Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam đã và đang thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 và dành ưu tiên hàng đầu cho Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho sự tăng tốc phát triển của Cuộc cách mạng này. Theo đó, nhu cầu robot và tự động hóa đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam khi các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ tiên tiến để tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế quốc tế.
Việt Nam là quốc gia có nền chính trị và an ninh ổn định, có nhiều thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng với mức tăng trưởng cao và ổn định. Đồng thời, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chính sách đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện... Năm 2018, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,08%, quy mô GDP đạt 244 tỷ USD, giá trị thương mại đạt 482 tỷ USD. Dân số của Việt Nam đã tiệm cận mức 100 triệu người với cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ và dự kiến đến 2030 có khoảng 50% dân số Việt Nam dự kiến gia nhập nhóm tầng lớp trung lưu, vừa là thị trường tiêu thụ hấp dẫn vừa cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao cho khu vực kinh tế.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7.700 dự án với tổng vốn đầu tư 64 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2018 đạt 62,6 tỷ USD. Trên cơ sở Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực từ năm 2015, hai bên mở ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư, đưa kim ngạch thương mại dự kiến lên mức 100 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng, công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lee Hyuk cho biết, giao lưu thương mại Việt Nam - Hàn Quốc hằng năm đang phát triển nhanh chóng. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 48,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 19,6 tỷ USD, đã tạo ra mức kỷ lục thương mại cao nhất từ trước đến nay. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang các nước Đông Nam Á thì Việt Nam chiếm tỷ trọng 45% và là quốc gia đối trọng thương mại nắm giữ vị trí số 1 trong tổng số các quốc gia thuộc khu vực này.
Theo ông Lee Hyuk, việc Chính phủ Việt Nam đặt thứ tự ưu tiên hàng đầu cho ngành công nghiệp robot và tự động hóa thông qua Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 đã thể hiện sự cố gắng thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa và là quyết định vô cùng đúng đắn. Đồng thời cho biết, Hàn Quốc là quốc gia có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực này. Năm 2017, Hàn Quốc sử dụng 710 robot cho 10 nghìn công nhân viên và đạt kỷ lục mật độ sử dụng robot cao nhất thế giới. Nếu lĩnh vực này được áp dụng tại thị trường Việt Nam sẽ góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp robot và tự động hóa, ông Lee Hyuk chia sẻ.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyon cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng nhất trong Chính sách hướng Nam mới ở các lĩnh vực thương mại, đầu tư, ODA, giao lưu Nhân dân,… Doanh nghiệp Hàn Quốc đang ngày càng thể hiện sự quan tâm và không ngừng mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua kết quả với gần 8 nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, đóng vai trò tiên phong trong mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Trình bày về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam - Cơ hội trong ngành robot và tự động hóa, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bá Cường cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ) là đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN và thế giới.
Đồng thời, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tái cấu trúc nền kinh tế, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 45% GDP. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn 2011 - 2015 và trên 20%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam; Ngành robot của Hàn Quốc và khả năng hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc;… Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Hàn Quốc cập nhật thông tin về môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư trong ngành công nghiệp robot và tự động hóa./.