Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/04/2013-13:57:00 PM
Hội nghị tổ chức tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992
(MPI Portal) – Sáng ngày 18/4, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Hoàng Mạnh Phương và Vụ trưởng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan Phạm Mạnh Cường đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Nhằm quán triệt thực hiện các nội dung tại Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Kế hoạch Chính phủ về việc góp ý xây dựng Hiến pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai việc thực hiện việc lấy ý kiến tham gia góp ý khẩn trương, nghiêm túc, tích cực, thể hiện trách nhiệm của người dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy cơ quan chỉ đạo việc phổ biến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Báo cáo thuyết minh về Dự thảo sửa đổi và các tài liệu tham khảo đến mọi cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của cơ quan và các Sở Kế hoạch và Đầu tư các địa phương. Tại các cục, vụ, viện, đơn vị trực thuộc và các đảng bộ, chi bộ việc lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được thực hiện một cách khách quan, nghiêm túc theo đúng tinh thần và hướng dẫn.
Tính đến ngày 10/3/2013, hầu hết các đơn vị đã hoàn thành việc tham gia góp ý và gửi báo cáo tổng hợp.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu đã cơ bản đồng ý với bản báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu đã đóng góp toàn diện với nội dung Dự thảo sửa đổi, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, bao gồm quy định về chế độ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
Các đại biểu tham dự đã tập trung vấn đề chế định Chính phủ và chính quyền địa phương. Về chế định Chính phủ, nhiều ý kiến đồng ý rằng nên quy định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Về chính quyền địa phương, có ý kiến cho rằng, nên đổi Uỷ ban nhân dân thành Uỷ ban hành chính nhằm đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu Uỷ ban hành chính.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến các quy định về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội; các vấn đề liên quan đến thể thức trình bày, tính logic, văn phong chính tả cũng được các đại biểu đề cập nhằm hoàn thiện bản báo cáo trước khi gửi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Dự thảo Hiến pháp có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1992 về việc bổ sung, hoàn thiện quyền con người và quyền công dân có quan điểm mới về chế độ kinh tế, thành phần kinh tế, về sở hữu. Thể hiện rất rõ sự bình đẳng trước pháp luật của các thành phần kinh tế Dự thảo Hiến pháp sửa đổi cũng đã giúp phân định rõ ràng, minh bạch hơn các nhánh quyền lực lập pháp – hành pháp – tư pháp Dự thảo là những cố gắng trong việc điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phù hợp hơn với tình hình mới Dự thảo lần đầu tiên quy định các thiết chế hiến định mới, bao gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
Tổng kết Hội nghị, ban chủ tọa Hội nghị đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị quan trọng này. Các ý kiến thể hiện trí tuệ, tâm huyết trên tinh thần xây dựng đối với Dự thảo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kết quả lấy ý kiến cán bộ, công chức. Điều này thể hiện cán bộ, đảng viên trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động chính trị này./.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; Hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; Kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1420
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)