Tiếp theo Hội thảo tham vấn lần thứ nhất tổ chức ngày 19/12/2013 tại Hà Nội, Hội thảo tham vấn lần này đã có sự tham dự của nhiều chuyên gia của các Bộ, ngành Trung ương như Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, v.v… và các chuyên gia từ các địa phương như An Giang, Thừa Thiên – Huế, Hà Nam, v.v… Các chuyên gia tham dự Hội thảo lần này là các cán bộ tham gia trực tiếp và chuyên sâu về mặt kỹ thuật nghiệp vụ liên quan đến quản lý đầu tư công.
Mục tiêu chính của Hội thảo lần này là thu thập các ý kiến và bình luận liên quan đến góc độ kỹ thuật từ các bên tham gia dự án đầu tư công nhằm hoàn thiện quá trình quản lý dự án đầu tư công, đặc biệt chú trọng đến tính hợp ý và khả năng ứng dụng của hệ thống tiêu chí và chỉ số theo dõi, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư công.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Văn Vịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ đã đánh giá cao sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành và địa phương. Với sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn ADB và các chuyên gia Việt Nam, hy vọng các cơ quản quản lý nhà nước sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng, sâu sắc. Đây là bước đi đầu tiên nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả và hiệu lực của các chương trình, dự án đầu tư công tại Việt Nam, ông Vịnh nhấn mạnh.
|
Ông Ramesh Adhikari, tư vấn quốc tế của ADB.
|
Ông Ramesh Adhikari, tư vấn quốc tế của ADB đã chia sẻ những vấn đề do nhóm tư vấn quốc tế nghiên cứu về chương trình đầu tư công khuyến nghị về các biện pháp khả thi nhằm cải thiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá chương trình đầu tư công để tăng cường hiệu quả và hiệu lực của đầu tư công.
Một số vấn đề được báo cáo và chia sẻ tại Hội thảo:
1. Cải thiện công tác lập kế hoạch chương trình đầu tư công: Quy trình lập kế hoạch chưa định hướng theo kết quả và chưa gắn với ngân sách;
2. Cải thiện công tác chuẩn bị chương trình, dự án đầu tư công: Xác định dự án chưa khoa học và khâu chuẩn bị dự án còn yếu. Chất lượng của chương trình đầu tư công không đồng đều và thường yếu kém, do thiếu quy định, hướng dẫn, kỹ năng của đội ngũ cán bộ và thiếu kinh phí;
3. Cải thiện công tác thẩm định chương trình, dự án đầu tư công: Chủ yếu chú trọng đến việc tuân thủ pháp luật và ít quan tâm đánh giá tính khả thi, định hướng kết quả, rủi ro và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư công; Chưa làm tốt vài trò “người kiểm tra” và đảm bảo chất lượng ngay từ khâu đầu;
4. Cải thiện công tác theo dõi thực hiện đầu tư công: Chủ yếu tập trung vào tiến độ thực hiện, ít quan tâm đến những tiến triển trong việc đạt kết quả và tác động. Yếu kém về quy trình, kỹ thuật và hệ thống cơ sở dữ liệu;
5. Tăng cường công tác đánh giá đầu tư công: Cách làm hiện nay không phù hợp do thiếu các tiêu chí đánh giá được định nghĩa rõ ràng, thiếu quy trình đánh giá và cơ chế phản hồi;
6. Cải thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu: Quản lý hiện nay thủ công, thiếu tổ chức và chưa được cập nhật thông tin thường xuyên;
7. Lồng ghép hệ thống theo dõi đánh giá chương trình đầu tư công vào khung kết quả và theo dõi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: Chưa có quy định nào về khung kết quả ở bất cứ cấp quản lý nào.
Các chuyên gia tại Hội thảo đã có cách nhìn nhận thống nhất về việc hệ thống quản lý chương trình đầu tư công cần được cải thiện bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Các khía cạnh chính cần được cải thiện đó là hệ thống theo dõi đánh giá truyền thống cần thay thế bằng hệ thống theo dõi đánh giá theo kết quả; Tiêu chí, chỉ số đánh giá được thể hiện rõ ràng để cải thiện công tác, lựa chọn, thẩm định, đánh giá chương trình đầu tư công; Xây dựng hệ thống đánh giá cho điểm và xếp hạng kết quả thực hiện chương trình dự án đầu tư công.
Hội thảo đã thống nhất cao việc chuyển các kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư cũng như Chính phủ và Quốc hội để làm cơ sở tham vấn trong quá trình xây dựng chính sách về đầu tư công và đặc biệt trong việc xây dựng Luật Đầu tư công trong thời gian tới./.