Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/01/2019-15:25:00 PM
Đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 10/01/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII. Tham dự cuộc họp có Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Daisuke Okabe.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, sau hơn 30 năm đổi mới, liên tục duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Năm 2018, quy mô GDP đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 470 tỷ USD và dân số tiệm cận mức 100 triệu người với cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ. Môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp mạnh mẽ với tính kết nối quốc tế thuận lợi, những chính sách phát triển kinh tế hấp dẫn... Sau 5 năm thực hiện thành công các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam đã thu hút được những thành tựu quan trọng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019, tổng điểm môi trường kinh doanh Việt Nam đạt được tăng so với năm 2018, đứng vị trí 69/190 nền kinh tế. Cụ thể, điểm số của 7/10 chỉ số có tăng như: Tiếp cận điện năng, gia nhập thị trường, đăng ký sở hữu tài sản, giải quyết tranh chấp hợp đồng, khởi sự doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, trả thuế... Diễn đàn kinh tế thế giới WEF năm 2018 xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 55/137 nước, tăng 5 bậc so với năm 2017 và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Những nỗ lực về cải cách, đổi mới của Chính phủ thời gian qua được thực hiện thống nhất, xuyên suốt trong các cấp chính quyền và đã tạo những kết quả đáng kể. Lũy kế tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 27.353 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD. Vốn thực hiện luỹ kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Riêng năm 2018, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 và cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư từ Nhật Bản lũy kế đến năm 2018 đạt hơn 57 tỷ USD với 3.996 dự án, đứng thứ hai trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng năm 2018, đầu tư Nhật Bản chiếm vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,6 tỷ USD.

Mối quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng châu Á” giữa Việt Nam - Nhật Bản đã bước sang năm thứ 46, trong đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được thực hiện qua hơn 15 năm và đang bước vào giai đoạn VII. Sáng kiến này đã có tác động to lớn và được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá là kênh đối thoại chính sách hiệu quả nhất trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam. Trong 6 giai đoạn, trong tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động thì 386 tiểu hạng mục được triển khai tốt và đúng tiến độ, chiếm 82 % tổng số hạng mục cam kết.

Phát biểu tại cuộc họp, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ông Daisuke Okabe đánh giá, Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, đồng thời cho biết, Nhật Bản tiếp tục đứng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam với nhiều dự án có quy mô lớn. Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Hiệp định CPTPP và Nhật Bản quan tâm đến vấn đề có thể sử dụng các ưu đãi về thuế trong khuôn khổ của Hiệp định này.

Toàn cảnh Cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, các nhóm công tác Việt Nam - Nhật Bản đã cùng rà soát các nhóm vấn đề, đánh giá những việc đã làm được và thảo luận các đề xuất của hai bên nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Các bộ, ngành Việt Nam phối hợp với Nhật Bản thực hiện các nội dung cam kết trong Kế hoạch hành động. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, việc cam kết thực hiện Sáng kiến chung chứng tỏ sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành trong khuôn khổ hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Bên cạnh đó, một số khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu, ghi nhận. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như tổ chức thực thi.

Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn VII nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cộng đồng doanh nghiệp hai nước./.

Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII được thực hiện trong 17 tháng (từ tháng 8 năm 2018 đến cuối năm 2019) gồm 09 nhóm vấn đề: Những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; cải thiện cơ chế tư pháp; Luật đất đai; cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán; phát triển công nghiệp hỗ trợ; lao động-tiền lương; khung chính sách về PPP; hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô và dịch vụ với 63 tiểu hạng mục. Trong thời gian qua, các nhóm công tác đã tích cực làm việc để thực hiện Kế hoạch hành động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4289
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)