Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/12/2018-16:06:00 PM
Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam
(MPI) – Ngày 30/11/2018, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Hội Thảo.

Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Cung cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư của ViệtNamhiện đang dàn trải và theo chiều rộng, bao gồm cả địa bàn, ngành nghề, quy mô doanh nghiệp… Do vậy, cần xác định rõ mục tiêu, giúp củng cố nguồn lực và nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư. Theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, trong xu thế kinh tế mới, thu hút đầu tư theo chiều rộng không còn phù hợp và không mang lại hiệu quả như mong muốn, vì vậy cần có chính sách mới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam, TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban, Ban Chính sách đầu tư, CIEM cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào những lợi thế mang tính chủ động để thu hút FDI theo hướng hiệu quả, áp dụng khoa học công nghệ để hướng ra thị trường quốc tế, cân bằng những nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI để tăng tính liên kết giữa hai luồng đầu tư. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh, thu hút FDI theo hướng chủ động, dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của mỗi địa phương bằng cách nâng cao tính hấp dẫn của địa phương trong mắt các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo ra sự phù hợp và nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, danh mục ưu tiên đầu tư, biện pháp xúc tiến, ưu đãi cho các doanh nghiệp theo hiệu quả kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư lâu dài và hiệu quả trên địa bàn.

Chia sẻ về hàm ý chính sách cho Việt Nam trong bối cảnh mới, Trưởng ban, Ban Tổng hợp, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TS. Nguyễn Hoàng Hà cho rằng, cần xác định lại vị trí của FDI trong nền kinh tế Việt Nam, chỉ ưu đãi, khuyến khích những gì mà Việt Nam thực sự cần và không làm được, giảm bớt sự phụ thuộc lớn vào khối ngoại. Đồng thời, cần làm rõ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và lĩnh vực hạn chế kinh doanh, đầu tư, tập trung vào cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh hơn là ưu đãi cho ngành cụ thể. Thống nhất, chặt chẽ về định hướng, cách thức xúc tiến, không ồ ạt, trùng lắp và cần có sự cam kết chặt chẽ để tạo dựng niềm tin giữa các bên.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thủy Trung cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi các chính sách về đầu tư và cho rằng một số chính sách hiện nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô chủ yếu thực hiện lắp ráp, trong khi chuyển giao công nghệ rất ít. Ngành công nghiệp điện tử chủ yếu là lắp ráp, nội địa hóa chỉ từ 10-20%. Các ngành khác như dệt may, da giày là ngành Việt Nam có thế mạnh, nhưng chủ yếu nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất là nhập khẩu nên giá trị gia tăng rất thấp. Do vậy, cần có những ngành kinh tế mũi nhọn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, khuyến khích chuyển giao công nghệ,... đưa vào luật để khuyến khích đầu tư, ông Lê Thủy Trung nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung về các chính sách ưu đãi về thuế trong chính sách, thu hút đầu tư tại Việt Nam; Kinh nghiệm quốc tế về thu hút FDI trong bối cảnh mới…/.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 18349
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)