(MPI) – Ngày 27/7/2018, dưới dự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm về chất lượng tăng trưởng kinh tế và khía cạnh kinh tế chính trị trong phân bổ ngân sách của Việt Nam. Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, các thành viên Tổ chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
|
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Tọa đàm là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà kinh tế và các nhà nghiên cứu về tình hình kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam có những trao đổi, chia sẻ giữa khối nghiên cứu và khối điều hành để giúp Bộ có cách nhìn rộng và nhiều chiều hơn trong quá trình xây dựng chính sách.
Tại Tọa đàm, chia sẻ về số lượng, chất lượng và động lực tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam từ góc nhìn so sánh với khu vực, TS. Vũ Thành Tự Anh cho biết, Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao của thế giới nhưng cả tốc độ và thời gian tăng trưởng cao của Việt Nam thấp hơn hẳn so với các quốc gia thành công trong khu vực. Theo số liệu nghiên cứu, trong giai đoạn tăng trưởng cao 19 năm (1989-2007), tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7,2%, GDP bình quân đầu giai đoạn là 433 USD, GDP bình quân cuối giai đoạn là 1.161 USD, tỷ lệ thay đổi là 2,7 lần, trong khi đó Xinh-ga-po có số năm tăng trưởng cao là 48 (1960-2007), tốc độ tăng trưởng bình quân là 8,0%, GDP bình quân đầu giai đoạn là 3.390 USD, GDP bình quân cuối giai đoạn là 44.191 USD, tỷ lệ thay đổi là 13,0 lần.
Theo quan điểm của GS.TS Vũ Thành Tự Anh, chất lượng tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế là quan trọng, song cách thức tạo ra tăng trưởng, tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn và tính công bằng trong việc phân phối thành quả tăng trưởng cũng có tầm quan trọng tương đương. Tăng trưởng có chất lượng là tăng trưởng cao và bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội và công nghệ. Tăng trưởng cao là tăng năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Tăng trưởng bền vững là tăng trưởng cao trong thời gian dài. Trong đó, bền vững về kinh tế là dẻo dai trước các cú sốc bên ngoài thể hiện qua dư địa về tài khóa, tiền tệ, nợ công và sự phụ thuộc bên ngoài. Bền vững về môi trường là mức độ ô nhiễm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bền vững về công nghệ là mức độ sẵn sàng về công nghệ và khả năng hấp thụ năng lực sáng tạo.
Về cách tiếp cận đo lường chất lượng tăng trưởng, tham số đầu vào là những nhân tố đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng như số lượng, chất lượng nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tham số đầu ra là những nhân tố phản ánh kết quả của quá trình tăng trưởng. Chất lượng thể chế, quản lý quốc gia, văn hóa,… không phải đầu vào trực tiếp của hàm tăng trưởng, những nhân tố quyết định cả số lượng và chất lượng tham số đầu vào và kết quả đầu ra của tăng trưởng.
|
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
GS.TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Việt Nam tăng trưởng cao so với thế giới, song còn khiêm tốn so với các quốc gia thành công trong khu vực, có dấu hiệu rõ rệt về suy giảm chất lượng như rủi ro kinh tế, ô nhiễm môi trường, phân cực giàu nghèo, tụt hậu về công nghệ. Những động cơ tăng trưởng thiên về số lượng và chiều rộng trước đây đã hết đà nhưng chưa tìm được động cơ mới. Để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần cải cách thể chế và quản trị quốc gia, phát triển doanh nghiệp tư nhân, mở cửa và hội nhập một cách thông minh và phát triển đô thị trở thành các đầu tàu tăng trưởng. Các nút thắt chính vẫn là thể chế, giáo dục, cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, dư địa cho cải cách và cải thiện vẫn còn nhiều.
Chia sẻ về một số khía cạnh kinh tế chính trị trong phân bổ ngân sách ở Việt Nam, TS. Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, việc phân bổ ngân sách cần đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả và công bằng. Về nguyên tắc phân bổ, những địa phương có tình trạng như nhau nên được phân bổ ngân sách giống nhau, những địa phương bất lợi hơn nên được ưu tiên hơn.
Hỗ trợ những địa phương có điều kiện bất lợi hơn bằng việc san sẻ nguồn thu ngân sách từ những địa phương có điều kiện tốt hơn là cần thiết. Hơn thế, để phát huy các lợi thế của một nền kinh tế cần phải tập trung ưu tiên nguồn lực cho những địa phương hay vùng có tiềm năng tăng trưởng kinh tế hay tạo ra các giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, cơ chế phân bổ phải đảm bảo hiệu quả và công bằng để không làm mất động lực của những địa phương có lợi thế và không làm tâm lý ỷ lại, dựa dẫm của những địa phương cần được hỗ trợ.
Những phân tích của TS Huỳnh Thế Du cho thấy, về cơ bản, việc phân bổ ngân sách cho địa phương ở Việt Nam không tuân thủ theo những nguyên tắc cơ bản về hiệu quả và công bằng. Cách thức chủ quan này cộng với một số yếu tố kinh tế chính trị khác đã làm cho việc phân bổ chuyển giao ngân sách ở Việt Nam đã bị thiên lệch không mong đợi.
Để khắc phục những trục trặc trong việc phân bổ ngân sách hiện tại, TS. Huỳnh Thế Du cho rằng, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh một số chính sách. Thứ nhất, cần có các tiêu chí rõ ràng đối với việc phân bổ ngân sách nhằm đảm bảo hài hòa giữa hiệu quả và công bằng, cần làm sao để các địa phương ở vị trí bất lợi không cảm thấy mình bị bỏ rơi nhưng cũng không tạo ra tâm lý ỷ lại và các địa phương có lợi thế không bị vắt kiệt như đang xảy ra. Thứ hai, Việt Nam cần xác định rõ rằng quá trình phát triển kinh tế gắn với tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Thứ ba, cần ưu tiên nguồn lực nhiều hơn cho các đô thị trung tâm, vì đây là những nơi có khả năng giữ lại lực lượng lao động có kỹ năng cao hay người tài của Việt Nam từ đó là cơ sở cho việc thu hút người tài từ các nơi khác.
Phát biểu tại Tọa đàm, các chuyên gia trong Tổ tư vấn của Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với một số quan điểm của các nghiên cứu. Các chuyên gia cho rằng, là đất nước đang phát triển, Việt Nam phải lựa chọn những tiêu chí phù hợp, nếu phân bổ theo chiều ngang sẽ không tạo được động lực tăng trưởng. Cùng với đó, giải quyết vấn đề chính trị, xã hội vùng miền, đói nghèo nhưng phải tạo công bằng, làm thế nào để hài hòa trong phân bổ nguồn lực, đảm bảo các mục tiêu phát triển là bài toán khó cho Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá tốc độ tăng trưởng theo nghiên cứu được các chuyên gia đánh giá tốt, nhưng cần đưa ra được thuyết minh rằng các chỉ số này có tính ưu việt hơn so với bộ chỉ số của IMF, trong bộ chỉ số cũng cần lựa chọn được ra 3 chỉ số quan trọng thể hiện được tốc độ tăng trưởng. Các nghiên cứu này là bộ tư liệu có hệ thống, tư liệu quý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, từ góc độ của cơ quan hoạch định chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn cầu thị lắng nghe. Đồng thời cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao xây dựng Chiến lược quốc gia về 4.0, dự kiến dự thảo sẽ được xin ý kiến vào cuối năm 2018. Trong đó, vấn đề công nghệ, hệ sinh thái, kết nối mạng lưới nguồn nhân lực cũng sẽ là những chủ thể rất quan trọng trong Chiến lược này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu đề án xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Tiếp đó là xây dựng Mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia để kết nối toàn bộ nhân lực từ nước ngoài về và thông qua những người Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường, các doanh nghiệp, các quỹ, tổ chức… làm thay đổi về đổi mới sáng tạo trong nước nhằm nâng cao chất lượng, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ ngày 18-24/8/2018, Việt Nam sẽ ra mắt Mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, đây là cơ hội vàng cho Việt Nam phát triển./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư