Với giá thanh toán bình quân 9 tháng đầu năm 2018 khoảng 73,95 USD/thùng, giá dầu thô tăng trên 40% so cùng kỳ năm trước đã tác động làm số thu về dầu thô trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2018 đạt 125,15% so dự toán và tăng 40,39% so cùng kỳ. Việc giá dầu thô tăng trở lại có tác động trực tiếp tới hoạt động khai thác dầu khí trên địa bàn, ảnh hưởng lớn tới số thu ngân sách và tác động lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế. Kinh tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực: Thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2018 đã tăng trên 20% so cùng kỳ và sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng trưởng khá. Cụ thể trên từng lĩnh vực kinh tế - xã hội như sau:
1. Tài chính, ngân hàng
a. Thu ngân sách nhà nước: Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 5.199 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng là 60.129,9 tỷ đồng, đạt 93,63% so với dự toán và tăng 22,33% so với cùng kỳ.
Cụ thể:
- Thu về dầu thô ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 2.500 tỷ đồng, bằng 12,5% so với dự toán, tăng 20,7% so với tháng cùng kỳ năm 2017 trên cơ sở sản lượng ước đạt 439,4 ngàn tấn, giá thanh toán bình quân ước đạt 75 USD/thùng. Lũy kế ước thực hiện 9 tháng đạt 25.005,8 tỷ đồng, tăng 25,15% so với dự toán và tăng 40,39% so với cùng kỳ trên cơ sở sản lượng dầu thô ước đạt 4.447,5 ngàn tấn, giá thanh toán bình quân ước đạt 73,95 USD/thùng.
- Thu Thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 949 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng năm 2018 là 13.650 tỷ đồng, đạt 91,61% so với dự toán và tăng 6,38% so với cùng kỳ. Số thu tăng là do giá dầu thô trung bình trong 8 tháng năm 2018 là 78,59 USD/ thùng, tăng 40,52% so với cùng kỳ năm 2017 (53,03 USD/thùng) và một số mặt hàng có số thu chủ yếu tăng như: Mặt hàng sắt thép, nông sản (bắp hạt, khô dầu, lúa mỳ, ...), xăng dầu nhập khẩu, máy móc thiết bị.
- Thu nội địa không kể dầu ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 1.750 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 21.474,1 tỷ đồng, bằng 73,2% so với dự toán và tăng 16% so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu thu thực hiện đạt và vượt tiến độ dự toán thu 9 tháng giao: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương, Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, Thuế thu nhập cá nhân, Tiền sử dụng đất, Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Tiền thuê đất, Lệ phí trước bạ, Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế.
Trong đó:
+ Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước Trung ương ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 184 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 3.203,7 tỷ đồng, đạt 89,12% dự toán và tăng 29,64% so với cùng kỳ. Khoản thu này tăng cao chủ yếu là do khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm tỷ trọng 46,1% dự toán thu của khu vực) của một số đơn vị có số nộp lớn như: Tổng Công ty Khí , Công ty TNHH Một thành viên Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (thực hiện tại Lô 05.1a)...; khoản thu thuế giá trị gia tăng (chiếm tỷ trọng 44,6% dự toán thu của khu vực) của một số doanh nghiệp lớn của khu vực có số nộp cao, cụ thể: Tổng công ty Khí; Công ty Chuyển nhượng Khí Đông Nam Bộ; Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa; Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng; Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Lô 01 & 02 ....
+ Thuế thu nhập cá nhân ước thực hiện tháng 9 đạt 160 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng năm 2018 là 1.856,6 tỷ đồng, đạt 80,72% so với dự toán và tăng 18,94% so với cùng kỳ.
+ Thu từ xổ số kiến thiết ước tháng 9 đạt 80 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 1.093,8 tỷ đồng, đạt 88,93% so với dự toán và tăng 10,64% so với cùng kỳ do Công ty TNHH Một thành viên Xổ số Kiến thiết tỉnh ước nộp cao hơn so với năm 2017.
+ Thu tiền sử dụng đất ước thực hiện tháng 9 đạt 120 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 935,7 tỷ đồng, vượt 55,95% so với dự toán và tăng 64,59% so với cùng kỳ. Số thu đạt cao do có một số doanh nghiệp có số nộp lớn như: Công ty Đầu tư và Khai thác Hạ tầng Khu Công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ I, Dự án Lọc hóa dầu Long sơn nộp tiền thuê mặt đất một lần cho cả thời gian thuê...
Các chỉ tiêu thu thực hiện không đạt tiến độ dự toán thu 9 tháng giao: Khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực Công thương nghiệp và Dịch vụ ngoài quốc doanh, Thuế bảo vệ môi trường, Phí lệ phí, Thu khác ngân sách và Thu cố định tại xã. Trong đó:
+ Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước địa phương ước thực hiện tháng 9 đạt 25 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 409,9 tỷ đồng, bằng 74,53% so với dự toán và tăng 19,67% so với cùng kỳ.
+ Thu từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước thực hiện tháng 9 là 740 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng là 8.112,9 tỷ đồng, đạt 61,82% so với dự toán và tăng 10,41% so cùng kỳ. Nguyên nhân do một số khoản thu chiếm tỷ trọng lớn của khu vực, ước đạt thấp so với dự toán giao như: Liên doanh Việt - Nga VietsovPetro, Công ty Năng lượng Mê Kông, Hợp đồng dầu khí Lô 06.1...
+ Thu từ khu vực doanh nghiệp Công thương nghiệp và Dịch vụ ngoài quốc doanh ước thực hiện tháng 9 là 170 tỷ đồng, lũy kế ước thực hiện 9 tháng năm 2018 là 2.364,2 tỷ đồng, đạt 68,53% so với dự toán và bằng 99,4% cùng kỳ. Chủ yếu là do số thu một số doanh nghiệp lớn có số nộp thấp hơn so với cùng kỳ: Công ty TNHH Một Thành viên Dịch vụ Cơ khí Hàng hải PTSC; Công ty Cổ phần Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC; Nhà máy Luyện phôi thép - Chi nhánh Công ty Cổ phần Thép Pomina; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen,...
b. Chi ngân sách địa phương: Tổng chi ngân sách địa phương tháng 9 năm 2018 ước 1.295,4 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng ước là 10.019,8 tỷ đồng, đạt 56,71% so với dự toán và tăng 13,1% so với cùng kỳ. Trong đó:
- Chi đầu tư phát triển: Ước thực hiện tháng 9 là 650 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng là 4.786,1 tỷ đồng, đạt 55,78% so với dự toán và tăng 16,57% so với cùng kỳ năm 2017.
- Chi thường xuyên: Ước thực hiện tháng 9 năm 2018 là 600,1 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng là 5.122,7 tỷ đồng, đạt 62,56% so với dự toán và tăng 7,76% so với cùng kỳ. Một số khoản chi tăng cao so cùng kỳ như chi cho sự nghiejp giáo dục đào tạo tăng 17,11%, chi đảm bảo xã hội tăng 10,42%, ...
c. Cân đối thu chi ngân sách địa phương: Với tình hình thu ngân sách địa phương trong 9 tháng năm 2018 là 60.129,9 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương được hưởng là 12.873,9 tỷ đồng và chi 10.019,8 tỷ đồng đã đảm bảo đủ nguồn ngân sách đáp ứng nhu cầu chi theo dự toán giao đầu năm 2018.
d. Ngân hàng
Lãi suất huy động: Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND tương đối ổn định. Hiện mức lãi suất huy động bằng VND tại các chi nhánh ngân hàng Thương mại (NHTM) trên địa bàn phổ biến ở mức 4,3-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,9 - 7,3%/năm. Lãi suất huy động USD tiếp tục được các chi nhánh NHTM áp dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư theo quy định trần lãi suất USD của ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 5,5 - 6,5%/năm; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn ở mức 7 - 10%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 8 - 11%/năm ở khối NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 8 - 10%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9 - 11%/năm ở khối NHTM Nhà nước, 11 - 12%/năm ở khối NHTM cổ phần. Lãi suất cho vay USD: Hiện lãi suất cho vay phổ biến ở mức 3 - 7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3 - 5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 6 - 7%/năm.
Tỷ giá, ngoại hối và thị trường vàng: Hoạt động mua bán ngoại tệ tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn luôn đảm bảo chấp hành đúng quy định của NHNN Việt Nam, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng trên địa đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Đến thời điểm báo cáo, tỷ giá giao dịch USD/VND tại các chi nhánh NHTM mua vào phổ biến trong khoảng 22.925 - 23.310, bán ra phổ biến trong khoảng 22.995 - 23.350. Thị trường mua bán vàng miếng trên địa bàn tập trung tại các điểm giao dịch của NHTM được NHNN cấp phép và 02 điểm của PNJ, các đơn vị đã thực hiện niêm yết công khai giá giao dịch mua bán tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua, bán vàng miếng của người dân.
Hoạt động huy động vốn: Tính đến cuối tháng 8 năm 2018, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế (TT1) trên địa bàn đạt 128.867 tỷ đồng, tăng 8,02% so với đầu năm; ước đến cuối tháng 9 đạt 130.300 tỷ đồng, tăng 9,22% so với đầu năm và tăng 1,11% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm có mức tăng trưởng cao, đạt 78.330 tỷ đồng, tăng 11,1% so với đầu năm, chiếm 60,12% tổng nguồn huy động. Cụ thể:
- Tiền gửi bằng đồng Việt Nam luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động, đạt 111.180 tỷ đồng, chiếm 85,33% trong tổng nguồn vốn huy động;
- Tiền gửi bằng ngoại tệ đạt 19.120 tỷ đồng, chiếm 14,67% trong tổng nguồn vốn huy động, chủ yếu của các công ty trong ngành dầu khí và tập trung tại một số chi nhánh TCTD trên địa bàn như: NHTMCP Ngoại thương, NHTMCP Đông Nam Á, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu, NHTMCP Công thương, NHTMCP Liên doanh Việt - Nga,...
Hoạt động tín dụng: Tính đến cuối tháng 8 năm 2018, đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 62.637 tỷ đồng, tăng 7,31% so với đầu năm. Ước đến cuối tháng 9, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 63.700 tỷ đồng, tăng 9,13% so với đầu năm, tăng 1,7% so với tháng trước. Trong đó:
- Dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 47,57% tổng dư nợ, cho vay trung dài hạn chiếm 52,43% tổng dư nợ; Dư nợ cho vay bằng Việt Nam đồng chiếm 93,25% tổng dư nợ, cho vay bằng ngoại tệ chiếm 6,75% tổng dư nợ.
- Dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất ước đạt 49.850 tỷ đồng, tăng 11,46% so với đầu năm, chiếm 78,26% so với tổng dư nợ; Dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất ước đạt 13.850 tỷ đồng, tăng 1,49% so với đầu năm, chiếm 21,74% so với tổng dư nợ.
- Dư nợ tín dụng của khách hàng doanh nghiệp ước đạt 27.450 tỷ đồng với 3.300 doanh nghiệp còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, tăng 1,8% so với đầu năm, chiếm 43,09% tổng dư nợ. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.550 tỷ đồng, chiếm 19,7% dư nợ toàn địa bàn, tăng 4,7% so với đầu năm.
- Dư nợ cho vay đối với các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế mũi nhọn (công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao): Công nghiệp ước đạt 12.470 tỷ đồng, chiếm 19,58% tổng dư nợ; nông nghiệp 9.830 tỷ đồng, chiếm 15,43% tổng dư nợ; cảng biển dịch vụ hậu cần cảng 2.600 tỷ đồng, chiếm 4,08% tổng dư nợ; du lịch 1.030 tỷ đồng, chiếm 1,62% tổng dư nợ; lĩnh vực khác đạt 37.770 tỷ đồng, chiếm 59,29% tổng dư nợ.
- Dư nợ cho vay đối với các các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.962 tỷ đồng, chiếm 3,08% tổng dư nợ; các doanh nghiệp có vốn nhà nước ước đạt 4.680 tỷ đồng, chiếm 7,35% tổng dư nợ; doanh nghiệp tư nhân ước đạt 920 tỷ đồng, chiếm 1,44% tổng dư nợ; khu vực khác (công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty TNHH khác,…) ước đạt 56.138 tỷ đồng, chiếm 88,13% tổng dư nợ.
- Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ước đạt 16.350 tỷ đồng, tăng 18,48% so với đầu năm, chiếm 25,67% tổng dư nợ toàn địa bàn; dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới ước đạt 10.150 tỷ đồng, tăng 13,83% so với đầu năm, chiếm 15,93% tổng dư nợ toàn địa bàn.
- Dư nợ cho vay bằng VND ở mức lãi suất thấp ≤9% có tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm khoảng 44,18% (đầu năm là 41,63%), trên 9% - 13% chiếm khoảng 54,07% (đầu năm là 52,49%), trên 13-15% chiếm khoảng 0,94% (đầu năm là 3,56%) và lãi suất >15%, chiếm khoảng 0,81% (đầu năm là 2,33%).
Chất lượng tín dụng: Nợ xấu tiếp tục được các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%/năm. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các chi nhánh tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9 năm 2018 ở mức 708 tỷ đồng, chiếm 1,11% trong tổng dư nợ toàn địa bàn; trong đó, nợ xấu khối doanh nghiệp khoảng 450 tỷ đồng, chiếm 1,64% trong tổng dư nợ khối doanh nghiệp.
2. Đầu tư
Thu hút dự án nước ngoài: Trong tháng 9, tỉnh đã cấp phép mới 1 dự án đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký là 3,3 triệu USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 29 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép (19 dự án của Hàn Quốc, 1 dự án của Đài Loan, 1 dự án của Hồng Kông, 1 dự án của British Virgin Islands, 3 dự án của Nhật Bản, 2 dự án của Australia, 1 dự án của Samoa, 1 dự án của Seychelles) hoạt động ngành chế biến chế tạo, sản xuất truyền tải và phân phối điện với tổng số vốn đăng ký 3.685 triệu USD.
Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý
Tình hình đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tốt bởi hàng loạt công trình năm kế hoạch được khởi xây dựng mới, đặc biệt công tác đền bù giải tỏa nhanh và hiệu quả phục vụ tốt cho công tác thi công. Các Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng của trung ương và địa phương đã chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các công trình trọng yếu thuộc các ngành kinh tế - xã hội, tiếp tục đầu tư xây dựng công trình chuyển tiếp từ năm trước chuyển qua. Tỉnh vẫn tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến và thu hút đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm thu hút vốn đầu tư toàn xã hội cũng như đầu tư nước ngoài.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 9 năm 2018 đạt 706,4 tỷ đồng, tăng 76,96% so với cùng kỳ. Ước thực hiện quý III đạt 1.957,3 tỷ đồng, tăng 58,11% so với cùng kỳ (Quý I tăng 14,49%, quý II tăng 37,06%); Cụ thể: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.442 tỷ đồng, tăng 67,7% so với cùng kỳ; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước 504,9 tỷ đồng, tăng 37,21%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 3,24%.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách do địa phương quản lý ước đạt 4.594,8 tỷ đồng, bằng 70,59% so với kế hoạch và tăng 37,45% so với cùng kỳ, trong đó: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 3.682,1 tỷ đồng, bằng 67,34% so với kế hoạch và tăng 40,84% so với cùng kỳ do phát sinh nguồn vốn từ đấu giá nhà đất; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước 879,8 tỷ đồng, bằng 84,51% so với kế hoạch và tăng 25,15% so cùng kỳ do trong tháng 9, một số dự án mới trong năm 2018 triển khai thực hiện như: Xây dựng trường học, chung cư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp tại TP.Vũng Tàu, xây dựng trung tâm Y tế huyện Châu Đức, đường 991B từ quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép tại thị xã Phú Mỹ đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 (năm 2018 - 2020); vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 32,9 tỷ đồng, tăng 28,98% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, nhiều dự án, công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn đầu tư bằng vốn ngân sách (đầu tư công) gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tập trung và đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục quyết toán đối với nhóm dự án hoàn thành, thực hiện giải ngân số vốn đã được bố trí trong kế hoạch đầu năm 2018. Đối với các dự án trong nhóm khởi công mới, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công, tiến hành khởi công dự án trong đầu quý IV năm 2018; lựa chọn các nhà thầu thi công có kinh nghiệm, uy tín nhằm bảo đảm chất lượng thi công công trình và hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Đối với các dự án đã có quyết định phê duyệt giá đất khảo sát, các chủ đầu tư, các đơn vị, phòng, ban chức năng phải khẩn trương lập phương án bồi thường và trình phê duyệt kinh phí bồi thường để tiến hành chi trả; đẩy mạnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, thi công xây dựng công trình; thực hiện điều hòa kế hoạch vốn 2018 nhằm bảo đảm tiến độ giải ngân theo kế hoạch.
3. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông nghiệp
a1. Tiến độ sản xuất nông nghiệp đến ngày 15/9: Ước diện tích gieo cấy lúa tính đến 15/9/2018 là 24.746,8 ha, bằng 100,01% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay người dân đang dần chuyển dịch cây trồng từ những loại cây hàng năm không mang lại hiệu quả kinh tế cao sang trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao nên dẫn đến diện tích một số cây giảm mạnh, như: Diện tích gieo trồng ngô ước 8.493,7 ha, giảm 6,64%; sản lượng ước đạt 42.648,1 tấn, bằng 100,16% so cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng sắn (khoai mì) ước 6.648,6 ha, giảm 15,92% so cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt khoảng 163.370,6 tấn, giảm 17,85%. Diện tích gieo trồng rau các loại ước 6.018,8 ha, tăng 2,48% so cùng kỳ; sản lượng ước 113.521,6 tấn, tăng 3,57%.
a2. Ước tính sơ bộ vụ hè thu
- Cây lúa: Diện tích lúa hè thu xuống giống ước đạt 8.588,8 ha, giảm 0,27% so với cùng kỳ, năng suất đạt 45,3 tạ/ha. Sản lượng 38.925,5 tấn, bằng 99,31% so với vụ hè thu năm trước.
- Cây bắp: Diện tích cây bắp hè thu xuống giống 7.448,3 ha, bằng 94,32% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích cây bắp giảm là do chuyển đổi diện tích cây trồng. Năng suất ước đạt 49,4 tạ/ha, sản lượng đạt 36.799,7 tấn, tăng 2,19%. Các loại giống chủ yếu đã sử dụng: Wax 48, Wax 50, Nếp tím dẻo 926, Nù địa phương, NK 67…
- Cây khoai lang: Diện tích sản xuất thực hiện 132,6 ha, tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm trước, năng suất bình quân ước đạt đạt 46,8 tạ/ha, sản lượng 621 tấn, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân cây khoai lang tăng là do ở nông trường Hòa Bình 2 (huyện Xuyên Mộc) trồng xen canh vào diện tích cây cao su.
- Cây khoai mì: Diện tích ước đạt 6.622,5 ha, sản lượng ước đạt 163.065,6 tấn giảm 17,86% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do năm nay, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh và đặt biệt hơn có khoảng 133 ha khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá do người dân mua mì tại tỉnh Tây Ninh mang về trồng. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng chống loại dịch hại này.
- Rau các loại: Diện tích sản xuất thực hiện 2.301,3 ha, bằng 99,14% so với năm trước, năng suất bình quân ước đạt 183,4 tạ/ha, sản lượng 42.214,5 tấn, tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước.
a3. Ước tính vụ mùa
- Cây lúa: Diện tích lúa vụ mùa xuống giống ước đạt 9.129,3 ha, giảm 3,4% so với cùng kỳ, năng suất đạt 45,4 tạ/ha; Sản lượng 41.446,7 tấn, bằng 97,26% so với vụ mùa năm trước.
- Cây bắp: Diện tích cây bắp hè thu xuống giống 5.409,1 ha, tăng 17,81% so với cùng kỳ năm trước; Năng suất ước đạt 47,3 tạ/ha, sản lượng đạt 25.602 tấn, tăng 20,59%. Các loại giống chủ yếu đã sử dụng: Wax 48, Wax 50, Nếp tím dẻo 926, Nù địa phương, NK 67…
- Cây khoai lang: Diện tích sản xuất thực hiện 41,8 ha, bằng 63,22% so cùng kỳ năm trước, năng suất bình quân ước đạt 31,2 tạ/ha, sản lượng 130,4 tấn, bằng 51,76% so với cùng kỳ năm trước.
- Cây khoai mì: Diện tích ước đạt 571,5 ha, sản lượng ước đạt 11.785,6 tấn bằng 94,81% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do năm nay, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh nhiều nên sản lượng mì giảm.
- Rau các loại: Diện tích sản xuất thực hiện 2.238,1 ha, tăng 0,42% so với năm trước, năng suất bình quân ước đạt 192,9 tạ/ha, sản lượng 43.178,5 tấn, tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước.
a4. Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu ước tính năm 2018 là 57.558,1 ha, tăng 1,12% so với năm trước. Diện tích, năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu, cụ thể như sau:
*. Diện tích một số loại cây trồng
- Cây ăn quả: Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh ước 7.448 ha, tăng 3,68% so với năm trước.
+ Cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới: Diện tích ước khoảng 4.081,5 ha, tăng 5,93% so với cùng kỳ, trong đó có một số loại cây trồng chủ yếu diện tích có sự tăng/giảm nhiều như: Cây chuối diện tích 1.465,9 ha, tăng 12,63% so với cùng kỳ; cây xoài diện tích 629,8 ha, tăng 5,61%; cây hồng xiêm diện tích 8,8 ha, giảm 2,19%; cây măng cụt diện tích 44,4 ha, giảm 7,42%.
+ Cam, quýt và cây ăn quả có múi: Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc đã ứng dụng mô hình xen canh các loại cây ăn trái có múi như bưởi da xanh, cam sành, quýt đường... trên cùng một diện tích đất. Mô hình này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Diện tích khoảng 1.196,5 ha, tăng 0,07% so với năm trước. Diện tích một số cây ăn quả có múi chủ yếu như: Cây quýt diện tích 547 ha (tăng 1,32%); cây cam diện tích 151,9 ha (tăng 2,44%); cây chanh diện tích 36,7 ha (tăng 1,25%)
+ Cây nhãn: Diện tích hiện có 1.504,7 ha, tăng 2,55% so với cùng kỳ. Nhãn xuồng cơm vàng được xem là loại trái cây đặc sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm nay nhãn được mùa, giá bán cao nên các hộ dân trồng nhãn thu lãi lớn.
+ Chôm chôm: Diện tích chôm chôm 443 ha, giảm 0,98% so với cùng kỳ. Nguyên nhân cây chôm chôm giảm mạnh là do trong những năm qua giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao, người nông dân chặt bỏ chuyển dần sang trồng cây tiêu, nhãn, mít thái…
- Cây cao su: Diện tích cây cao su hiện có 21.753,1 ha, tăng 0,13% so với cùng kỳ. Tám tháng năm 2018, giá cao su có nhiều biến động: Từ tháng 1 đến tháng 4 tăng dần đều từ 30 triệu lên 45-50 triệu đồng, nhưng từ tháng 5 trở đi, bất ngờ rớt giá; đến nay chỉ còn mức bình quân 29,5 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 10 triệu đồng/tấn so đầu năm. Đáng mừng là trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất hiện 5 thị trường nhập khẩu cao su Việt Nam chính là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Campuchia, chiếm đến 61,5% thị phần. Ba thị trường truyền thống trước đây nhập khẩu mạnh như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản lại có giá trị nhập khẩu giảm mạnh lần lượt là 29%, 40% và 13%. Nhưng ngược lại, 2 thị trường khác lại có giá trị nhập khẩu tăng mạnh là Malaixia lên 37% và Indonesia 12%.
- Cây điều: Diện tích cây điều hiện tại khoảng 8.922,8 ha, giảm 2,75% so với cùng kỳ. Diện tích đất trồng điều của tỉnh tập trung tại huyện Xuyên Mộc khoảng 60%, do những năm gần đây năng suất và giá điều giảm nên người dân chặt bỏ cây điều để canh tác tiêu và cây trồng khác có hiệu quà năng suất cao hơn.
- Cây tiêu: Diện tích cây tiêu hiện có khoảng 13.227,3 ha, tăng 4,23% so với cùng kỳ năm trước. Việc đua nhau loại bỏ cây trồng kém hiệu quả để chuyển sang trồng tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi tiêu là cây trồng khó tính và đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Mặt khác, việc chạy theo giá cả mà phát triển ồ ạt vườn tiêu sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và nguy cơ “trồng rồi chặt” tái diễn sẽ tác động xấu đến đời sống của người trồng tiêu.
- Cây cà phê: Diện tích cây cà phê hiện có là 5.773 ha, tăng 1,26% so với năm trước. Để phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải chú trọng nhiều hơn đến vấn đề hỗ trợ về cây giống, công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường... cho người trồng cà phê; cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp trong việc quy hoạch diện tích trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, tưới tiêu và bao tiêu đầu ra.
- Cây lâu năm còn lại: Diện tích tăng giảm không đáng kể, tuy nhiên hiện nay diện tích cây ca cao chỉ còn khoảng 306,4 ha do cây trồngnày chủ yếu là xen canh dưới tán điều, cà phê nhưng bị sâu bệnh nhiều và hiệu quả không cao.
*. Năng suất, sản lượng một số cây chủ yếu
- Cây ăn quả: Sản lượng sản phẩm một số cây trồng chính cụ thể như: Cây nhãn 15.448,3 tấn, sản lượng bằng 97,42% so cùng kỳ; quýt 4.485,7 tấn, tăng 2,34%; chuối 15.640 tấn, tăng 16,71%; cây mít sản lượng 5.190,8 tấn, tăng 3,99% so với cùng kỳ. Một số cây khác do ảnh hưởng của thời tiết và một phần diện tích đang được cải tạo, chuyển đổi nên sản lượng tăng giảm không đáng kể.
- Cây công nghiệp lâu năm: Cây tiêu: Năng suất 17,5 tạ/ha; sản lượng 17.885,7 tấn, bằng 94,71% so với cùng kỳ. Cây điều: Năng suất 13,2 tạ/ha; sản lượng 11.639,9 tấn, giảm 1,64%, nguyên nhân do đợt mưa trái mùa trước và sau tết Nguyên đán đúng vào dịp cây điều trổ bông khiến bông bị rụng, không thể đậu trái, cây bị nhiễm nấm và bị các loại sâu bọ tấn công. Ngoài yếu tố thời tiết, có hơn 2.000 ha điều cho sản phẩm đã bị già cỗi nên làm cho năng suất, sản lượng giảm. Cây cao su: Năng suất 12,7 tạ/ha; sản lượng 14.979,6 tấn, tăng 1,43%. Cây cà phê: Năng suất 19,5 tạ/ha; sản lượng 10.776,5 tấn, tăng 2,89%.
- Ca cao: Những vụ đầu cây ca cao cho sản lượng khá, nhưng chỉ được khoảng 2 năm sau đó thì phát triển èo uột, số cây cho trái ít dần, quả bị thối, không thu hoạch được. Trong năm qua ca cao ra trái quanh năm nhưng năng suất thấp, tốn nhiều thời gian để thu hoạch. Theo nhận định của các doanh nghiệp thu mua nông sản, năng suất ca cao vẫn thấp một phần do nông dân xem đây là cây trồng xen canh nên ít đầu tư chăm sóc. Mặt khác, phần lớn người trồng ca cao trên địa bàn tỉnh còn thiếu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng này. Người trồng không mặn mà với ca cao còn do bà con không biết ủ hạt lên men mà chỉ bán trái tươi với giá thấp, lợi nhuận không cao.
a5. Công tác thủy lợi: Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi đang điều tiết nguồn nước từ các hồ chứa, đập dâng để tưới phục vụ cho lúa hè thu 2017 - 2018, đạt 100,3% kế hoạch. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão đã duy trì việc phối hợp với Trung tâm Quản lý, Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư duy trì tổ thăm đồng hàng tuần để kiểm tra việc điều tiết nước tưới, tình hình sản xuất, dịch bệnh trên cây trồng..Để bảo đảm nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vụ đông xuân 2018 - 2019,UBND tỉnh đã giao Trung tâm Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi bị xuống cấp, hư hỏng. Tổ chức nạo vét, thay thế các thiết bị đóng mở để công trình thủy lợi vận hành an toàn, ổn định phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, dẫn nước nhanh, tiết kiệm thời gian, không lãng phí và thất thoát nước nhằm bảo đảm tưới cho vụ đông xuân 2018 - 2019. Tổng kinh phí sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi hơn 3,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
a6. Tình hình dịch bệnh cây trồng
- Trên cây lúa: Diện tích nhiễm rầy nâu 87,5 ha, mật số 20 - 500 con/m2 tại Phú Mỹ, Châu Đức, Đất Đỏ và Long Điền. Diện tích nhiễm sâu cuốn lá 73 ha, mật số 1 - 5 con/m2 tại Bà Rịa, Châu Đức, Long Điền và Đất Đỏ. Diện tích nhiễm đạo ôn lá 62,5 ha, tỷ lệ 5 - 10% tại Đất Đỏ. Diện tích nhiễm cháy bìa lá 63,5 ha, tỷ lệ 5 - 10% tại Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Châu Đức và Đất Đỏ.
- Cây cây trồng khác: Tình hình dịch bệnh trên cây trên cây trồng khác luôn ở mức thấp, giảm hơn rất nhiều so với cùng kỳ. Trên cây khoai mì có bệnh khảm lá gây hại. Diện tích nhiễm 133,07 ha, đã tiêu hủy 9,3 ha (Cày vùi 09 ha có tỷ lệ bệnh >70% tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc và nhổ bỏ, tiêu hủy cây bệnh 0,3 ha có tỷ lệ bệnh 1 - 2% tại xã Bình ba, huyện Châu Đức); Diện tích còn lại 123,77 ha (Gồm 55,64 ha tỷ lệ bệnh <30% và 68,13 ha tỷ lệ bệnh >70%) đã phối hợp với địa phương thực hiện nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh đối với diện tích có tỷ lệ bệnh <30% và tiêu hủy toàn bộ đối với diện tích có tỷ lệ bệnh >70%, phun thuốc trừ bọ phấn trắng ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh, nghiêm cấm vận chuyển hom giống khoai mì từ vùng nhiễm bệnh sang các địa phương khác. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng khuyến cáo bà con trong vụ mới không trồng giống khoai mì HLS-11, đây là giống chưa được công nhận sản xuất an toàn trên địa bàn tỉnh và có tỷ lệ mắc bệnh khảm lá rất cao. Trước khi làm vụ mì mới, nông dân cần khử trùng đất bằng nhiều cách (như vãi vôi), chọn giống “khỏe”, có khả năng kháng bệnh cao, phun thuốc phòng trừ từ đầu… Khi phát hiện bệnh, cần triển khai tiêu hủy ngay số cây bị nhiễm bệnh. Một số đối tượng dịch hại khác trên các loại rau màu và cây hàng năm khác với diện tích và mật số nhiễm không đáng kể.
- Trên cây lâu năm: Tình hình sâu bệnh trên cây lâu năm ở mức độ nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể lên cây trồng, tình hình nhiễm bệnh như sau: Cây tiêu đang giai đoạn ra hoa đậu trái có bệnh chết chậm 17,5 ha tại Phú Mỹ, Châu Đức và Xuyên Mộc; diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 3 ha tại Châu Đức; diện tích nhiễm tuyến trùng 10 ha tại Châu Đức; diện tích nhiễm rệp sáp 6,5 ha tại Châu Đức và Phú Mỹ. Cây cà phê: Đang ở giai đoạn nuôi trái lớn, có rệp sáp gây hại 7 ha tại Châu Đức. Cây điều: Có bệnh thán thư 5 ha tại Châu Đức. Ngoài ra, còn có các loại đối tượng dịch hại khác trên cây lâu năm như: Bệnh vàng lá thối rễ trên bưởi; Đốm nâu trên thanh long; Thán thư trên điều; Sâu ăn bông; Châu chấu ăn lá và chổi rồng trên nhãn… với mật số nhiễm không đáng kể.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã thường xuyên thăm đồng, theo dõi để hướng dẫn bà con nông dân phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại trên cây trồng; khuyến cáo người dân chú ý các đối tượng dịch hại nguy hiểm như: Rầy nâu, đạo ôn lá, cháy bìa lá trên cây lúa; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu; rệp sáp rễ và vàng lá thối rễ trên cây bưởi; bệnh khảm lá trên cây khoai mì. Tổ chức 24 lớp tập huấn về công tác phòng trừ bệnh khảm lá trên cây khoai mì với 652 người tham dự, (Lũy kế đã tổ chức 36 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây trồng, về chuyên môn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… với 1.394 người tham dự).
a7. Giá cả các loại nông sản: Lúa, khoai mì, ngô,… đều ổn định, chỉ riêng giá hồ tiêu giảm mạnh. Trong 8 tháng năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được 173 ngàn tấn hồ tiêu, với kim ngạch đạt 576 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 36% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chính của hạt tiêu Việt Nam là Hoa Kỳ (kim ngạch đạt hơn 99 triệu USD), Ấn Độ (hơn 43 triệu USD), Pakistan (hơn 25 triệu USD), Đức (20,5 triệu USD) và UAE (20 triệu USD). Nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu giảm mạnh là do giá tiêu liên tục lao dốc trong thời gian gần đây. Tại thị trường trong nước, giá thu mua hạt tiêu trong tháng 8 và đầu tháng 9 tiếp tục giảm sâu, hiện dao động ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg.
a8. Quy mô đàn vật nuôi: Đàn gia súc phát triển tương đối ổn định. Theo số liệu điều tra của kỳ điều tra 1/7/2018: Tổng đàn lợn 386.740 con, tăng 4,22%; tổng đàn gia cầm vào khoảng 4.131,87 ngàn con, tăng 5,05%. Nguyên nhân tổng đàn lợn và gia cầm tăng là do giá lợn và gia cầm liên tục tăng trong những tháng gần đây. Hiện giá heo hơi đang ở mức giá phổ biến là 48.000 - 51.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng so với tháng trước nhưng tăng khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ (28.000 - 32.000 đồng) vẫn là mức giá cao so với thời điểm đầu năm 2018. Giá heo xuất chuồng trong 2 tháng gần đây diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối cung cầu. Cơ quan chức năng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều giải pháp như: Thống kê nhanh quy mô chăn nuôi, sản lượng heo thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng. Không đẩy giá heo vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất heo đúng tuổi, đúng khối lượng; không đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt heo và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước.
a9. Dịch bệnh và công tác thú y: Trong tháng, trên đàn gia súc có xảy ra các loại bệnh thông thường như: Tiêu chảy (203 con heo và 20 con bò mắc bệnh tại 62 hộ chăn nuôi, chết 86 con heo), viêm phổi (119 con heo mắc bệnh tại 27 hộ chăn nuôi, 26 con chết), ... nhưng không phát thành dịch lớn. Trên đàn gia cầm không xảy ra dịch bệnh. Chi cục Thú y tiếp tục tăng cường công tác quản lý dịch tễ, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện giám sát tiêm phòng vắc xin tại các trang trại tư nhân; thẩm định điều kiện vệ sinh thú y tái lập đàn gia cầm cho 8 lượt trang trại.
.
b. Lâm nghiệp
Sản lượng gỗ khai thác: Ước tính tháng 9 năm 2018 là 6.507 m3, tăng 2,87% so với tháng cùng kỳ năm 2017; lũy kế 9 tháng là 59.385 m3, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm trước.
