nhà máy ở Bangkok của Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN) Trong cuộc họp đầu tháng Năm này, Hội đồng Chính sách Gạo Quốc gia Thái Lan do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch đã thông qua cơ chế cấp tín dụng xây kho gạo nhằm ổn định giá và hỗ trợ xuất khẩu.
Gói tín dụng này vào khoảng 1,67 tỷ baht (1 USD = 31,78 baht) dành cho đối tượng nông dân và doanh nghiệp xây dựng các kho gạo để hỗ trợ bảo quản gạo, hoãn bán gạo ra thị trường vào chính vụ, qua đó ổn định giá bán.
Ông Boonyarit Kalayanamit, Vụ trưởng Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết trong khoản tín dụng này, Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp (BAAC) sẽ phân bổ khoản cho vay 150.000 baht cho mỗi nông dân đáp ứng tiêu chuẩn vay và 3 triệu baht cho mỗi tổ chức nông nghiệp.
Ông Boonyarit cho biết Hội đồng cũng đã phê chuẩn kế hoạch xả bán 2 triệu tấn gạo dự trữ chính phủ trong năm 2018.
Ông khẳng định kế hoạch xả kho sẽ không tác động lên giá thị trường do chỉ 40.000 tấn gạo đủ tiêu chuẩn làm thực phẩm, phần còn lại chỉ phù hợp để sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.
Từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, Chính phủ đương nhiệm của Thái Lan đã bán 14,8 triệu tấn gạo thông qua các đợt đấu thầu, thu về 135 tỷ baht.
Các hợp đồng xuất khẩu gạo G2G (Chính phủ với Chính phủ) đã giúp tiêu thụ 3,44 triệu tấn gạo thu hoạch vụ mới, vốn không phải là nguồn gạo trong các kho dự trữ chính phủ, qua đó mang về 50,2 tỷ baht.
Số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy xuất khẩu gạo Thái Lan giảm 9% trong tháng 3/2018 xuống còn 864.928 tấn, với giá trị xuất khẩu đạt 13,78 tỷ baht, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân chính chủ yếu là do giá gạo ở mức tương đối cao khiến lượng đặt hàng giảm.
Tuy nhiên tính chung trong trong quý 1 vừa qua, xuất khẩu gạo Thái Lan đạt 2,78 triệu tấn, thu 44,09 tỷ baht, tăng 3,1% về số lượng và 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Thái Lan cũng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong quý 1 vừa qua, theo sau là Ấn Độ với 2,59 triệu tấn./.