Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 02/04/2019-18:00:00 PM
Họp Ban Chỉ đạo chung Chính phủ - Liên hợp quốc về Sáng kiến Thống nhất hành động (JSC) năm 2019 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 02/4/2019, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo chung Chính phủ - Liên hợp quốc về Sáng kiến Thống nhất hành động (JSC) năm 2019. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh và Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra đồng chủ trì cuộc họp. Đây là dịp để các bên cùng đánh giá về những hợp tác đã và đang thực hiện và định hướng chiến lược cho các năm tiếp theo.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, năm 2018, với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các đối tác phát triển, Việt Nam đã có Phiên trình bày thành công Báo cáo Quốc gia tự nguyện (VNR) về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC).

Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, năm 2018, Chính phủ Việt Nam đã tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các hiệp định thương mại nhằm tìm kiếm thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước, nỗ lực phấn đấu cao nhất hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.

Năm 2019, Chính phủ xác định là năm “bứt phá” phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả” nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian qua, các tổ chức Liên hợp quốc và các cơ quan, đối tác của Việt Nam cũng đã tiến hành lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình hợp tác chung. Kế hoạch chiến lược chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017 - 2021 đã bước vào thực hiện năm thứ ba và hiện tại, Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng các văn kiện quan trọng định hướng phát triển giai đoạn tới như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI

Theo ông Kamal Malhotra, Việt Nam là nơi phù hợp để tiếp tục dẫn đầu về các cải cách trong giai đoạn cải cách Hệ thống phát triển Liên hợp quốc và dẫn đầu để đưa ra các cách làm điển hình cho các quốc gia khác học tập. Về Chương trình nghị sự 2030 và các ưu tiên phát triển quốc gia, ông Kamal Malhotra cho biết, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tăng cường vai trò của mình như một đối tác đáng tin cậy, cùng Việt Nam thục hiện mục tiêu để mang lại các tác động tích cực tới đời sống của người dân Việt Nam, cố gắng để không ai bị bỏ lại phía sau.

Hệ thống phát triển Liên hợp quốc và Nhóm các cơ quan Liên hợp quốc sẵn sàng và cam kết hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới Chương trình nghị sự 2030, thông qua Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Để làm được điều này, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội thông qua thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan quốc gia, các đối tác phát triển và các bên liên quan khác ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Ông Kamal Malhotra mong rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục là nước đi đầu trong nỗ lực không mệt mỏi vì Chương trình nghị sự 2030 và sẽ chuyển thành nước có thu nhập trung bình ở mức cao, không chỉ xét theo mức độ tăng trưởng GDP, thu nhập mà còn theo chỉ số nghèo đa chiều, đồng thời đạt được công bằng dựa trên chất lượng thể chế, nhà nước pháp quyền, quản trị, bình đẳng giới và các tiêu chuẩn nhân quyền khác theo các tiêu chuẩn quốc tế và công ước Liên hợp quốc được phê chuẩn trên toàn cầu nhằm hướng tới một Việt Nam xanh, thịnh vượng và tăng trưởng bao trùm.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường Đào Đình Tân trình bày về tiến độ triển khai thực hiện việc lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những khó khăn, thách thức chính đặt ra trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs tại Việt Nam.

Thực hiện cam kết quốc tế, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Quá trình xây dựng Kế hoạch hành động cũng có sự tham tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác. Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể.

Liên hợp quốc với vai trò là cơ quan định hướng, dẫn đầu cho việc thực hiện SDGs trên toàn cầu, trong thời gian qua, đã có những hỗ trợ rất tích cực và thiết thực, hiệu quả trong triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam. Việt Nam mong muốn các cơ quan Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững thông qua các hỗ trợ kỹ thuật, dẫn dắt việc huy động tài chính cho SDGs từ các đối tác phát triển và hỗ trợ các hoạt động nhằm theo dõi, đánh giá, báo cáo thực hiện SDGs tại Việt Nam. Việt Nam cam kết mạnh mẽ triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Việc thực hiện thành công Chương trình này đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó vai trò của các đối tác phát triển và các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam là rất quan trọng.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các tham vấn từ phía Liên hợp quốc đối với việc chuẩn bị nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021-2025; Các hỗ trợ, sáng kiến để tiếp tục lồng ghép SDGs trong phát triển kinh tế - xã hội; Các định hướng sử dụng hỗ trợ của Liên hợp quốc trong vai trò là cầu nối giữa Việt Nam và các nền kinh tế khác trong chia sẻ kinh nghiệm phát triển, đổi mới sáng tạo để vượt qua thách thức và đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Các giải pháp để tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch chiến lược chung (OSP) giai đoạn 2017-2021 cũng như thực hiện chương trình hợp tác trong bối cảnh mới./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4746
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)