(MPI) - Đây là Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 30/01/2019, tại Hà Nội. Tham dự Chương trình có ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, ông Vũ Đại Thắng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng cùng các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, Lê Quang Mạnh, Nguyễn Đức Trung và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Về phía khách mời có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại diện các thành viên của Chương trình Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, các khoa học, nhà văn hóa, các đại biểu là người Việt ở nước ngoài, các cơ quan báo chí, truyền thông. Đặc biệt, Chương trình có sự tham dự của đại diện các nhóm cộng đồng, các bạn khuyết tật khiếm thính, khiếm thị,…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Chương trình. Ảnh: MPI |
Chia sẻ tại Chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trải qua chặng đường gần 75 năm xây dựng và phát triển. Trong quá trình đó, Bộ đã trải qua nhiều thăng trầm khác nhau nhưng vẫn luôn khẳng định vị thế, vai trò, tầm vóc của một cơ quan tham mưu chiến lược hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào những thành quả chung của đất nước.
Khái quát về những thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới cũng như như tầm nhìn, định hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang tiến nhanh vào con đường phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ môi trường, luôn lấy con người làm trọng tâm để xây dựng mô hình phát triển bao trùm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, lấy người dân làm động lực, mục tiêu, trọng tâm trong quá trình phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ nhằm hướng tới người dân, mang lại hạnh phúc và lợi ích cho người dân.
Chia sẻ ước mơ, khát vọng về một nước Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc cho mọi người dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2019, chúng ta không chỉ ước mơ, khát vọng về một năm bứt phá phát triển trên mọi lĩnh vực mà còn về cả một chặng đường dài phía trước, vượt qua mọi chông gai, khó khăn, thách thức, nắm bắt mọi cơ hội để giải phóng sức sản xuất, khơi thông được mọi nguồn lực, tìm kiếm được những động lực mang tính đột phá mới của nền kinh tế. Bên cạnh đó, phải biến được những thách thức thành cơ hội và biến cơ hội thành hiện thực.
Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò của mình trên trường quốc tế với những thành quả đạt được rất lớn và quan trọng. Việt Nam từ một nước lạc hậu với trên 80% dân số sống ở nông thôn đã từng bước xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội và làm thay đổi căn bản diện mạo đất nước để vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng lớn mạnh, đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Về kinh tế, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức khá trong thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,8%, mức cao ở trong khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế tăng gần 39 lần (từ 6,3 tỷ USD năm 1989 lên 244,9 tỷ USD năm 2018). GDP bình quân đầu người tăng gấp 27,4 lần (từ 94 USD năm 1989 lên 2587 USD năm 2018). Tuy nhiên, nếu so với một số nước trong khu vực thì quy mô của chúng ta vẫn còn khiêm tốn, chất lượng tăng trưởng còn thấp, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao. Năng suất lao động còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực. Nguy cơ tụt hậu so với thế giới và khu vực vẫn luôn hiện hữu.
Ở khía cạnh xã hội, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015 nhờ có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Việt Nam đã xây dựng cách tiếp cận đúng đắn, lấy tăng trưởng kinh tế làm nền tảng, tạo nguồn lực để thực thi hiệu quả các chính sách xã hội, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng yếu thế trong xã hội với tạo môi trường khuyến khích người nghèo, người yếu thế nỗ lực, tự vươn lên bằng chính sức của mình, hòa nhập với cộng đồng, xóa bỏ sự phân biệt trong xã hội nhằm tạo điều kiện để mọi người đều được hưởng lợi công bằng từ thành quả tăng trưởng kinh tế.
Việt Nam được coi là quốc gia hình mẫu thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, đạt kết quả ấn tượng, hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước thời hạn, tỷ lệ nghèo về thu nhập giảm liên tục. Đạt được kết quả này là nhờ có sự chung tay của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của toàn dân và nhất là sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo bằng cả ý chí, quyết tâm của chính những người nghèo. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, số lượng người thiệt thòi, yếu thế vẫn còn nhiều trong xã hội. Do vậy, chúng ta không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn phải chăm lo đến công tác xã hội để hướng tới mục tiêu lớn là phát triển xã hội công bằng, thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, lấy con người làm trọng tâm của phát triển, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Về vấn đề xây dựng các đô thị thông minh, trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh được xem là phương thức phát triển tất yếu để giải quyết các vấn đề do tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời là động lực giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đem lại các cơ hội phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2025 có thể lựa chọn 6 đô thị thông minh đại diện cho 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhưng không phải đánh đổi bằng bất ổn vĩ mô, thâm dụng tài nguyên hay đẩy mạnh tín dụng. Nền kinh tế đã đạt và vượt mục tiêu từ những nền tảng vững chắc trên hầu hết các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Đó cũng chính là thành quả của quá trình tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và phát huy vai trò của Nhà nước kiến tạo. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được nâng cao, dịch chuyển sang chiều sâu, hiệu quả sử dụng các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát triển và có sự đóng góp lớn hơn vào nền kinh tế…
Trong thời gian tới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn và khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng cao. Trong khi đó, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế mặc dù đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu… Để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi tốc độ chúng ta cần đạt được trong những năm tới phải nhanh hơn, bứt phá hơn so với chính mình và đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Để làm được điều này, nền kinh tế phải đồng thời duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô và đi liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững của Việt Nam giai đoạn tới cần phải dựa trên nền tảng cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, phát triển nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chia sẻ về những cơ hội của Việt Nam trong quá trình thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thu hút FDI, dân số vàng,… và mong muốn, những nội dung được chia sẻ tại Chương trình sẽ được phát triển, chia sẻ rộng rãi để khẳng định rằng, mọi người dân Việt Nam đều có khát vọng vươn lên, có tinh thần dân tộc mãnh liệt. Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh nhưng điều cốt lõi là phải khơi gợi được sức mạnh con người Việt Nam, từ đó sẽ khơi thông được mọi nguồn lực trong xã hội. Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động quyết định được tương lai của mình vì một đất nước ngày càng hùng mạnh.
|
Bộ trưởng chụp ảnh lưu niệm với cùng các đại biểu. Ảnh: MPI |
Chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019 đặc biệt có sự tham gia của các “nghệ sĩ” khiếm thính, khiếm thị, những người con nước Việt vô cùng đặc biệt, họ chính là minh chứng cho niềm tin, sức mạnh, lòng quả cảm, vươn lên và vượt qua chính mình, khẳng định chân lý “những gì người bình thường làm được thì những người yếu thế cũng có thể làm được” để đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư