(MPI) - Ngày 17/12/2018, tại Đà Nẵng, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”. Hội nghị diễn ra trong 02 ngày 17 và 18/12/2018.
Phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong; Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc Kamal Malhotra; Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp quốc tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng. Đối với Việt Nam, phát triển bền vững (PTBV) là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là PTBV, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thúc đẩy mối quan hệ đối tác vì sự phát triển bền vững, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện SDGs, tại Clip SDGs, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra thông điệp: “Việt Nam tin tưởng sẽ thực hiện thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn của người dân Việt Nam cũng như nhân loại Thế giới. Việt Nam cam kết tích cực thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế, trong nỗ lực chung để không một cá nhân hay một đất nước nào bị tụt lại phía sau
trong tiến trình này”. Ảnh: MPI
|
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã có bài trình bày về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và tình hình triển khai thực hiện cũng như thách thức trong huy động nguồn lực tài chính, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu PTBV. Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu PTBV toàn cầu. Quá trình xây dựng Kế hoạch hành động cũng có sự tham tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể phản ánh được 150/169 mục tiêu toàn cầu.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng như những thách thức đặt ra, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, chúng ta cần tập trung vào 05 nội dung trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách theo hướng điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thứ hai, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược, kế hoạch liên quan. Đầu năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây được xem là một căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương có thể triển khai việc lồng ghép.
Các nguyên tắc cơ bản của việc lồng ghép bao gồm: Yêu cầu lồng ghép các mục tiêu PTBV phải được quy định trong các văn bản hướng dẫn chính thức về lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia, ngành và địa phương; Đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu PTBV với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Quá trình lồng ghép các mục tiêu PTBV phải đảm bảo thu hút được sự tham gia tích cực của các bên liên quan, bảo đảm tính dân chủ, sự đồng thuận của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm quan khu vực trưng bày các ấn phẩm về PTBV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đánh giá cao các nội dung chuẩn bị, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, góp phần thành công cho Hội nghị. Ảnh: MPI |
Thứ ba, huy động sự nguồn lực và tham gia từ các bên liên quan, trong đó cần đẩy mạnh huy động sự tham gia và phát huy tính chủ động của tất cả các bên liên quan, từ các bộ, ngành, địa phương đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển và khu vực tư nhân cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tạo lập cơ chế để huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thứ tư, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Thứ năm, xây dựng Hệ thống giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững. Để phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Lộ trình này sẽ là một căn cứ quan trọng để các bộ, ngành và địa phương lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm; xây dựng các chỉ tiêu và nhiệm vụ cụ thể của ngành, địa phương nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững một cách hiệu quả trong từng thời kì từ nay đến năm 2030. Lộ trình là một thước đo để đánh giá việc Việt Nam thực hiện các chỉ tiêu về phát triển bền vững tại các mốc thời gian 2020, 2025, 2030.
Song song với việc xây dựng lộ trình, Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng nhằm phục vụ công tác giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Qua rà soát 196 chỉ tiêu thống kê thuộc dự thảo Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam, có 101 chỉ tiêu đã có số liệu cơ sở (chiếm 51%); 55 chỉ tiêu chưa có dữ liệu cơ sở (chiếm 28%) nhưng có thể thu thập qua các cuộc điều tra thống kê hiện tại trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia hoặc thu thập qua các nguồn chính thức; 21 chỉ tiêu chưa có dữ liệu cơ sở (chiếm 11%) nhưng có thể thu thập qua các cuộc điều tra thống kê ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia, cần sự hỗ trợ của các tổ chức; 19 chỉ tiêu mới tại Việt Nam.
Trên cơ sở lộ trình và hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững được ban hành, năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng hướng dẫn giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện giám sát, đánh giá tại bộ, ngành, địa phương mình.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Để có thể thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng nêu trên thành công, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, cần sự nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành của Quốc hội đối với Chính phủ. Quốc hội với vai trò là cơ quan giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, sẽ đưa ra những định hướng để: Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Lồng ghép thành công các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và 2026 - 2030; Giám sát việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và quyết định việc phân bổ ngân sách phù hợp cho những hoạt động cần bổ sung vốn. Vai trò của Quốc hội là tiên quyết cho việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Quốc gia. Chính vì vậy, thông qua việc áp dụng Bộ công cụ tự đánh giá, vai trò của Quốc hội đối với Chính phủ ở các khía cạnh nêu trên sẽ được tăng cường./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư