Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 07/06/2019-18:45:00 PM
Đại biểu Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện về thẩm quyền quyết định danh mục dự án sử dụng vốn dự phòng và vốn còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020
(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 07/6/2019, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến bằng hệ thống điện tử về thẩm quyền quyết định danh mục các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội biểu quyết về thẩm quyền quy định danh mục các dự án dự phòng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với 2 phương án.

Phương án 1: Giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án trên nguyên tắc đảm bảo cân đối nguồn vốn ngân sách hằng năm phải bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi nếu có, đảm bảo quản lý, sử dụng vốn hiệu quả, đúng quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, các Nghị quyết số 26/2016/QH14, 71/2018/QH14 của Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đầu tư công, các văn bản thông báo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 88/UBTVQH14-TCNS ngày 03/3/2017, 102/UBTVQH14-TCNS ngày 26/4/2017, 2167/TTKQH-TCNS ngày 16/8/2018, 2712/TB-TTKQH ngày 24/4/2019, 2740/TB-TTKQH ngày 15/5/2019, 2850/TB-TTKQH ngày 31/5/2019; khắc phục những bất cập, hạn chế được nêu trong các báo cáo thẩm tra số 1482/BC-UBTCNS14 ngày 17/4/2019, 1484/BC-UBTCNS14 ngày 17/4/2019, 1548/BC-UBTCNS14 ngày 28/5/2019 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về việc sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10. Ưu tiên bố trí vốn trả nợ cho các dự án, công trình đã hoàn thành, các dự án đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đang dở dang còn thiếu vốn, không để nợ đọng xây dựng cơ bản, số còn lại mới phân bổ cho các dự án mới. Giao Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Phương án 2: Không đồng ý giao cho Chính phủ, vẫn tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 71/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Kết quả biểu quyết phương án 1 cho thấy, với 439 đại biểu tham gia, chiếm 90,70%, trong đó 299 đại biểu đồng ý, chiếm 61,78%, 129 đại biểu không đồng ý, chiếm 26,65% và 11 đại biểu không tham gia ý kiến, chiếm 2,27%. Như vậy, đại biểu Quốc hội đã chọn phương án 1 là giao Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao phân bổ chung cho các bộ, ngành, địa phương và các dự án trên nguyên tắc đảm bảo cân đối được các nguồn vốn hằng năm và phải bố trí được trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và từ điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án theo thẩm quyền. Riêng các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo Quốc hội và từ tăng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, đảm bảo quản lý, sử dụng vốn có hiệu quả theo đúng luật quy định.

Theo đó, Chính phủ chịu trách nhiệm rà soát lại danh mục, thủ tục đầu tư, phương án phân bổ, giao vốn bổ sung cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện tại Kỳ họp thứ 10./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5399
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)