(MPI Portal) – Đó là nội dung buổi họp được tổ chức ngày 10/01 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura.
|
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam ông Tomoyuki Kimura.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Tổng kết về việc sử dụng vốn ADF, ông Tomoyuki Kimura đánh giá cao sự chủ động và điều phối quyết liệt của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong năm 2013. Bộ đã phối hợp cùng văn phòng đại diện ADB tại Việt Nam theo dõi việc thực hiện các chương trình, đảm bảo tiến độ dự án được triển khai theo lộ trình, hạn chế tình trạng trì hoãn hoặc ứ đọng công việc vào cuối năm. ADB cam kết tiếp tục hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác công tư, đặc biệt là xây dựng nghị định PPP và các tiêu chí sàng lọc đối với các dự án thí điểm.
Việc rải ngân vốn ADF của Việt Nam được phía ADB đánh giá là rất tốt. Song ông Tomoyuki Kimura cũng nhấn mạnh rằng ADB không chỉ hỗ trợ Việt Nam về tài chính mà rất quan tâm đến việc quản lý tri thức. Xây dựng một chiến lược quản lý tri thức quốc gia là vấn đề cấp thiết đối với Việt Nam, tuy nhiên cách tiếp cận của Việt Nam hiện nay khá manh mún và trùng lắp. Phía ADB đã đưa ra các lĩnh vực nội dung cơ bản mà Việt Nam cần lưu ý khi xây dựng chiến lược quản lý tri thức quốc gia gồm có: nâng cao cạnh tranh kinh tế, tác động của kinh tế thị trường với các vấn đề xã hội, bền vững về môi trường, nghị định PPP, vấn đề phân cấp.
|
Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về danh mục quản lý dự án, ADB đề nghị cùng với Việt Nam tham gia từ khâu thẩm định dự án, đảm bảo dự án được bắt đầu nhanh chóng và có hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn; xây dựng hệ thống chung giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ADB để theo dõi việc sử dụng vốn đối ứng; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến
Nghị định 38 về công tác quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng Ban quản lý dự án chuyên nghiệp hơn.
Bà Yumiko Tamura, Chuyên gia tư vấn quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng với việc nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam hiện không còn nhiều ưu đãi như trước thì Việt Nam có thể nhắm tới việc sử dụng vốn vay từ Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) – quỹ lớn nhất từ trước tới nay của hiệp hội ASEAN nhằm hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng của các nước thành viên, ước tính 60 tỷ USD/năm.
|
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư
Bùi Quang Vinh.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Về phần mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hoàn toàn đồng ý với Giám đốc quốc gia ADB về việc chia sẻ quản lý tri thức, cùng với việc thay đổi quy tắc sử dụng vốn ODA sao cho phù hợp với một nước có thu nhập trung bình thấp. Liên quan đến kế hoạch lộ trình 5 năm 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng những đề án nhằm cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam, tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, bao gồm 6 nội dung chính: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách toàn diện thể chế để chuyển đổi hoàn toàn sang kinh tế thị trường phù hợp với mô hình kinh tế thế giới; Đổi mới thể chế để thúc đẩy phát triển thể chế tài chính nhằm huy động và phân bổ hiệu quả hơn nguồn vốn tài chính, xây dựng thị trường vốn ở Việt Nam; Áp dụng cơ chế thị trường trong tổ chức cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ ở Việt Nam; Đổi mới thể chế về phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong điều hành xã hội; Đổi mới thể chế về thu hút và trọng dụng nhân tài trong bộ máy quản lý Nhà nước; Đổi mới thể chế tăng cường hiệu lực thực thi chính sách ở Việt Nam.
Dựa trên kết quả thực hiện năm 2013 về sàng lọc dự án, vốn đối ứng, rải ngân, Bộ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa ADB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư và kỳ vọng hai bên sẽ hợp tác mạnh mẽ hơn để mang lại hiệu quả tối đa trong năm 2014 và thành công hơn nữa trong giai đoạn 2016-2020./.
Nguyễn Hương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư