(MPI) – Đây là kết quả đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 3163/BC-BKHĐT ngày 15/5/2019 gửi các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội khóa XIII và các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, 3, 4, 5 của Quốc hội khóa XIV.
Theo báo cáo, về mục tiêu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, các Nghị quyết và các văn bản có liên quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã xác định 64 chỉ tiêu định tính và định lượng. Đánh giá chung, đến nay, có 28,13% mục tiêu dự kiến hoàn thành, 40,63% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 31,25% mục tiêu cần các giải pháp thúc đẩy để hoàn thành.
Nhìn chung, quá trình triển khai cơ cấu lại nền kinh tế đã bám sát quan điểm nêu tại Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung xử lý kịp thời các vấn đề tồn đọng trong giai đoạn cơ cấu lại nền kinh tế trước đây, đồng thời chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai và theo dõi giám sát về thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới cần tiếp tục chú trọng và đổi mới, để tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế trên cả nước, qua đó các bộ, ngành, địa phương chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách cơ cấu lại nền kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Tại báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá mô hình tăng trưởng có sự chuyển biến theo hướng tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện. Năng suất lao động tăng đều qua các năm, tăng trưởng kinh tế dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) ngày một lớn và hiệu quả đầu tư thể hiện qua chỉ số ICOR được cải thiện. Đồng thời, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của khai khoáng. Vai trò của khu vực tư nhân gia tăng, thể hiện qua tỷ trọng của khu vực này trong GDP cũng như đầu tư phát triển toàn xã hội. Hệ số tiêu hao năng lượng được cải thiện đáng kể, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được chú trọng phát triển.
Cùng với đó, tiềm lực tăng trưởng kinh tế được củng cố và khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài được cải thiện, lạm phát được kiểm soát, tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hằng năm giảm, khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, lòng tin thị trường được tăng cường. Qua đó, tạo tiền đề để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, cải thiện khả năng chống chịu và ứng phó của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài. Nền kinh tế đứng vững trước cú sốc phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ và biến động thị trường tài chính thế giới trong thời gian qua…
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa bền vững. Điều đó thể hiện, mô hình tăng trưởng chưa thay đổi bền vững, cấu trúc của nền kinh tế vẫn không thay đổi đáng kể, vẫn dựa vào hai lực lượng chính là kinh tế hộ gia đình (chiếm hơn 33% GDP) và doanh nghiệp nhà nước (32% GDP). Các ngành sản xuất của Việt Nam vẫn nằm ở dưới chuỗi giá trị và chưa có dấu hiệu được cải tiến. Đầu tư chủ yếu được tài trợ không bền vững qua tín dụng ngân hàng, dẫn tới tỷ lệ tín dụng GDP tăng quá nhanh và rủi ro. Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tụt hậu trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài có xu hướng tăng. Nền kinh tế có độ mở cửa cao và không bền vững trong dài hạn, đo bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP, vốn đầu tư khu vực FDI năm 2018 chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71-72% kim ngạch xuất khẩu.
Để giải quyết những hạn chế này,Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong 10 năm tới. Thứ nhất, cần nghiên cứu sớm ban hành chính sách cắt giảm hợp lý và mạnh mẽ các loại thuế, phí đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuế thu nhập cá nhân đối với lao động chất lượng cao. Thứ hai, xây dựng thị trường cạnh tranh hiệu quả dựa trên hai trụ cột: cải cách thể chế về bảo vệ quyền tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trên cơ sở tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển mạnh khu vực tư nhân trong nước. Thứ ba, rà soát và cắt giảm mạnh cơ chế phân bổ xin cho khép kín đối với các nguồn lực do Nhà nước kiểm soát. Đặc biệt, cần sớm cải cách cơ bản luật pháp về quản lý đất đai để phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất.
Thứ tư, xây dựng chính sách phát triển và xác định mục tiêu rõ ràng về tăng năng suất và hiệu quả của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, bảo đảm hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế, ưu tiên đổi mới cách thức thẩm định, đánh giá và lựa chọn dự án đầu tư. Tập trung đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên tối đa đầu tư phát triển hạ tầng và tăng cường vị thế các vùng động lực tăng trưởng.
Thứ sáu, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chiều sâu và tốc độ cổ phần hóa, nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Thứ bảy, đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, xây dựng thị trường vốn nhằm bảo đảm hiệu quả trung gian tài chính, cân bằng giữa phát triển thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Thứ tám, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Kiên quyết chỉ đạo thực hiện để đạt mục tiêu đã xác định “chi tiêu thường xuyên dưới 64% tổng chi ngân sách”. Thứ chín,đề xuất và thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiền đề của các nhóm giải pháp nêu trên là Chính phủ tiếp tục có những biện pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và thuận lợi cho cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm: tập trung quản lý nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững, điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp tốt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, nhất là chính sách điều chỉnh các loại giá, phí do nhà nước quản lý./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư