Nhóm năm chuyên gia kinh tế hàng đầu của Chính phủ Đức đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm nay xuống 0,3%, thấp hơn so với mức tăng 0,7% của năm 2012.
Hồi tháng 10/2012, các chuyên gia trên đã dự báo tăng trưởng của nền kinh tếlớn nhất châu Âu này sẽ là 0,8% năm nay. Tuy nhiên các số liệu kể từ thời điểmđó cho thấy kinh tế Đức đã giảm dần và suy giảm 0,6% trong quý 4/2012.
Không giống các nước láng giếng khác, Đức đã không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng nợ, nhờ thực hiện các cải cách cơ cấu mạnh mẽ và sâu rộng trong thập niên vừa qua.
Các chuyên gia trên nói rằng đầu tư không thể đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của quốc gia này trong nửa đầu năm nay. Vốn đầu tư có thể giảm 3% so với năm 2012, khi một số công ty Đức đang thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí. Chẳng hạn như hãng hàng không lớn hai của Đức Air Berlin sẽ tập trung thực hành tiết kiệm trong năm nay, hay nhà bán lẻ Metro sẽ giảm vốn đầu tư xuống dưới 954 triệu euro.
Xuất khẩu của Đức nhìn chung sẽ giảm trong năm nay, do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) và triển vọng kinh tế ảm đạm tại Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đức.
Nhu cầu về hàng hóa của Đức giảm do các biện pháp thắt lưng buộc bụng và suy thoái kinh tế đã tác động tiêu cực đến nhu cầu ở các nước thành viên Eurozone -đang chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu của Đức.
Theo các chuyên gia, kinh tế Đức tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa, trong đó chi tiêu dùng cá nhân tăng 0,7% và chi tiêu chính phủ tăng 1,7%.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức đã giảm xuống sát mức thấp nhất, lạm phát ổn định, tiền lương tăng và lãi suất thấp sẽ giúp người tiêu dùng mở rộng hầu bao. Chỉ sốlạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Đức sẽ giảm từ mức 2% của năm ngoái xuống 1,7% trong năm nay, còn tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhẹ từ 6,8% lên 6,9%./.