Chặt phá rừng: Trong tháng, trên địa bàn tỉnh không xảy ra phá rừng; lũy kế 9 tháng năm 2018 xảy ra 11 vụ phá rừng, giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm trước. Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý rừng đã tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, tập trung tại các khu rừng thường xảy ra tình trạng phá rừng. Trong tháng, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các chủ rừng, các cơ quan chức năng tổ chức 39 đợt tuần tra, truy quét với 319 người tham gia, qua tuần tra đã phát hiện 6 vụ vi phạm quy định quản lý bảo vệ rừng giảm 5 vụ so với tháng trước, đa số các vụ vi phạm đều xảy ra trên địa bàn huyện Xuyên Mộc với 4/6 vụ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 82 vụ vi phạm, giảm 4 vụ so cùng kỳ (trong đó: 54 vụ tại Xuyên Mộc, 15 vụ tại Phú Mỹ, 3 vụ tại Vũng Tàu và 8 vụ tại Bà Rịa, 1 vụ tại Châu Đức và 1 vụ tại Côn Đảo), các hành vi vi phạm chủ yếu là: Đốn hạ cây rừng trái phép (12 vụ), phá rừng (11 vụ với diện tích (0,88 ha), lấn chiếm đất rừng (1 vụ), vận chuyển lâm sản trái phép (21 vụ), mua bán, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép (25 vụ) và vi phạm khác (12 vụ), đã tịch thu 21,49 m3 gỗ tròn; 1,87 m3 gỗ xẻ; 166 cây cừ,... và xử phạt hành chính đối với các vụ vi phạm.
Cháy rừng: Kết thúc mùa khô 2017 - 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 vụ cháy rừng, với diện tích cháy là 4,5 ha (gồm: 3 vụ tại Xuyên Mộc, diện tích cháy 0,81 ha; 2 vụ tại Phú Mỹ, diện tích 1,35 ha; 3 vụ tại Vũng Tàu, diện tích 2,34 ha). Đã huy động lực lượng tham gia chữa cháy trong mùa khô 2017 - 2018 với 328 lượt người là lực lượng kiểm lâm, chủ rừng, lực lượng dân quân của các xã, hộ nhận khoán và hợp đồng canh lửa rừng.
c. Thủy sản
Diện tích nuôi trồng: Hình thức nuôi thả trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nuôi quảng canh. Diện tích thủy sản nuôi thả ước đạt 6.902 ha, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi cá ước đạt 2.303 ha; diện tích nuôi tôm ước đạt 4.072 ha; diện tích nuôi thủy sản khác ước đạt 527 ha.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng: Trong tháng, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 1.399 tấn; lũy kế 9 tháng năm 2018 đạt 12.656 tấn, tăng khoảng 3,12% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó: Cá ước đạt 7.005 tấn, tăng 2,89%; tôm đạt 4.916 tấn, tăng 3,35%; thủy sản khác đạt 735 tấn, tăng 3,81%. Năm nay, nguồn nước không có các hiện tượng bất thường nên năng suất thủy sản nuôi trồng cao. Đặc biệt, thời điểm này, giá các loại cá tăng đột biến. Cụ thể, giá cá bớp loại từ 5 - 7kg/con đang được thương lái thu mua với giá 190.000 - 210.000 đồng/kg, loại từ 3 - 5kg/con có giá từ 170.000 - 185.000 đồng/kg, tăng 70.000 - 80.000 đồng/kg so với năm ngoái. Còn với cá chim, nếu năm ngoái giá chỉ từ 100.000 - 110.000 đồng/kg thì nay đã lên tới 150.000 - 170.000 đồng/kg, tăng 50.000 - 70.000 đồng/kg. Nhiều loại như cá mú lai, cá chẽm cũng tăng giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính của việc giá các loại cá lồng bè tăng vọt là thiếu hụt nguồn cung.
Sản lượng thủy sản khai thác: Ước tính tháng 9 năm 2018, sản lượng thủy sản khai thác đạt 27.134 tấn, tăng 2,92% so với cùng kỳ năm 2017; lũy kế 9 tháng ước đạt 251.303 tấn, tăng 3,05% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình dịch bệnh: Trong tháng, trên động vật thủy sản không xảy ra dịch bệnh lớn. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5,3 ha tôm nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, 1,5 ha tôm bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy, đã hướng dẫn người dân khắc phục và hỗ 3.874 kg vôi và 2.520 kg Chlorine để xử lý ao nuôi.
Chính sách phát triển thủy sản
- Chi cục Thủy sản đã thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; phối hợp với địa phương tổ chức 13 lớp tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tàu cá, quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2018 cho 604 thuyền trưởng, ngư dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Thủy sản tỉnh đã trình UBND tỉnh phê duyệt 15 đợt danh sách tàu cá đăng ký tham gia hoạt động trên vùng biển xa năm 2018 gồm 678 tàu cá với 7.906 thuyền viên.
- Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản cho bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thủy sản đang tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung, chính sách phát triển thủy sản đến các đơn vị, tổ chức và cá nhân hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần hải sản xa bờ. Đã tiến hành kiểm tra, đánh giá và trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách 68 tàu đóng mới, gồm: 9 tàu dịch vụ và 59 tàu khai thác (đã thu hồi và hủy bỏ các quyết định đóng mới 5 tàu dịch vụ và 42 tàu khai thác), 120 tàu nâng cấp vay vốn lưu động. Đến nay, đã đóng mới hoàn thành 66 tàu (gồm: 9 tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép, 24 tàu khai thác vỏ thép, 7 tàu khai thác vỏ Composite và 26 tàu khai thác vỏ gỗ).
- Tiếp tục triển khai công tác cấp số đăng ký bè cá tạm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè nằm trong các khu quy hoạch. Cụ thể: Đã tiến hành khảo sát 158 cơ sở nuôi trong vùng quy hoạch và cấp biển số đăng kí tạm cho 139 cơ sở đủ điều kiện, đồng thời đang tiến hành treo biển số theo hướng dẫn tại các vị trí dễ quan sát trên bè. Phối hợp với các Sở ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khoảng 20 cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông Dinh tự di dời và sắp xếp bè nuôi vào trong khu quy hoạch.
4. Sản xuất công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp
a. Chỉ số sản xuất công nghiệp
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9 năm 2018 tăng 8,85% so với cùng kỳ năm 2017. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo là ngành có chỉ số tăng cao nhất là 13,73%; ngành khai khoáng tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,57%; có chỉ số tăng thấp nhất là ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,91%.
Tính chung 9 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2017 (Quý I tăng 5,58%, quý II tăng 0,09%, quý III tăng 1,6%); Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,59%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 0,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,14%; riêng ngành khai khoáng giảm 0,15%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 12,59% do trong 9 tháng, chỉ số sản xuất của nhiều ngành cấp 2 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 18,85%, đặt biệt tăng mạnh trong quý III với mức tăng 27,08% (cao hơn mức tăng 8,31% của quý I và 18,52% của quý II); sản xuất trang phục tăng 15,41%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 18,39%; sản xuất kim loại tăng 14,54%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 13,65%;… Một số ít ngành có mức tăng thấp như: Sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 8,77%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 2,23%. Chỉ số ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,14%. Chỉ số sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ do chỉ số sản xuất ngành này trong quý III chỉ bằng 99,56% so cùng kỳ (Quý I tăng 0,74%, quý II tăng 2,67%). Nguyên nhân là do Nhà máy Phú Mỹ 2.1 sửa chữa, bảo dưỡng lớn, sản lượng điện sản xuất tăng thấp là 0,16%. Chỉ số sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt 9 tháng năm 2018 ước tăng 8,46% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 6,54%, quý II tăng 9,85%, quý III tăng 9,92%).
b. Một số sản phẩm chủ yếu
Tháng 9 năm 2018: Dầu thô khai thác ước tháng 9 năm 2018 là 983 ngàn tấn, chỉ bằng 90,83% so với tháng cùng kỳ năm 2017; khí tự nhiên dạng khí ước 667 triệu m3, tăng 21,22%; tôm đông lạnh ước 908 tấn, tăng 40,55%; urê ước 82.129 tấn, tăng 4,53%; sắt, thép không hợp kim cán phẳng không gia công quá mức cán nóng là 126.932 tấn, tăng 11,88%; điện sản xuất ước 2.138 triệu kwh, tăng 2,49%.
9 tháng năm 2018: Sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 9.180 ngàn tấn, giảm 10,5% so với lũy kế cùng kỳ năm trước do cả 3 quý sản lượng dầu thô khai thác đều giảm, nhiều nhất trong quý III giảm 13,52% (Quý I giảm 8,6%, quý II giảm 5,78%). Nguyên nhân là do tình hình khai thác dầu của Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) gặp nhiều khó khăn, tốc độ suy giảm khai thác ở mỏ Bạch Hổ và mỏ Thỏ trắng với hàng loạt các giải pháp địa chất - kỹ thuật để tăng sản lượng nhưng không cho kết quả như mong muốn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sản lượng dầu thô khai thác trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng qua. Khí tự nhiên dạng khí 9 tháng ước 6.582 triệu m3, tăng 7,05% (Quý I tăng 12,09%, Quý II tăng 7,46%, Quý III tăng 0,48%); tôm đông lạnh ước 7.291 tấn, tăng 27,19%; urê là 729.341 tấn, bằng 101,71%; điện sản xuất là 23.057 triệu kwh, có chỉ số so với lũy kế cùng kỳ bằng 100,16%.
Vai trò của sản phẩm khí: Từ khi đưa dòng khí đầu tiên vào bờ từ tháng 4/1995 đến nay, Tổng Công ty khí Việt Nam PV GAS đã cung cấp ra thị trường hơn 129 tỷ m3 khí, 14,5 triệu tấn khí hóa lỏng (LPG) và 1,8 triệu tấn condensate; đóng góp doanh thu cho ngành dầu khí gần 700.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 109.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 67.000 tỷ đồng. Với việc quản lý và vận hành an toàn, liên tục, hiệu quả các công trình khí, hiện nay mỗi năm PV GAS cung cấp khí làm nguồn nguyên nhiên liệu để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia và đáp ứng 70% nhu cầu đạm trên toàn quốc; chiếm lĩnh khoảng 65% thị phần LPG trong nước.
5. Hoạt động của Doanh nghiệp
Đăng ký kinh doanh tháng 9: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp đăng ký kinh doanh cho 121 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 1.135,2 tỷ đồng, trong đó: 3 doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký là 2,9 tỷ đồng; 24 công ty TNHH có hai thành viên trở lên, vốn điều lệ đăng ký là 227,7 tỷ đồng; 84 công ty TNHH 01 thành viên, vốn điều lệ đăng ký là 415 tỷ đồng; 10 công ty cổ phần, vốn điều lệ đăng ký là 489,6 tỷ đồng. Đăng ký bổ sung, thay đổi cho 155 lượt đơn vị, trong đó: Đăng ký bổ sung tăng vốn cho 32 đơn vị, số vốn tăng thêm 172 tỷ đồng; đăng ký hoạt động cho 43 chi nhánh, văn phòng đại diện; đăng ký giải thể 24 doanh nghiệp và tạm ngưng hoạt động cho 23 doanh nghiệp.
Đăng ký kinh doanh quý III: Trong quý III đã cấp đăng ký kinh doanh cho 402 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 4.100 tỷ đồng, trong đó: 11 doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký là 8,8 tỷ đồng; 78 công ty TNHH có hai thành viên trở lên, vốn điều lệ đăng ký là 806 tỷ đồng; 269 công ty TNHH 01 thành viên, vốn điều lệ đăng ký là 1.951,2 tỷ đồng; 44 công ty cổ phần, vốn điều lệ đăng ký là 1.334 tỷ đồng. Đăng ký bổ sung, thay đổi cho 1.179 lượt đơn vị, trong đó: Đăng ký bổ sung tăng vốn cho 57 đơn vị, số vốn tăng thêm 564,4 tỷ đồng; đăng ký hoạt động cho 99 chi nhánh, văn phòng đại diện; đăng ký giải thể 55 doanh nghiệp và tạm ngưng hoạt động cho 72 doanh nghiệp.
Đăng ký kinh doanh 9 tháng năm 2018: Đã cấp đăng ký kinh doanh cho 1.054 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 10.170,3 tỷ đồng, trong đó: 18 doanh nghiệp tư nhân, vốn đăng ký là 12,8 tỷ đồng; 232 công ty TNHH có hai thành viên trở lên, vốn điều lệ đăng ký là 1.629,9 tỷ đồng; 684 công ty TNHH 01 thành viên, vốn điều lệ đăng ký là 3.390 tỷ đồng; 120 công ty cổ phần, vốn điều lệ đăng ký là 5.137,6 tỷ đồng. Đăng ký bổ sung, thay đổi cho 1.701 lượt đơn vị, trong đó đăng ký bổ sung tăng vốn cho 96 đơn vị, số vốn tăng thêm 1.361,7 tỷ đồng. Đăng ký hoạt động cho 204 chi nhánh, văn phòng đại diện. Đăng ký giải thể 151 doanh nghiệp. Đăng ký tạm ngưng hoạt động cho 260 doanh nghiệp trong đó có 80% doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả (208 doanh nghiệp).
Nguyên nhân giải thể và ngưng hoạt động: Các doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ là do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình tài chính eo hẹp, vốn ngân hàng lãi suất cao khó tiếp cận... dẫn đến thu hẹp phạm vi hoạt động, sau đó không duy trì được sản xuất kinh doanh nên làm thủ tục giải thể. Ngoài ra còn có các lý do khác như: Không có khách hàng, khó khăn về tín dụng, chờ xin giấy phép khai thác mỏ, tiến hành các thủ tục đầu tư dự án…
Doanh nghiệp khởi nghiệp: Thời gian qua, với các phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được phát động đã khích lệ nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiêp đi đúng hướng và đạt thành công chưa nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp còn yếu về kinh nghiệm quản trị. Có những doanh nghiệp năng lực tài chính tốt nhưng năng lực quản trị tài chính lại không tốt, hay thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu tư duy về thị trường nên khó thành công. Mặt khác, khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các thương hiệu nước ngoài. Điều này dẫn đến hàng hóa không tiêu thụ được, thị phần ngày càng nhỏ hẹp. Bên cạnh thiếu kinh nghiệm, kỹ năng về quản lý, điều hành doanh nghiệp, gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đang rất “khát” vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những “rào cản” khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp “chậm lớn”.
Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020: Số doanh nghiệp tăng 1,5 - 2 lần so với hiện tại, trong đó có nhiều doanh nghiệp mạnh thuộc các ngành, lĩnh vực theo định hướng phát triển của tỉnh như: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng được mô hình kinh doanh phù hợp, tránh rủi ro, thời gian qua, các sở, ngành của tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các xã, phường, thị trấn để các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu các dự án khởi nghiệp và tiếp cận với các doanh nhân, doanh nghiệp thành đạt để tháo gỡ khó khăn về vốn, kiến thức khởi nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
6. Thương mại, dịch vụ
-
Bán lẻ hàng hóa
Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý III năm 2018 ước đạt 10.384,2 tỷ đồng, tăng 13,77% so với cùng kỳ (Quý I tăng 10,78%, quý II tăng 11,32%). Trong đó: Khu vực Nhà nước quý III năm 2018 ước đạt 406,5 tỷ đồng, tăng 13,16% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế cá thể ước đạt 5.814,2 tỷ đồng, tăng 12,98%; khu vực kinh tế tư nhân ước đạt 4.163,6 tỷ đồng, tăng 14,96%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa quý III tăng do trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và du khách trên địa bàn tỉnh dồi dào; sức mua tăng, giá bán cũng tăng 20-30%. Tại một số chợ, siêu thị, trung tâm thương mại như Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu, Lotte Mart Vũng Tàu, trung tâm thương mại The Imperial Plaza Vũng Tàu... lượng khách đến vui chơi, mua sắm khá đông. Tại một số chợ như: Vũng Tàu, Rạch Dừa, Bà Rịa... sức mua tăng cao so với quý trước và tăng so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn lũy kế 9 tháng năm 2018 đạt 30.355,8 tỷ đồng, tăng 11,97% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực Nhà nước ước 1.215,4 tỷ đồng, tăng 12,98%; khu vực kinh tế cá thể ước 16.785,6 tỷ đồng, tăng 9,95%; kinh tế tư nhân ước 12.354,8 tỷ đồng, tăng 14,74%. Trong đó: Nhóm hàng tăng cao nhất là đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 17,65%, thấp hơn là nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 17,1%; lương thực, thực phẩm tăng 16,32% và nhóm tăng thấp nhất là nhóm hàng ô tô các loại tăng 1,72%.
-
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Ước tính tháng 9 năm 2018 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 952,5 tỷ đồng, tăng 15,99% so với tháng cùng kỳ năm trước. Cộng dồn 9 tháng năm 2018 ước đạt 8.464,4 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.920,2 tỷ đồng, tăng 13,64%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước thực hiện 6.316,5 tỷ đồng, tăng 13,14%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước thực hiện 227,8 tỷ đồng, tăng 14,7%. Ước tính quý III năm 2018 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành đạt 2.832,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ (Quý I tăng 11,89%, quý II tăng 11,12%); Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 719,1 tỷ đồng, tăng 12,36%; doanh thu dịch vụ ăn uống ước thực hiện 2.036,2 tỷ đồng, tăng 18,98%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước thực hiện 77 tỷ đồng, tăng 11,12%. Doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tăng cao ở quý III là do trong dịp nghỉ hè, là thời gian mà các em học sinh và giáo viên được nghỉ dài ngày nên nhu cầu về các dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành cũng tăng.
-
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác: Doanh thu tiêu dùng khác tháng 9 ước đạt 1.009,7 tỷ đồng, tăng 15,02% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Cộng dồn 9 tháng năm 2018 ước 9.104,5 tỷ đồng, tăng 10,85% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu cả 7 nhóm hàng 9 tháng 2018 đều có chỉ số tăng so với lũy kế cùng kỳ, trong đó nhóm hàng có chỉ số tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 14,53%, nhóm hàng có chỉ số tăng thấp nhất là dịch vụ sửa chữa máy tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 4,82%. Doanh thu tiêu dùng khác quý III ước đạt 3.013,5 tỷ đồng, tăng 12,05% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 10,31%, quý II tăng 10,22%). Các nhóm hàng có chỉ số tăng cao so với cùng kỳ là: Dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 13,84%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 14,68%; dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 15,48%… Các nhóm có chỉ số tăng thấp như dịch vụ khác tăng 2,03%.
d. Khách du lịch: Ước tính tháng 9 năm 2018 lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 484.008 lượt khách, tăng 12,48% so với tháng cùng kỳ năm 2017. Lượt khách du lịch theo tour của dịch vụ lữ hành là 8.764 lượt khách, tăng 16,03% so với tháng cùng kỳ. Dự ước ngày khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 437,9 nghìn ngày khách, tăng 13,35%; ngày khách du lịch theo tour là 34,3 nghìn ngày khách, tăng 16,19%. Dự ước 9 tháng năm 2018: Lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ khoảng 4.376,5 nghìn lượt khách, tăng 13,01% so với cùng kỳ năm 2017; lượt khách du lịch theo tour của dịch vụ lữ hành ước gần 79 nghìn lượt khách, tăng 14,3%; dự ước ngày khách do các cơ sở lưu trú phục vụ là 4.168,7 nghìn ngày khách, tăng 12,95%; ngày khách du lịch theo tour là 307,6 nghìn ngày khách, tăng 14,69%. Đạt được kết quả trên là nhờ công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, môi trường vệ sinh cảnh quan ngày càng tốt hơn. Trong thời gian tới, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ổn định giá phòng để ổn định nguồn khách tăng sức cạnh tranh đối với các tỉnh phát triển về du lịch. Ngoài việc kiểm tra niêm yết giá ở các khách sạn, resort 3 sao thì tại các khách sạn - nhà nghỉ bình dân cũng được thực hiện kiểm tra nghiêm túc tránh tình trạng các cơ sở kinh doanh lưu trú tăng giá cao vào các dịp cuối tuần, lễ, tết.
7. Xuất, nhập khẩu
Hoạt động xuất khẩu: Sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu mở rộng sang các nước thành viên của CPTPP, nắm bắt yêu cầu của đối tác, từ đó tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tổng giá trị xuất khẩu tháng 9 năm 2018 ước đạt 699,5 triệu USD; lũy kế 9 tháng ước 5.853,9 triệu USD, tăng 12,34% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu trừ dầu thô của tỉnh ước thực hiện 9 tháng năm 2018 là 3.306,8 triệu USD, tăng 16,89% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực như: Xuất khẩu mặt hàng dệt may tăng mạnh đạt 282,7triệu USD, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ; Thị trường xuất khẩu chính của ngành hàng dệt may là các nước như: Mỹ, Anh, Úc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Xuất khẩu sắt thép đạt 879,3 triệu USD, tăng 17,96%, chủ yếu xuất sang các nước Mỹ, Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc... Xuất khẩu dầu thô đạt 2.547,2 triệu USD tăng 6,94% so cùng kỳ. Ngành công thương tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tăng cường thông tin thị trường, tổ chức tuyên truyền rộng rãi nội dung các Hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài… Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng đơn giản, minh bạch hóa chính sách và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường các kênh trao đổi thông tin với doanh nghiệp thông qua việc tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong nước cũng như hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh sản lượng nguyên phụ liệu trong nước, tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong các FTA; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Hoạt động nhập khẩu: Tổng giá trị nhập khẩu ước tháng 9 năm 2018 là 492,4 triệu USD; lũy kế 9 tháng là 4.472,6 triệu USD tăng 11,57% so với cùng kỳ năm 2017. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng khá cao so cùng kỳ như: Phụ liệu dệt, may, da giày tăng 10,44%; sắt thép các loại tăng 2,51%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 40,7% so với cùng kỳ năm trước.
8. Vận tải
a. Vận tải hành khách của địa phương
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 9 năm 2018 ước đạt 1.130,2 nghìn HK, tăng 5,73% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2018 ước đạt 10.313,9 nghìn HK, tăng 3,75%. Khối lượng luân chuyển hành khách tháng 9 năm 2018 ước đạt 68,4 triệu HK.km, tăng 6,61% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng năm 2018 ước đạt 616,4 triệu HK.km, tăng 4,72%.
Khối lượng vận chuyển hành khách quý III năm 2018 ước đạt 3.371,9 nghìn HK, tăng 5,37% so với cùng kỳ (Quý I tăng 3,49%, quý II tăng 2,46%). Khối lượng luân chuyển hành khách quý III năm 2018 ước đạt 203,4 triệu HK.km, tăng 5,8% so cùng kỳ (Quý I tăng 3,3%, quý II tăng 5,12%). Nguyên nhân tăng nhiều ở quý III là do khối lượng vận chuyển, luân chuyển hành khách của một số công ty vận tải tăng cao như: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Thiên Nam; Công ty TNHH Vận tải Toàn Thắng; Công ty Cổ phần Vận tải Hoa Mai; …
Trong kỳ nghỉ lễ 2/9, do lượng khách đi lại đông nên các hãng xe cũng tăng chuyến và giá vé; so với ngày thường, lượng khách đi lại qua các bến tăng khoảng 20%. Nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại của khách, bến xe đã chủ động làm việc với các hãng vận tải, yêu cầu bố trí tăng chuyến, nên không xảy ra hiện tượng ùn ứ khách tại bến xe. Cụ thể, từ ngày 1 đến 3/9, hãng xe Toàn Thắng tăng từ 60 chuyến lên 116 chuyến, chủ yếu là tuyến Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Hãng xe Hoa Mai tăng từ 68 chuyến lên 116 chuyến. Hãng xe Phương Trang cũng tăng chuyến lên gấp đôi so với ngày thường. Từ 31/8 đến 3/9, giá vé cũng tăng từ 20 - 30% so với ngày thường. Hãng xe Toàn Thắng, Hoa Mai tăng từ 95.000 đồng lên 120.000 đồng/lượt khách chặng Vũng Tàu - Bến xe miền Đông, miền Tây; từ 90.000 đồng lên 110.000 đồng/lượt khách chặng Bà Rịa - Bến xe miền Đông, miền Tây. Hãng xe Kumho Samco tăng từ 100.000 đồng lên 125.000 đồng chặng Vũng Tàu - Bến xe miền Đông, miền Tây. Hãng xe Ngọc Phát tăng giá vé 30% từ ngày 31/8 đến 3/9 các chặng từ Vũng Tàu - Nha Trang, Ninh Hòa, Gia Lai...
b. Vận tải hàng hóa của địa phương
Trong tháng, do thời tiết xấu, thường xuyên xảy ra mưa bão nên ảnh hưởng đến khối lượng vận tải hàng hóa. Khối lượng vận chuyển hàng hóa địa phương tháng 9 ước đạt 2.369,2 nghìn tấn, tăng 1,56% so với cùng kỳ; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước 302,6 triệu tấn.km, giảm 2,49%. Lũy kế 9 tháng năm 2018, khối lượng vận chuyển hàng hóa ước 21.729,1 nghìn tấn, tăng 5,25%; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 2.993,1 triệu tấn.km, tăng 4,95%.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa địa phương quý III năm 2018 ước đạt 7.551,3 nghìn tấn, tăng 7,68% so với cùng kỳ (Quý I tăng 4,13%, quý II tăng 3,87%). Khối lượng luân chuyển hàng hóa ước 993,5 triệu tấn.km, tăng 4,79% so với cùng kỳ (Quý I tăng 4,57%, quý II tăng 5,5%). Vận tải hàng hóa của địa phương quý III tăng cao do khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa của một số doanh nghiệp tăng như: Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân cảng Cái Mép; Công ty TNHH Posglobal Logisticss; Công ty Cổ phần Thủy Tân Cảng; Công ty TNHH Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; Công ty Bảo đảm an toàn hàng Hải Miền Nam; Công ty Tàu dịch vụ dầu khí; …
c. Doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải
Doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải quý III năm 2018 ước đạt 4.375,1 tỷ đồng, tăng 10,71% so với cùng kỳ (Quý I tăng 9,72%, quý II tăng 11,06%). Phân theo khu vực kinh tế, doanh thu vận tải kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải khu vực Nhà nước quý III năm 2018 ước đạt 937,5 tỷ đồng, tăng 11,44% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế ngoài nhà nước ước đạt 2.300,7 tỷ đồng, tăng 10,18%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 1.136,9 tỷ đồng, tăng 11,23%.
Lũy kế 9 tháng năm 2018 doanh thu ước đạt 12.876,3 tỷ đồng, tăng 10,51%; trong đó vận tải đường bộ ước đạt 3.283,7 tỷ đồng, tăng 5,23%; vận tải đường thủy ước đạt 1.799,4 tỷ đồng, tăng 5,34%; hoạt động kho bãi ước đạt 180,4 tỷ đồng, tăng 10,29%; dịch vụ bốc xếp, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 7.612,8 tỷ đồng, tăng 14,3%. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu của một số công ty hoạt động trong lĩnh vực này tăng như: Công ty TNHH Dịch vụ lai dắt Tân Cảng - Cái Mép; Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế Cảng Sài Gòn - SSA; Công ty TNHH cảng Quốc tế - Tân cảng Cái Mép; Công ty TNHH Thoresen Vinama Logisstics; Công ty Vận tải Thủy Tân Cảng; Công ty TNHH cảng quốc tế SP - PSA; Công ty TNHH Korea Express cảng Sài Gòn; Công ty cổ phần Tân cảng CYPRESS; ...
d. Doanh thu dịch vụ cảng
Dịch vụ cảng biển và dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, nhờ đó doanh thu dịch vụ cảng (bốc xếp) quý III năm 2018 ước đạt 961,7 tỷ đồng, tăng 12,64% so với cùng kỳ (Quý I tăng 7,29%, quý II tăng 13,3%); lũy kế 9 tháng năm 2018 ước đạt 2.765,2 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng trên 21% doanh thu ngành vận tải), tăng 11,14%.
e. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng
Từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động khai thác tại các cảng vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khả quan. Tổng khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển quý III năm 2018 ước đạt 16,9 triệu TTQ, tăng 9,49% so với cùng kỳ (Quý I tăng 16,09%, quý II tăng 9,09%). Lũy kế 9 tháng ước đạt hơn 50,6 triệu TTQ, tăng 11,32% so với cùng kỳ, trong đó khối lượng hàng hóa thông qua cảng của các doanh nghiệp cảng hạch toán độc lập đạt hơn 45 triệu TTQ, tăng 11,26%. Lượng hàng thông qua cảng trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
9. Giá cả
a. Chỉ số giá tiêu dùng chung: Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 9 tăng 0,23% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,22% và khu vực nông thôn tăng 0,24%). Bình quân 9 tháng năm 2018, chỉ số giá tăng 3,52% so với cùng kỳ, tăng 1,48% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước trong đó chỉ số giá bình quân quý III năm 2018 tăng 3,39% so với cùng kỳ (khu vực thành thị tăng 3,21% và khu vực nông thôn tăng 3,72%).
Chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Tăng 0,32% so với tháng trước trong đó:
+ Chỉ số giá nhóm lương thực: Tăng 0,42% so với tháng trước chủ yếu do giá gạo tăng 0,53%.
+ Chỉ số giá nhóm thực phẩm: Tăng 0,44% so với tháng trước chủ yếu do nguồn cung giảm trong khi mức tiêu thụ tăng trong tháng do ảnh hưởng từ dịp lễ Quốc khánh 2/9. Cụ thể: Thịt gia súc tươi sống tăng 1,39% trong đó giá thịt heo tăng 1,71%, thịt bò tăng 0,55%; thủy sản tươi sống tăng 1,55% do giá tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,6%, cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 1,54%, thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,52%. Bên cạnh đó, có một số mặt hàng giảm so với tháng trước như: Thịt gia cầm tươi sống giảm 1,4% so với tháng trước do giá thịt gà giảm 1,77%; các loại đậu và hạt giảm 1,98%; rau tươi khô và chế biến giảm 2,29% do ảnh hưởng từ mùa vụ tăng nguồn cung cấp cho thị trường trong đó su hào giảm 4,29%, cà chua giảm 8,25%, khoai tây giảm 2,07%, rau dạng quả củ giảm 6,99%...
Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng: Tăng 0,21% so với tháng trước. Chỉ số giá nhóm hàng này tăng chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,21%; giá dịch vụ nước sinh hoạt tăng 1,28%; giá dịch vụ điện sinh hoạt tăng 1,11%. Từ ngày 1/9/2018, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 2,71% do giá gas thế giới bình quân tháng 9 năm 2018 tăng.
Giao thông: Tăng 0,76% so với tháng trước chủ yếu do giá nhiên liệu tăng. Trong tháng 9, Liên bộ Công thương - Tài chính đã có văn bản chỉ đạo điều hành 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Mức điều chỉnh gần nhất ngày 21/9/2018, mức giá xăng dầu mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cụ thể như sau: Giá xăng E5 RON92 có giá tối đa 20.230 đồng/lít; xăng RON95-III có giá tối đa 21.770 đồng/lít; dầu diesel 0.05S có giá tối đa 18.120 đồng/lít. Từ ngày 31/8/2018 - 30/9/2018, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ giảm giá 300 đồng/lít so với giá bán lẻ niêm yết (giá đã bao gồm thuế giá trị gia tăng và các khoản phí theo quy định của pháp luật) cho các khách hàng đến mua xăng và dầu diezel tại cáccửa hàng trong hệ thống của Petrolimex trên toàn quốc. Chương trình tri ân khách hàng này sẽ thực hiện vàothứ Sáu hàng tuần trong thời gian 1 tháng. Cụ thể khách hàng sẽ được giảm 300 đồng/lít xăng và dầu diezel vào các ngày 31/8 và các ngày 7, 14, 21 và 28/9/2018.
Các mặt hàng khác: Tăng hoặc tương đối ổn định.
b. Giá vàng: Giá vàng trong tháng giảm 0,16% so với tháng trước, do ảnh hưởng của giá vàng thế giới và nhu cầu thị trường. Bình quân 9 tháng tăng 0,05% so với cùng kỳ.
c. Giá USD: Giá đô la Mỹ tăng 0,04% so với tháng trước do biến động của thị trường trong nước và thế giới. Bình quân 9 tháng tăng 0,75% so với cùng kỳ.
10. Các vấn đề xã hội
a. Đời sống dân cư
Đời sống của cán bộ, công chức: Nhìn chung đời sống của cán bộ, công chức, người nghỉ hưu, người lao động ổn định so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, với mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng, tăng 90.000 đồng.
Người lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh: Các doanh nghiệp đã thực hiện trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Tiền lương và thu nhập của người lao động khá ổn định. Giá dầu thô đã tăng trở lại, bình quân ở mức 73,95 USD/thùng, tuy chưa đạt mức giá ở năm 2014 nhưng cũng đã phần nào giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp dầu khí trên địa bàn và ổn định việc làm cũng như thu nhập của người lao động.
Đời sống dân cư nông thôn: Trong 9 tháng năm 2018, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp, tập trung ưu tiên vốn cho hạ tầng thủy sản, dịch vụ hậu cần, các vùng nuôi tập trung theo định hướng tập trung sản xuất thâm canh, áp dụng công nghệ cao, liên kết và tổ chức theo chuỗi sản phẩm. Trồng trọt rau mùa theo chuẩn VietGap, hạn chế các loại thuốc bảo vệ thực vật đồng thời theo dõi diễn biến thị trường để tránh cung vượt cầu. Điều đó mang đến những chuyển biến tích cực trong ngành nông nghiệp. Sầu riêng được mùa được giá, trồng du đủ sạch thu lãi cao, giá heo tăng mạnh so cùng kỳ, … giúp người dân thuận lợi trong sản xuất và tăng nguồn thu nhập.
+ Vụ sầu riêng được giá nhất trong nhiều năm qua: Giá bán ổn định và năng suất cao đã giúp bà con trồng sầu riêng thu lãi lớn (trung bình 500 triệu đồng/ha). Thời điểm cuối vụ, giá sầu riêng tại vườn ở mức 50.000 đồng/kg. Giá sầu riêng tăng cao là nhờ sức mua tăng mạnh từ thương lái Trung Quốc nên khó giữ được sự ổn định qua nhiều năm.
+ Nông dân thu lãi lớn từ trồng đu đủ sạch: Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Bình Giã, huyện Châu Đức đã xây dựng mô hình trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trước đây, giá đu đủ khá bấp bênh, cao nhất được khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, có khi giảm mạnh, chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg. Từ khi tham gia mô hình trồng đu đủ sạch, doanh nghiệp cam kết thu mua với giá khá cao 10.000 đồng/kg. Nông dân chỉ cần tập trung sản xuất nông sản chất lượng, không phải lo lắng nhiều về giá cả như trước đây. Đây là mức thu nhập cao so với phương thức tự trồng, tự bán. Hiện chính quyền đang vận động thêm các thành viên tham gia tổ hợp tác.Các hội viên sẽ liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất đu đủ sạch đạt chuẩn. Tổ hợp tác cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích và số lượng người trồng đu đủ sạch tại địa phương, giúp sản phẩm này từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường.
+ Giá heo tăng cao từ đầu tháng 8: Hiện giá heo hơi đang ở mức giá phổ biến là 48.000 - 51.000 đồng/kg, giảm khoảng 5.000 đồng so với tháng trước nhưng tăng khoảng 1,7 lần so với cùng kỳ (28.000 - 32.000 đồng) và vẫn là mức giá cao. Cơ quan chức năng đã có văn bản chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá thịt heo và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước.
Tuy có nhiều thuận lợi nhưng trong 9 tháng năm 2018, liên tục có mưa trái mùa làm cho một số cây trồng giảm năng suất. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, tình hình dịch hại trên cây trồng ở mức độ nhẹ, trung bình, các đối tượng dịch hại chỉ xuất hiện cục bộ không lây lan trên diện rộng. Trong những ngày đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc liên tiếp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan: Mưa lớn, gió lốc khiến nhiều diện tích rau quả, cây ăn trái thiệt hại nặng. Nhiều vườn tiêu xanh mởn, đã bắt đầu cho trái bị gãy đổ, chồng lên nhau, thậm chí có nhiều trụ tiêu còn bị bật gốc vẫn chưa được nông dân khắc phục hết.Mưa lớn cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho các hộ trồng dưa lưới. Khi dưa bắt đầu có trái thì liên tiếp gặp phải mưa lớn, ước năng suất chỉ khoảng 25 tấn/ha, sản lượng có thể sẽ thấp hơn khoảng 25% so với sản lượng trung bình hàng năm. Nguyên nhân là mưa quá nhiều trong thời gian ngắn, bên cạnh đó còn xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy nên dưa bị hư hại nhiều. Để khắc phục tình trạng mưa lớn kéo dài, gây ngập úng, nông dân trồng dưa đã chủ động đào mương sâu quanh ruộng để thoát nước. Bên cạnh đó, tăng cường thăm vườn, nhổ cỏ dại, bón phân, tăng mật độ phun thuốc trị nấm cho dưa để tránh sâu bệnh. Những hộ có điều kiện thì làm thêm giàn tre, đặt dưa lên giàn để tránh độ ẩm, ngập úng.
b. Công tác an sinh xã hội
Công tác giảm nghèo: Trong tháng 9, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã xét duyệt cho 1.130 lượt hộ nghèo vay với số tiền gần 36,7 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2018, đã xét duyệt cho 7.864 lượt hộ nghèo vay với số tiền hơn 252,7 tỷ đồng. Cấp thẻ bảo hiểm cho 69.799 người thuộc diện người nghèo, cận nghèo, người thoát nghèo với tổng số tiền 24,4 tỷ đồng; 2.098 người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn với tổng số tiền là 730 triệu đồng,… Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, xây 41 căn nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng; sửa chữa 37 căn nhà với tổng số tiền 552 triệu đồng, …
Công tác giải quyết việc làm: Trong tháng, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 2.699 lao động, thông qua các chương trình:
- Chương trình giảm nghèo 600 lao động;
- Chương trình 120 là 400 lao động;
- Doanh nghiệp tự tuyển 1.000 lao động;
- Tự tạo việc làm 612 lao động;
- Xuất khẩu 87 lao động.
Lũy kế 9 tháng năm 2018, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 29.829 lao động, thông qua các chương trình:
- Chương trình giảm nghèo 6.253 lao động;
- Chương trình 120 là 6.492 lao động;
- Doanh nghiệp tự tuyển 12.124 lao động;
- Tự tạo việc làm 4.872 lao động;
- Xuất khẩu 88 lao động.
Phiên giao dịch việc làm: Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, thu hút 47 doanh nghiệp tham gia, 1.070 lượt người tham dự, số đăng ký việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động 770, số lao động được sơ tuyển 393 lao động. Các doanh nghiệp tập trung tuyển lao động thuộc các nhóm ngành nghề: Xây dựng, thực phẩm, cơ khí, nhà hàng - khách sạn, kế toán, nhân viên kinh doanh, giao hàng… Một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc tại Nhật Bản với các vị trí: Công nhân may, điện, thực phẩm, cơ khí.
Giải quyết chế độ, chính sách đối với Người có công: Trong 9 tháng, tiếp nhận và giải quyết chế độ đối với Người có công với cách mạng cho 1.005 người, trong đó: Xét duyệt 467, chuyển đến 166, mai táng phí 260, cắt chế độ 12, chuyển đi 52; xử lý đơn thư cho 57 người; cấp thẻ bảo hiểm cho 342 người; di dời hài cốt liệt sĩ 12 hài cốt; giới thiệu 29 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ra hội đồng giám định y khoa; điều dưỡng tập trung 350 người; tổ chức cấp kinh phí trợ cấp lễ, tết: Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cho 28.581 lượt người với số tiền hơn 28 tỷ đồng, ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/2018) cho 26.303 lượt người với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng…. Triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ các chính sách, chế độ đối với người có công trên địa bàn tỉnh bảo đảm kịp thời chu đáo.
Bảo trợ xã hội: Trong 9 tháng năm 2018, tổng số đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng là 26.495 người với tổng kinh phí trợ cấp hơn 99 tỷ đồng; quản lý 804 người tại 4 cơ sở bảo trợ công lập trong đó tiếp nhận mới 233 người, giảm 224 người. Tổ chức thăm, tặng quà chúc thọ 70 người cao tuổi tròn 100 tuổi năm 2018, tổng số tiền thực hiện là 245 triệu đồng; phân bổ kinh phí chúc thọ 686 người tròn 90 tuổi cho các huyện, thành phố với tổng số tiền 1,4 tỷ đồng; tổ chức thăm và tặng quà cho 262 người khuyết tật nhân ngày người khuyết tật Việt Nam 18/4, …
Phòng chống tệ nạn xã hội: Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức sinh hoạt nhóm cho 1.080 lượt người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy tại 10 điểm tư vấn; tổ chức 68 lớp tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người; tổ chức 4 lớp đào tạo về Tư vấn điều trị nghiện ma túy cho 135 cán bộ là thành viên Ban chủ nhiệm các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, cán bộ tại cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy; tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy tại 10 trường. Công tác cai nghiện, phục hồi đang quản lý là 709 người, đầu kỳ 553, tiếp nhận 1.136, ra trong kỳ 980.
c. Giáo dục, đào tạo
Sáng 5/9, hơn 273 ngàn học sinh trên toàn tỉnh hân hoan tham dự lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Tại tất cả các trường, lễ khai giảng diễn ra trang trọng, phấn khởi, vui tươi. Sau lễ khai giảng, các nhà trường đã tổ chức tọa đàm với đại biểu tham dự để báo cáo tình hình năm học mới. Bên cạnh những thuận lợi, năm học này, các nhà trường vẫn gặp phải không ít khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các nhà trường đề xuất UBND tỉnh và ngành giáo dục quan tâm hơn nữa để tạo điều kiện cho thầy và trò trong năm học mới. Nhân dịp lễ khai giảng năm học mới, các cá nhân, đơn vị đã trao tặng nhiều suất học bổng để tiếp sức tới trường cho học sinh của các trường như: Trường THPT Xuyên Mộc; Trường THCS Võ Trường Toản (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức); Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ)...
d. Y tế
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh không có bệnh dịch nguy hiểm xảy ra. Các bệnh truyền nhiễm quan trọng đều nằm trong giới hạn cho phép. Chương trình phòng chống dịch đã thông báo đến các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền phòng chống các bệnh dịch trong mùa mưa tiếp tục được tăng cường.
Bệnh sốt xuất huyết: Trong 9 tháng, ngành y tế và các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ về dịch bệnh; tổ chức chiến dịch truyền thông đến cộng đồng, tổ chức nhiều chiến dịch cao điểm diệt lăng quăng. Nhờ đó, tình hình lây nhiễm sốt xuất huyết đã được khống chế, số ca mắc giảm so với cùng kỳ. Số bệnh nhân sốt xuất huyết 9 tháng năm 2018 là 1.197 người, giảm 1.010 người so với cùng kỳ năm trước, không có trường hợp tử vong.
Bệnh sốt rét: Công tác phòng chống bệnh sốt rét vẫn duy trì đều đặn hàng tháng nhằm tránh bùng phát dịch bệnh, thông qua các chương trình thường xuyên giám sát định kỳ tại các vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm, mở lớp tập huấn phun thuốc tẩm hóa chất trên đia bàn tỉnh. Số bệnh nhân sốt rét trong 9 tháng năm 2018 là 24 ca, tăng 14 ca so với cùng kỳ.
HIV/AIDS: Tính đến cuối tháng 8 năm 2018 số bệnh nhân HIV trên địa bàn tỉnh lũy kế là 4.269 trường hợp; bệnh nhân AIDS lũy kế là 3.454 trường hợp. Kể từ tháng 1/2019, toàn bộ người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải tham gia BHYT để được thanh toán chi phí điều trị (theo chế độ đồng chi trả). Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, vẫn còn 13% bệnh nhân HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT. Trong thời gian tới, ngành y tế của tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV chủ động mua và sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh; đồng thời, vận động chính sách từ các dự án quốc tế (Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, nhà tài trợ PEPFAR) trong việc mua thẻ BHYT cho bệnh nhân đang được quản lý điều trị.
Ngộ độc thực phẩm: Trong 9 tháng năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại TP. Vũng Tàu với 27 người bị ngộ độc, không có tử vong; nguyên nhân là do ăn thức ăn nhiễm vi sinh vật. Các cơ quan, ban ngành liên quan cùng các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phổ biến kiến thức về lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm đến người dân; tổ chức các đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm từ cấp tỉnh đến xã, phường.
e. Hoạt động văn hóa, thể thao
Hoạt động tuyên truyền, thông tin lưu động: Trong 9 tháng thực hiện: 867 m2 pano, 716 m băng rôn, 271 m (25 tấm) băng rôn ngang, 100 băng rôn dọc, 200 tấm pano phướn, 150 m2 cổng chào, 282 m2 triển lãm ảnh tư liệu, 282 m2 phông sân khấu, 1.500 m cờ dây,…. Tổ chức 9 cuộc triển lãm ảnh tư liệu và ảnh nghệ thuật, với 1.518 ảnh, phục vụ: 12.760 lượt người xem. Xây dựng 5 chương trình thông tin lưu động, biểu diễn 75 buổi tại cơ sở, phục vụ 37.525 lượt người xem.
Nghệ thuật quần chúng: Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức 4 chương trình nghệ thuật quần chúng, gồm: Chương trình Chào mừng tết Dương lịch 2018; Chương trình Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với chủ đề “Đẹp mãi những mùa xuân có Đảng”; Chương trình Khai mạc Hội vui Xuân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018, với chủ đề “Mùa xuân yêu thương”; Giao lưu các CLB nghệ thuật mừng Xuân Mậu Tuất với sự tham gia biểu diễn của 6 CLB thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đăng cai công tác tổ chức thành công và tham gia Hội diễn Tiếng hát miền Đông lần thứ XVIII - năm 2018 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Tham gia Liên hoan Ban nhạc và nhóm ca tỉnh Bình Dương mở rộng - Năm 2018, gồm 6 tiết mục. Tổ chức Hội diễn Nghệ thuật Quần chúng tỉnh lần thứ XXV - Năm 2018.
Nghệ thuật chuyên nghiệp: Trong 9 tháng, biểu diễn 81 xuất phục vụ các sự kiện: Mừng Đảng, Mừng Xuân Đinh Dậu và các sự kiện chính trị khác của tỉnh, thu hút 75.000 lượt người xem. Xây dựng và chỉnh lý 2 chương trình mới.
Hoạt động điện ảnh: Thực hiện 471 xuất chiếu phim tại vùng sâu vùng xa, phục vụ hơn 12.141 lượt người xem; 1.519 xuất chiếu tại rạp, phục vụ khoảng 12.599 lượt người xem.
Hoạt động bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm hiện vật và phát huy giá trị di tích lịch sử:
- Sưu tầm hiện vật: Từ đầu năm đến nay, sư tầm 36 hiện vật gốc (Đồ dệt, tranh sơn dầu, tranh khảm trên ốc, đồ mộc, giấy, tiêu bản đồi mồi - xừng); 30 tài liệu khoa học phụ; 34 đầu sách; 367 hiện vật của nhà sưu tập tư nhân Nguyễn Ngọc Ẩn; 72 hình ảnh các Đại hội của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; 2.353 hiện vật trưng bày Nhà bảo tàng tỉnh.
- Phát huy giá trị di tích lịch sử: Bảo tàng và các di tích, danh thắng trong tỉnh đón và phục vụ 332.868 lượt khách tham quan, học tập và nghiên cứu. Triển lãm các chuyên đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất”; “Tổng bí thư Lê Duẩn - cuộc đời và sự nghiệp”; “Kí họa Côn Đảo; “Vũng Tàu xưa và nay”; “Di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và lễ hội truyền thống Bà Rịa - Vũng Tàu”; Triển lãm lưu động “Côn Đảo xưa và nay” tại Vĩnh Long. Tổ chức lễ giỗ giỗ lần thứ 66 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Võ Thị Sáu (23/01/1952 - 23/01/2018). Tổ chức Hội thi: “Tìm hiểu về các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương” cho học sinh trường THCS & THPT Võ Thị Sáu, Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hoạt động thưviện: Trong 9 tháng, cấp mới 4.259 thẻ, phục vụ 370.584 lượt bạn đọc/1.160.245 lượt tài liệu với nhiều hình thức: Phục vụ tại chỗ, luân chuyển và lưu động, truy cập website và truy cập thư viện số. Tổ chức luân chuyển và phục vụ lưu động được 154 đơn vị sơ sở/41.547 bản sách; phục vụ được 103.323 lượt bạn đọc/354.581 lượt tài liệu. Tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm vào dịp Tết 2018 (Hội Báo xuân năm 2018); Kỷ niệm ngày sách Việt Nam (21/4); Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4).
Hoạt động thể dục thể thao:
- Thể thao quần chúng: Tính đến ngày 10/9/2018 đã tổ chức được 34/51 giải,đạt 66,7% theo kế hoạch. Tổ chức thành công Lễ Khai mạc và Bế mạc Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII năm 2018 và Lễ xuất quân tham dự Đại Hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Tổ chức thành công Hội khỏe phù đổng tỉnh lần thứ X năm 2018; Tham dự Giải thể thao Người khuyết tật toàn quốc năm 2018; Giải Cờ tướng trung cao tuổi toàn quốc năm 2018. Phối hợp với Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân cấp tỉnh năm 2018. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án trợ giúp Người khuyết tật tỉnh năm 2018….
- Thể thao thành tích cao: Phối hợp đăng cai tổ chức các giải thể thao thành tích cao gồm: Vô địch cờ tướng quốc gia; Giải quần vợt VTF pro tour 1; Giải đua Xe đạp nữ quốc tế Bình Dương mở rộng tranh cúp Biwase lần thứ VIII; Giải bóng đá hạng nhì quốc gia; Giải vô địch Patin Freestyle Đông Nam Á lần thứ 5; Giải vô địch Golf trẻ Toàn quốc. Phối hợp với Công ty Cổ phần Bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu đăng cai tổ chức giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2018 tại Sân vận động Bà Rịa; kết thúc vòng bảng giải Bóng đá hạng Nhì quốc gia 2018, đội Bóng đá Bà Rịa - Vũng Tàu xếp Nhất bảng B,tham dự vòng chung kết vào ngày 15/7/2018 tại tỉnh Phú Yên đội bóng đá câu lạc bộ tỉnh Bà Rịa vũng Tàu xếp hạng Tư, không được thăng hạng nhất, tiếp tục tham gia giải hạng Nhì năm 2019. Phối hợp với Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF) tổ chức tuyển sinh các tài năng Bóng đá trẻ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tính đến ngày 10/9/2018, tham dự 59 giải thể thao thành tích cao, đạt được: 273 huy chương (52 huy chương vàng, 74 huy chương bạc, 147 huy chương đồng), đạt 102,2% theo kế hoạch.
f. Tai nạn giao thông
Trong quý III, trên địa bàn tỉnh xảy ra 189 vụ tai nạn giao thông, trong đó: Va chạm 123 vụ, ít nghiêm trọng 10 vụ, nghiêm trọng 52 vụ, rất nghiêm trọng 3 vụ; đặc biệt nghiêm trọng 1 vụ; làm bị thương 168 người, chết 60 người, giá trị thiệt hại 608 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 475 vụ tai nạn giao thông, giảm 71 vụ so với cùng kỳ, trong đó: Va chạm 292 vụ, giảm 63 vụ; ít nghiêm trọng 10 vụ, giảm 4 vụ; nghiêm trọng 161 vụ, giảm 4 vụ; rất nghiêm trọng 11 vụ, giảm 1 vụ; đặc biệt nghiêm trọng tăng 1 vụ; làm chết 185 người, bị thương 432 người, hư hỏng tài sản ước giá trị thiệt hại gần 1,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 1,8 vụ tai nạn giao thông, giảm 13% về số vụ so với năm 2017, số người bị thương giảm 28,48%.
Nhìn chung tai nạn giao thông từ đầu năm đến nay đã giảm về số vụ, số người chết, người bị thương; đó là dấu hiệu đáng mừng và cũng là sự thành công của các cấp các ngành trong việc làm giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Sở Giao thông và Vận tải đã tổ chức rà soát, thống kê các địa điểm, vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông từ nay đến cuối năm. Cụ thể, trên tuyến quốc lộ 51, điểm giao nhau với đường Trường Chinh sẽ thay thế trụ dẻo đã hư hỏng bằng dải phân cách nhựa, lắp đặt biển cấm dừng dọc theo tường rào khu vực siêu thị Co.opmart, mở rộng bán kính cong hướng từ quốc lộ 51 vào đường Trường Chinh; mở rộng bán kính quay xe tại nút giao quốc lộ 51 với trục đường 46 khu công nghiệp Phú Mỹ I để tạo điều kiện cho các xe tải, xe container rẽ phải sớm; mở dải phân cách tại vị trí quốc lộ 51 giao với đường 965, thu hẹp dải phân cách hiện hữu gần đó bằng cách lắp tạm dải phân cách bê tông để chỉ cho phương tiện hai bánh lưu thông; điều chỉnh giao lộ đường Châu Pha - Bàu Phượng, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Hòa Bình thành nút giao vòng xoay. Còn tại TP.Vũng Tàu, Sở tiến hành sơn và gắn các thiết bị phản quang xung quanh các vòng xoay; tổ chức sơn phản quang và gắn đinh cảnh báo dọc theo làn xe thô sơ, xe gắn máy trên đường 3-2; bổ sung các trụ có gắn phản quang (hoặc trụ đèn chớp) tại các vị trí quay đầu trên đường 3-2; lắp đặt bổ sung 2 biển báo “khu vực thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông” tại vị trí nút 447 đường 3-2; lắp đặt bổ sung biển “STOP” và báo giao nhau với đường ưu tiên trên đường vào khu du lịch Long Cung; lắp đặt bổ sung biển báo giao đường không ưu tiên, điều chỉnh thu ngắn các dải phân cách biên tại nút giao đường 2-9 với đường Đô Lương…
g. Thiên tai và mức độ thiệt hại
Trong tháng, trên địa bàn tỉnh có 2 cơn bão, lũy kế từ đầu năm là 6. Thời tiết nguy hiểm trong tháng là 1, lũy kế là 14. Mưa lớn trong tháng ảnh hưởng tới cây trồng là 2 và lũy kế từ đầu năm là 9. Số áp thấp nhiệt đới trong tháng là 0; lũy kế từ đầu năm là 10. Tất cả các loại hình thiên tai nói trên đều không gây thiệt hại về người; nhưng ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát triển của cây trồng; ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng trên địa bàn và có gây thiệt hại về tài sản. Cụ thể:
- Tình hình thiệt hại do mưa lớn trong 2 ngày (ngày 2 và ngày 3) tháng 9 như sau:
+ Thiệt hại về hoa màu là 2,4 ha tại TP. Bà Rịa;
+ Thiệt hại về lúa là 141 ha ở huyện Long điền, 239 ha ở huyện Đất Đỏ, 23,6 ha ở TP. Bà Rịa;
+ Thiệt hại về nhà ở: Tốc mái 29 căn ở huyện Long Điền và 1 căn ở TX. Phú Mỹ.
- Vỡ đập Suối Giao Kèo ngày 3/9/2018 với thiệt hại tại TX. Phú Mỹ như sau:
+ Thiệt hại về nhà ở: Ngập 1 hộ 10 khẩu và 1 dãy phòng trọ gồm 7 phòng;
+ Thiệt hại về nuôi trồng thủy sản là 4 ha;
+ Thiệt hại về lúa là 3 ha.
h. Cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Cháy nổ: Trong quý III, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ cháy. Lũy kế 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ cháy, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm trước, làm bị thương 4 người trong đó có 1 vụ là cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, 1 vụ cháy chung cư, 1 vụ cháy tàu và 1 vụ cháy xe ô tô với giá trị thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng.
Vi phạm môi trường: Trong quý III đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và phát hiện 24 vụ vi phạm môi trường, đã xử phạt 24 vụ với số tiền gần 6,6 tỷ đồng. Lũy kế trong 9 tháng năm 2018 xảy ra 26 vụ vi phạm môi trường, tăng 2 vụ so với cùng kỳ; xử phạt 26 vụ, tăng 3 vụ; tổng số tiền hơn 8,3 tỷ đồng, tăng so với năm 2017 gần 6,2 tỷ đồng. Thời gian qua, một số trang trại, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã liên tục gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Nhằm bảo vệ môi trường, một số cơ sở chăn nuôi heo đã mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ mới vào chăn nuôi, áp dụng đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi để giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này vào phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, chi phí đầu tư máy móc, thiết bị còn cao... Để thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền những lợi ích, ưu điểm của việc áp dụng khoa học công nghệ mới trong chăn nuôi. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư ban đầu, cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế, thị trường tiêu thụ sản phẩm để khuyến khích doanh nghiệp, nông dân chăn nuôi theo hướng bền vững.
11. Các giải pháp
Kinh tế tỉnh nhà 9 tháng năm 2018 có sự tăng trưởng khá. Một số điểm nổi bật là giá dầu thô bình quân cao hơn 40% so với cùng kỳ, giá heo hơi tăng cao, sự chuyển đổi khá mạnh mẽ của cơ cấu cây trồng và sự tăng trưởng bền vững của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Để tăng trưởng GRDP năm 2018 đạt chỉ tiêu Nghị quyết, Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất một số giải pháp sau:
Giải pháp tăng trưởng GRDP: Giá trị tăng thêm (VA) của ngành công nghiệp trừ dầu khí trong 6 tháng đầu năm 2018 chiếm tỷ trọng 51,63% toàn bộ VA của nền kinh tế; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng 75,5% toàn ngành công nghiệp. Vì vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng GRDP trên địa bàn cần chú trọng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo với những ưu đãi về vốn, thủ tục, thuế, …
Giải pháp cho du lịch: Phát triển du lịch tình nguyện viên và du lịch kết hợp với học tập để vừa trực tiếp giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, vừa có thể gián tiếp nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương là 2 trong số các giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả mà ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cần chú trọng.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây có những biến động do giá một số sản phẩm cà phê, điều, cao su có xu hướng xuống thấp khiến nhiều hộ đổ xô sang trồng tiêu, thanh long, mít thái mà chặt bỏ cây điều, cây cao su,… Tình trạng này đã làm cho diện tích trồng tiêu tăng lên nhanh chóng, phá vỡ quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của tỉnh, đồng thời tăng nguy cơ rủi ro về mất cân đối cung cầu. Ngành Nông nghiệp tỉnh cần có những giải pháp và định hướng phát triển cây trồng một cách bền vững và lâu dài; quy hoạch theo định hướng và cần có biện pháp hỗ trợ nông dân trong việc tìm thị trường tiêu thụ một cách bền vững.
Giải pháp để ổn định phát triển chăn nuôi heo: Trong 9 tháng đầu năm 2018 giá heo hơi tăng mạnh và không ổn định, còn cùng kỳ năm trước thì tụt dốc và rất khó dự đoán vì vậy:
- Các cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân không nên tăng đàn ồ ạt, cần áp dụng biện pháp tăng đàn heo theo tự nhiên; đồng thời tập trung đầu tư nâng cao chất lượng con giống, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá thành nhằm phát triển bền vững;
- Tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất; vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết hợp đồng tiêu thụ heo thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định, phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua heo thịt cho người chăn nuôi với giá hợp lý.
- Cần tìm các thị trường mới cho thịt heo như xuất khẩu sang Campuchia, Philippines..., không nên hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nội địa và xuất sang Trung Quốc.
- Người chăn nuôi cũng cần có sự thay đổi trong canh tác, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Các giải pháp cải thiện, khắc phục ô nhiễm
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về xả thải và yêu cầu đầu tư hệ thống xử lý đúng quy định;
- Di dời các cơ sở chế biến hải sản không phù hợp quy hoạch, nằm trong khu dân cư;
- Thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở chế biến hải sản, các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh; đồng thời kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nhà máy, cơ sở sản xuất có lượng khí thải, chất thải lớn.
Trên đây là những vấn đề cơ bản về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 9, quý III và 9 tháng năm 2018 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.
Cục Thống kê Bà Rịa - Vũng Tàu