Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 27/02/2019-13:44:00 PM
Tọa đàm lần thứ sáu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 26/02/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra Tọa đàm lần thứ sáu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI). Tham dự Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê Công JCCI, Yoichi Kobayashi cùng đại diện các bộ, ngành, JCCI, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Có được như vậy là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ hai nước, sự đóng góp của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân hai nước.

Năm 2017 và 2018, Nhật Bản liên tục là nhà đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam theo hướng bền vững. Việt Nam là nước có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh, nguồn lao động dồi dào, cơ sở hạ tầng đang được hoàn thiện. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm gần đây. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTPPP) có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo khảo sát vừa được JETRO công bố, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. 65% doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 70% các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các nước khác (Philipine 60%; Trung Quốc hơn 42%; Thái Lan 47%...). Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2018, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017… Chỉ số Ngành sản xuất Việt Nam PMI do Nikkei công bố tháng 7/2018 lên mức 54,9 điểm, đạt mức cao nhất trong khu vực ASEAN, thể hiện sức mua và năng lực sản xuất của Việt Nam tăng ổn định, liên tục.

Thời gian tới, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, dòng vốn đầu tư có xu hướng giảm, cạnh tranh thu hút đầu tư trong khu vực ngày càng cao, Việt Nam tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Đồng thời, sửa đổi và bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan, rà soát, cắt giảm những điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, cải thiện hệ thống quản lý thuế, quy trình sử lý các thủ tục hải quan, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê Công JCCI bảy tỏ đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và cho rằng, đây là kênh quan trọng đối thoại giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JCCI nhằm góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông Yoichi Kobayashi cho biết, Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hấp dẫn, có nền chính trị và an ninh ổn định, có nhiều thành tựu về phát triển kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện… Đây là những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm, khảo sát đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản.

Tại Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản trình bày về chính sách thu hút và thách thức của Việt Nam trong việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang nước thứ ba (cụ thể là China+1 và Thái Lan+1)… đã và nhận được những giải đáp từ các cơ quan hữu quan của Việt Nam.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: MPI

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao những ý kiến trao đổi của các đại biểu phía Nhật Bản về thực trạng, thách thức của Việt Nam trong việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sang nước thứ ba. Căn cứ vào phân tích của các đại biểu Nhật Bản, đặc biệt là những thách thức về cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ và nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Môi trường đầu tư của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều cải thiện và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực. Điều đó cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đem lại kết quả, chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.

Đây cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực, cam kết cải cách thể chế pháp luật theo hướng cởi mở, thân thiện, đóng góp của mọi thành phần kinh tế vào tăng trưởng kinh tế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả khu vực đầu tư nước ngoài.

Với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Việt Nam mong muốn Nhật Bản tiếp tục có nhiều ý kiến góp ý, khuyến nghị, phản hồi giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đạt được những mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu và hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4221
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)