Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/08/2018-17:38:00 PM
Hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được giao tại Điều 25 của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Thông tư hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, thay thế Thông tư liên tịch số 04/2014/TTTL-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV. Dự thảo Thông tư đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

Từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị sản xuất kinh doanh

Dự thảo Thông tư được nghiên cứu trên cơ sở kế thừa các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV, điều chỉnh, khắc phục các quy định vướng mắc, chưa phù hợp nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện giai đoạn 2014 - 2017. Đồng thời, cập nhật, bổ sung các nội dung, phương pháp đào tạo theo định hướng mới quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP và Luật Hỗ trợ DNNVV nhằm đáp ứng yêu cầu của DNNVV trong tình hình mới.

Theo dự thảo Tờ trình về việc xây dựng Thông tư, trong giai đoạn 3 năm 2014 - 2017, Chính phủ đã bố trí khoảng 97,1 tỷ đồng từ nguồn NSTW để thực hiện đào tạo cho gần 65.000 lượt cán bộ của DNNVV trên toàn quốc. Căn cứ vào định hướng ngành, lĩnh vực ưu tiên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố từng năm, các Bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp đã thiết kế nội dung giảng dạy và tổ chức các khóa đào tạo về khởi sự và quản trị doanh nghiệp với nhiều nội dung thiết thực, góp phần từng bước nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị sản xuất kinh doanh cho Lãnh đạo và cán bộ của DNNVV. Đặc biệt hưởng ứng chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng quốc gia khởi nghiệp trong các năm gần đây, các bộ ngành, hiệp hội đã phối hợp với các trường đại học, tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh triển khai nhiều khóa đào tạo, tập huấn về khởi nghiệp cho sinh viên, thanh niên có ý tưởng, mong muốn lập nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đó là, định mức kinh phí tổ chức khóa đào tạo thấp chưa phù hợp với yêu cầu thực tế, ảnh hưởng đến chất lượng khóa đào tạo. Khó khăn trong thu học phí của sinh viên, các doanh nghiệp nhỏ ở các địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và các địa phương chưa bố trí hoặc bố trí hạn chế nguồn ngân sách địa phương (NSĐP) cho công tác đào tạo.

Dự thảo lần này đã cải tiến nhiều nội dung, đơn giản hóa thủ tục, làm rõ trách nhiệm các bên, hướng tới mục tiêu cung cấp chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, theo cơ chế thị trường nhằm hỗ trợ các DNNVV cải thiện năng lực quản trị sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết cấu của dự thảo Thông tư bao gồm 4 Chương và 32 Điều. Trong đó, chương I là các quy định chung, chương II quy định về hỗ trợ đào tạo cho DNNVV, chương III quy định về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV và chương IV về tổ chức thực hiện.

Hỗ trợ DNNVV cải thiện năng lực quản trị sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động

Nội dung dự thảo Thông tư tập trung hướng dẫn lập kế hoạch, tổ chức và quản lý thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Trong đó, tiếp tục quy định các hoạt động hỗ trợ đào tạo như quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC, bao gồm hỗ trợ cung cấp các khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, thực hiện quy định tại Điều 5, Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ, dự thảo Thông tư bổ sung, làm rõ các hoạt động về đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, đào tạo trực tuyến, đào tạo trên phương tiện thông tin đại chúng cho DNNVV.

Nguồn kinh phí hỗ trợ gồm nguồn ngân sách nhà nước (Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) và kinh phí xã hội hóa, đóng góp tài trợ của doanh nghiệp, học viên. Nhằm thay đổi nhận thức, khuyến khích các chủ DNNVV tích cực tham gia hơn các khoá đào tạo nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, dự thảo thông tư quy định các mức hỗ trợ kinh phí từ NSNN tùy vào điều kiện phát triển của các địa phương. Cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách trung ương (NSTW) để thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo bao gồm: Hỗ trợ chi phí tổ chức khóa đào tạo quản trị kinh doanh theo địa bàn, hỗ trợ chi phí tổ chức khoá đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và hỗ trợ học phí cho các học viên tham gia khóa đào tạo.

Đối với NSĐP, quy định theo hướng trao quyền tự chủ cho địa phương trong việc quyết định cơ chế kinh phí hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương còn khó khăn trong việc cân đối ngân sách địa phương cho công tác đào tạo cho DNNVV, tại khoản 4 Điều 4, dự thảo Thông tư quy định cơ chế hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ đào tạo cho DNNVV.

Các quy định liên quan đến tổ chức khóa đào tạo cho DNNVV được kết cấu thành 6 mục tương ứng với 6 loại hình đào tạo khác nhau cho DNNVV với những quy định rõ ràng về định nghĩa, phạm vi, đối tượng, nội dung, quy trình và trách nhiệm cụ thể về đào tạo khởi sự kinh doanh, đào tạo quản trị kinh doanh, đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu, đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu theo hình thức Phiếu ưu đãi học phí, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến, đào tạo trực tuyến và đào tạo qua phương tiện thông tin đại chúng.

Hai hình thức để tổ chức đào tạo bao gồm trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo và đấu thầu lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo chuyên nghiệp. Nội dung này được quy định rõ hơn so với quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC nhằm đảm bảo tuân thủ quy định trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng như tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu.

Đối với đơn vị quản lý đào tạo, đơn vị đào tạo, tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo dự thảo Thông tư quy định tách bạch theo từng điều để dễ hiểu, dễ thực hiện. Trong đó, tại mỗi điều đều nêu rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của từng đối tượng.

Về việc đánh giá kết quả học tập và cấp chứng nhận tham gia khóa học, dự thảo Thông tư kế thừa quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC và bổ sung thêm hình thức “thuyết trình” để đánh giá kết quả học tập của học viên và quy định chỉ cấp chứng nhận cho học viên có nhu cầu.

Việc lập, tổng hợp kế hoạch và giao nhiệm vụ đào tạo, công tác lập, tổng hợp kế hoạch và giao nhiệm vụ đào tạo tại dự thảo Thông tư quy định các bộ, ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội lập kế hoạch đào tạo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo chung của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Tài chính để tổng hợp dự toán NSNN. Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhiệm vụ đào tạo cho các bộ, ngành, tổ chức hiệp hội và các địa phương để tổ chức đào tạo cho DNNVV. Đối với NSĐP, UBND tỉnh quyết định giao kế hoạch và kinh phí đào tạo trên cơ sở cân đối ngân sách của địa phương.

Song song với việc nghiên cứu dự thảo Thông tư này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, xây dựng Thông tư quy định về định mức hỗ trợ, nguồn kinh phí, quy trình thanh quyết toán kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV./.

Nguyễn Hiền
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3558
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)