Các tòa nhà cao tầng tại Panama City. (Nguồn: AFP/TTXVN) Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và vùng Caribe (Cepal) ngày 23/8 dự báo bất chấp những bất ổn bên ngoài, nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe sẽ đạt nhịp độ tăng trưởng 1,5% trong năm 2018, thấp hơn đáng kể so với dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng Tư vừa qua.
Phát biểu trong buổi công bố Báo cáo Nghiên cứu Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe 2018, Thư ký điều hành của Cepal Alicia Bárcena cho hay nhìn chung khu vực Mỹ Latinh và Caribe duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực, mặc dù có một số dấu hiệu chậm lại trong năm 2018.
Bà Barcena nhấn mạnh điều này đòi hỏi nỗ lực gấp bội để kích hoạt tăng trưởng kinh tế mà không rơi vào những điều chỉnh tài chính quá mức.
Cepal đánh giá vẫn tồn tại khác biệt lớn giữa mức tăng trưởng ở các quốc gia khác nhau và các tiểu vùng trong khu vực trong năm 2018, cụ thể khu vực Trung Mỹ được dự báo đạt mức tăng trưởng bình quân 3,4%, Nam Mỹ sẽ là 1,2% và vùng Caribe khoảng 1,7%.
Hai quốc gia dự báo dẫn đầu khu vực về tăng trưởng kinh tế sẽ là Cộng hòa Dominicana và Panama, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng lần lượt 5,4% và 5,2%.
Ngoài ra, năm nước khác cũng có chỉ số tăng trưởng cao trong hoạt động kinh tế là Paraguay (4,4%), Bolivia (4,3%), Antigua và Barbuda (4,2%) và Chile và Honduras (cùng đạt 3,9%).
Báo cáo thường niên của Cepal dự báo hoạt động thu thuế của Mỹ Latinh vẫn sẽ ổn định vào cuối năm 2018.
Mặt khác, mức lạm phát trung bình cũng sẽ nằm trong dự kiến của Cepal, ở mức 6,5% trong tháng Sáu vừa qua, không quá cách biệt so với mức 5,3% trong năm 2017.
Cepal chỉ rõ con số này không bao gồm Venezuela do việc thiếu thông tin chính thức hàng tháng kể từ tháng 12/2015 tới tháng 1/2017.
Thư ký điều hành của Cepal Alicia Bárcena nhận định thách thức mà khu vực Mỹ Latinh và Caribe phải đối mặt hiện nay là cải thiện thành phần ngành của các khoản đầu tư nhằm tăng hiệu suất của các nền kinh tế./.