Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/09/2018-10:49:00 AM
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2018 tỉnh Bình Định

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018 có những kết quả nổi bật như sau:

- Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân hoàn thành thu hoạch các loại cây trồng vụ Hè Thu và gieo trồng, chăm sóc các loại cây vụ Mùa 2018;

- Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 9/2018 tăng 2,06% so với tháng trước và tăng 8,51% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ tăng 8,29%;

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2018 ước đạt 5.588,6 tỷ đồng, giảm 0,3% so với tháng trước và tăng 14% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm 2018 giá trị ước đạt 48.197,4 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ;

- Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2018 ước đạt 62 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 13,5% so cùng kỳ; luỹ kế 9 tháng đầu năm 2018 giá trị ước đạt 587,8 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ;

- Hàng hóa thông qua cảng tháng 9/2018 ước đạt 864,9 nghìn TTQ, giảm 1,8% so với tháng trước và tăng 39,2% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6.867,1 nghìn TTQ, tăng 6,3% so với cùng kỳ;

- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2018 tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 4% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,27% so cùng kỳ;

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được duy trì ổn định. Tai nạn giao thông trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm so cùng kỳ trên cả 3 mặt: Số vụ, số người chết và số người bị thương.

1. Hoạt động ngân hàng

Tính đến 30/9/2018, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Bình Định ước đạt 55.922 tỷ đồng, tăng 15,25% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 9/2018 ước đạt 66.130 tỷ đồng, tăng 10,73% so với cùng kỳ. Ước đến 30/9/2018 nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,56% so với tổng dư nợ.

2. Giá cả

2.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2018 tăng 0,57% so tháng trước và tăng 4% so cùng kỳ. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 06 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước: Nhóm giáo dục tăng cao nhất, tăng 3,7%; nhóm giao thông tăng 0,85%; nhóm nhà ở, điện, nước, vật liệu xây dựng tăng 0,72%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,43%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,05%. Có 05 nhóm: Nhóm đồ uống, thuốc lá; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có giá ổn định so với tháng trước.

Nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2018 tăng so tháng trước là giá dịch vụ giáo dục tăng do áp dụng quy định mới trong năm học 2018-2019; giá tiền công xây dựng, giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giá mặt hàng xăng, dầu, gas tăng.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 3,27% so bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI 9 tháng đầu năm tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau: Nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng mạnh nhất, tăng 19,97%; nhóm giao thông tăng 7,59%; nhóm giáo dục tăng 6,16%; nhóm văn hóa, giải trí, du lịch tăng 2,91%; nhóm nhà ở, điện nước tăng 2,87%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 2,08%; nhóm thiết bị đồ dùng gia đình tăng 1,92%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,31%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,91%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,88%. Riêng nhóm chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03% so cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng bình quân 9 tháng đầu năm 2018 diễn biến tích cực với mức tăng 3,27%. Đạt được kết quả trên là do có sự chỉ đạo kiểm soát lạm phát của Chính phủ; đồng thời, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát cung cầu hàng hóa, kiểm soát chất lượng và quản lý giám sát giá cả, bình ổn thị trường. Để kiểm soát chỉ số giá trong 3 tháng cuối năm 2018 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban ngành theo dõi diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm hạn chế tình trạng găm hàng, tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu trong những tháng cuối năm.

2.2. Chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá vàng tháng 9/2018 giảm 1,32% so tháng trước và giảm 4,03% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 4,6% so cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9/2018 tăng 0,12% so tháng trước và tăng 2,51% so cùng kỳ; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng 0,76% so cùng kỳ.

2.3. Giá cước vận tải

Trong Quý III/2018, Liên bộ Tài chính và Công Thương đã điều chỉnh giá xăng dầu 5 đợt với mức tăng giá bình quân của xăng E5 RON92 tăng 313 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 671 đồng/lít, so với giá bình quân quý II/2018; do đó, đã làm cho chỉ số giá xăng dầu tăng 1,89% so với quý II/2018 và tăng 21,01% so cùng kỳ năm trước; Quý III/2018, có ngày lễ Quốc khánh 2/9, thêm vào đó là các tháng hè nên nhu cầu đi lại của khách tăng hơn quý trước, cụ thể: Chỉ số chung giá dịch vụ vận tải quý này tăng 0,21% so với quý trước và giảm 0,14% so cùng kỳ năm trước.

Chia theo ngành hàng, giá cước vận tải hành khách Quý III/2018 tăng 1,42% so quý trước và tăng 2,75% so cùng kỳ; giá cước vận tải hàng hoá ổn định so quý trước và giảm 5,51% so cùng kỳ; giá cước dịch vụ kho bãi và hỗ trợ cho vận tải so quý trước không thay đổi, so cùng kỳ tăng 1,7%.

2.4. Giá xuất, nhập khẩu

Chỉ số giá xuất khẩu hàng hoá Quý III/2018 so quý trước: Giá nhóm sắn lát và sản phẩm từ sắn tăng 3,4%; giá gạo tăng 1,3%; giá sản phẩm giày dép tăng 0,1%; giá sản phẩm đồ gỗ tăng 0,1%; giá nhóm thuỷ sản giảm 0,3%; giá dăm gỗ giảm 0,3%; giá khoáng sản giảm 0,1%; giá sản phẩm đá giảm 0,2%.

Một số nguyên nhân tác động chỉ số giá xuất khẩu: Các rào cản kỹ thuật phi thuế quan; nguồn nguyên liệu thiếu ổn định cả về chất lượng và số lượng; vấn đề kháng sinh; giá thành sản xuất; cầu thị trường tiêu thụ truyền thống giảm. Riêng mặt hàng gạo, sắn lát nhu cầu thị trường tăng cao nên tác động tích cực lên giá xuất khẩu.

Chỉ số giá nhập khẩu hàng hoá Quý III/2018 so với quý trước: Nhóm thuỷ sản nguyên liệu tăng 0,3%; nhóm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tăng 0,1%; giá nguyên liệu chế biến đồ gỗ tăng 0,1%; giá phân bón giảm 1%.

Các doanh nghiệp nhập các nguyên liệu dùng cho sản xuất dài hạn như: nguyên liệu dược, nguyên liệu may mặc, nguyên liệu gỗ, máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất.

2.5. Giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản

Chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sảnQuý III/2018tăng 5,59% so quý trước. Trong đó, nhóm nông nghiệp tăng 7,66% (sản phẩm từ chăn nuôi tăng 14,56%, riêng sản phẩm chăn nuôi lợn tăng 26,31%); nhóm lâm nghiệp tăng 0,6%; nhóm thuỷ sản tăng 2,41%.

So với cùng kỳ, chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sảnQuý III/2018 tăng 12,86%. Trong đó, nhóm nông nghiệp tăng 17,26% (sản phẩm từ chăn nuôi tăng 32,37%, riêng sản phẩm chăn nuôi lợn tăng 63,37%); nhóm lâm nghiệp giảm 0,21%; nhóm thuỷ sản tăng 6,55%.

2.6. Giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất

Chỉ số chung của giá nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu dùng cho sản xuất Quý III/2018 tăng 1,01% so quý trước và tăng 3,95% so cùng kỳ.

So quý trước: Chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,62%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 0,69%; nguyên vật liệu khác tăng 0,9%; sản phẩm xây dựng tăng 2,87%. Riêng giá các nhóm: Điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí; nước tự nhiên khai thác; dịch vụ chuyên môn khoa học công nghệ không có biến động.

So cùng kỳ: Chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,92%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 3,24%; nguyên vật liệu khác tăng 6,32%; điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,42%; nước tự nhiên khai thác tăng 7,06%; sản phẩm xây dựng tăng 7,87%; dịch vụ chuyên môn khoa học công nghệ tăng 0,06%.

Chỉ số chung của giá nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu dùng cho sản xuất 9 tháng đầu năm 2018 tăng 2,38% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 4,49%; sản phẩm từ khai khoáng tăng 3,69%; nguyên vật liệu khác tăng 5,09%; điện, khí đốt, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,51%; nước tự nhiên khai thác tăng 5,45%; sản phẩm xây dựng tăng 6,65%; dịch vụ chuyên môn khoa học công nghệ tăng 2,93%.

3. Đầu tư và xây dựng

3.1. Đầu tư

Tổng mức thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Định 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 19.921,1 tỷ đồng, tăng 7,7% (quý II đạt 7.169,9 tỷ đồng, tăng 7,2%; quý III đạt 8.803,2 tỷ đồng, tăng 7,3%) so cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đạt 3.170,4 tỷ đồng, chiếm 15,9%, tăng 14,3%; vốn đầu tư của dân cư và tư nhân đạt 14.175,2 tỷ đồng, chiếm 71,2%, tăng 8,9%.

Riêng nguồn vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2.703,8 tỷ đồng, đạt 78,7% kế hoạch năm, tăng 16,6% (quý I đạt 419,5 tỷ đồng, tăng 5,4%; quý II đạt 966,6 tỷ đồng, tăng 16,9%; quý III đạt 1.317,7 tỷ đồng, tăng 20,4%) so cùng kỳ.

Nhìn chung, tình hình thực hiện vốn đầu tư 9 tháng đầu năm 2018 có chuyển biến tích cực, đa số các nguồn vốn đều được quan tâm giải ngân đúng lúc, giá trị tăng khá so cùng kỳ.

Trong thời gian tới, giữa chủ đầu tư và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhằm rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án công trình, nhất là các dự án, công trình có quy mô lớn, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian, đảm bảo chất lượng.

3.2. Xây dựng

Giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 9.448,4 tỷ đồng, tăng 8,1% (quý II đạt 3.300,6 tỷ đồng, tăng 12,7%; quý III đạt 3.612,2 tỷ đồng, tăng 5,4%) so cùng kỳ. Trong đó, công trình nhà để ở đạt 3.256,4 tỷ đồng, tăng 4,4%; công trình nhà không để ở đạt 1.492,6 tỷ đồng, tăng 12,4%; công trình kỹ thuật dân dụng đạt 3.903 tỷ đồng, tăng 9,5%; hoạt động xây dựng chuyên dụng đạt 796,4 tỷ đồng, tăng 9,1%.

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất ngành xây dựng, phần lớn các doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất của quý III/2018 thuận lợi hơn so với quý II/2018, chiếm 47,37%. Doanh nghiệp nhận định tình hình khó khăn hơn là 19,3% và 33,33% nhận định tình hình sản xuất không đổi.

Dự kiến quý IV/2018 có 54,39% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất sẽ thuận lợi hơn; 15,79% doanh nghiệp đánh giá sẽ khó khăn hơn và 19,3% đánh giá ổn định.

Thời gian tới, các ngành chức năng cùng tập trung chỉ đạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khâu giải phóng mặt bằng, có chính sách hỗ trợ về thủ tục hành chính để giải ngân nguồn vốn sớm, các chính sách tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để đảm bảo cho doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tiếp theo.

4. Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

4.1. Tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp

Trong tháng 9/2018, toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 8,8% so cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt 85,1 tỷ đồng, giảm 84,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 662 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 9,8% so cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 5.619,5 tỷ đồng, tăng 28%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 8,5 tỷ đồng, tăng so với kỳ 41,7%. Riêng quý III/2018, toàn tỉnh có 195 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 27% so cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 3.004,2 tỷ đồng, tăng 135,1%; vốn bình quân một doanh nghiệp đạt 15,4 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ 2,2 lần.

Mặc dù, đánh giá chung nền kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc trong 9 tháng đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp trước đây tạm ngừng đã hoạt động trở lại với 107 doanh nghiệp, tăng 28,9% (quý III có 25 doanh nghiệp, tăng 47,1%) so cùng kỳ; tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao, nguồn tài chính không đảm bảo, sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hoá trong và ngoài nước phải thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã có 206 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, tăng 21,9% (quý III có 45 doanh nghiệp, tăng 12,5%) và 42 doanh nghiệp giải thể, tăng 61,5% (quý III có 13 doanh nghiệp, giảm 18,8%) so với cùng kỳ.

4.2. Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 38,89% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 19,44% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 41,67% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,78% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 12,96% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 34,26% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý III năm nay, có 73,15% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 50% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 37,04% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 31,48% số doanh nghiệp cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 30,56% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất vay vốn cao và 26,85% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu là yếu tố quan trọng.

Về khối lượng sản xuất, có 39,81% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2018 tăng so với quý trước; 25% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 35,19% số doanh nghiệp cho rằng ổn định. Về xu hướng quý IV so với quý III năm nay, có 53,7% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 10,19% số doanh nghiệp dự báo giảm và 36,11% số doanh nghiệp dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 37,96% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý III năm nay cao hơn quý trước; 27,78% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm và 34,26% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý IV tiếp tục khả quan hơn so với quý III năm 2018, có 50,93% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 11,11% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm và 37,96% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III năm nay so với quý trước, có 32,14% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 28,57% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm và 39,29% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu ổn định. Xu hướng quý IV so với quý III năm 2018, có 39,29% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 10,71% số doanh nghiệp dự kiến giảm và 50% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

5. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 19.327,8 tỷ đồng, tăng 4% so cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 11.680,8 tỷ đồng, tăng 3,1%; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 663,2 tỷ đồng, tăng 6%; giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 6.983,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

5.1. Nông nghiệp

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 11.680,8 tỷ đồng, tăng 3,1% so cùng kỳ. Trong đó, ngành trồng trọt đạt 6.075,5 tỷ đồng, tăng 3%; ngành chăn nuôi đạt 5.295,7 tỷ đồng, tăng 3,3%, riêng ngành chăn nuôi lợn đạt 2.423,8 tỷ đồng, giảm 5,5%.

a. Trồng trọt

- Cây hàng năm

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Hè Thu 2018 toàn tỉnh ước đạt 59.570,3 ha, tăng 1.539,7 ha (+2,7%) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa ước đạt 43.714,2 ha, tăng 73,7 ha (+0,2%) so cùng kỳ và đạt 101,6% kế hoạch; năng suất cây lúa ước đạt 64,5 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha (+0,5%); sản lượng ước đạt 281.772,9 tấn, tăng 1.458,1 tấn (+0,5%).

Nhìn chung tình hình thời tiết vụ Hè Thu năm nay tương đối thuận lợi. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, bám sát diễn biến thời tiết để chủ động trong sản xuất. Chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn chuyển đổi cơ cấu cây trồng với việc mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn giúp chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới cho năng suất và chất lượng cao, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “5 giảm, 1 phải”, xây dựng các chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục được triển khai.

Theo kết quả sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đạt 138.429,2 ha, tăng 2.183,7 ha (+1,6%) so cùng kỳ. Trong đó, diện tích gieo sạ lúa đạt 91.940,6 ha, tăng 1.007,5 ha (+1,1%); năng suất cây lúa đạt 66,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha (+1,1%); sản lượng lúa đạt 613.711,8 tấn, tăng 13.013,9 tấn (+2,2%). Nguyên nhân chủ yếu do diện tích và năng suất hai vụ Đông Xuân và Hè Thu tăng.

Cùng với việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong vụ cho phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, một số diện tích cây trồng cạn ở địa phương đã được chuyển đổi loại cây trồng theo hướng thích nghi với từng vùng, từng chân đất, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.

Ước tính sản lượng một số cây trồng cạn 9 tháng đầu năm 2018 so cùng kỳ: Ngô đạt 34.460,8 tấn, tăng 166,9 tấn (+0,5%); sắn đạt 291.719,4 tấn, tăng 7.863,9 tấn (+2,8%); mía đạt 66.649,5 tấn, tăng 9.549,9 tấn (+16,7%); lạc đạt 32.288,2 tấn, tăng 1.867,6 tấn (+6,1%); vừng đạt 1.913,1 tấn, tăng 33 tấn (+1,8%); rau các loại đạt 190.602,5 tấn, tăng 4.382,8 tấn (+2,4%); đậu các loại đạt 2.998,6 tấn, tăng 186,1 tấn (+6,6%).

Theo tiến độ đến ngày 20/9/2018, toàn tỉnh đã gieo sạ 11.694 ha lúa vụ Mùa 2018, giảm 15,2% so cùng kỳ, đạt 95,7% kế hoạch.

Diện tích cây trồng cạn vụ Mùa: Cây ngô đạt 1.479 ha, giảm 37,3%; lạc đạt 783 ha, tăng 16,5%; rau các loại đạt 1.304,5 ha, giảm 44,4%; đậu các loại đạt 45 ha, giảm 78,2%.

Về nguồn nước tưới: Tính đến ngày 20/9/2018, dung tích toàn bộ các hồ chứa nước do Công ty TNHH Khai thác công trình thuỷ lợi Bình Định quản lý tích trữ 49,9 triệu m3, đạt 10,9% so với dung tích thiết kế, giảm 32% so cùng kỳ. Ngoài ra, nguồn nước các hồ chứa do địa phương quản lý dung tích hiện có 20,6 triệu m3, đạt 17,1% thiết kế, giảm 35,7% so cùng kỳ.

- Cây lâu năm

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 19.708,4 ha, tăng 174,8 ha (+0,9%) so với cùng kỳ. Trong đó, cây ăn quả đạt 5.079,5 ha, tăng 127,1 ha (+2,6%); cây công nghiệp đạt 14.240,5 ha, giảm 28 ha (-0,2%). Trong các loại cây công nghiệp, diện tích cây điều đạt 3.961,4 ha, giảm 33,5 ha (-0,8%); diện tích hồ tiêu đạt 756,4 ha, giảm 2,5 ha (-0,3%).

Nhìn chung, sản phẩm cây lâu năm chưa mang tính hàng hoá chủ yếu do trồng phân tán, diện tích nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, người nông dân chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến khâu đầu tư, chăm sóc cây trồng, nên năng suất, chất lượng thấp, thị trường tiêu thụ chậm, hiệu quả kinh tế vẫn còn hạn chế.

b. Chăn nuôi

Tình hình giá sản xuất một số loại sản phẩm gia súc, gia cầm trong tháng 9/2018 trên địa bàn tỉnh tăng nhẹ so với tháng trước và tăng cao so với cùng kỳ. Giá bình quân tháng 9/2018 so cùng kỳ: Thịt lợn hơi đạt 49.314 đồng/kg, gấp 1,8 lần so cùng kỳ; thịt gà ta hơi đạt 94.534 đồng/kg, tăng 15,4%; trứng gà ta đạt 28.615 đồng/chục, tăng 5%; trứng vịt đạt 24.527 đồng/chục, tăng 10,6%.

Hiện nay, sản phẩm thịt hơi gia súc, thịt hơi và trứng gia cầm tăng trở lại và tiêu thụ mạnh, người chăn nuôi đang ở mức có lãi, xu hướng tái đàn được mở rộng, nhất là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do giá lợn giống tăng cao liên tục nên tổng đàn tăng chậm.

Số lượng đàn trâu hiện có 20.433 con, giảm 2,2% so cùng kỳ; đàn bò ước đạt 293.475 con, giảm 0,6%. Tổng đàn bò sữa nuôi trong các trang trại, gia trại, hộ là 2.341 con, tăng 1%; trong đó, số bò đang vắt sữa 1.029 con. Chương trình lai tạo giống bò và phát triển bò thịt chất lượng cao tiếp tục được đẩy mạnh.

Đàn lợn hiện có 756.246 con, tăng 4,8% so cùng kỳ; đàn gia cầm ước đạt 7.406 nghìn con, tăng 6,6%; trong đó, đàn gà 5.182,1 nghìn con, tăng 8,1%. Tổng đàn gà tăng mạnh là do thời gian qua việc chăn nuôi lợn bị lỗ nặng nên nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang nuôi gà với kỳ vọng có thu nhập cao hơn.

Về sản phẩm chăn nuôi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2018, thịt bò hơi ước đạt 23.120,6 tấn, tăng 4,3% so cùng kỳ; sản lượng sữa bò ước đạt 7.036,8 tấn, tăng 18,5%; thịt lợn hơi ước đạt 87.138,9 tấn, giảm 7,1%, do nguồn cung giảm; thịt gà hơi ước đạt 10.610 tấn, tăng 12%.

Tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, không phát sinh. Công tác tiêm phòng triển khai đúng kế hoạch. Công tác kiểm dịch thực hiện đúng quy trình, duy trì tốt hoạt động các Trạm, Chốt nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc xuất, nhập và quá cảnh động vật, sản phẩm động vật.

5.2. Lâm nghiệp

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 663,2 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác gỗ và lâm sản khác đạt 513,9 tỷ đồng, tăng 4,5%; hoạt động trồng và nuôi rừng đạt 114,7 tỷ đồng, tăng 14,8%.

Dự kiến chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng trên toàn tỉnh là 8.500 ha, đến nay đã trồng 657,6 ha. Trong 9 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng được chăm sóc 19.170,6 ha, giảm 3,4%; diện tích khoanh nuôi tái sinh 10.949 ha, giảm 0,1%; diện tích giao khoán quản lý bảo vệ 107.008,2 ha, tăng 0,7%. Hầu hết các diện tích khoanh nuôi và khoán quản lý bảo vệ sinh trưởng, phát triển tốt.

Tổng sản lượng gỗ khai thác trong 9 tháng đầu năm ước đạt 626.486 m3 (100% gỗ rừng trồng) tăng 5,1% so năm trước, chủ yếu là gỗ làm nguyên liệu giấy (chiếm 97,5%).

Công tác phòng chống cháy rừng và ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo chặt chẽ. Các Hạt Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật phát sinh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy rừng với diện tích 32,05 ha; số vụ chặt phá rừng trái pháp luật là 16 vụ với diện tích rừng bị chặt phá là 3,47 ha; các ngành chức năng phối hợp phá bỏ cây trồng trái pháp luật với diện tích phá bỏ là 64,08 ha.

5.3. Thủy sản

Trong tháng 9/2018 tình hình thời tiết không thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản do ảnh hưởng bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra trên biển. Mặt khác chi phí nhiên liệu tăng cao cũng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng khai thác thủy sản biển.

Nhờ chính sách ưu tiên của Nhà nước về khai thác thủy sản nên ngư dân đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu thuyền với công suất lớn và thải những tàu có công suất nhỏ, đánh bắt không hiệu quả được ngư dân chú trọng, quan tâm, xu hướng đánh bắt xa bờ ngày càng được mở rộng, nhằm mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng đã thẩm định 7.159 hồ sơ (nhiên liệu 6.629 hồ sơ; máy HF 203 hồ sơ; bảo hiểm 327 hồ sơ); phê duyệt hỗ trợ 5.961 hồ sơ (hỗ trợ nhiên liệu 5.568 hồ sơ; máy HF 185 hồ sơ; bảo hiểm 208 hồ sơ).

Giá trị sản xuất toàn ngành thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2018 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 6.983,8 tỷ đồng, tăng 5,3% so cùng kỳ. Trong đó, khai thác thuỷ sản đạt 6.326,5 tỷ đồng, tăng 4,2%; nuôi trồng đạt 657,3 tỷ đồng, tăng 17,8% (quý III giá trị sản xuất nuôi trồng thuỷ sản tăng 38,1%, trong đó giá trị sản xuất tôm thẻ chân trắng tăng 45,5%).

Tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 199.227,3 tấn, tăng 5,3% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng cá đạt 160.759,8 tấn, tăng 5,3%; sản lượng tôm đạt 6.515,8 tấn, tăng 12%.

Sản lượng thủy sản khai thác 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 192.149 tấn (khai thác biển đạt 189.842 tấn, chiếm 98,8%), tăng 5,1% so cùng kỳ; trong đó, khai thác cá ngừ đại dương đạt 8.878,7 tấn, giảm 1,1%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7.078,3 tấn, tăng 12,8% so cùng kỳ. Trong kỳ, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, ước sản lượng đạt 4.879 tấn, tăng 18,1%. Thời tiết ổn định, nắng kéo dài, ít lạnh, dịch bệnh ít xảy ra, giá tôm thẻ thương phẩm tăng, bà con ngư dân phần lớn sản xuất đúng lịch thời vụ, sản lượng tăng, lãi cao, kích thích việc đầu tư và tăng vụ sản xuất trong năm.

Tình hình ương tôm hùm giống: tập trung tại 02 xã Nhơn Châu, Nhơn Hải và phường Ghềnh Ráng. Đến nay, có 120 hộ thả giống với 42 bè, số lượng giống thả ước đạt 89.227 con, số lượng lồng đạt 1.079 lồng, tổng thể tích 11.653 m3, tăng 30% thể tích so cùng kỳ.

