Đồng 500 euro. (Ảnh: AFP/TTXVN) Ủy ban châu Âu gia tăng sức ép yêu cầu các nhà lãnh đạo thúc đẩy các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn tiếp theo của liên minh cho giai đoạn 2021-2027, để có thể đạt được thỏa thuận vào mùa Thu tới.
Chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 20 và 21/6, Ủy ban châu Âu (EC) gia tăng sức ép yêu cầu các nhà lãnh đạo thúc đẩy các cuộc đàm phán về ngân sách dài hạn tiếp theo của liên minh cho giai đoạn 2021-2027, để có thể đạt được thỏa thuận vào mùa Thu tới.
Trong một thông cáo mới công bố, EC nhận định thời gian không còn nhiều và việc chậm trễ áp dụng ngân sách EU trong tương lai sẽ gây ra những tốn kém phi lý. Việc không đạt thỏa thuận kịp thời sẽ gây thiệt hại cho sinh viên, nông dân, các nhà nghiên cứu cũng như những đối tượng thụ hưởng khác của ngân sách liên minh.
EC nhắc lại rằng việc thông qua ngân sách dài hạn giai đoạn 2014-2020 bị trễ sáu tháng đã gây ra những hậu quả tiêu cực cho nhiều công dân của các quốc gia thành viên. Để ngăn chặn tình trạng này tái diễn, giờ đây, EC kêu gọi Hội đồng châu Âu vạch ra một lộ trình cụ thể nhằm đạt được thỏa thuận về ngân sách dài hạn của EU vào mùa Thu tới và coi đây là một ưu tiên hàng đầu.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết công việc chuẩn bị đã hoàn thành về cơ bản để có thể thúc đẩy đề xuất của EC về ngân sách dài hạn tương lai của EU. Ông hoan nghênh Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên của hội đồng đã nỗ lực mạnh mẽ cùng các cam kết của mình.
Chủ tịch nhấn mạnh đã đến lúc phải tăng tốc. Ông khẳng định để thống nhất được về kế hoạch ngân sách tiếp theo không chỉ đơn thuần là vấn đề số học mà điều quan trọng là phải trang bị cho EU các phương tiện ngân sách phù hợp với tham vọng cũng như các ưu tiên của khối. Chủ tịch Juncker khẳng định thách thức là rất lớn nhưng với lòng can đảm và ý chí chính trị, khả năng đạt được thỏa thuận vào mùa Thu là rất cao.
Tháng Sáu năm ngoái, EC đã công bố đề xuất về ngân sách dài hạn, mới và hiện đại, tập trung vào các ưu tiên của Liên minh, cũng như các đề xuất lập pháp về 37 chương trình ngành. Một khối lượng công việc đáng kể đã được hoàn thành trên cơ sở này, cả trong EP và Hội đồng châu Âu. Các tiến bộ đã được thực hiện trong khuôn khổ tổng thể và nhiều đề xuất ngành đã hầu như hoàn tất.
Trong các cuộc thảo luận, nhiều ý kiến do EC đưa ra đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ EP cũng như Hội đồng châu Âu, bao gồm chú trọng phát triển giá trị gia tăng của châu Âu; thiết lập ra một cấu trúc đơn giản và minh bạch hơn về ngân sách trong tương lai; giảm số lượng các chương trình và tạo ra các đề án tích hợp mới trong các lĩnh vực như nguồn nhân lực, thị trường đơn nhất, đầu tư chiến lược, quyền và giá trị; tập trung mạnh hơn trong phối hợp giữa các công cụ; đơn giản hóa quy tắc tài chính và xây dựng khả năng đáp ứng nhanh chóng trong một thế giới biến đổi khó lường.
Các cuộc thảo luận cũng đã đạt được một số tiến triển trong các đề xuất về công cụ ngân sách quy tụ và cạnh tranh cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone); cơ chế mới để ngăn chặn nguy cơ sụp đổ diện rộng về pháp quyền khiến ngân sách EU gặp rủi ro; các đề xuất của EC để hiện đại hóa phần doanh thu của ngân sách liên minh.
Bên cạnh đó, một số vấn đề quan trọng - trong đó đặc biệt là về phương diện tài chính, vẫn cần phải được thảo luận thêm. Cuộc họp Hội đồng châu Âu tháng Sáu dự kiến sẽ khởi động một giai đoạn đàm phán chính trị mới, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề tài chính và chiến lược khác. Đây là cách duy nhất để đạt được thỏa thuận kịp thời và để đảm bảo rằng các chương trình mới sẽ được thực thi từ 1/1/2021./.