(MPI) – Ngày 19/9/2018, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo “Công bố kết quả chính thức tổng điều tra kinh tế năm 2017” dưới sự chủ trì của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
|
Toàn cảnh Họp báo. Ảnh: Mai Phương (MPI) |
Xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Theo Báo cáo kết quả chính thức tổng điều tra, tính đến thời điểm 01/7/2017 cả nước có hơn 5,86 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp tăng 13,7% tương đương 0,7 triệu đơn vị và thu hút 26,9 triệu lao động, tăng 18,6% tương đương 4,2 triệu lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng 2,6% về đơn vị, 3,5% về lao động. Tăng thấp hơn giai đoạn 2007 - 2012 tương ứng 5% và 6,7%. Số lượng đơn vị và lao động trong khu vực kinh tế tăng nhanh hơn khu vực hành chính, sự nghiệp thể hiện xu hướng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2017, số đơn vị kinh tế tăng 13,9%, lao động tăng 19,9% so với năm 2012, bình quân mỗi năm số đơn vị kinh tế tăng 2,6%, lao động tăng 3,7%. Số đơn vị hành chính sự nghiệp năm 2017 tăng 2,3% và lao động tăng 11,3% so với năm 2012, bình quân mỗi năm tăng 0,4% về số đơn vị và 2,2% về lao động, trong đó các đơn vị hành chính tăng không đáng kể, chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp (mức tăng tương ứng là 2,4% và 14,7%, bình quân năm tăng tương ứng là 0,5% và 2,8%).
Doanh nghiệp có tốc độ tăng cao nhất cả về số lượng đơn vị và lao động, với gần 517,9 nghìn doanh nghiệp đang tồn tại, tăng 176,3 nghìn doanh nghiệp - tăng 51,6% so với năm 2012.
Đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã) hiện có 13,6 nghìn, giảm 0,1% về số lượng và giảm 15,6% về lao động so với năm 2012. Số lượng các hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm chủ yếu với 51,1%, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 19,5%, dịch vụ chiếm 29,4%. Cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (cơ sở SXKD cá thể) có 5,1 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 11,2% về số lượng cơ sở và 9,5% về lao động so với năm 2012. Bình quân mỗi năm tăng tương ứng 2,1% và 1,8%, thấp hơn so với giai đoạn 2007 - 2012 (4,3% và 3,8%).
Đơn vị hành chính, sự nghiệp phát triển theo hướng tăng nhanh khu vực sự nghiệp. So với năm 2012, số đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng 2,3% và lao động tăng 11,3%. Trong khi, các đơn vị hành chính tăng nhẹ với 0,1% về số lượng và 5,8% về lao động thì các đơn vị sự nghiệp tăng khá hơn với mức tăng 2,4% về số đơn vị và 14,7% về lao động.
Tính đến thời điểm 01/7/2017 số lượng đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 9,9% năm 2012 lên 15,6% năm 2017, số cơ sở có kết nối internet tăng từ 8,7% lên 41,4%, số đơn vị có website tăng từ 1,1% lên 2,7%. Số doanh nghiệp (DN) có kết nối internet tăng lên đáng kể, tăng 5,1% điểm phần trăm so với 2012, với 86,2% doanh nghiệp có máy tính và 85,1% doanh nghiệp có kết nối internet trong tổng số DN (so với 87% và 80% năm 2012). So với năm 2012, số lượng đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng máy tính tăng từ 89% lên 98%, sử dụng internet đạt 95%. Tuy nhiên, mục đích sử dụng internet còn khá đơn giản, chủ yếu để gửi và nhận thư điện tử, tìm kiếm thông tin, học tập nghiên cứu, tỷ lệ cơ sở sử dụng máy tính và internet để điều hành tác nghiệp chỉ đạt 36%, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt 12,6%. Xét theo mức độ cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tuyến qua internet, chỉ có 1,2% tổng số cơ sở ở mức độ 4, trong đó số cơ quan Trung ương đạt mức độ này chiếm 12,8%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện hơn
Về doanh nghiệp và hợp tác xã, doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, tham gia SXKD trong nhiều ngành mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả SXKD. Đến thời điểm 01/01/2017 toàn bộ nền kinh tế có 517,9 nghìn doanh nghiệp, trong đó số DN thực tế đang hoạt động điều tra được là 505,1 nghìn và 12,86 nghìn DN đã đăng ký nhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động SXKD. Theo quy mô DN, cả nước có 10,1 nghìn DN lớn, tăng 29,6% (tăng gần 2,3 nghìn DN) so với thời điểm 01/01/2012, chiếm 1,9%; Số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ có 507,86 nghìn DN, tăng 52,1% so với thời điểm 01/01/2012, chiếm 98,1%; trong đó có gần 8,5 nghìn DN vừa, tăng 23,6%, chiếm 1,6%; Có 114,1 nghìn DN nhỏ, tăng 21,2%, chiếm 22,0% và có 385,3 DN siêu nhỏ, tăng 65,5%, chiếm 74,4%...
Kết quả hoạt động SXKD trong năm 2016 của DN được cải thiện hơn 5 năm trước đây. Mặc dù số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm tỷ lệ thấp (chỉ với 0,5%) nhưng nguồn vốn của khu vực DN này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN, cao hơn nguồn vốn của khu vực DN FDI (chiếm 18,1%), khu vực DN ngoài nhà nước có nguồn vốn chiếm 53,5% nhưng số DN thuộc loại hình này chiếm tới 96,7%. Mặc dù nguồn vốn của khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn song chủ yếu là vốn vay, vốn chủ sở hữu của khu vực DN này chỉ chiếm 23,2%, trong khi vốn chủ sở hữu của khu vực DN ngoài nhà nước là 30,7% và của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 39,6%...
Về chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp theo loại hình kinh tế, giai đoạn 2011-2016 đã thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của Nhà nước, DNNN giảm cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Trong những năm qua, đặc biệt kể từ khi Luật doanh nghiệp ra đời năm 2000, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp FDI phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Nhờ đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ đóng góp cao nhất trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu của khu vực DNNN, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI.
Về chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp theo khu vực kinh tế, công nghiệp và xây dựng tiếp tục thu hút nhiều lao động, tạo ra lợi nhuận và đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước. Khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất về số doanh nghiệp, nguồn vốn và doanh thu, đồng thời là khu vực đang phát triển nhanh hơn các khu vực còn lại. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện có quy mô rất nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của khu vực này và có tỷ lệ đóng góp ngày càng giảm so với khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2011-2016 có xu hướng tích cực xét theo trình độ công nghệ của các doanh nghiệp. Phân chia ngành chế biến, chế tạo thành ba khu vực công nghệ, gồm: Công nghệ cao, công nghệ trung bình và công nghệ thấp (theo chuẩn mực quốc tế), kết quả cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ cao có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong ngành chế biến, chế tạo.
Kết quả Tổng điều tra kinh tế 2017 phản ánh trong năm 2016 có 1.740 doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công hàng hóa với nước ngoài, trong đó có 1.687 doanh nghiệp nhận gia công hàng hóa cho nước ngoài và có 52 doanh nghiệp Việt Nam gửi nguyên liệu ra nước ngoài thuê gia công.
Về gia công hàng hóa cho nước ngoài, tổng điều tra kinh tế 2017, tổ chức thu thập thông tin về hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thuộc một số hoạt động có tỷ lệ gia công cho các đối tác nước ngoài cao gồm: Dệt, may, giầy, dép, điện tử, máy tính và hàng hóa khác…
Về thuê nước ngoài gia công, lắp ráp hàng hóa, trong năm 2016, tổng số phí các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài về thực hiện hoạt động gia công, lắp ráp là 8,2 triệu USD. Trong đó, nhóm hàng điện tử máy tính đạt 6 triệu USD, chiếm 72,5% tổng số phí các doanh nghiệp Việt Nam trả cho đối tác nước ngoài, dệt may 0,5 triệu USD, chiếm 6,3% và nhóm hàng khác 1,7 triệu USD, chiếm 21%.
Tại thời điểm 01/7/2017 cả nước có 13,6 nghìn hợp tác xã (HTX), giảm 0,1% trong đó số HTX hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh nhất tới 20,1% (665 HTX), ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 79 HTX (1,1%). Tuy nhiên, số HTX hoạt động trong khu vực dịch vụ lại tăng mạnh tới 22,2% (726 HTX) so với thời điểm 01/01/2012.
Hiện có 205,1 nghìn lao động trong các HTX, giảm 15,6% (37,8 nghìn lao động) so với thời điểm 01/01/2012. Trong đó, lao động ở các HTX hoạt động trong khu vực công nghiệp và xây dựng giảm tới 30,4% (20,7 nghìn người), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 13,5% (13,9 nghìn người) và khu vực dịch vụ giảm 4,5% (3,3 nghìn người) mặc dù số lượng HTX của khu vực dịch vụ tăng cao nhất.
Cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thu hút 8,7 triệu lao động, tăng 9,5%
Về cơ sở SXKD cá thể phi nông lâm nghiệp và thủy sản, tại thời điểm 01/7/2017 cả nước có hơn 5,1 triệu cơ sở SXKD cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản (cơ sở cá thể), gồm 4,6 triệu cơ sở có địa điểm hoạt động ổn định và 0,6 triệu cơ sở có địa điểm hoạt động không ổn định; tăng 11,2% so với năm 2012 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,4% của năm 2012 so với năm 2007, bình quân mỗi năm tăng 2,2%. Các cơ sở cá thể thu hút 8,7 triệu lao động, tăng 9,5% so với năm 2012, bình quân mỗi năm thời kỳ 2012-2017 lao động tăng 1,8%.
Cơ sở SXKD cá thể chiếm tới 87,8% về số lượng nhưng chỉ chiếm 32,3% về lao động trong toàn bộ các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp. Các cơ sở SXKD cá thể phát triển nhanh ở khu vực dịch vụ với số lượng cơ sở của khu vực này chiếm tới 76,7%, tăng 16,6% so với năm 2012, là khu vực có mức tăng cao nhất.
Theo tình trạng đăng ký kinh doanh (ĐKKD), tỷ trọng các cơ sở đã có giấy chứng nhận ĐKKD chiếm 25,9%, các cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chiếm 58,6%, còn lại là các cơ sở đã đăng ký nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận ĐKKD và không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của nhà nước…
Kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017: Phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước
Tại buổi Họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng điều tra kinh tế năm 2017 được thực hiện theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đây là Tổng điều tra kinh tế lần thứ 05. Mục tiêu nhằm thu thập thông tin đánh giá sự phát triển về số lượng và lao động của các đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp, đánh giá kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ cấu và sự phân bổ của các cơ sở, của lao động theo địa phương, ngành kinh tế, hình thức sở hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương và nhu cầu thông tin của xã hội. Kết quả từ cuộc Tổng điều tra được sử dụng để biên soạn chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời bổ sung số liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, dàn mẫu tổng thể về cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong thời kỳ tiếp theo của ngành Thống kê, các bộ, ngành và địa phương.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, kết quả của Tổng điều tra kinh tế năm 2017 phác họa đầy đủ sự biến động, phân bố các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, số lượng lao động, cơ cấu ngành, vùng của nền kinh tế, đóng góp của từng ngành kinh tế cho sự phát triển của cả nước, từng địa phương qua 5 năm, làm cơ sở cho các ngành, các cấp rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin... để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Kết quả Tổng điều tra cho thấy trong 5 năm qua các đơn vị kinh tế, hành chính sự nghiệp tiếp tục phát triển. Bên cạnh những xu hướng tích cực về đổi mới cơ cấu ngành và vùng kinh tế, thực trạng hoạt động cũng thể hiện những khó khăn, thách thức của nền kinh tế./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư