Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/05/2019-16:52:00 PM
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công
(MPI) - Tiếp tục Chương trình làm việc của Phiên họp thứ 34, chiều ngày 09/5/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Ngày 06/5/2019, Chính phủ có Báo cáo số 173/BC-CP gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH)về việc giải trình bổ sung, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đầu tư công (sửa đổi). Theo Báo cáo, về thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, kiến nghị của Chính phủ dựa trên cơ sở quan điểm chính sách tăng cường phân cấp và thẩm quyền để thuận lợi cho triển khai thi hành, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, tăng cường giám sát, hậu kiểm gắn với xác định rõ trách nhiệm, phân định chức năng quản lý, điều hành của Chính phủ và chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội trên Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ.

Chính phủ kiến nghị UBTVQH xem xét, quyết định chỉnh lý dự án Luật theo hướng giao Chính phủ thẩm quyền quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua, bảo đảm linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế trong điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua, phù hợp và đồng bộ với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Tại Báo cáo số 107/BC-CP ngày 26/3/2019, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, chấp thuận đề xuất của Chính phủ để bảo đảm vừa phù hợp với chức năng của Quốc hội, Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013, đồng bộ với Luật ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, Quốc hội quyết định những vấn đề lớn, chủ yếu của Kế hoạch đầu tư công trung hạn với mục tiêu, định hướng, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN, nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, cơ cấu theo từng ngành, lĩnh vực, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia, nguyên tắc phân bổ, thứ tự ưu tiên, các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với việc quyết định danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, đề nghị phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ quyết định, điều chỉnh bảo đảm linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.

Về căn cứ để các bộ, cơ quan, địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đây là nội dung quan trọng, có ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng, tổng hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn, lập, thẩm định quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Vì vậy, Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, cho phép quy định nguyên tắc trong dự thảo Luật về “số kiểm tra” có tính chất như số kiểm tra dự toán thu, chi NSNN quy định tại Luật NSNN, bảo đảm đồng bộ với Luật NSNN, đồng thời có quy định giao Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về cơ chế điều chỉnh và giá trị pháp lý của “số kiểm tra” để đảm bảo khả thi trong thực hiện.

Về căn cứ để các bộ, cơ quan, địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án có thời gian thực hiện kéo dài qua 02 kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn, tại Báo cáo số 107/BC-CP, Chính phủ đã nêu quan điểm, giải trình quy định theo hướng cần phải cho phép có hạn mức nguồn vốn (“nguồn vốn dư địa”) làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư dự án chuyển tiếp thực hiện sang Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau (không quá 20% tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn hiện hành, tương đương với mức ứng trước dự toán ngân sách theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật NSNN). Quy định như đề xuất trên bảo đảm có giới hạn nhất định để cân nhắc hiệu quả bố trí vốn trong phạm vi hạn mức nguồn vốn, tránh việc lạm dụng, quyết định chủ trương đầu tư tùy tiện, dàn trải, không ảnh hưởng đến giá trị vốn giải ngân thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành, đồng thời không tác động lớn đến tổng mức vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn kế tiếp, đặc biệt là bảo đảm có căn cứ thực hiện hoạt động đầu tư công liên tục, nhất là năm đầu tiên của chu kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phải chờ sau khi dự án mới hoàn thiện thủ tục đầu tư mới có thể phân bổ được kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm.

Đây là vấn đề liên quan đến tính liên tục của hoạt động đầu tư công, tránh gián đoạn, chậm trễ của các dự án do phải chờ nguồn vốn kế hoạch được phê duyệt mới có thể quyết định chủ trương đầu tư, tác động lớn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Từ thực tế trên, Chính phủ kiến nghị UBTVQH cho phép hoàn thiện quy định theo hướng quy định mức vốn dư địa của Kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành để quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ dự án kéo dài sang giai đoạn sau mà không vi phạm quy định cấm của Luật đầu tư công, bảo đảm phù hợp thực tế, giải quyết vướng mắc trong triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bảo đảm khả thi trong triển khai thi hành Luật.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết,tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban TCNS đã báo cáo và tiếp thu ý kiến của UBTVQHvà Hội nghị đại biểu chuyên trách về Dự án Luật Đầu tư công, Ủy ban TCNS dự kiến tiếp thu và giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về các nội dung: Áp dụng luật Đầu tư công; Giải thích từ ngữ; Đối tượng và phân loại dự án đầu tư công; Trường hợp không phải quyết định chủ trương đầu tư; Về quy trình xây dựng, phê duyệt và giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; Về việc trích dự phòng; Về thời gian chuyển nguồn và thời hạn giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn 05 năm và hằng năm; Về tập trung quản lý vốn đầu tư công về một đầu mối cùng với Ngân sách nhà nước; Về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân; Về căn cứ thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…

Về phạm vi sửa đổi Luật, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hảicho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Ủy ban TCNS và Chính phủ rà soát các nội dung sửa đổi, tập trung vào những vấn đề tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công, hạn chế tối đa việc sửa các quy định chưa thực sự cần thiết theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với từng loại nguồn vốn, phù hợp với Luật NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp trong thẩm định nguồn vốn; lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án; lập, thẩm định, phê duyệt và giao Kế hoạch, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm... Căn cứ phạm vi và số lượng các điều, khoản cần sửa đổi, bổ sungnhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện và đồng bộ của Dự thảo Luật, UBTVQH xin được đổi tên Dự án Luật “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công” thành Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Đối với nội dung về đối tượng và phân loại dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS giải trình rõ, đối với cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách. Thực tế thời gian qua, NSNN vẫn cấp vốn điều lệ và cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Đây là trách nhiệm của Nhà nước khi giao trách nhiệm cho các ngân hàng cho vay để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với lãi suất ưu đãi, phù hợp với định hướng từng thời kỳ. Do đó, giữ quy định các khoản chi trên là chi đầu tư phát triển như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, nghiên cứu quy định cụ thể để kiểm soát chặt chẽ, làm rõ trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng hiệu quả khoản chi này. Đối với việc cấp vốn điều lệ cho các quỹ: Theo quy định tại Khoản 11 Điều 8 của Luật NSNN, NSNN không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trường hợp được NSNN hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải đảm bảo phù hợp với khả năng của NSNN. Do vậy, để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này, giữ quy định nội dung cấp vốn điều lệ tại Dự thảo Luật đã trình Quốc hội và thể hiện cụ thể tại Khoản 7 Điều 5 của Dự thảo Luật mới.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, tính thống nhất, cụ thể trong quy định của Luật, làm rõ một số vấn đề còn ý kiến cách nhau, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật văn bản.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được vấn đề thực tế, nhất là những tồn tại về đầu tư công, cần cố gắng trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 này. Do đó, phải xem lại phạm vi sửa đổi Luật theo hướng sửa đổi một số những quy định còn hạn chế, bất cập để khắc phục những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem lại khái niệm đầu tư công trong mối tương quan với khái niệm tại các luật khác có liên quan, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cần xem xét cho thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tránh những xung đột, vướng mắc.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Pháp luật, các thành viên UBTVQH tại Phiên họp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo giải trình tiếp thu. Thời gian để thông qua Dự án luật là theo quy trình 2 kỳ họp, do đó, trong Kỳ họp Quốc hội thứ 7 này sẽ khẳng định quyết tâm thông qua Dự luật./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2433
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)