Trụ sở Quốc hội Hy Lạp. (Nguồn: Getty) Ngày 15/1, Quốc hội Hy Lạp đã quyết định thông qua một dự luật về cải cách tài chính, năng lượng và lao động để đổi lấy những khoản cứu trợ mới theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.
Đa số các nghị sỹ trong quốc hội Hy Lạp đều đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách này. Chính quyền Athens cho rằng họ cần những sự cải cách này để nhận các khoản giải ngân tiếp theo của gói cứu trợ. Để đáp ứng yêu cầu của nhóm các nước chủ nợ đặt ra là đạt mức thặng dư 3,5% GDP, cao hơn nhiều so với con số ban đầu là 1,75%, Hy Lạp đã đề ra những mục tiêu khắt khe hơn trong năm 2017 nhằm đổi lấy các đợt giải ngân tiếp theo.
Hồi tháng trước, Bộ Tài chính Hy Lạp tuyên bố đã lấp đủ "những khoảng trống tài chính" để có thể tiến hành cắt giảm thuế trong năm 2018, thời điểm gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro hết hiệu lực.
Tuy nhiên, dự luật này đã gây bất bình cho nhiều người dân Hy Lạp, những người đã phải chịu tình trạng thu nhập cùng điều kiện sống giảm sút kể từ khi nước này chấp nhận gói cứu trợ quốc tế đầu tiên để tránh vỡ nợ hồi năm 2010, cũng như 2 gói cứu trợ sau đó.
Hơn 10.000 người đã tập trung bên ngoài trụ sở quốc hội để phản đối việc thông qua dự luật mới này. Những người biểu tình cho biết dự luật trên sẽ cắt giảm trợ cấp gia đình, áp dụng một quy trình mới về tịch thu tài sản thế chấp đối với các khoản nợ quá hạn cũng như siết chặt quy định về tổ chức đình công. Nhiều người biểu tình quá khích đã ném gạch đá và bom xăng vào lực lượng cảnh sát, buộc họ phải sử dụng đạn hơi cay để trấn áp.
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận được 3 gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới hơn 350 tỷ euro. Sau 2 gói cứu trợ đầu tiên, Hy Lạp vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế. Gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro với thời hạn giải ngân 3 năm đã được thông qua vào năm 2015, với điều kiện Hy Lạp phải thực hiện đầy đủ những cải cách kinh tế như đã cam kết.
Sau 7 năm thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt chi tiêu và cải cách, giới chức Athens hy vọng gói cứu trợ thứ 3 sẽ là gói cứu trợ cuối cùng đưa Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài nhất trong lịch sử nước này./.