Xếp dỡ hàng hóa tại cảng container quốc tế ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)
ADB cho biết khoản vay trên sẽ tập trung hỗ trợ Sri Lanka xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và đô thị.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ cấp khoản vay trung bình hằng năm trị giá 800 triệu USD cho Sri Lanka trong giai đoạn 2018-2022 nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á này.
Trong một thông báo đưa ra trong tuần này, ADB cho biết khoản vay trên sẽ tập trung hỗ trợ Sri Lanka xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng và đô thị.
Kế hoạch giải ngân của ADB cũng góp phần hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Sri Lanka nhằm hướng tới các mục tiêu phát triển then chốt như đa dạng hóa nền kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và phát triển kinh tế nông thôn.
Theo ADB, trong một thập kỷ qua, Sri Lanka đã có những bước tiến đáng kể trong việc hướng tới các mục tiêu phát triển, trong đó có việc giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo xuống mức một con số cũng như những tiến bộ về phát triển con người.
Định chế tài chính khu vực cũng cho rằng trong khi Sri Lanka vẫn đang ở vị trí gần đạt mức thu nhập trung bình cao, nước này cần phải có các biện pháp nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng bền vững.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 1/3 đã nhất trí nối lại gói cứu trợ tài chính trị giá 1,5 tỷ USD cho Sri Lanka, vốn bị đình hoãn do khủng hoảng chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đà tăng trưởng kinh tế của nước này.
IMF cho biết, các quan chức của định chế tài chính này trong chuyến thăm Colombo ngày 1/3 đã nhất trí sẽ tái kích hoạt gói tín dụng trong ba năm, bắt đầu từ năm 2016 và kéo dài thời gian giải ngân thêm một năm.
Nhóm làm việc của IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ ở cấp chuyên viên với các quan chức Sri Lanka, theo đó cho phép nước này có thêm thời gian hoàn thiện chương trình cải cách kinh tế. IMF từng dự định cấp khoản giải ngân vào tháng 10/2018.
Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, do khủng hoảng chính trị, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2018, mức tăng thấp nhất trong 17 năm qua. IMF dự đoán kinh tế Sri Lanka sẽ tăng trưởng 3,5% trong năm 2019.
Trong quá trình khủng hoảng, ba cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đã hạ mức đánh giá nợ của nước này, trong khi chi phí đi vay gia tăng đã buộc Sri Lanka từ bỏ các kế hoạch huy động vốn vay từ nước ngoài.
Tuy nhiên, IMF cho rằng kinh tế Sri Lanka đang dần bình phục từ đà suy yếu trong năm 2018, trong bối cảnh nước này đang chứng kiến những cú sốc từ bên ngoài./.