A. KINH TẾ
I. Tăng trưởng kinh tế và cơ cấu kinh tế
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 9,85% so với 6 tháng đầu năm 2017; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,4%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,17%, đóng góp 7,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm tăng 6,6%, đóng góp 1,75 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung.
Trong khu vực vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,1% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2017), do chăn nuôi được phục hồi, dịch bệnh được kiểm soát, giá bán tăng; ngành lâm nghiệp tăng trưởng 5,33% chủ yếu do khai thác gỗ tăng và ngành thủy sản tăng trưởng 12%, đạt mức tăng trưởng cao do mở rộng diện tích nuôi thâm canh, năng suất và sản lượng thủy sản tăng.
Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GRDP toàn tỉnh. Sáu tháng đầu năm nay, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng 12,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 7,26 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Trong đó ngành khai khoáng đạt mức tăng 12,84% (cao hơn so với mức tăng trưởng 1,7% của 6 tháng đầu năm 2017) do khai thác than và khai thác đá tăng cao; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,28% (thấp hơn mức tăng trưởng 21% của 6 tháng đầu năm 2017) và đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung với 6,78 điểm phần trăm. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm tăng 10,6%, cao hơn mức tăng cùng kỳ và đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, hoạt động thương mại bán buôn và bán lẻ tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước, là ngành dịch vụ có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung với 0,5 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trưởng 6,9%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,6%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung; hoạt động viễn thông tăng 7,75%, đóng góp 0,2% vào tăng trưởng chung; nhóm ngành dịch vụ xã hội tăng 6,45% cùng kỳ...
Về cơ cấu kinh tế: Do ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao hơn nên ngày càng chiếm tỷ trọng cao, trong khi đó tốc độ tăng trưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thấp hơn nên cơ cấu kinh tế khu vực Nông lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ ngày càng giảm dần. Sáu tháng đầu năm 2018, cơ cấu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng chiếm 60,2%, khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 29,3% và khu vực nông lâm nghiệp thủy sản chỉ còn 10,5%. So với bình quân chung cả nước, khu vực công nghiệp xây dựng của tỉnh cao hơn trên 25 điểm phần trăm; cơ cấu khu vực nông lâm thủy sản thấp hơn 4 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ của tỉnh tỷ trọng thấp hơn nhiều so với cả nước.
II. Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
1. Nông nghiệp
a. Cây hàng năm
* Diện tích gieo trồng: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân năm 2018 toàn tỉnh là 64,3 nghìn ha, bằng 101,2% kế hoạch nhưng giảm 2,7% (tương ứng giảm 1,7 nghìn ha) so với vụ Đông Xuân 2017. Bao gồm Vụ Đông gieo trồng được 14,2 nghìn ha, giảm 4,7% (tương ứng giảm 695 ha); vụ Xuân gieo trồng được 50,1 nghìn ha, giảm 2,1% (tương ứng giảm 1.073 ha) so với cùng kỳ.
Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt là 42,5 nghìn ha (chiếm 66% diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân), bằng 101,3% kế hoạch nhưng giảm 1,4% cùng kỳ (tương ứng giảm 623 ha, riêng cây ngô giảm 449 ha); còn lại các cây rau màu các loại khác gieo trồng 21,8 nghìn ha, giảm 5% (tương ứng giảm 1,1 nghìn ha) và giảm hầu hết các cây màu vụ Đông Xuân, trong đó, cây công nghiệp hàng năm giảm 6,6% và cây chất bột lấy củ giảm 16,8%, cây rau, đậu các loại giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng diện tích gieo trồng, diện tích cây lúa là 30,1 nghìn ha, mặc dù vượt 4% kế hoạch trong vụ nhưng giảm 0,6% so với cùng vụ năm trước; diện tích cây ngô 12,4 nghìn ha, giảm ở cả 2 vụ (vụ Đông giảm 6,4%; vụ Xuân giảm 1,4%); cây khoai lang đạt 3 nghìn ha, giảm 14,5% so cùng kỳ; rau 10,3 nghìn ha, giảm 0,1%; cây lạc 2,95 nghìn ha, giảm 6,3%; cây đỗ tương 500 ha, giảm 8,3% cùng kỳ.
Nguyên nhân diện tích gieo trồng giảm là do một số diện tích đất đã chuyển đổi mục đích sử dụng; một số cây trồng hiệu quả kinh tế thấp nên không tiếp tục gieo trồng; ngoài ra lực lượng lao động trẻ khu vực nông thôn chuyển đổi ngành nghề, đi làm việc tại các khu công nghiệp có thu nhập cao hơn nên nguồn lao động cho sản xuất nông nghiệp giảm dần.
* Sản lượng lương thực có hạt: Hiện nay một số địa phương đang thu hoạch lúa vụ Xuân. Dự ước năng suất lúa vụ Xuân toàn tỉnh đạt 56,7 tạ/ha, bằng 105,2% so với kế hoạch và tăng 1,9% (tăng 1 tạ/1 ha) so cùng kỳ; năng suất ngô tính chung vụ Đông Xuân ước đạt 45,9 tạ/ha, tăng 2,8% so với năng suất cùng kỳ.
Với dự ước năng suất như trên, sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân năm 2018 đạt 227,6 nghìn tấn, bằng 52,3% kế hoạch cả năm, bằng 107,3% kế hoạch trong vụ, tăng 0,8% (+1,8 nghìn tấn) so với sản lượng cùng kỳ. Trong đó, sản lượng lúa đạt 170,7 nghìn tấn, tăng 1,3% (+2,2 nghìn tấn) so với cùng kỳ, bằng 109,4% so với kế hoạch trong vụ; sản lượng ngô 57 nghìn tấn, giảm 0,8% (-0,4 nghìn tấn) so cùng kỳ và bằng 101,3% kế hoạch trong vụ.
b. Cây lâu năm
Tổng diện tích cây chè đạt 21,7 nghìn ha, trong đó huyện Đại Từ là 6,3 nghìn ha (chiếm 29,2% diện tích chè toàn tỉnh), tiếp đến là huyện Phú Lương 4 nghìn ha (chiếm 18,6%); huyện Đồng Hỷ 3,3 nghìn ha; Định Hóa 2,5 nghìn ha; Phổ Yên 1,6 nghìn ha; thành phố Thái Nguyên diện tích chè là 1,6 nghìn ha... Dự ước sản lượng chè thu hoạch 6 tháng đầu năm 2018 là 96,6 nghìn tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ.
Vụ Đông Xuân năm nay thời tiết ấm, có mưa nên năng suất chè vụ Đông tăng cao hơn so với những năm trước và giá bán sản phẩm cao hơn nhiều so với chè chính vụ, làm tăng cao hiệu quả cây trồng… nên mục tiêu đẩy mạnh sản xuất chè vụ Đông là mục tiêu Thái Nguyên đang hướng tới trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Ngành chức năng tiếp tục hướng dẫn các hộ nông dân chăm sóc chè mới trồng, vườn ươm chè giống đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu giống đáp ứng yêu cầu trồng mới. Để nâng cao chất lượng chè Thái Nguyên theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngành chức năng duy trì triển khai tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và sản xuất chè an toàn; triển khai và nhân rộng thực hiện thâm canh chè, mô hình sản xuất chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP. Hiện nay thời tiết thuận lợi cho cây chè phát triển và đang cho thu hoạch đại trà.
Hiện nay các địa phương đang triển khai đăng ký nhu cầu trồng mới và trồng thay thế chè năm 2018. Tính đến đầu tháng 6 năm 2018, kết quả đăng ký trồng chè năm 2018 được 550 ha, bằng 70% kế hoạch; diện tích trồng chè mới và trồng lại dự ước 6 tháng đầu năm 2018 đạt 62 ha (bao gồm trồng mới 18 ha và trồng lại 44 ha), tăng 3,3% so cùng kỳ và bằng 8% kế hoạch năm 2018. Diện tích chè trồng mới và trồng lại dự kiến sẽ trồng đại trà vào vụ Thu.
Tình hình sâu bệnh trên cây chè: Tổng diện tích bị nhiễm sâu, bệnh tính đến đầu tháng 6/2018 khoảng 820 ha, giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, rầy xanh 309 ha, bọ cánh tơ khoảng 370 ha, bọ xít muỗi khoảng 111 ha và nhện đỏ khoảng 30 ha.
Cây ăn quả: Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây ăn quả phát triển tốt, một số loại cây đang trong vụ thu hoạch với năng suất cao. Ước tính diện tích cây ăn quả toàn tỉnh khoảng 17 nghìn ha, tăng 1,2% so cùng kỳ.
c. Tình hình chăn nuôi
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2018 không xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thú y được duy trì thực hiện. Ngành chức năng tiếp tục triển khai công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, chủ động kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, đề ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn các địa phương thực hiện quản lý chăn nuôi, giống vật nuôi và môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện tiêm phòng bổ sung vắc xin, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bệnh thủy sản Đợt 1 năm 2018.
Từ đầu năm đến đầu tháng 6/2018 chỉ số giá bán sản phẩm chăn nuôi của người sản xuất đạt quý sau tăng hơn quý trước, trong đó giá thịt gà hơi tăng cao so với năm trước nên người chăn nuôi gà có nhiều thuận lợi hơn. Sau thời gian dài giá lợn hơi ở mức thấp, từ đầu tháng 4/2018 đến nay giá bán đã tăng trở lại. Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2018, giá thịt lợn hơi dao động trong khoảng 50 nghìn đồng/kg, tăng so với tháng trước và cao gấp trên 2 lần so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thấp hơn cầu. Do giá lợn hơi tăng cao đã tác động giá lợn giống tăng cao và thức ăn chăn nuôi cũng tăng nên ảnh hưởng đến khả năng tái đàn của người chăn nuôi.
Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 91,4 nghìn tấn, tăng 4,1% cùng kỳ; trong đó sản lượng thịt lợn hơi là 64,4 nghìn tấn, tăng 2,2% cùng kỳ; sản lượng gia cầm khoảng 23 nghìn tấn, tăng 9,3%, trong đó sản lượng gà hơi xuất chuồng là 22,1 nghìn tấn, tăng 8,3% so cùng kỳ.
Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2018 quy mô đàn lợn là 629 nghìn con, giảm 1,1% cùng kỳ, trong đó đàn lợn nuôi mục đích lấy thịt là 496,6 nghìn con, giảm 1,2% (tương ứng giảm 6 nghìn con) và đàn lợn nái là 131,4 nghìn con, giảm 0,8% (tương ứng giảm 1 nghìn con) so với thời điểm cùng kỳ; đàn gà khoảng 10,4 triệu con, tăng 10,2% (tương ứng tăng gần 1 triệu con) so với cùng kỳ.
Trong tổng số đàn lợn, địa phương tập trung chăn nuôi nhiều nhất là Thị xã Phổ Yên với 116,7 nghìn con lợn thịt (chiếm 23,5%) và 34,5 nghìn con lợn nái (chiếm 26,2% tổng đàn); tiếp đến là huyện Phú Bình với 27,5 nghìn lợn nái và 102,4 nghìn con lợn thịt… Đàn gà tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Bình 2,1 triệu con; thành phố Thái Nguyên 1,7 triệu con, thị xã Phổ Yên 1,4 triệu con, Đồng hỷ, Đại Từ là trên 1 triệu con…
2. Lâm nghiệp
Đến cuối tháng 6/2018, các địa phương cơ bản đã hoàn tất công tác trồng rừng theo kế hoạch và đang tích cực triển khai chăm sóc diện tích rừng đã trồng.
Dự ước đến hết tháng 6/2018 diện tích rừng trồng mới tập trung trên địa bàn là 6.400 ha. Trong đó, trồng rừng theo chương trình kế hoạch địa phương giao đạt 3.164 ha, bằng 104,1% kế hoạch; trồng mới rừng do dân tự trồng không trong kế hoạch là 3.058 ha và các đơn vị Trung ương quản lý trồng mới đạt 178 ha.
Tình hình khai thác lâm sản: Ước tính 6 tháng đầu năm 2018 sản lượng gỗ khai thác đạt khoảng 70 nghìn m3 các loại, tăng 15% so cùng kỳ; củi đạt 82 nghìn ste...
Công tác quản lý bảo vệ rừng: Trong 5 tháng đầu năm trên địa bàn toàn tỉnh không xảy ra cháy rừng. Tính đến hết tháng 5/2018 đã xử lý 124 vụ vi phạm, giảm 3% cùng kỳ năm 2017, tịch thu 222 m3 gỗ quy tròn các loại (trong đó, gỗ quí hiếm 43,6 m3), tịch thu 18 phương tiện các loại, thu nộp ngân sách 977 triệu đồng.
3. Thủy sản
Trong 6 tháng đầu năm 2018 các cơ sở, hộ gia đình nuôi thủy sản thương phẩm tiếp tục thả giống, chăm sóc thủy sản. Tính từ đầu năm đến đầu tháng 6/2018 sản xuất cá bột đạt 210 triệu con, cá giống đạt 10,2 triệu con. Dự ước 6 tháng đầu năm 2018 sản lượng thủy sản thương phẩm thu hoạch ước đạt 4,8 nghìn tấn, tăng 11,6% cùng kỳ.
4. Tiến độ thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới
Kế hoạch năm 2018 là phấn đấu 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm 11 xã trong kế hoạch và 11 xã bổ sung theo Kết luận số 272-KL/TU ngày 17/4 năm 2018 của BCH Đảng bộ tỉnh); không còn xã dưới 10 tiêu chí; duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã công nhận đạt chuẩn NTM; các xã chưa đạt chuẩn tăng thêm được từ 2 tiêu chí trở lên so với năm 2017; bình quân tiêu chí/xã đạt trên 16 tiêu chí.
Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã "Nông thôn mới kiểu mẫu" tỉnh Thái Nguyên tính đến đầu tháng 5/2018 như sau:
Hiện nay toàn tỉnh có 139 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (không bao gồm 4 đơn vị đã lên phường, thị trấn). Trong đó 64 xã đạt 19/19 tiêu chí chuẩn Nông thôn mới. Còn lại 75 xã, kết quả như sau: có 7 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; có 59 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; có 9 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí. Bình quân đạt 15,2 tiêu chí đạt trên 01 xã. Trong số các tiêu chí nông thôn mới, tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm mới đạt rất thấp. Trong tổng số 139 xã mới có 69 xã đạt, chiếm 49,6% số xã, trong đó, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 mới chỉ có 5 xã đạt tiêu chí này còn lại 70 xã (chiếm trên 50%) chưa đạt; các tiêu chí có số xã đạt còn thấp là Giao thông còn 62 xã chưa đạt, chiếm 44,6%; có 3 tiêu chí là Nhà ở dân cư; thu nhập và hội nghèo tỷ lệ xã đạt dưới 70%, còn trên 30% là chưa đạt...
