Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 21/03/2019-16:29:00 PM
Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam
(MPI) - Với mong muốn tìm ra những giải pháp giúp các nhà đầu tư và định hướng phát triển cho tương lai đối với thị trường bán lẻ tại Việt Nam, ngày 20/3/2019 tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Đầu tư Tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam. Tham dự Diễn đàn có khoảng 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp và một số cơ quan truyền thông báo chí.
Ông Lê Xuân ĐìnhTổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo, phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp.

Trong những năm qua, thương mại trong nước đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho Nhân dân và góp phần quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế… Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường này.

Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại lớn. Thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Trung Quốc là 51%, Malaysia là 60% và Singapore lên đến 90%. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn còn khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Bên cạnh đó, các cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong cũng ngày càng phát triển. Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%/năm, giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%/năm. Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021-2025 là 14%/năm. Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến là 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Đồng thời, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.

Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng. Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.

Chia sẻ từ góc nhìn của người làm chính sách về phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5-10,9%. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017, đây là mức tăng đột phá và cao nhất trong 05 năm trở lại đây.

Thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18-50), dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Thời gian gần đây, có thể thấy thị trường bán lẻ đã có sự phát triển mạnh mẽ do nền kinh tế được phục hồi và đang trên đà lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Số lượng doanh nghiệp tăng cao, ngành sản xuất phục hồi, kiều hối tăng, lãi suất cho vay giảm… là những nhân tố chính góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của người dân. Kết quả là một làn sóng vốn trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian qua. Có thể nhận thấy trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ chủ yếu bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt…

Đưa ra một số giải pháp, nghiên cứu ứng dụng công nghệ hướng đến tối ưu hóa đầu tư và vận hành cho các nhà bán lẻ, theo bà Lưu Bảo Vân, Giám đốc điều hành dự án Intage Việt Nam cho biết, ngành bán lẻ đang thay đổi và tăng trưởng không ngừng với trung bình 10%/ năm. Câu chuyện của bán lẻ không chỉ dừng lại ở việc khách hàng mua mặt hàng nào, số lượng bao nhiêu, mà là cách họ đang mua như thế nào, điều gì của kênh bán hàng đó, nhà bán lẻ đó thực sự thu hút họ. Khách hàng không thể thay đổi nếu môi trường kinh doanh không có những đột phát để tạo điều kiện. Đột phá đó chính là do sự thâm nhập thị trường của ngày càng nhiều nhà bán lẻ từ khổng lồ đến nhỏ lẻ và song song đó là sự trỗi dậy của thương mại điện tử cùng mô hình bán lẻ đa kênh.

“Hơn ai hết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, phải linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng và có cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng lẫn nhóm người chưa phải khách hàng. Nhưng, thay đổi là thay đổi gì khi tốc độ thay đổi bên ngoài quá nhanh chóng, lượng thông tin quá nhiều để biết có thể áp dụng như thế nào và bắt đầu từ đâu”, bà Lưu Bảo Vân nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra cho thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác nhằm đưa thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển đa dạng./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 8327
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)