Ngày 27/9, chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua ngân sách tài chính năm 2013 với nhiều khoản chi tiêu công bị cắt giảm mạnh và đây là một biện pháp nhằm giành được gói cứu trợ quốc tế để khắc phục khủng hoảng nợ.
|
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria
|
Theo dự án ngân sách này thì các khoản chi tiêu công trong năm 2013 sẽ bị cắt giảm khoảng 39 tỷ euro (tương đương 50 tỷ USD) và đồng thời áp dụng các biện pháp tăng thuế nhằm giảm thâm hụt ngân sách công cộng.
Để thực hiện cắt giảm chi tiêu, Chính phủ Tây Ban Nha sẽ thực hiện cắt giảm chi tiêu của các bộ và cơ quan chính phủ 8,9%, ngừng tăng lương trong khu vực công cộng, tìm các biện pháp để tiết kiệm 7 tỷ euro trong chi phí y tế và giáo dục, tiếp tục cải cách thị trường lao động, tinh giản bộ máy hành chính và nghiên cứu thực hiện các biện pháp nhằm tự do hóa một số lĩnh vực như năng lượng và viễn thông.
Tuy nhiên theo dự án ngân sách thắt chặt này thì trợ cấp dành cho người về hưu vẫn tăng khoảng 1%.
Chính phủ Tây Ban Nha khẳng định việc áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" vào thời điểm hiện nay là cần thiết.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Madrid ngày 27/9 sau phiên họp nội các, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria nhấn mạnh đây là ngân sách của thời kỳ khủng hoảng nhưng để nhằm thoát khỏi khủng hoảng.
Uỷ ban châu Âu đã hoan nghênh việc Chính phủ Tây Ban Nha thông qua kế hoạch ngân sách này.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề kinh tế, Olli Rehn nhận xét trong dự án ngân sách này, chính phủ Tây Ban Nha đã đưa ra được các biện pháp cụ thể, có triển vọng và mục tiêu rõ ràng.
Ngân sách này được thông qua vào lúc tình hình xã hội Tây Ban Nha căng thẳng trong nhiều tháng qua do khó khăn kinh tế và nạn thất nghiệp trầm trọng với tỷ lệ người không có việc làm lên tới gần 25% lực lượng lao động.
Hàng loạt cuộc biểu tình đã diễn ra trong thời gian gần đây phản đối việc chính phủ áp dụng các biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" để khắc phục khủng hoảng.
Trong cuộc biểu tình của hàng chục nghìn người ngày 15/9 vừa qua ở Madrid, Tổng thư kí liên hiệp công đoàn "Các ủy ban công nhân" Tây Ban Nha, Ignacio Fernades Toso cho rằng chính phủ nước này đang thực hiện chính sách phục vụ lợi ích của các thị trường tài chính quốc tế, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chứ không phải vì lợi ích của nhân dân Tây Ban Nha.
Ông Toso yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về chính sách của chính phủ hiện nay.
Làn sóng biểu tình, bãi công phản đối các chính sách kinh tế khắc khổ không chỉ diễn ra ở Tây Ban Nha mà còn diễn ra ở một số nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) trong những ngày gần đây như Italy, Hy Lạp.
Hai tổ chức công đoàn lớn nhất ở Italy đã phát động cuộc tổng đình công và biểu tình của người lao động trong khu vực công cộng trong ngày 28/9 để phản đối chính phủ cắt giảm chi tiêu công./.