Tổng số vốn huy động đầu tư cho nông thôn mới tính từ đầu năm đến đầu tháng 5/2018 là 2.453 tỷ đồng, bằng 30,3% kế hoạch huy động vốn đề ra, trong đó vốn Ngân sách trung ương kế hoạch đã giao là 163 tỷ đồng (đạt 100%); vốn tín dụng là 2.195 tỷ đồng (chiếm 90% tổng số), bằng 33,8% kế hoạch huy động cả năm. Tuy nhiên hiện nay tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn rất chậm, đạt thấp so với kế hoạch đã giao.
III. Sản xuất công nghiệp
Sáu tháng đầu năm 2018 tình hình tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp truyền thống của tỉnh như: may mặc, sản xuất thép và giấy tương đối tốt; trong khi đó tiêu thụ các sản phẩm như: xi măng, clanhke và kim loại màu đạt thấp hơn nên tồn kho lớn. Riêng sản phẩm điện tử, viễn thông chỉ số tiêu thụ tiêu thụ tăng cao (trên 15%) ở nhóm sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng/1 sản phẩm trở lên, đã tác động và đóng góp lớn vào mức tăng sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Dự ước, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 290,25 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ và bằng 45% kế hoạch cả năm (tương đương với mức so kế hoạch cùng kỳ). Trong đó, công nghiệp địa phương 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ và bằng 45,1% kế hoạch cả năm; công nghiệp Nhà nước Trung ương 9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ và bằng 51,3% kế hoạch cả năm; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 270,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ và bằng 44,8% kế hoạch cả năm.
Trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước đạt 288 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 99,2%), tăng 12,7% so với cùng kỳ; ngành sản xuất, phân phối điện 1.422 tỷ đồng, tăng 19,3%; ngành công nghiệp khai khoáng 594 tỷ đồng, tăng 12,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 198,8 tỷ đồng, tăng 8,9% cùng kỳ.
Nếu tính riêng khu vực kinh tế trong nước, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng 2018 ước đạt 19,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và bằng 47,7% kế hoạch cả năm. Qua nghiên cứu cho thấy từ năm 2014 trở lại đây (từ khi có trên địa bàn tỉnh có sản xuất công nghiệp điện tử) đã tác động, tạo môi trường tốt thúc đẩy sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn trong nước phát triển tốt, giá trị sản xuất công nghiệp 4 năm qua đều duy trì mức tăng trên 12% so với cùng kỳ.
Sản phẩm công nghiệp chủ yếu dự ước sản xuất 6 tháng đầu năm 2018, nhóm các sản phẩm công nghiệp tăng trên 12% so với cùng kỳ là: thiết bị và dụng cụ khác trong y khoa ước đạt 740 triệu sản phẩm, tăng 72,3%; than sạch khai thác đạt 740 nghìn tấn, tăng 21,8% và bằng 61,7% kế hoạch cả năm; sắt thép các loại đạt 590 nghìn tấn, tăng 21,7% và bằng 42,1% kế hoạch; sản phẩm may đạt 32,1 triệu sản phẩm, tăng 15,1% và bằng 52,6% kế hoạch; đồng tinh quặng (Cu>20%) đạt 21,4 nghìn tấn, tăng 17,6%; đá khai thác đạt 1.150 nghìn m3, tăng 17,3%; điện sản xuất đạt 885 triệu Kwh, tăng 12,5%... Nhóm sản phẩm dự ước sản lượng tăng dưới 12% hoặc giảm so cùng kỳ là: nước máy thương phẩm đạt 16,8 triệu m3, tăng 7% và bằng 48,7% kế hoạch; điện thương phẩm (phân phối điện) 2.200 triệu Kwh, tăng 6,7%, bằng 44% kế hoạch cả năm; xi măng 1.090 nghìn tấn, giảm 4% và bằng 49,5% kế hoạch; Vonfram và sản phẩm của vonfram 9,7 nghìn tấn, giảm 10,2%...
Riêng nhóm sản phẩm điện thoại và máy tính bảng, năm 2018 doanh nghiệp thay đổi cơ cấu chủng loại sản phẩm theo hướng giảm sản lượng các sản phẩm có giá trị thấp và nâng cao sản lượng các sản phẩm có giá trị cao. Ước tính 6 tháng đạt đạt 56,4 triệu sản phẩm, giảm 3,6% so với cùng kỳ và bằng 40,9% kế hoạch; trong đó, máy tính bảng đạt 9,7 triệu sản phẩm, giảm 5,8%; điện thoại thông minh đạt 46,7 triệu sản phẩm, giảm 3,1% cùng kỳ (do giảm 21,1% ở nhóm điện thoại có giá dưới 3 triệu đồng/1 sản phẩm, còn nhóm điện thoại có giá từ 3 triệu đồng/1 sản phẩm trở lên tăng 19,2% cùng kỳ và là nguyên nhân tác động làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Như vậy, mục tiêu 6 tháng cuối năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt 355,4 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 13,3% so với cùng kỳ thì kế hoạch sản xuất công nghiệp 2018 trên địa bàn sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Trong đó, công nghiệp Địa phương phải đạt 13,1 nghìn tỷ đồng, tăng 12% và công nghiệp có vốn Đầu tư nước ngoài phải đạt 334 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8%.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn những tháng cuối năm phải đạt trên 13%.
IV. Đầu tư và xây dựng
1. Đầu tư
Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 25,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư khu vực FDI là 16,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 63% tổng mức đầu tư trên địa bàn), tăng 7,2% so với cùng kỳ; vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước đạt trên 9,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Riêng vốn đầu tư khu vực Ngoài nhà nước ước đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Tính từ đầu năm đến ngày 5/6/2018 trên địa bàn tỉnh có 5 dự án (đều là dự án sản xuất công nghiệp) được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 25,5 triệu USD, so với thời điểm cùng kỳ số dự án đăng ký mới tương đương nhưng vốn đăng ký gấp 5 lần.
Tính đến đầu tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh hiệncó130dự án FDI được cấp phép đăng ký và còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đạt gần7,3tỷ USD (tương đương khoảng166nghìn tỷ đồng).
Đăng ký kinh doanh: Lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 324 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 2,1 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 3.587 người. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 6,5 tỷ đồng. Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm có khoảng 400 doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh; có 61 doanh nghiệp tạm ngừng đã hoạt động trở lại.
Trong tổng số doanh nghiệp đăng ký mới, nếu chia theo lĩnh vực hoạt động, có 117 doanh nghiệp đăng ký hoạt động ngành Thương mại bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 36,1% tổng số doanh nghiệp thành lập mới); 58 doanh nghiệp xây dựng (chiếm 17,9%); 46 doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 14,2%); còn lại các doanh nghiệp thuộc các ngành khác như vận tải, khai khoáng, thu gom rác thải, nông, lâm và thủy sản...
Nếu chia theo các huyện, tập trung nhiều nhất là ở TP Thái Nguyên có 170 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (chiếm 52,5%); TX Phổ Yên có 62 doanh nghiệp mới thành lập (chiếm 19,1%); TP Sông Công có 26 doanh nghiệp (chiếm 8%), còn lại nằm rải rác cở các huyện khác.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong 5 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn có 114 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động; 291 doanh nghiệp đóng mã số thuế.
