Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/07/2018-10:50:00 AM
Việt Nam chính thức trình bày Báo cáo Quốc gia Tự nguyện về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững
(MPI) - Ngày 16/7/2018, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Đoàn đại biểu liên ngành Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương làm Trưởng đoàn đã chính thức trình bày Báo cáo Quốc gia Tự nguyện về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc .
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương trình bày Báo cáo Quốc gia Tự nguyện về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc. Ảnh: MPI

Diễn đàn chính trị cấp cao (HLPF) về phát triển bền vững của Liên hợp quốc được thành lập từ sau Hội nghị Rio+20 về Phát triển bền vững, thay thế cho Ủy ban phát triển bền vững của Liên hợp quốc trước đây. Báo cáo Quốc gia tự nguyện (VNR) là một phần của quá trình theo dõi và đánh giá liên chính phủ về việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của các quốc gia và được trình bày tại HLPF hằng năm, bắt đầu từ năm 2016. Quá trình chuẩn bị VNR của các quốc gia không chỉ là quá trình chuẩn bị trong nước mà còn bao gồm cả việc tham gia các hoạt động liên quan ở cấp khu vực và toàn cầu. Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc được yêu cầu có ít nhất 2 lần làm VNR trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Báo cáo VNR của Việt Nam nêu bật kết quả đạt được trong việc thực hiện 17 SDGs của Việt Nam, phân tích những khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện các mục tiêu này và đưa ra những đề xuất, khuyến nghị để thúc đẩy việc thực hiện SDGs trong thời gian tới. Phát biểu làm rõ thêm Báo cáo đã gửi tới các đại biểu tại Diễn đàn, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương khẳng định quan điểm phát triển bền vững được Việt Nam lồng ghép xuyên suốt trong các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia. Thành tựu nổi bật là tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015, 2016 và 2017 đạt tương ứng 6,7%, 6,2% và 6,8%, trong khi tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 9,9% năm 2015 xuống còn dưới 7% năm 2017. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,4% năm 2017. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi cấp Tiểu học là 99,0% năm học 2016 - 2017. Năm 2016, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 93,4% và tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận điện lưới là 99%. Tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 54,2% năm 2017. Các vấn đề về quản lý tài nguyên và môi trường cũng đã được cải thiện, độ che phủ rừng tăng, đạt 41,5% năm 2017. Việt Nam cũng có những bước tiến trong tăng cường bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; Giảm thiểu bất bình đẳng và cải thiện tiếp cận thông tin và pháp luật cho người dân; Chú trọng đến các nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thông qua việc thực hiện một loạt chính sách nhằm đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động với sự phân công rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện SDGs từ trung ương đến địa phương bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường hội nhập quốc tế toàn diện, sâu sắc đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ đối tác toàn cầu, các quan hệ đối tác công tư để bảo đảm nguồn lực cho phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nêu rõ trong quá trình thực hiện, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khó khăn về nguồn lực tài chính, mức độ kết nối giữa các ngành, lĩnh vực, cũng như năng lực thống kê phục vụ giám sát theo dõi thực hiện phát triển bền vững còn hạn chế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; Xây dựng Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, công bằng, văn minh và bền vững. Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau.

Tại Diễn đàn đã diễn ra cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn với đại biểu các nước. Các đại biểu tham dự đều ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, thành tựu và cam kết của Việt Nam cũng như nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động sự tham gia đóng góp của tất các các bên liên quan trong thực hiện phát triển bền vững, thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong việc lồng ghép SDGs vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.

HLPF được tổ chức từ ngày 09 đến 18/7/2018 với sự tham dự của hơn 2500 đại biểu từ 193 nước thành viên Liên hợp quốc (trong đó có 80 nước cử đoàn cấp Bộ trưởng), các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và giới học giả quốc tế. HLPF năm nay tập trung thảo luận chủ đề “Chuyển đổi hướng tới các xã hội bền vững và tự cường”, rà soát việc thực hiện 6/17 SDGs liên quan và xem xét Báo cáo VNR của 47 quốc gia. Hiện Việt Nam hiện là thành viên của Hội đồng Kinh tế và Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 8224
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)