Hoạt động tại cảng container Tanger-Med ở Ksar Sghir, thành phố Tangiers của Maroc. (Nguồn: AFP/ TTXVN) Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế S&P dự báo đà tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn sẽ chậm lại, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2019.
Ngân hàng đầu tư UBS cho rằng kinh tế thế giới giảm tốc trong năm 2019 khi không ít quốc gia siết chặt chính sách tiền tệ, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu lắng dịu và các nền kinh tế lớn đối mặt với thách thức về chính trị.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất đưa ra trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019.
Những trận gió ngược
Một trong những thách thức mà các nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đối mặt là chính sách thắt chặt tiền tệ của một số nước sau một thập kỷ tiến hành các biện pháp kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Anh, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản..., đã áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ với mức lãi suất thấp và mua tài sản quy mô lớn để thúc đẩy hoạt động chi tiêu và hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu dừng chính sách kể trên.
Mỹ đã cho dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào cuối năm ngoái và tăng lãi suất bốn lần trong năm 2018. Ngân hàng Trung ương châu Âu trong tháng 12/2018 đã khẳng định sẽ kết thúc QE và chấm dứt chương trình mua trái phiếu 15 tỷ euro (17 tỷ USD)/tháng.
Mối lo ngại về đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu, việc thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng cùng với các yếu tố khác đã khiến các thị trường chứng khoán lao dốc.
Trong năm 2018, các chỉ số chứng khoán Mỹ ghi nhận năm hoạt động tồi tệ nhất kể từ năm 2008, trong khi chỉ số tổng hợp xuyên châu Âu Stoxx 600 cũng chứng kiến năm tệ nhất trong một thập niên.
Các chuyên gia nhận định bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính sách ở các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.
UBS cảnh báo các nhà đầu tư cần chuẩn bị ứng phó với những tác động đối với thị trường do tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã nhất trí tạm "đình chiến" thương mại trong vòng 90 ngày, song viễn cảnh chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn rất xa vời, bởi thương mại chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong mâu thuẫn Mỹ-Trung.
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo rằng hệ thống thương mại đa phương đang xáo động trong một "cuộc khủng hoảng sâu sắc" và Mỹ đang "ở tâm chấn."
Căng thẳng thương mại đã kéo đà tăng trưởng GDP toàn cầu giảm 0,1-0,2 điểm phần trăm trong năm 2018 và Tổng Thư ký OECD, Angel Gurria, cảnh báo nếu Mỹ tăng thuế bổ sung lên mức 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như đã đe dọa, mức tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm xuống còn gần 3% vào năm 2020.
Khối nợ công phình to cũng là một thách thức khác mà kinh tế thế giới phải đối mặt. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định nguy cơ xuất phát từ những vấn đề đã tồn tại từ cuộc khủng khoảng tài chính toàn năm 2008 và đến nay vẫn không đổi, đó là khối nợ công khổng lồ tại nhiều quốc gia và tình trạng thất nghiệp gia tăng tại một số nước.
Ông nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách hiện nay là giảm nợ công, tăng cường sự minh bạch và tiếp tục cuộc chiến chống hoạt động trốn thuế.
Bên cạnh đó, về mặt chính trị, UBS cũng lưu ý về sức ảnh hưởng của các cuộc bầu cử tại Ấn Độ, Nam Phi, Hy Lạp, Canada và Argentina. Châu Âu cũng sẽ bước vào cuộc kỳ bỏ phiếu Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) trong tháng Năm và chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ sớm bắt đầu. UBS cảnh báo các cuộc bầu cử có thể khiến tình hình chính trị trở nên thiếu chắc chắn hơn.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Không chỉ S&P và UBS, trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2019. OECD dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ đạt 3,5%, giảm so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9/2018. Cụ thể, tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) này điều chỉnh giảm nhẹ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 6,3% năm 2019 do hoạt động xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1% trong bối cảnh kế hoạch tăng thuế tiêu dùng của chính phủ nước này từ tháng 10/2019 có khả năng tác động mạnh đến nhu cầu tiêu dùng.
Trong khi đó, kinh tế khu vực Eurozone dự kiến tăng 1,8% vào năm 2019, giảm nhẹ so với các dự báo trước đó. Kinh tế Italy được dự báo chỉ tăng 0,9% cho cả năm 2019 do số việc làm chững lại và tỷ lệ lạm phát cao hơn.
Về phần mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu đạt mức cao 3,7% trong năm 2019, nhưng hai nền kinh tế đứng đầu là Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu hạ nhiệt. IMF cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể khiến tăng trưởng của toàn cầu giảm 0,8 điểm phần trăm, bởi thương mại là động lực chính của tăng trưởng.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm tới sẽ giảm từ 2,9% xuống 2,5%, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm. Theo Giám đốc điều hành Todd Fagley của MedSource Labs có trụ sở ở Minnesota, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã cảm nhận tác động của việc chi phí xuất khẩu tăng và tình trạng dư thừa công suất
Các nhà kinh tế của UBS nhận định kinh tế Trung Quốc đối mặt với sức ép từ hàng rào thuế của Mỹ và nhiệm vụ tái cân bằng kinh tế. Tại Eurozone, UBS cho rằng nhu cầu nội địa vững sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu.
Đối với các nước đang phát triển, 2019 dự báo sẽ là năm khó khăn. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại (CEBR) đánh giá căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh tới các thị trường thế giới, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Mức tăng của thương mại toàn cầu có thể chỉ đạt 2,99% trong năm 2018, giảm so với mức tăng trưởng của năm trước đó. Dự đoán tương lai của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đến năm 2033 cho thấy, con đường tăng trưởng sẽ gập ghềnh hơn trong trung hạn so với dự báo trước đó.
Trong những thập kỷ qua, toàn cầu hóa nền kinh tế đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc dựng lên các rào cản thương mại không là phương pháp đúng đắn để giải quyết những thách thức này.
Hiện nay kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các chuyên gia cảnh báo kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019. Thậm chí, nguy cơ suy thoái đã được nhắc tới khi giới phân tích lo ngại về kịch bản tái diễn khủng hoảng kinh tế toàn cầu theo chu kỳ 10 năm sau các cuộc khủng hoảng năm 1987, 1997 và 2008./.