(MPI) – Ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Trong những năm qua hoạt động xuất khẩu đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 13,5%/năm. Xuất siêu được duy trì trong cả hai năm 2016 và 2017. Đặc biệt, xuất khẩu năm 2017 đạt thành tích cao cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế, phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, công tác hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu đã đem lại những kết quả tích cực. Tính cả năm 2017, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cả nước đạt 428,13 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 215,12 tỷ USD, nhập khẩu là 213,01 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với việc thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt một số mục tiêu, yêu cầu đối với sản xuất, xuất khẩu. Mục tiêu sản xuất gắn với nhu cầu và tín hiệu thị trường, cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, xác định các sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, hướng tới phát triển xuất khẩu bền vững, khắc phục đầu tư tràn lan, theo phong trào, làm giảm hiệu quả của các sản phẩm xuất khẩu.
Để thực hiện tốt những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ và các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các nút thắt đối với hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tạo thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu. Khẩn trương xem xét lại một số quy định đối với sản xuất và nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, chế biến để tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp…
Để tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các thị trường ngoài nước tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời…
Thủ tướng Chính phủ giao Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, công bố thông tin về năng suất lao động chi tiết theo ngành kinh tế cấp 3 hoặc 4 đối với một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển xuất khẩu từ đó, làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng định hướng phát triển sản xuất phù hợp.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn.
Phát triển sản xuất công nghiệp gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh là dệt may, da giầy, điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu và các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, có công nghệ tiên tiến, tạo ra phương thức sản xuất kinh doanh mới mang lại giá trị gia tăng và có cam kết chuyển giao công nghệ trong quá trình thực hiện. Không ưu đãi tràn lan cho các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ mà Việt Nam đã có đủ điều kiện để đầu tư.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì nghiên cứu đổi mới toàn diện công tác xúc tiến thương mại theo hướng tăng tỷ trọng của các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng, giảm tỷ trọng của các hoạt động như tổ chức hội chợ, triển lãm hay tham gia hội chợ, triển lãm, chú trọng các chương trình xúc tiến thương mại trung và dài hạn hướng vào một mặt hàng, một thị trường cho tới khi đạt kết quả cụ thể, chú trọng đào tạo, phổ biến về quy tắc xuất xứ và cách đáp ứng quy tắc xuất xứ để giúp các doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội mở ra từ các FTA, nâng cao hơn nữa tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong các FTA, hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với thương hiệu các hàng hóa đặc trưng thuộc chương trình thương hiệu quốc gia, ưu tiên các hoạt động giới thiệu, quảng bá các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua chương trình Thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm và có nhiều tiềm năng, lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây,...
Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp về thanh toán, tín dụng, đảm bảo nguồn vốn phục vụ xuất khẩu. Phát triển dịch vụ phục vụ xuất khẩu hàng hóa, tăng cường vai trò của các Hiệp hội ngành hàng. Cụ thể, các Hiệp hội ngành hàng phải đẩy mạnh công tác thông tin thị trường cho các hội viên để nâng cao tính chủ động, phòng ngừa rủi ro khi thị trường biến động, đẩy mạnh thông tin tới hội viên về các mô hình quản trị hiện đại, tầm quan trọng của cải tiến mẫu mã và đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm có thương hiệu đối với hoạt động xuất khẩu.
Các Hiệp hội phát huy vai trò trong việc liên kết các hội viên, đại diện để bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của các hội viên trong thương mại quốc tế, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, phối hợp và hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong triển khai tổ chức đào tạo và tiếp nhận, sử dụng lao động sau đào tạo./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư