Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 16/05/2019-16:46:00 PM
Indonesia ghi nhận thâm hụt thương mại cao kỷ lục trong tháng Tư
Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong tháng Tư giảm 13,10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 12,60 tỷ USD, còn giá trị nhập khẩu giảm 6,58% xuống, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán giảm 12,1%.
Người dân mua thực phẩm tại chợ ở Jakarta của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo số liệu công bố ngày 15/5 của công ty dữ liệu Refinitiv Eikon, Indonesia đã ghi nhận thâm hụt thương mại tính theo tháng cao nhất từ trước đến nay trong tháng Tư vừa qua, do xuất khẩu sụt giảm, trong khi đà giảm nhập khẩu lại chậm hơn dự đoán.

Cụ thể, đất nước giàu tài nguyên này đã ghi nhận lần thâm hụt thương mại đầu tiên trong ba tháng ở mức 2,5 tỷ USD trong tháng Tư vừa qua, mức thâm hụt cao nhất từ trước đến nay của Indonesia.

Kim ngạch xuất khẩu của Indonesia trong tháng Tư giảm 13,10% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 12,60 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu giảm 6,58% xuống còn 15,10 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán giảm 12,1% được các nhà phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát trước đó của hãng tin Reuters.

Chuyên gia Wisnu Wardana của ngân hàng Bank Danamon ở Jakarta, cho rằng số liệu trên cho thấy Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) ít có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong ngắn hạn.

BI đã chịu áp lực giảm lãi suất sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thay đổi quan điểm theo hướng "không vội" nâng lãi suất.

Tuy nhiên, các quan chức nước này cho biết họ muốn thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia giảm đáng kể trước khi quyết định cắt giảm lãi suất.

BI đặt mục tiêu giảm thâm hụt tài khoản vãng lai từ 3% GDP năm 2018 xuống còn 2,5% GDP trong năm nay.

Tất cả 20 nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters đều dự đoán BI sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách lần thứ sáu liên tiếp diễn ra vào ngày 16/5, vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực lên đồng rupiah.

Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia, đã đóng góp 1,9 tỷ USD vào thâm hụt thương mại của nước này trong tháng Tư, trong khi thương mại với Mỹ đạt thặng dư 704 triệu USD.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cảnh báo sự sụt giảm trong hoạt động thương mại có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế của Indonesia.

Chính phủ nước này đã đề ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,3% trong năm nay./.

Khánh Ly
TTXVN/Vietnam+

    Tổng số lượt xem: 792
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)