Diện tích nuôi tôm bị bệnh 2 vụ đến nay là 11,92 ha (8,03 ha bệnh đốm trắng và 3,89 ha bệnh môi trường). Diện tích bệnh tôm chiếm 0,5% diện tích nuôi.

6. Sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 29.504,6 tỷ đồng, tăng 8,91% so cùng kỳ. Trong đó, ngành khai khoáng đạt 290,9 tỷ đồng, giảm 4,4%; ngành chế biến, chế tạo đạt 28.375,9 tỷ đồng, tăng 9,13%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đạt 644,9 tỷ đồng, tăng 7,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 192,9 tỷ đồng, tăng 6,23%.

6.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)

Sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2018 đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Chín ước tăng 8,51% so cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 8,9%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,86%; sản xuất và phân phối điện giảm 4,01%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,31%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,29% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,38%, quý II tăng 8,8%, quý III tăng 8,72%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 8,61%, đang có xu hướng tăng nhanh dần (quý I tăng 7,82%; quý II tăng 8,87%, quý III tăng 9,19%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,36%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,31%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,85% (chủ yếu do khai khoáng khác giảm 25,37%).

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng đầu năm nay tăng cao so cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Khai thác quặng kim loại tăng 23,37%; sản xuất đồ uống tăng 13,71%; sản xuất trang phục tăng 24,45%; sản xuất thuốc tăng 8,82%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 91,84%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,36%. Một số ngành có chỉ số giảm: Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 5,69%; Sản xuất bàn ghế gỗ giảm 2,56%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm 2018 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Quặng inmenite tăng 84,91% (quý II tăng 10,45%, quý III tăng 306,82%); thức ăn gia súc tăng 6,89% (quý II tăng 10,85%, quý III tăng 13,11%); bia đóng chai tăng 13,85% (quý I tăng 33,81%, quý III tăng 11,86%); bộ com-lê, quần áo đồng bộ tăng 26,25% (quý II tăng 18,33%, quý III tăng 55,47%); gạch và gạch khối xây dựng tăng 22,51% (quý I tăng 24,48%, quý II tăng 28,77%, quý III tăng 14,6%); tấm lợp bằng kim loại tăng 335,98% (quý II tăng 628,51%, quý III tăng 38,35%); điện thương phẩm tăng 8,54% (quý I tăng 6,15%, quý II tăng 12,37%, quý III tăng 7,09%). Tuy nhiên một số sản phẩm có sản lượng giảm: Đá xây dựng khai thác giảm 34,22%; tôm đông lạnh giảm 11,39%; gạch xây bằng đất sét nung giảm 3,98%; ghế gỗ giảm 6,61%; bàn gỗ giảm 1,13%.

6.2. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2018 giảm 6,53% so tháng trước và tăng 9,28% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 8,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất đồ uồng tăng 13,77%; sản xuất trang phục tăng 23,55%; chế biến gỗ tăng 28,11%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 94,85%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm: Sản xuất thuốc giảm 5,38%; sản xuất bàn ghế gỗ giảm 5,23%.

6.3. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2018 tăng 6,08% so tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng mạnh như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 21,34%; sản xuất đồ uống tăng 50%; sản xuất thuốc, hoá dược tăng 6,53%; sản xuất bàn, ghế gỗ tăng 6,7%.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2018 tăng 17,32% so cùng kỳ. Tuy nhiên, từng ngành có sự biến động khác nhau, sản xuất chế biến thực phẩm tăng 22,79%; sản xuất trang phục tăng 34,34%; sản xuất thuốc, hoá dược tăng 74,79%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 167,97%; sản xuất bàn ghế gỗ tăng 48,34%; chỉ số tồn kho tăng cao nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát của doanh nghiệp, số khác chủ động dự trữ nguồn hàng đảm bảo tiến độ thực hiện đơn hàng mới. Một số ngành khác có lượng tồn kho giảm như: Sản xuất đồ uống giảm 15,16%; chế biến gỗ giảm 9,88%.

6.4. Chỉ số sử dụng lao động

Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 9/2018 tăng khá so cùng kỳ (+6,02%). Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 26,09%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,74%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 3,29%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,35%. Lao động không ổn định ở một số ngành sử dụng nhiều lao động như: May mặc; sản xuất bàn, ghế gỗ luôn là bài toán nan giải của ngành này.

Theo loại hình doanh nghiệp, so cùng kỳ chỉ số sử dụng lao động tháng 9/2018 của khối doanh nghiệp Nhà nước giảm 5,17%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,22%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 7%.

Nhìn chung, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục phát triển, một số ngành có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ như sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, trang phục, đồ uống, thuốc, điện; riêng sản phẩm thức ăn gia súc, gia cầm đang phục hồi (sản lượng thức ăn gia súc tăng 6,89%, thức ăn gia cầm tăng 6,24%). Bên cạnh đó, một số ngành còn gặp khó khăn do lượng tồn kho lớn (dăm gỗ, …), thiếu nguyên liệu chế biến (nguyên liệu sắn,…), hàng rào kỹ thuật và thị trường thiếu ổn định trong chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, một số dự án nhà máy công nghiệp có tiềm năng lớn triển khai chưa đạt kế hoạch,… cần sự chung tay của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cả người dân để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển bền vững.

7. Thương mại, dịch vụ

7.1. Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Hoạt động thương mại dịch vụ 9 tháng đầu năm 2018 khá sôi động, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân. Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả được tăng cường, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại trong tỉnh, kích thích sức mua của người tiêu dùng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2018 ước đạt 5.588,6 tỷ đồng, giảm 0,3% so tháng trước và tăng 14% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.197,4 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ.

Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 39.398,6 tỷ đồng, chiếm 81,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 12,6% (quý I đạt 12.955,4 tỷ đồng, tăng 13,6%; quý II đạt 12.763,9 tỷ đồng, tăng 11,1%; quý III đạt 13.679,3 tỷ đồng, tăng 13,2%) so cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 5.943,2 tỷ đồng, chiếm 12,3%, tăng 15% (quý I đạt 1.805,6 tỷ đồng, tăng 11%; quý II đạt 2.000,7 tỷ đồng, tăng 18,5%; quý III đạt 2.136,9 tỷ đồng, tăng 15,5%) so với cùng kỳ, bao gồm: Doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 307,3 tỷ đồng, tăng 10,8%; doanh thu hoạt động ăn uống đạt 5.635,9 tỷ đồng, tăng 15,3%.

Doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 45,5 tỷ đồng, chiếm 0,1%, tăng 15,8% (quý I đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 29%; quý II đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 12,3%; quý III đạt 17,9 tỷ đồng, tăng 9,8%) so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động dịch vụ ước đạt 2.810,1 tỷ đồng, chiếm 5,8%, tăng 14,2% (quý I đạt 840 tỷ đồng, tăng 13,2%; quý II đạt 958,8 tỷ đồng, tăng 14,2%; quý III đạt 1.011,3 tỷ đồng, tăng 15%) so cùng kỳ.

7.2. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 875,9 triệu USD, tăng 18,4% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 587,8 triệu USD, tăng 11,5%; nhập khẩu đạt 288,1 triệu USD, tăng 35,5%.

a. Xuất khẩu

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2018 ước đạt 62 triệu USD, giảm 1,6% so tháng trước và tăng 13,5% so cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 587,8 triệu USD, tăng 11,5% so cùng kỳ.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, có 08 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu chiếm 96,1% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, gồm: Hàng thuỷ sản; gạo; sắn và sản phẩm từ sắn; quặng và khoáng sản; sản phẩm từ chất dẻo; gỗ; sản phẩm gỗ và hàng dệt, may.

Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 190,1 triệu USD, tăng 11,4%; hàng dệt may đạt 118,5 triệu USD, tăng 41,2%; hàng thuỷ sản đạt 59,5 triệu USD, tăng 4,5%; sản phẩm từ chất dẻo đạt 24,4 triệu USD, tăng 70,2%; gạo đạt 16,3 triệu USD, tăng 30,6%. Trong khi đó, xuất khẩu gỗ đạt 88,7 triệu USD, giảm 7,7%; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 40 triệu USD, giảm 12,8%; quặng và khoáng sản đạt 27,4 triệu USD, giảm 6,1%.

Về xuất khẩu trực tiếp 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 576,6 triệu USD, chiếm 98,1% kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng được xuất khẩu đến 91 quốc gia và vùng lãnh thổ trên cả 5 châu lục. Trong đó, Châu Á đạt 286,7 triệu USD, chiếm 49,7%; Châu Âu đạt 167,3 triệu USD, chiếm 29% kim ngạch xuất khẩu trực tiếp.

b. Nhập khẩu

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2018 ước đạt 32,4 triệu USD, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 32,6% so cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 288,1 triệu USD, tăng 35,5% so cùng kỳ.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, có 05 nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu chiếm 81,4% kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, gồm: Hàng thuỷ sản; thức ăn gia súc và nguyên liệu; gỗ và sản phẩm gỗ; nguyên phụ liệu dệt may; máy móc thiết bị.

Trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị đạt 61,5 triệu USD, tăng 150,1%; nguyên phụ liệu dệt may đạt 60,2 triệu USD, tăng 64,3%; thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 45,6 triệu USD, tăng 12,2%; hàng thuỷ sản đạt 35,3 triệu USD, tăng 23,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 32 triệu USD, tăng 14,4%.

7.3. Vận tải hành khách và hàng hóa

a. Vận tải hành khách

Tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 9/2018 ước đạt 3.118,5 nghìn hành khách, luân chuyển 320 triệu HK.km. So tháng trước, vận chuyển tăng 3,8%, luân chuyển tăng 3,5%. So cùng kỳ, vận chuyển tăng 15,2%, luân chuyển tăng 12,7%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượng vận chuyển hành khách bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 28.900,2 nghìn hành khách, luân chuyển 2.891,3 triệu HK.km; so cùng kỳ vận chuyển tăng 15,6% (quý I tăng 14,5%; quý II tăng 18,6%; quý III tăng 14,2%), luân chuyển tăng 12,8% (quý I tăng 12,3%; quý II tăng 14,4%; quý III tăng 11,8%).

b. Vận tải hàng hoá

Tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ tháng 9/2018 ước đạt 1.656,6 nghìn tấn, luân chuyển 240 triệu tấn.km. So tháng trước, vận chuyển tăng 5,5%, luân chuyển tăng 2,7%. So với cùng kỳ, vận chuyển giảm 2,3%, luân chuyển giảm 0,8%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, tổng lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ và đường thuỷ ước đạt 13.784,5 nghìn tấn, luân chuyển 2.048,1 triệu tấn.km; so cùng kỳ vận chuyển tăng 5,8% % (quý I tăng 10,4%; quý II tăng 7%; quý III tăng 0,8%), luân chuyển tăng 4% (quý I tăng 8,2%; quý II tăng 4,6%; quý III giảm 0,3%).

Hàng hóa thông qua cảng tháng 9 ước đạt 864,9 nghìn TTQ, giảm 1,8% so tháng trước và tăng 39,2% so cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt 6.867,1 nghìn TTQ, tăng 6,3% (quý I đạt 2.029,2 nghìn TTQ, giảm 3,8%; quý II đạt 2.273,9 nghìn TTQ, giảm 9,5%; quý III đạt 2.564 nghìn TTQ, tăng 39,2%) so cùng kỳ.

c. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải

Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và đường thủy tháng 9/2018 ước đạt 474,2 tỷ đồng, giảm 1,3% so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 128,5 tỷ đồng, tăng 15%; vận tải hàng hóa đạt 275,1 tỷ đồng, giảm 3%; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 70,6 tỷ đồng, giảm 17%.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ và đường thủy ước đạt 4.161,5 tỷ đồng, tăng 6,5% (quý I đạt 1.462,2 tỷ đồng, tăng 10,4%; quý II đạt 1.307,8 tỷ đồng, tăng 7%; quý III đạt 1.391,5 tỷ đồng, tăng 2,1%) so cùng kỳ. Trong đó, vận tải hành khách đạt 1.167,6 tỷ đồng, tăng 15,6%; vận tải hàng hóa đạt 2.386,6 tỷ đồng, tăng 5,9%; dịch vụ kho bãi và hoạt động hỗ trợ vận tải khác đạt 607,3 tỷ đồng, giảm 5,9%.

8. Các vấn đề xã hội

8.1. Đời sống dân cư và an sinh xã hội

a. Đời sống của dân cư, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động

Những năm qua, các cơ chế, chính sách lao động, tiền lương áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong khu vực Nhà nước, ngoài Nhà nước, cũng như khu vực sản xuất kinh doanh và khu vực hưởng lương từ ngân sách Nhà nước luôn được điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng (tăng 6,92%) kể từ ngày từ ngày 01/7/2018, áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; Nghị định số 141/2017/NĐ-CP ngày 07/12/2017 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 01/01/2018 áp dụng mức lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng (tăng 6,5%) so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017. Vì vậy, đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương dần được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước.

b. Giải quyết việc làm

Trong 9 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 272 người lao động được vay vốn với tổng số tiền là 18,22 tỷ đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu và cung ứng 520 lao động cho các doanh nghiệp có chức năng đưa người Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 126 lao động đã xuất cảnh. Đến tháng 9/2018, đã có 392 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường khác nhau, đạt 100% kế hoạch.

Cho vay giải quyết việc làm: Đã phân bổ 56 tỷ đồng vốn vay từ nguồn vốn thu hồi, 35 tỷ đồng từ nguồn vốn bổ sung để hỗ trợ tạo việc làm. Đến tháng 9/2018, các địa phương đã phê duyệt 2.038 dự án, tổng vốn vay 60 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 3.030 lao động. Tổ chức 85 phiên giao dịch việc làm (64 phiên lưu động) qua đó tư vấn, tuyên truyền việc làm cho 36.770 lượt người; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho 2.296 người.

Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, từ đầu năm đến nay có 4.208 người được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017) với số tiền trên 49,7 tỷ đồng; quyết định hỗ trợ học nghề cho 193 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, với số tiền 548,6 triệu đồng.

c. Công tác giảm nghèo

Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình giảm nghèo năm 2018, đã huy động các nguồn lực hỗ trợ các chính sách giảm nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho 25.003 hộ vay vốn ưu đãi, kinh phí 861,9 tỷ đồng.

Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 219 nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ gây ra cuối năm 2017 kinh phí 5,2 tỷ đồng. Nguồn hỗ trợ huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tuyển sinh đào tạo nghề 20.403 người, đạt 62,1% kế hoạch năm, tăng 4,1% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: cao đẳng nghề 990 người; trung cấp nghề 403 người; sơ cấp nghề 11.797 người; bồi dưỡng, tập huấn nghề và đào tạo dưới 3 tháng 7.213 người. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2.596 người (nghề nông nghiệp 955 người và nghề phi nông nghiệp 1.641 nghề) đạt 74,2% kế hoạch năm.

Thực hiện hỗ trợ tiền điện năm 2018 cho 33.156 hộ nghèo, 4.676 hộ chính sách xã hội có lượng điện tiêu thụ dưới 50 Kwh/tháng, 86 hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới, mức hỗ trợ 51.000 đồng/hộ/tháng, nhu cầu kinh phí thực hiện là 23,2 tỷ đồng. Kết quả 9 tháng đầu năm 2018 thực hiện 17,4 tỷ đồng.

d. Bảo trợ xã hội

Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh có: 77.785 người được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, tổng số tiền chi trợ cấp trên 198 tỷ đồng; 704 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; 05 gia đình có người chết, bị thương nặng được cứu trợ xã hội đột xuất với số tiền 24 triệu đồng. Phối hợp phân bổ, cấp phát 3.143.665 kg gạo hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai năm 2017, cứu trợ đỏ lửa cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, giáp hạt đầu năm 2018.

Nhân các dịp lễ Tết Nguyên đán – Mậu Tuất 2018 và Hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2018, chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung Thu, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã tổ chức thăm và trao tặng gần 3.000 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh (mỗi suất quà trị giá 200 ngàn đồng); thăm và tặng quà cho trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc và học tập tại các cơ sở bảo trợ xã hội tổng kinh phí thực hiện gần 700 triệu đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, đã thực hiện cấp thẻ BHYT cho 87.319 đối tượng hộ nghèo, 30.645 người thuộc hộ cận nghèo, 162.466 người dân sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

e. Thực hiện chính sách người có công

Trong 9 tháng đầu năm 2018, xác nhận mới và thực hiện chế độ ưu đãi cho 2.573 trường hợp người có công với cách mạng (trợ cấp 1 lần cho 2.276 trường hợp; trợ cấp hàng tháng cho 297 trường hợp). Kiểm tra xét duyệt 10 hồ sơ đề nghị phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Cấp lại 418 giấy chứng nhận thương, bệnh binh; 393 giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ.

Tổ chức điều dưỡng tập trung nâng cao sức khỏe cho 1.313 lượt người, đạt 81,6% kế hoạch. Nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018 các địa phương đã cấp kịp thời 48.137 suất quà của Chủ tịch nước tặng cho các đối tượng có công với cách mạng, tổng số tiền trên 9,8 tỷ đồng. Cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đều tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp lễ, Tết.

Nhân kỷ niệm 71 năm ngày thương binh liệt sĩ, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đây là hoạt động hết sức thiết thực và ý nghĩa.

8.2. Giáo dục

Trong 9 tháng đầu năm, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 2413/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND tỉnh về chủ trương tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, toàn tỉnh giảm được 5 trường mẫu giáo và 9 trường tiểu học.

Tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2018-2019: 27.702 học sinh lớp 1, 24.930 học sinh lớp 6 và 18.791 học sinh lớp 10.

Hoàn thành việc chấm thi và công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tỉ lệ tốt nghiệp trước và sau phúc khảo đạt 96,69%.

Để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho năm học mới, khối trường phổ thông đã đầu tư sửa chữa, xây mới 1.113 phòng học, mua sắm 5.197 bộ bàn ghế học sinh, với tổng kinh phí 214 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo cho tất cả các trường trong tỉnh từ mầm non đến trung học phổ thông chuẩn bị chu đáo cho Lễ khai giảng năm học mới 2018-2019.

8.3. Tình hình dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ

Tính đến ngày 11/9/2018, toàn tỉnh ghi nhận 1.071 cas mắc Sốt xuất huyết, giảm 349 cas so cùng kỳ, số tử vong 01 cas, bằng cùng kỳ. Bệnh Sốt rét ghi nhận 19 cas mắc, giảm 02 cas so cùng kỳ. Bệnh Tay-chân-miệng ghi nhận 220 cas mắc, giảm 224 cas. Các bệnh cúm tuýp A (H1N1, H5N1, H7N9), Viêm đường hô hấp cấp do virus Corona, bệnh vi rút Zika không ghi nhận cas mắc. Số mắc các bệnh truyền nhiễm khác dao động không đáng kể so cùng kỳ.

Ước tính đến hết tháng 9/2018, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine đạt 72%; tỷ lệ phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván ≥ 02 mũi đạt 65%.

Tính đến tháng 9/2018, toàn tỉnh phát hiện 26 cas nhiễm HIV mới, tích luỹ (từ năm 1993) 794 cas; 04 cas chuyển AIDS, tích luỹ 666 cas; 11 cas tử vong, tích luỹ 435 cas. Số nhiễm HIV được quản lý, tư vấn, chăm sóc tại địa phương 672 người. Tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc tư vấn đạt 84%.

Tính đến ngày 31/8/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 01 cas tử vong. Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống hiện đang quản lý: 6.110 cơ sở. Lũy kế số cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 1.665 cơ sở, đạt tỷ lệ 70,4%. Thành lập 388 lượt đoàn thanh tra, kiểm tra 4.537 lượt cơ sở về an toàn thực phẩm; qua kiểm tra có 4.093 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tỷ lệ 90,2%; xử lý 444 cơ sở vi phạm.

8.4. Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch

Trong 9 tháng đầu năm 2018, nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, lễ kỷ niệm có ý nghĩa được tổ chức trên địa bàn tỉnh: Dạ hội “Mừng Đảng Mừng Xuân” Mậu Tuất năm 2018; Kỷ niệm 229 năm Chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa; Lễ kỷ niệm 53 năm chiến thắng Đèo Nhông – Dương Liễu; Kỷ niệm Chiến thắng Đồi Mười; Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5. Tuyên truyền kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh Mùng 2/9,...

Ngoài ra, các hoạt động nghệ thuật, thư viện, bảo tàng, lễ hội dân gian truyền thống, thể dục thể thao quần chúng được tổ chức với nhiều nội dung đặc sắc, phong phú đã thu hút nhiều lượt khách du lịch và nhân dân đến tham quan, thưởng thức. Trong kỳ, đã tổ chức thành công Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong 09 tháng đầu năm, trên toàn tỉnh tổ chức gần 150 giải thể thao cấp huyện; các xã, phường, thị trấn tổ chức gần 600 giải thể thao, hội thi, hội diễn, biểu diễn…Trong đó, nhiều giải thể thao, hội thi, biểu diễn được giữ gìn và phát huy đậm nét của từng địa phương được lồng ghép vào trong các lễ kỷ niệm, lễ hội. Trong kỳ đã tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao tỉnh lần thứ VIII.

Thể thao thành tích cao: Đã cử 01 HLV tham gia huấn luyện đội tuyển Bóng đá nam U19 quốc gia (đợt 3) năm 2018. Có 04 VĐV tập trung đội tuyển quốc gia ở các môn: Điền kinh 01 VĐV, Taekwondo 02 VĐV, Bơi lội 01 VĐV. Trong 9 tháng qua, đã có 58 (lượt) đội tuyển tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế mở rộng, cúp, khu vực…với 527 VĐV các đội tuyển và năng khiếu đạt tổng cộng 227 huy chương các loại, trong đó có 94 HCV, 52 HCB và 81 HCĐ. Tổ chức thành công Tour II Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc, Đêm võ đài Bình Định đợt 2 năm 2018.

Ngành Du lịch đã tổ chức thành công các hoạt động lễ hội du lịch Xuân Mậu Tuất và mùa du lịch hè 2018. Các đơn vị kinh doanh du lịch đã chủ động chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ khách tham quan. Tổng lượng khách đăng ký tại các cơ sở lưu trú, khách tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh so cùng kỳ.

Nhìn chung hoạt động giới thiệu quảng bá xúc tiến du lịch trong 9 tháng đầu năm 2018 tiếp tục được quan tâm, nội dung tập trung vào thế mạnh du lịch biển đảo, đặc trưng văn hoá lịch sử, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Bình Định.

8.5. Tai nạn giao thông

Trong tháng 9/2018 (từ ngày 16/8/2018 đến ngày 15/9/2018) trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 13 người. So với tháng trước: Số vụ tai nạn tăng 3 vụ (+18,8%), số người chết giảm 1 người (-8,3%), số người bị thương tăng 3 người (+30%).

Trong tháng, các ngành chức năng đã lập biên bản xử lý 6.963 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, tước giấy phép lái xe có thời hạn 291 trường hợp, phạt tiền hơn 2,8 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 182 vụ tai nạn giao thông, làm chết 120 người, bị thương 114 người. So với cùng kỳ: Số vụ tai nạn giảm 41 vụ (-18,4%), số người chết giảm 15 người (-11,1%), số người bị thương giảm 35 người (-23,5%).

8.6. Tác động do thiên tai

Trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 01 đợt mưa lũ lớn gây hư hỏng 01 cầu cống, 3.417,7 ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập úng phải sạ lại, 81,7 ha hoa màu bị hư hỏng nặng, ... Ước tổng giá trị thiệt hại 7.040,5 triệu đồng.

8.7. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ môi trường

Trong tháng 9/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy, thiệt hại ước tính 26 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 88 vụ cháy, tăng 151,4% số vụ so cùng kỳ, gây thiệt hại ước tính 126,5 tỷ đồng.

Trong tháng 9/2018, các cơ quan chức năng đã phát hiện 42 vụ vi phạm quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường, đã xử lý 25 vụ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2018, đã phát hiện 244 vụ vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giảm 18,1% số vụ so cùng kỳ, xử lý 196 vụ với tổng số tiền phạt 2,5 tỷ đồng./.


Cục Thống kê Bình Định

    Tổng số lượt xem: 1763
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)