Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/10/2018-17:08:00 PM
Công bố Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp
(MPI) - Ngày 13/10/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức họp báo công bố Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: TTXVN

560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm ngày 01/7/2018, cả nước có 702.710 doanh nghiệp đang tồn tại thuộc diện quản lý thuế của Tổng cục Thuế, đây là những doanh nghiệp nằm trong danh sách quản lý của Tổng cục Thuế có mã số thuế, không tính những doanh nghiệp giải thể, doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, nhà thầu phụ, chi nhánh. Trong số đó, có 674.759 doanh nghiệp tồn tại có báo cáo tài chính hoặc không có báo cáo tài chính nhưng Tổng cục Thống kê điều tra được; 27.951 doanh nghiệp có trong danh sách quản lý thuế nhưng không có báo cáo tài chính và Tổng cục Thống kê không xác minh được.

Trong tổng số 674.759 doanh nghiệp có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh; có 80.948 doanh nghiệp đang tồn tại nhưng không có kết quả sản xuất kinh doanh (doanh thu bằng không và không phát sinh chi phí sản xuất, chỉ có chi phí để duy trì doanh nghiệp, như: nộp thuế môn bài…); có 33.394 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể.

Tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động (không bao gồm các doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa đi vào hoạt động và các doanh nghiệp ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm ngày 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 doanh nghiệp, tăng 11% so với thời điểm ngày 31/12/2016.

Chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2010-2017

Theo Báo cáo, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm tăng 10,5% số doanh nghiệp, trong đó, khu vực dịch vụ mỗi năm tăng thêm 11,3% số doanh nghiệp, khu vực công nghiệp tăng thêm 8,6% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm 11,4%; khu vực doanh nghiệp nhà nước mỗi năm giảm 3,9% số doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng thêm 10,5% và khu vực FDI tăng thêm 12,2%.

Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 5,9% lao động. Mỗi năm khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút thêm 5,5% lao động, khu vực dịch vụ thu hút thêm 6,9% lao động và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút giảm 0,6% lao động.

Cùng với xu hướng giảm dần về số lượng doanh nghiệp do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại, số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp nhà nước đang giảm dần về số lượng và cơ cấu trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này giảm 4% lao động. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hiện thu hút nhiều lao động nhất, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực này thu hút thêm 5,7% lao động. Khu vực FDI là khu vực đang có tốc độ thu hút lao động tăng nhanh nhất trong ba khu vực, bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này thu hút thêm 11,1% lao động.

Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực doanh nghiệp thu hút thêm 15,4% vốn cho sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực dịch vụ thu hút thêm 15,4% vốn cho sản xuất kinh doanh, khu vực công nghiệp và xây dựng thu hút thêm 15,3% (trong đó, riêng ngành công nghiệp mỗi năm thu hút thêm 16,1%) và khu vực doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản thu hút vốn tăng 19,1%.

Bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp tăng 15,6%. Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu nhưng khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010-2017 cao hơn với mức tăng 17,1%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,6%/năm), khu vực doanh nghiệp dịch vụ tăng bình quân 14,3%/năm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng bình quân thấp nhất với 12,2%/năm.

Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2010-2017, doanh thu của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 16,3%...

Khu vực doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế

Hiện nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo sát sao và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khu vực doanh nghiệp nước ta đã phát triển nhanh chóng. Bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7%/năm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để khu vực doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế đồng thời thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng thể chế, cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương nghiên cứu và thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, khẩn trương cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời cũng rà soát các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản doanh nghiệp bảo đảm nhanh và hiệu quả. Với số lượng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, đồng thời, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở cá thể kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật và lâu dài.

Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước bằng thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó tập trung trước mắt vào đầu tư xây dựng hạ tầng góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để chuyển giao công nghệ cho khu vực doanh nghiệp.

Thứ ba, trong tiến trình vận hành rất nhanh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với phương thức sản xuất thay đổi, sản phẩm ngày hôm nay hiện đại được ưa chuộng nhưng 10 năm sau không còn được sử dụng; với hiệu quả của doanh nghiệp công nghệ cao, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm của Cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng, có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, với tầm quan trọng và hiệu quả của doanh nghiệp FDI, trong bối cảnh trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi phương thức và chuyển đổi địa điểm sản xuất trở lại các quốc gia sản sinh ra công nghệ, Chính phủ cần khai thác cơ hội của Cách mạng này, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới, từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ có chiến lược và giải pháp khuyến khích, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp FDI, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI.

Thứ năm, nền kinh tế có đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, Chính phủ cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện 3 khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế; Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017 cùng với những chỉ số đã có giúp cho Chính phủ và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương biết được tình hình phát triển doanh nghiệp của đất nước, địa phương. Việc công bố Bộ chỉ tiêu sẽ đưa ra được bức tranh về tình hình phát triển doanh nghiệp và giúp các địa phương thấy rõ mình đang nằm ở đâu trên bản đồ phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Bộ chỉ số này cũng là cơ sở tốt để Chính phủ, các cơ quan nhà nước, các địa phương tham khảo, nghiên cứu và đề ra chính sách phù hợp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đã có, nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin. Đây là nguồn thông tin chính thức, chính thống của Nhà nước nên phải bảo đảm tính chính xác, xác thực ở mức độ cao nhất. Đồng thời, sớm biên soạn và xuất bản cuốn sách trắng về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 trong quý IV năm 2018.

Đồng thời, đề nghị, các bộ, ngành sử dụng Bộ chỉ số này để phân tích, đánh giá, đối chiếu và rà soát lại các chính sách của mình trong từng ngành, từng lĩnh vực. Đối với các địa phương, trên cơ sở số liệu của Bộ chỉ tiêu cũng phải phân tích, đánh giá thực trạng của doanh nghiệp địa phương mình, tính toán kỹ, có phương án phù hợp thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách các điều kiện kinh doanh một cách thực chất và hiệu quả hơn./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 7245
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)