2. Xây dựng
Giá trị sản xuất xây dựng 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì đạt tốc độ tăng 10,6%); trong đó, khối doanh nghiệp thực hiện 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ, khối hộ dân cư, xây dựng xã phường đạt giá trị xây dựng đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
V. Hoạt động tài chính, ngân hàng
1. Thu, chi ngân sách
* Thu ngân sách nhà nước
Tổng thu Ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng 2018 đạt 5.380,7 tỷ đồng. Thu trong cân đối ngân sách nhà nước đạt 5.367,2 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ và bằng 41% so với dự toán cả năm. Trong đó, thu nội địa đạt 4.219 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ và bằng 42,6% dự toán cả năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt 1.148,4 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và bằng 35,9% dự toán cả năm.
Nguyên nhân chủ yếu thu ngân sách 5 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ là do thu cấp quyền sử dụng đất đạt thấp (chỉ bằng 53% so với cùng kỳ). Do đó, nếu loại trừ thu tiền cấp quyền sử dụng đất thì thu ngân sách trong cân đối 5 tháng 2018 đạt xấp xỉ 5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,25% so với cùng kỳ.
Trong thu nội địa, chỉ có 6/14 khoản thu tăng so với cùng kỳ, trong đó thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.125,6 tỷ đồng, tăng 17,7% và bằng 36% dự toán cả năm; thu lệ phí trước bạ 160 tỷ đồng, tăng 14,8% và bằng 45,7% dự toán năm; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tăng 9,4% so cùng kỳ và bằng 40% dự toán cả năm; thu cấp quyền khai thác khoáng sản tăng 1%, bằng 84,9% dự toán năm; riêng 2 khoản thu đạt cao, gấp hơn 2 lần cùng lỳ là thu từ thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (5,3 tỷ đồng, gấp 2,4 lần và bằng 43,8% dự toán năm) và thu khác ngân sách (96,4 tỷ đồng, gấp 2,2 lần và bằng 58,4% dự toán năm). Có 8/14 khoản thu giảm so cùng kỳ, trong đó các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu đều giảm như: là Thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương giảm 4%; thu từ khu vực dịch vụ ngoài quốc doanh giảm 2,8%; thuế thu nhập cá nhân giảm 3% và đặc biệt là thu tiền cấp quyền sử dụng đất đạt 369,1 tỷ đồng, giảm 46,8% cùng kỳ và bằng 28,4% kế hoạch cả năm; thu tiền cho thuê đất 118,6 tỷ đồng, giảm 41,4% cùng kỳ và bằng 29,7% dự toán cả năm...
Dự ước tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn đạt 6.551,4 tỷ đồng, bằng 50% dự toán cả năm và giảm 2% cùng kỳ; trong đó thu trong cân đối 6.533,4 tỷ đồng, giảm 2,3% cùng kỳ; bao gồm: thu nội địa 5.015 tỷ đồng, bằng 50,6% so với dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.518,4 tỷ đồng bằng 47,4% dự toán cả năm.
* Chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương 5 tháng đầu năm 2018 đạt 3.641,5 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ và bằng 26,3% dự toán cả năm. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương đạt 3.425,3tỷ đồng, tăng 8% cùng kỳ và bằng 28,2% dự toán cả năm. Chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 216,3 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ nhưng mới bằng 12,7% dự toán cả năm.
Trong chi cân đối ngân sách địa phương: chi đầu tư phát triển đạt 771,1 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ và bằng 32,7% dự toán cả năm; chi thường xuyên đạt 2.654,2 tỷ đồng, tăng 5,1% cùng kỳ và bằng 33,7% dự toán cả năm.
Trong tổng chi thường xuyên, có 7/11 khoản chi tăng so với cùng kỳ, chi lớn nhất là cho sự nghiệp giáo dục và dạy nghề đạt 1.065.9 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 40%), tăng 14,7% so với cùng kỳ và bằng 31,8% dự toán cả năm; chi quản lý hành chính đạt 625,4 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 24%), tăng 9,9% so với cùng kỳ và bằng 41,6% dự toán cả năm; chi sự nghiệp và hóa thông tin, thể dục thể thao đạt 47,6 tỷ đồng, tăng 16,5% và bằng 31,8% dự toán năm; chi sự nghiệp phát thanh truyền hình đạt 19,6 tỷ đồng, tăng 47,8% và bằng 23,2% dự toán năm; chi đảm bảo xã hội đạt 151%, tăng 25,9% và bằng 45% dự toán; còn lại 4/11 khoản chi giảm hơn so cùng kỳ đó là chi quốc phòng an ninh đạt 98,5 tỷ đồng, giảm 10%; chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình đạt 287,5 tỷ đồng, giảm 15,7% cùng kỳ và bằng 31,5% dự toán cả năm; chi khác ngân sách đạt 15,3 tỷ đồng, giảm 55,4%; chi sự nghiệp kinh tế giảm 26,2%...
Dự ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm 2018 đạt 4.620,6 tỷ đồng, tăng 1,9% so với cùng kỳ và bằng 33,4% dự toán cả năm. Trong đó, chi cân đối ngân sách địa phương đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 1,4% cùng kỳ và bằng 34,5% dự toán cả năm. Chi chương trình mục tiêu quốc gia đạt 435,6 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ nhưng mới bằng 25,7% dự toán cả năm.
2. Ngân hàng
Tính đến thời điểm đầu tháng 6/2018 trên địa bàn có 29 chi nhánh tổ chức tín dụng, bao gồm 25 chi nhánh ngân hàng cấp I; 03 quỹ tín dụng nhân dân, 01 tổ chức tài chính vi mô (với 10 chi nhánh ngân hàng cấp II; 107 phòng giao dịch).
- Tình hình thực hiện lãi suất: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng đồng Việt Nam tương đối ổn định so với năm 2017. Từ giữa tháng 01/2018, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn đối với khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Lãi suất huy động VNĐ của các Tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với lãi suất huy động tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 4,5-5,3%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; từ 5,3-8%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Về lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên là 6-6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
- Hoạt động huy động vốn: Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (không bao gồm ngân hàng Phát triển) đến 31/5/2018 đạt 49.950 tỷ đồng, tăng 6,54% so với 31/12/2017. Ước đến 30/6/2018 đạt 50.500 tỷ đồng, tăng 7,71% so với 31/12/2017 và tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2017.
- Dư nợ cho vay của các Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (không bao gồm ngân hàng Phát triển) đến 31/5/2018 đạt 48.650 tỷ đồng tăng 5,35% so với 31/12/2017. Ước đến 30/6/2018 dư nợ cho vay đạt 49.100 tỷ đồng, tăng 6,32% so với 31/12/2017 và tăng 16,84% so với cùng kỳ năm 2017. Nợ xấu đến 31/5/2018 là 436 tỷ đồng chiếm 0,9%/tổng dư nợ.
Tính riêng cho vay nông nghiệp, nông thôn: Kết quả dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ đạt 12.659 tỷ đồng với 176.235 khách hàng còn dư nợ, chiếm tỷ trọng 24,14%/tổng dư nợ trên địa bàn. Trong đó, cho vay xây dựng nông thôn mới với doanh số cho vay đạt 2.195 tỷ đồng, doanh số thu nợ 1.919 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.227 tỷ đồng với 139.594 hộ dân, 284 doanh nghiệp và 15 hợp tác xã còn dư nợ.
VI. Thương mại, dịch vụ, giá cả
1. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ phục vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng năm đầu 2018 ước đạt 15.516 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nhà nước ước đạt 1.047 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 14.412 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, kinh tế cá thể đạt 9.007 tỷ đồng (chiếm 58% thị phần bán lẻ), tăng 12,7% so với cùng kỳ, còn lại là khối doanh nghiệp vốn trong nước đạt 5.405 tỷ đồng (chiếm 34,8%), so với cùng kỳ tăng 10,4%; còn lại 1 phần nhỏ là doanh thu dịch vụ lưu trú của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Nếu phân theo ngành kinh tế, nhóm ngành thương nghiệp bán lẻ ước đạt 12.507 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 80,6%), tăng 13% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu ước đạt 1.318 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.668 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ; nhóm du lịch lữ hành chỉ chiếm một phần rất nhỏ (đạt 22,3 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ).
Trong cơ cấu doanh thu bán lẻ, tất cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2018 đều tăng.Nhóm mặt hàng đạt doanh thu bán lẻ lớn nhất là nhóm lương thực, thực phẩm đạt 3.933 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 31,4% doanh thu bán lẻ, tăng 13,7% so với cùng kỳ; tiếp đến nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình đạt 1.435 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 11,5%), tăng 12,5% cùng kỳ; nhóm hàng xăng, dầu các loại ước đạt 1.459 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,7%, tăng 9,4% so với cùng kỳ; nhóm ô tô các loại đạt 1.313 tỷ đồng, tăng 13,8%; nhóm hàng may mặc đạt 994 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước...
2. Xuất nhập khẩu:
* Xuất khẩu:
Tình hình xuất khẩu trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì được tốc độ tăng cao.Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 13,1 tỷ USD (toàn bộ là hình thức xuất khẩu trực tiếp), tăng 11,7% so với cùng kỳ và bằng 52,2% kế hoạch cả năm (cùng kỳ năm trước là bằng 59% kế hoach); trong đó các đơn vị địa phương quản lý xuất khẩu ước đạt 151,1 triệu USD, tăng 19,7% cùng kỳ, bằng 40,4% kế hoạch; doanh nghiệp nhà nước Trung ương xuất khẩu 3,4 triệu USD, tăng 26,7% cùng kỳ; khu vực FDI xuất khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ và bằng 52,4% kế hoạch cả năm.
Mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị lớn là Điện thoại các loại và linh kiện ước tính chung 6 tháng 2018 đạt khoảng 12,7 tỷ USD (chiếm 97,2% tổng giá trị xuất khẩu), tăng 10,8% cùng kỳ (bao gồm điện thoại 44,4 triệu sản phẩm với giá trị ước đạt 8,73 tỷ USD, giảm 2,4% về lượng nhưng tăng 8,1% về giá trị; máy tính bảng ước đạt 9 triệu sản phẩm với giá trị khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 13% về lượng và giảm 4,3% về giá trị; linh kiện điện tử và phụ tùng khác xuất khẩu khoảng 2,66 tỷ USD, tăng 31,6% cùng kỳ); kim loại màu và tinh quặng kim loại màu 124 triệu USD, tăng 18,8% và bằng 68,8% kế hoạch (trong đó Vonfram và sản phẩm Vonfram chiếm khoảng 70% giá trị, còn lại là khoáng Fluorit, Bismuth cement…); sản phẩm may 107 triệu USD, tăng 8,8%; sản phẩm từ sắt thép 26 triệu USD, tăng 0,6% cùng kỳ và bằng 49,9% kế hoạch; giấy và các sản phẩm từ giấy đạt 1,4 triệu USD, giảm 0,4%. Riêng sản phẩm chè do tiêu thụ trong nước giá bán cao và ổn định nên xuất khẩu 6 tháng 2018 đạt thấp, ước đạt 680 tấn với giá trị gần 1 triệu USD, giảm 47% về lượng và mới đạt 13,6% kế hoạch cả năm.
Thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 là thị trường Châu Á với giá trị khoảng 5,7 tỷ USD (chiếm tỷ trọng gần 43,7% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc đạt 1,8 tỷ USD, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất đạt gần 1,6 tỷ USD; tiếp đến là thị trường Châu Âu đạt giá trị 4,7 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 36,3%); thị trường Châu Mỹ đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng số...
* Nhập khẩu:
Giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 136 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ (chủ yếu do phát sinh nhập khẩu sắt thép và thép phế liệu); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 7,3 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 98,1% tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn), tăng 6,3% so với giá trị nhập khẩu cùng kỳ.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu ước tính 6 tháng đầu năm 2018: nguyên liệu và linh kiện điện tử đạt 7,16 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 96,6% tổng giá trị nhập khẩu), tăng 6,8% cùng kỳ; vải các loại 58,1 triệu USD, tăng 7%; chất dẻo (plastic) nguyên liệu 41,8 triệu USD, tăng 54,7%; sắt thép và thép phế liệu sau thời gian dài không nhập khẩu thì từ tháng 4/2018 mới phát sinh, ước đạt 134 nghìn tấn với giá trị đạt 56 triệu USD, gấp 6 lần về lượng, gấp 9 lần về giá trị... Nhóm các mặt hàng có giá trị nhập khẩu giảm so cùng kỳ là: máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng đạt 25,9 triệu USD, giảm 45,2%; nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc đạt 15,4 triệu USD, giảm 55,6%; sản phẩm từ sắt thép đạt 11,9 triệu USD, bằng 29,3% so với cùng kỳ.
Giá trị nhập khẩu trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2018 theo nước và lãnh thổ: phần lớn hàng hóa được nhập khẩu từ thị trường Châu Á với giá trị ước đạt 7,1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 97,3% tổng số và tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó giá trị hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc từ từ Hàn Quốc đạt 3,2 tỷ USD chiếm 44,1%; từ Trung Quốc khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm 36,7% tổng giá trị nhập khẩu.
3. Giá tiêu dùng
Do ảnh hưởng tăng giá của nhóm xăng dầu, nhóm điện, nước, gas và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống nên chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của năm 2018 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có xu hướng tăng dần so với tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm có 4 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng trước với mức tăng bình quân 0,5%/1 tháng và có 1 tháng chỉ số giá giảm so với tháng trước là tháng 3/2018 với mức giảm là 0,26%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,68% so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,61% so bình quân cùng kỳ. Các nhóm tăng giá cao tác động đến mức tăng chỉ số bình quân 5 tháng 2018 là: nhóm giao thông tăng 4,13% (do xăng, dầu diezen tăng 11,4%); nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 3,53% (do vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3,8%; dịch vụ sửa nhà tăng 8,9%; nước sinh hoạt tăng 10,7%; điện và dịch vụ điện tăng 6,8%); nhóm giáo dục tăng 3,25% (do học phí đại học tăng 10,9%); nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,14% (chủ yếu do dịch vụ hiếu, hỷ tăng 7,2%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 6,2%; bảo hiểm y tế tăng 7,4%)… Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,37% bình quân cùng kỳ.
So sánh diễn biến chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng trong 5 tháng đầu năm 2018 so với tháng trước (%) của tỉnh Thái Nguyên với tỉnh lân cận và bình quân chung cả nước:
|
Tháng 1
|
Tháng 2
|
Tháng 3
|
Tháng 4
|
Tháng 5
|
Cả nước
|
100,51
|
100,73
|
99,73
|
100,08
|
100,55
|
Thái Nguyên
|
100,49
|
100,71
|
99,74
|
100,23
|
100,77
|
Bắc Giang
|
100,82
|
100,64
|
99,76
|
100,31
|
100,39
|
Phú Thọ
|
100,91
|
100,6
|
99,53
|
100,24
|
100,62
|
Nhìn chung mức tăng giá tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2018 của tỉnh Thái Nguyên tương đương so với tỉnh lân cận và cao hơn một chút so với bình quân chung cả nước, nguyên nhân chủ yếu do từ tháng 4/2018 đến nay giá thực phẩm trên địa bàn tăng hơn so với bình quân cả nước.
4. Vận tải
- Vận tải hành khách: Trong 6 tháng đầu năm hoạt động vận tải hành khách đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Số lượt hành khách vận chuyển 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 8,8 triệu lượt khách với số lượng hành khách luân chuyển là 498 triệu lượt hành khách.km; so với cùng kỳ tăng 6,8% về số hành khách vận chuyển và tăng 6,6% về số lượt hành khách luân chuyển; toàn bộ hoạt động vận tải hiện nay đều do kinh tế ngoài nhà nước thực hiện. Trong đó, vận tải hành khách bằng đường thủy khoảng 46,8 nghìn lượt hành khách với số lượng luân chuyển là 32,7 nghìn lượt khách.km. Bình quân quãng đường vận chuyển đường thủy là dài khoảng 700 m (vận tải hành khách bằng tàu, thuyền du lịch Hồ Núi Cốc bình quân khoảng 4 Km/1 lượt hành khách; vận tải hành khách đường thủy dân sinh khoảng 300 m/1 lượt hành khách).
- Vận tải hàng hóa: Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động vận tải hàng hóa đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ sẩn xuất kinh doanh trên địa bàn. Khối lượng hàng hóa vận chuyển 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 18,1 triệu tấn với khối lượng hàng hóa luân chuyển trên 740 triệu tấn.km, tăng 6,6% về khối lượng vận chuyển và tăng 6,6% khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu vận tải 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.840 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1.410 tỷ đồng (chiếm 76,6% tổng số), tăng 8,2% so với cùng kỳ; vận tải hành khách ước đạt 339,7 tỷ đồng, tăng 8,4% và doanh thu dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 90,6 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ.
B. MỘT SỐ CHỈ TIÊU VỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư
Do giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu cơ bản biến động không nhiều; sản xuất công nghiệp tăng trên 12%, sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân được mùa; chăn nuôi gia súc gia cầm khởi sắc... bên cạnh đó cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư phát triển, đặc biệt là các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Các chính sách hỗ trợ phát triển được triển khai thực hiện... nên nhìn chung đời sống dân cư ổn định và phát triển.
2. Thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi cho người có công; công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội và chăm sóc trẻ em
Thực hiện chính sách người có công: Thực hiện thủ tục di chuyển đi, đến 49 trường hợp; khai thác hồ sơ chuyển cán bộ chuyên môn: 2.100 hồ sơ; Giải quyết đơn thư: 20 trường hợp; giải quyết chế độ cho 92 trường hợp thân nhân người có công từ trần hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; kiểm tra hồ sơ quyết định giảm và trợ cấp mai táng phí Người có công là 372 trường hợp; Giải quyết trợ cấp một lần cho 71 trường hợp… thực hiện xét tặng, truy tặng đối với 08 hồ sơ đề nghị danh hiệu vinh dự nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó đủ điều kiện là 02 trường hợp; xét đề nghị tặng thưởng Huân chương độc lập đối với 01 gia đình của huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên; khai thác, sưu tầm tư liệu thu thập thông tin về Đại đội 915, Đội thanh niên xung phong Đội 91 Bắc Thái; tổ chức đưa đón 798 người có công với cách mạng đi điều dưỡng...
Các ngành, các địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động cho các đối tượng chính sách xã hội trong các dịp Tết Nguyên Đán; tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi nhân dịp đầu xuân mới; phát động phong trào Tết vì người nghèo… thực hiện việc chuyển quà tặng của Chủ tịch nước, quà tặng của địa phương, các cơ quan, đơn vị nhân dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất cho các đối tượng: Người có công với cách mạng; bảo trợ xã hội; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Kết quả tổ chức các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 theo báo cáo của cơ quan chức năng như sau: Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Trung ương đã ủng hộ, hỗ trợ, trao tặng quà, tiền mặt và hiện vật, trị giá 51.151 triệu đồng, cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, các bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, thăm và tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng gồm 69.747 suất quà, trị giá 22 tỷ đồng (Quà của Chủ tịch nước: 21.730 suất trị giá 4.548,8 triệu đồng; Quà theo Nghị quyết HĐND tỉnh: 19.182 suất trị giá 4.795,5 triệu đồng; Quà của tỉnh: 223 suất trị giá 306,8 triệu đồng; Quà của cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân: 28.612 suất trị giá 12.348,9 triệu đồng); Tặng quà, trợ giúp xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh trị giá 9.639 triệu đồng… Chương trình "Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2018" đã có 142 đơn vị tham gia ủng hộ, hỗ trợ chương trình và đã huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho 36 xã đặc biệt khó khăn 16,6 tỷ đồng; Tặng quà, trợ giúp xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh trị giá 9.639 triệu đồng (Quà của cấp huyện, cấp xã, các tổ chức, cá nhân 16.325 suất trị giá 7.793 triệu đồng; Cứu trợ đột xuất 8.555 nhân khẩu trị giá 1.846 triệu đồng). Quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hoàn cảnh khó khăn: 2.770 suất quà, trị giá 903 triệu đồng…
Thực hiện trợ cấp thường xuyên gần 37.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Các ngành chức năng đã tổ chức Hội nghị Liên ngành thống nhất và đề nghị ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo thiếu hụt dịch vụ xã hội khác (không bị thiếu hụt bảo hiểm y tế) số tiền hỗ trợ ước tính là: 125,68 triệu đồng. Phối hợp và triển khai Chương trình tài trợ phẫu thuật cho hộ nghèo, khó khăn tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Vinmec.
Công tác bảo vệ trẻ em: Các ngành chức năng tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”. Trao học bổng, xe đạp của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, và các nhà tài trợ cho 150 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tiếp nhận thu Quỹ bảo trợ trẻ em cấp tỉnh; thăm, tặng quà các trường mầm non, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 01/6. Phối hợp tổ chức khám sàng lọc trẻ em bị khuyết tật hệ vận động trong toàn tỉnh; triển khai chương trình phẫu thuật dị tật vùng hàm mặt cho trẻ em và người lớn trong toàn tỉnh tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba; hỗ trợ kinh phí xây mới nhà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...
3. Lao động việc làm
Các ngành chức năng phối hợp tổ chức tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thuộc 02 huyện vào làm việc tại các công ty sản suất điện tử viễn thông trên địa bàn, trong đó huyện Phú Lương có 233 người, huyện Đại Từ có 270 người nghèo và người cận nghèo trúng tuyển.
Tổ chức Ngày hội việc làm năm 2018 với 35 đơn vị, doanh nghiệp và các trường nghề trong và ngoài tỉnh tham gia, với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là hơn 30 ngàn người. Trong ngày hội đã diễn ra các hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn học nghề, tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, việc làm, dạy nghề, bảo hiểm thất nghiệp… thu hút được sự tham gia của hơn 2 nghìn lượt người lao động; đã có 1,2 nghìn lao động lao động đăng ký và được các doanh nghiệp tuyển dụng và các trường tuyển sinh đào tạo. Trong đó: Các doanh nghiệp tuyển dụng làm việc trong nước 774 lao động; Các trường tuyển sinh đào tạo nghề 208 học sinh; số lao động đăng ký xuất khẩu lao động 261 1ao động.
Tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn - vệ sinh lao động năm 2018 tỉnh Thái Nguyên. Tại Lễ phát động đã khen thưởng cho 285 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác an toàn - Vệ sinh lao động năm 2017. Ngành chức năng tiếp tục kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về An toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2018.
Thực hiện công tác quản lý các tổ chức, đơn vị có liên quan đến lao động nước ngoài và xuất khẩu lao động; cấp giấy phép lao động cho 92 người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó cấp lại là 51 trường hợp.
4. Giáo dục, đào tạo
Năm học 2017-2018 tỷ lệ huy động trẻ ra lớp: Mẫu giáo đạt 93,4% (trong đó, mẫu giáo 5 tuổi tỷ lệ huy động đạt 100%). Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học và học tại các trường THCS 99,6%. Tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 5,85%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt 99,83%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi chiếm dưới 6%. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi sinh năm 2007 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,33%. Công tác phổ cập giáo dục tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc phổ cập giáo dục các cấp.
Năm học 2017-2018 ngành chức năng tổ chức cho học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Kết quả như sau: Thi học sinh lớp 9 có 490 giải (10 giải nhất; 94 giải nhì; 152 giải ba và 234 giải khuyến khích). Lớp 10 có 1.088 giải (27 giải nhất; 215 giải nhì; 357 giải ba và 489 giải khuyến khích). Lớp 11 có 1.060 giải (giải nhất 26 giải; giải nhì 214 giải; 312 giải ba; 508 giải khuyến khích). Tham gia thi học sinh giỏi đạt giải quốc gia lớp 12 năm 2018 đạt 51 giải (trong đó có 1 giải Nhất, 7 giải nhì, 17 giải ba, 26 giải khuyến khích). Đã tham gia cuộc thi khoa học, kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp cơ sở và cấp tỉnh. Kết quả Cuộc thi cấp tỉnh: Giải Nhất 5 dự án, giải Nhì 12 dự án, giải Ba 21 dự án, giải Khuyến khích 24 dự án; đồng thời tham gia Cuộc thi khoa học, kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc; đoàn Thái Nguyên đạt được 03 giải, trong đó 02 giải ba, 01 giải tư.
Kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Thực hiện đề án xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2016-2020, tính đến thời điểm 05/6/2018, toàn tỉnh có 549/679 trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 81 % (về trước 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh giao); Trong đó: Mầm non có 181/230 trường đạt tỷ lệ 78,7%; Tiểu học: 219/ 228 trường đạt tỷ lệ 96,05%; THCS có 133/189 trường đạt tỷ lệ 70%; THPT có 16/32 trường đạt tỷ lệ 50%. Có 21 trường Mầm non, 31 trường Tiểu học đạt chuẩn Mức độ 2, chiếm tỷ lệ 13,03% số trường Mầm non và Tiểu học đạt chuẩn.
Công tác tuyển sinh vào lớp 10 và tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019, toàn tỉnh tổ chức 29 Hội đồng coi thi. Số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 đại trà và lớp 10 chuyên năm 2018-2019 là 15.219 thí sinh, tăng 18% so với năm học 2017-2018 (12.905 thí sinh). Riêng đối với Trường THPT Chuyên Thái Nguyên có 1.078 thí sinh đăng ký dự thi (+274 thí sinh). Hình thức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 vẫn là thi tuyển kết hợp với xét tuyển điểm học lực THCS.
Tình hình đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm 2018: Toàn tỉnh có 14.505 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng 9,6% (năm 2017 có 13.225 thí sinh). Có 31 điểm thi do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì với 1.262 cán bộ coi thi; cán bộ giám sát 124 người. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được triển khai theo đúng kế hoạch.
6. Công tác y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh
Công tác phòng chống dịch và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được duy trì triển khai; 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn toàn tỉnh trong không có dịch bệnh lớn xảy ra, số ca mắc bệnh dịch thấp hơn cùng kỳ. Tính chung từ đầu năm đến đầu tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh có 157 ca mắc bệnh Quai bị, giảm 147 ca so cùng kỳ năm 2017; có 03 Sốt phát ban dạng sởi/rubella, giảm 4 ca; Chân tay miệng là 28 ca, tăng 13 ca; Sốt xuất huyết là 04 ca, giảm 01ca; Ho gà không ghi nhận ca mắc mới, giảm so với cùng kỳ năm 2017 (03 ca)… Có 01 ca tử vong do bệnh dại (cùng kỳ năm 2017 là 2 ca). Trong 4 tháng đầu năm 2018 đã có 3.500 người phải tiêm vắc xin/huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại, tăng 9,5% cùng kỳ.
- Công tác An toàn vệ sinh thực phẩm: Trong 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ với 15 người mắc, không có tử vong. Cuối tháng 5/2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn (2 ca tại huyện Định Hóa, 01 ca tại huyện Đồng Hỷ), trong đó có 2 ca đã tử vong (cùng kỳ năm 2017 không xuất hiện ca bệnh này). Ngành chức năng đã có báo cáo và thành lập 02 đoàn điều tra xử lý ổ dịch tại huyện Định Hóa và huyện Đồng Hỷ, thực hiện khoanh vùng ổ dịch, tiêu trùng khử độc, xử lý triệt để ổ dịch đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn biết cách phòng bệnh.
- Chương trình tiêm chủng mở rộng: Hoạt động triển khai tiêm chủng tại các huyện, thành, thị được duy trì thường xuyên, công tác tiêm chủng mở rộng cơ bản an toàn, việc dự trù, bảo quản, sử dụng vắc xin đảm bảo theo quy định.
- Công tác khám chữa bệnh: Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện quy chế chuyên môn tại các bệnh viện, trạm y tế được duy trì và quan tâm đối với khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi. Chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tiếp tục được nâng lên; tinh thần thái độ phục vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế được coi trọng; Công tác tuyên truyền về Luật bảo hiểm y tế, giá dịch vụ, công khai minh bạch về chất lượng dịch vụ y tế được triển khai thường xuyên; trong 6 tháng đầu năm 2018, không để xảy ra sai sót lớn về chuyên môn.
Tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng trong việc phát triển y tế chuyên sâu và ứng dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai tại Bệnh viện A Thái Nguyên từ tháng 3/2016 với sự hỗ trợ về kỹ thuật của các chuyên gia bệnh viện và trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Trung ương. Sau hơn hai năm triển khai, đến ngày 28/3/2018 đã có 100 em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đánh dấu bước tiến lớn của Thái Nguyên trong phát triển y tế chuyên sâu. Đến nay đội ngũ các y bác sỹ của tỉnh đã làm chủ hoàn toàn được kỹ thuật này, đã khám sàng lọc cho trên 10 nghìn người hiếm muộn và trên 400 bệnh nhân được thực hiện chu kỳ chuyển phôi, tỷ lệ chuyển phôi thành công trên 50%, thuộc nhóm dẫn đầu trong các trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước.
Ngành chức năng đã triển khai thí điểm phần mềm Bệnh án điện tử tại các cơ sở điều trị và các cơ sở cấp phát thuốc Methadone trong toàn tỉnh bước đầu thực hiện có hiệu quả.
- Công tác quản lý hành nghề y dược: Tiếp tục thực hiện cấp Chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Cấp chứng chỉ hành nghề dược và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, đánh giá “thực hành tốt” tại các cơ sở kinh doanh dược theo quy định.
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Ngành chức năng tiếp tục thực hiện có hiệu quả; bước đầu thí điểm phần mềm Bệnh án điện tử tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone trong toàn tỉnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị đến ngày 30/5/2018 là: 2.333 bệnh nhân.
Tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh: Tính đến 30/4/2018 Số người nhiễm HIV mới phát hiện trong năm là 47 người, tăng so với cùng kỳ năm 2017 (32 người), lũy tích là 9.733; Trong đó chuyển giai đoạn AIDS 09 người, giảm 01 người so với cùng kỳ năm 2017, lũy tích chuyển giai đoạn AIDS là: 6.717; Số tử vong do HIV/AIDS là 4 người giảm 02 người so với cùng kỳ năm 2017; lũy tích tử vong: 3.436; Số người còn sống 6.297.
- Công tác dân số: Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện giai đoạn 2 của Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản (2011-2020). Ngành chức năng triển khai công tác truyền thông về công tác dân số, KHHGĐ. Tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn phổ biến nội dung các văn bản về công tác DS-KHHGĐ và Tổ chức ký cam kết thực hiện công tác DS-KHHGĐ đến năm 2020 trên địa bàn, nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và giảm chỉ tiêu sinh con thứ 3 trở lên.
Dự ước 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 7.510 trẻ mới sinh, giảm 321 trẻ so với 6 tháng đầu năm 2017; số trẻ nam là 3.896, số trẻ nữ là 3.614. Tỷ số giới tính khi sinh ra nam/nữ là 108/100. Trong tổng số trẻ sinh ra có 628 trẻ mới sinh là con thứ 3 trở lên (tăng 43 trẻ so với cùng kỳ), chiếm 8% tổng số trẻ sinh ra. Có 7/9 địa phương có số trẻ sinh là con thứ 3 trở lên tăng hơn so với cùng kỳ năm 2017 là: TP Thái Nguyên, TP Sông Công tăng 9 trẻ; huyện Định Hóa, Đồng Hỷ tăng 4 trẻ; huyện Phú Lương tăng 5 trẻ và huyện Phú Bình có 124 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên (chiếm 20% tổng số trẻ sinh là là con thứ 3 trở lên), tăng nhiều nhất so các huyện khác, tăng 18 trẻ.
7. Văn hoá, thể thao, thông tin tuyên truyền
Trong 6 tháng đầu năm 2018 ngành chức năng và các địa phương đã tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật và thực hiện công tác tuyên truyền chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của tỉnh như: 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 64 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Quốc tế lao động 1/5; triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018), Tham gia Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc; tổ chức Ngày chạy Olympic “Vì sức khoẻ toàn dân”; tổ chức Hội thảo khoa học “Đại đội 915 anh hùng - chiến công và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”; tham gia Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng; các hoạt động thể thao mừng Đảng, mừng Xuân... đồng thời ngành chức năng đã tổ chức Lễ khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2018 với chủ đề “Trải nghiệm du lịch bền vững văn hóa, lịch sử - sinh thái Thái Nguyên”; triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phục vụ Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Hoạt động bảo tồn, bảo tàng và phát huy các giá trị di sản văn hoá: Hoàn thiện nội dung Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh; tổ chức Hội thảo khoa học Đại đội 915 anh hùng; tiếp tục thực hiện việc khảo sát, sưu tầm khai thác thông tin tư liệu, hiện vật về thanh niên xung phong tỉnh Bắc Thái (Đại đội 915). Tổ chức 02 cuộc triển lãm với chủ đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”, “Trưng bày và giới thiệu về tỉnh Thái Nguyên” tại Không gian văn hóa Trà Tân Cương phục vụ chương trình gặp mặt, chúc tết người Thái Nguyên ở nước ngoài về quê hương. Phối hợp tổ chức nghiên cứu chỉnh lý sau khai quật di chỉ mái đá Ngườm (xã Thần Sa, huyện Võ Nhai); sưu tầm 181 hiện vật (đợt I). Phối hợp tổ chức lễ hội "Hương sắc Trà xuân - Vùng chè đặc sản Tân Cương”; đón tiếp 6.500 lượt khách tham quan (trong đó có 446 lượt khách nước ngoài).
Hoạt động chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật: Thực hiện 502 buổi chiếu phim (13 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, 489 buổi phục vụ các xã vùng khó khăn, đối tượng chính sách), phục vụ 21.570 lượt người xem. Tổ chức 50 buổi biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối tượng chính sách, doanh thu; chuẩn bị chương trình tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
Công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm: Trong 6 tháng đầu năm 2018, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra 32 lượt cơ sở hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch (08 lễ hội, 03 buổi biểu diễn nghệ thuật; việc thực hiện quảng cáo của 20 tổ chức, cá nhân; 01 doanh nghiệp lữ hành); xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước 04 triệu đồng. Phối hợp với Trung ương kiểm tra 02 cơ sở kinh doanh karaoke. Tại các địa phương đã tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá, du lịch. Công tác kiểm tra góp phần chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm, đưa các cơ sở kinh doanh hoạt động theo đúng quy định.
8. Tình hình trật tự, an toàn xã hội và thiệt hại do thiên tai:
- Tình hình an toàn giao thông: Ngành chức năng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ hóa các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt, đường thủy được đảm bảo, không xảy ra tai nạn. Trên đường bộ, tai nạn giao thông đã giảm đồng thời cả 3 chỉ số. Năm tháng đầu năm trên địa bàn đã xảy ra 58 vụ tai nạn giao thông, làm chết 23 người và bị thương 48 người. So với cùng kỳ năm 2017, số vụ tai nạn giao thông giảm 10 vụ
(-14,71%); số người chết giảm 8 người (-25,81%); số người bị thương giảm 3 người (-5,88%). Trong đó, thành phố Thái Nguyên xảy ra 30 vụ (chiếm 51,7% tổng số) làm cho 4 người chết và 31 người bị thương (giảm 2 vụ, giảm 3 người chết và người bị thương tăng 4 người); huyện Phú Lương xảy ra 6 vụ, có 2 người chết và 3 người bị thương (giảm 2 người chết và giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ); thị xã Phổ Yên xảy ra 6 vụ, làm chết 5 người và bị thương 2 người (giảm 2 vụ, tăng 1 người chết và tăng 1 người bị thương); TP Sông Công xảy ra 4 vụ tại nạn, 1 người chết và 3 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 3 người chết)…
- Phòng chống cháy nổ: Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra phòng cháy, chữa cháy tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh; qua kiểm tra đã nhắc nhở những thiếu sót trong phòng cháy chữa cháy và lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế các vụ cháy, nổ xảy ra. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính chung 6 tháng, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 62 vụ cháy, không có thiệt hại về người. Ước tính giá trị tài sản thiệt hại khoảng 23,78 tỷ đồng.
- Thiệt hại do thiên tai: Trong tháng 5 và đầu tháng 6/2018 trên địa bàn xảy ra 5 đợt mưa, sấm sét, kèm gió lốc, làm tốc mái và hư hại tài sản của người dân. Thiệt hại về người: có 3 người chết (ở Đại Từ; TP Sông Công và Định Hóa), trong đó có 02 người bị sét đánh chết; có 2 người bị thương (Định Hóa). Thiệt hại về tài sản: Theo thống kê sơ bộ có 01 nhà bị đổ, 197 nhà bị tốc mái (huyện Phú Lương 19 nhà, huyện Định Hóa 38 nhà, huyện Đại Từ 11 nhà, Võ Nhai 129 nhà); đổ sập 1.800 m2 giàn leo trồng cây rau màu huyện Đại Từ, 400 m2 nhà lưới trồng rau an toàn, 02 ha rừng trồng keo; khoảng 100 ha lúa và 70 ha hoa màu bị ảnh hưởng; thiệt hại 60 con gia súc gia cầm; 15 ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại; làm hư hỏng 260m đường giao thông; 150m đê bị nứt vỡ... Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 2,65 tỷ đồng đồng./.
Website Cục thống kê tỉnh Thái Nguyên