(MPI Portal) – Sáng 06/11, Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức hội thảo Đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công dưới sự chủ trì của TS. Cao Viết Sinh – Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư và PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Tham dự Hội thảo có đại diện các sở Kế hoạch và Đầu tư, các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước, các Viện nghiên cứu và các cơ quan thông tấn báo chí.
|
Ông Vũ Quốc Tuấn – Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, TS. Cao Viết Sinh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và PGS.TS Lê Xuân Đình – Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo (ảnh từ trái sang) tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Đổi mới công tác kế hoạch
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Cao Viết Sinh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội thảo Đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công của Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Theo Thứ trưởng, để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2022, cả nước cần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo nền tảng bền vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn hiện nay. Chính vì vậy, bước vào thời kỳ mới của sự phát triển đất nước, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế phải đi đôi với đổi mới công tác kế hoạch.
|
Ông Vũ Quốc Tuấn Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993 - 2006) trao đổi tại Hội thảo.
Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Với chủ đề đổi mới công tác kế hoạch và tái cơ cấu nền kinh tế, ông Vũ Quốc Tuấn Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993 - 2006) cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của kế hoạch hóa trong điều kiện hiện nay chính là kế hoạch hóa công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông cho rằng, trong tình hình hiện nay cần nâng cao trình độ của công tác kế hoạch qua các vấn đề như: dự báo, quy hoạch, phân vùng kinh tế, việc tính toán các bản cân đối,… Bên cạnh đó, phải cải tiến mạnh mẽ những công cụ của công tác kế hoạch như công tác dự báo, lập bảng biểu cân đối, nghiên cứu các mô hình phát triển…
Về những nội dung cốt yếu cần tập trung trong đổi mới công tác kế hoạch, theo ông Lê Viết Thái – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những yếu tố quan trọng nhất để xác định một số mô hình phát triển chính là việc xác định vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Về bản chất, công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp là lập và điều hành thực hiện nhiệm vụ của cấp đó, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình phát triển mới và quá trình đổi mới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có mối quan hệ hợp tác rất chặt. Đổi mới công tác kế hoạch chính là một phần quan trọng trong xây dựng và thực hiện mô hình phát triển mới của nước ta.
Đầu tư công trong giai đoạn mới
Với chủ đề nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đầu tư công, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái cho rằng, đổi mới đầu tư trung hạn là một trong những nội dung đổi mới công tác kế hoạch hóa, góp phần bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nâng cao chất lượng đầu tư, nhất là đầu tư công.
Kế hoạch đầu tư lâu nay là một thành phần gắn bó của kế hoạch hàng năm phát triển đất nước. Bên cạnh ưu điểm đóng góp cho sự phát triển chung, kế hoạch với thời hạn ngắn hàng năm có nhược điểm là không bao quát hết chu kỳ dự án, nên sự lựa chọn các ưu tiên bị phân khúc. Khi nền kinh tế gặp khó khăn thì các khoản đầu tư năm sau rất có thể đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án chuyển tiếp, trong khi các dự án mới rất cấp bách lại đang đặt ra ở các vùng miền khác nhau và để cân bằng các ngành và địa phương cứ kéo dài thêm danh mục dự án, nhưng vốn không thể đáp ứng nổi. Hệ quả là, tình trạng đầu tư dàn trải là phổ biến và thời hạn xây dựng các dự án thường vượt mức đề ra. Đó cũng là nguyên nhân trực tiếp giảm hiệu quả đầu tư công.
Theo Giáo sư để khắc phục việc chia cắt đầu tư công và đầu tư toàn xã hội, cần phổ biến rộng rãi Dự thảo đầu tư công trung hạn để nhân dân và các doanh nghiệp biết ngay từ đầu, để họ tham gia ý kiến bổ sung, nhất là các chương trình dự án có ảnh hưởng đến nhiều dự án khác hoặc đời sống nhân dân, tài nguyên và an ninh quốc gia. Từ đó, có thể tăng cường sự tham gia tư vấn, phản biện và giám sát của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Sơn (MPI Portal)
|
Hội thảo Đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công là cơ hội để các chuyên gia cùng nhìn nhận, phân tích, đánh giá về công tác kế hoạch hóa và đầu tư công ở nước ta hiện nay. Từ đó, Hội thảo sẽ đưa ra những đề suất đổi mới hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa nền kinh tế phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu chủ yếu dựa vào các nhân tố tăng gia sản xuất, gia tăng hiệu quả, phát triển đất nước bền vững hơn./.
Thúy Quyên
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư