(MPI) – Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong quý III/2018, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã khẩn trương triển khai rà soát, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh.
|
Ảnh minh họa: Nguồn MPI |
Để đôn đốc các Bộ, ngành hoàn thành đúng hạn việc trình ban hành các văn bản về cắt giảm, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành trước ngày 15/8/2018 hoàn thành việc trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án đơn giản hóađiều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quytrình, thủ tục rút gọn.
Thực hiện nhiệm vụ này, hầu hết các Bộ trình dự thảo Nghị định về cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh đúng hạn. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Như vậy, cho đến nay mới có 02 Nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được ban hành gồm Nghị định 08/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Công thương và Nghị định 100/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng với 858 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu.
Theo báo cáo của các Bộ thì hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề cần tiếp tục thảo luận. Bên cạnh đó, rà soát sơ bộ cũng cho thấy các Dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định về điều kiện kinh doanh không bổ sung thêm các điều kiện kinh doanh mới, nhưng với các Dự thảo Nghị định sửa đổi riêng từng Nghị định thì có bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.
Trong quý III/2018, tình hình và kết quả cải cách quy định về thủ tục hải quan và quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu ít có sự biến chuyển. Một số văn bản liên quan tới quản lý chuyên ngành được ban hành trong năm 2018 vừa mới có hiệu lực thi hành không lâu nên cũng chưa thể hiện kết quả cụ thể. Kết quả rõ ràng được ghi nhận trong quý III/2018 là Thông tư 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Bộ bãi bỏ và đơn giản hóa 38/74 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; bãi bỏ 6 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 11 thủ tục. Trong khi đó, hầu hết các Bộ đang thực hiện ở giai đoạn đề xuất phương án, chưa hiện thực hóa bằng việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, kết quả cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn thấp so với yêu cầu của Chính phủ.
Ngoài ra, Nghị quyết 19 yêu cầu 12 Bộ báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành, trong đó có nội dung cắt giảm 50% danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành.
Cải cách các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành mới chỉ đạt kết quả bước đầu ở một số Bộ trong một số lĩnh vực như y tế, xây dựng, tài nguyên và môi trường, song vẫn còn quá ít so với yêu cầu, và mức độ vào cuộc của các Bộ vẫn còn khác biệt. Những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn,… vẫn đang gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 31/8/2018, đã có 11 Bộ, ngành tham gia kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 68 thủ tục hành chính. Như vậy, trong quý III, đã có thêm 11 thủ tục được kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia. Theo kế hoạch đăng ký kết nối của các Bộ thì đến hết năm 2018 là 270 thủ tục và đến hết năm 2019 là 284 thủ tục. Như vậy, số lượng thủ tục đã kết nối rất thấp so với kế hoạch kết nối mà các Bộ đã cam kết (mới 25% so với kế hoạch kết nối đến hết năm 2018 và gần 24% so với kế hoạch kết nối đến hết năm 2019). Ngoài ra, còn nhiều thủ tục các Bộ chưa có kế hoạch kết nối, nên nếu so với tổng số lượng thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành của các Bộ, thì tỷ lệ kết nối còn thấp hơn nhiều. Có thể nói, đa số các Bộ chưa tích cực, chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Để thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện các Nghị quyết 19, coi đây là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu các Bộ, ngành rà soát toàn bộ các Luật về điều kiện kinh doanh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý cụ thể để bãi bỏ, sửa đổi các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả các dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4.
Các Bộ theo nhiệm vụ được phân công tiếp tục theo sát việc thẩm định, lấy ý kiến thành viên Chính phủ về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, kịp thời hoàn thiện để đảm bảo thời hạn về ban hành các Nghị định trước 31/10/2018.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Nghị quyết 19. Hoàn thành rà soát, đề xuất cắt giảm 50% Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành; đảm bảo sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vào trong năm 2018. Thực hiện kết nối bắt buộc tất cả các thủ tục hành chính đã đăng ký qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Báo cáo đầy đủ về việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp về quản lý chuyên ngành về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có nhiệm vụ cắt giảm 50% Danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư