(MPI) – Ngày 09/11/2018, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Tiếp cận Nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách”.
|
Phó Viện trưởng, CIEM Phan Đức Hiếu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng, CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phan Đức Hiếu cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp rất có tiềm năng, một số doanh nghiệp đã áp dụng số hóa vào sản xuất kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng,… Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ứng dụng này mới được một số doanh nghiệp triển khai. Để khai thác được tiềm năng và chuyển đổi cách sản xuất, tiếp cận sự đổi mới ứng dụng công nghệ mới cần nghiên cứu chính sách và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.
Trình bày Báo cáo nghiên cứu tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam: Vấn đề và kiến nghị chính sách, Trưởng ban Thể chế kinh tế, CIEM Nguyễn Thị Luyến cho biết, ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cụ thể, xuất siêu thương mại ngày càng tăng, trong đó, năm 2017 đạt trên 8 tỷ USD và giải quyết việc làm chiếm trên 40% lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, vấn đề đặt ra là tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống, công nghệ lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp dẫn đến khó cạnh tranh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tích hợp hệ thống kết nối số hóa, vật lý, sinh học với sự đột phá của công nghệ điện toán đám mây (IOT), với dữ liệu lớn (Bigdata) và trí tuệ nhân tạo (AI) làm thay đổi căn bản nền sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị… Làn sóng đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ diễn ra mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại…
Những đặc trưng cơ bản trong việc tiếp cận nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam là số hóa hoạt động sản xuất từ nông trại đến chế biến, marketing, tiêu dùng thông qua hệ thống kết nối IOT, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh giữa các công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành đảm bảo cho quá trình sản xuất, kinh doanh diễn ra liên tục, bền vững và hiệu quả. Nông nghiệp 4.0 là quy trình khép kín bằng công nghệ như giống chất lượng cao, phân bón thông minh, thuốc trừ sâu thảo dược, canh tác chính xác, giảm hao hụt giống và giảm phát thải khí nhà kính, tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến, ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc. Tiếp cận nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm thiểu công lao động, giảm thất thoát do thiên tai, dịch bệnh, an toàn môi trường, tiết kiệm chi phí trong từng khâu hay toàn bộ quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Luyến cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để Việt Nam nắm bắt công nghệ mới, thu hẹp khoảng cách nhằm tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh hơn, bền vững hơn, thích ứng hơn với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, không thể theo kiểu “dàn hàng ngang”, “chạy theo phong trào”, cần phải lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với mỗi vùng, miền và thị trường. Đồng thời, thực hiện ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn, cạnh tranh…
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Để phát triển nông nghiệp bền vững cần có giải pháp về nguồn nhân lực, đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ sở dữ liệu, vấn đề về tài chính, thị trường và tổ chức sản xuất. Theo đó, cần thay đổi tư duy nông dân và doanh nghiệp, cần lấy thị trường làm căn cứ để xác định mặt hàng, chất lượng… gia tăng được độ tin cậy của người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi tư duy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đưa ra bốn lý do cần đặt ra để đầu tư cho nông nghiệp, tạo bước phát triển đột phá, bền vững trong nông nghiệp là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm tới, cụ thể là Việt Nam có tiềm năng về phát triển nông nghiệp; Dư địa cho phát triển nông nghiệp còn rất lớn; Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội cho phát triển nông nghiệp bền vững và công nghệ cao; Phát triển được nông nghiệp thì sẽ giải quyết được vấn đề nông dân và nông thôn.
Theo ông Đinh Dũng Sỹ, để có giải pháp tạo bước phát triển đột phá, bền vững trong nông nghiệp cần phải kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân, mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ đất đai nhiều hơn, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách thông thoáng, linh hoạt hơn, nhất là chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác hoặc sang nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao hơn. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, thậm chí không cần thành lập doanh nghiệp mà chỉ cần có hợp đồng liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân trên nguyên tắc nông dân không bị mất đất. Nghiên cứu có thêm các mô hình liên kết khác trong nông nghiệp ngoài việc tổ chức lại các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác như hiện hành, để người nông dân tự liên kết, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đồng thời, đưa khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, xây dựng chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho các doanh nghiệp, hợp tác xã… ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào nông nghiệp. Tập trung thực hiện việc điều tra, khảo sát, thống kê để thông tin, dự báo cho doanh nghiệp, người nông dân về sản phẩm, về thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại, giúp người dân tìm kiếm thị trường xuất khẩu…
Đối với các viện nghiên cứu, các cơ sở sự nghiệp khoa học công lập, ngoài công lập phục vụ nông nghiệp cần được hưởng các chính sách ưu đãi, đồng thời phải đổi mới cơ chế đặt hàng, nghiên cứu hướng về thị trường để khuyến khích và tạo điều kiện chuyển giao khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân. Trong đó tập trung vào bốn vấn đề: Quy trình công nghệ; Giống cây, con; Thức ăn chăn nuôi, phân bón; Thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức liên kết của người nông dân… khi ứng dụng khoa học, công nghệ được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và thủ tục đơn giản, được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, được khuyến nông, khuyến ngư cũng như được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, về thị trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về một số vấn đề đặt ra để ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Hội thảo cũng là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, nhận diện vấn đề, từ đó đề xuất, kiến nghị chính sách tiếp cận được nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư