(MPI) – Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019 diễn ra chiều ngày 01/8/2019, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã làm rõ các vấn đề được nhà báo quan tâm liên quan đến đầu tư công và đăng ký doanh nghiệp.
Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 với những quy định liên quan đến quản lý các hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường thêm một số quy trình, thủ tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, tạo ra hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý toàn bộ quá trình đầu tư công, từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Họp báo. Ảnh: Chinhphu.vn |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Luật đầu tư công quy định chỉ được giao kế hoạch vốn khi Quốc hội và Chính phủ đồng ý và với những dự án đã hoàn tất thủ tục. Trong thực tiễn, khi các bộ, ngành, địa phương trình dự án thiếu các thủ tục, nên để đảm bảo theo nguyên tắc trên thì không thể giao vốn được. Do vậy, năm 2017 khi phân khai nguồn vốn đầu tư phát triển đã chia ra các đợt khác nhau, cụ thể là 4 đợt. Đây vẫn là thực tiễn trong quá trình thực hiện Luật đầu tư công cho đến nay. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành đánh giá, điều chỉnh một số nội dung sao cho phù hợp, đồng bộ với các nguyên tắc, tiêu chí đã được quy định tại Luật đầu tư công (sửa đổi) và các Nghị quyết của Quốc hội.
Liên quan đến vấn đề đăng ký doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nhà nước luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tất cả doanh nghiệp. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của một số bộ, ngành, địa phương nhiều chính sách được ban hành và đi vào cuộc sống nhằm thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả khu vực doanh nghiệp, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.
Trong mọi nền kinh tế luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường và việc doanh nghiệp đăng ký gia nhập và rời thị trường là việc bình thường, là quy luật khách quan. Nhà nước luôn tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, còn việc có tiếp tục hoạt động hay không là quyết định của doanh nghiệp. Theo thống kê, hằng năm, số lượng doanh nghiệp thành lập luôn cao hơn số doanh nghiệp rời thị trường, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 12.352 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 14,0% về số vốn.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 2.501 doanh nghiệp, tăng 2,4%; Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 2.471 doanh nghiệp, tăng 4,0%; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 1.434 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2018. Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 3.502 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước có 79.310 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 103.599 doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2018. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 57.206 doanh nghiệp, tăng 16,2% so với cùng kỳ 2018.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2019 là 23.118 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.
Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục xu hướng tích cực
Trước đó, sáng ngày 01/8/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung tham dự phiên họp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Chinhphu.vn
|
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2019; Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi và vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao và kết quả kiểm tra tháng 7 của Tổ công tác của Thủ tướng; việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 51/NQ-CP của Chính phủ về nội dung đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước nợ công của các bộ, ngành, địa phương; về vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; phương án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 7 và 7 tháng năm 2019 và đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về các tồn tại, hạn chế, yếu kém, những khó khăn, thách thức để đưa ra các biện pháp, giải pháp, đối sách cụ để khắc phục, ứng phó, nhất là những khó khăn của ngành nông nghiệp như vấn đề nắng nóng gay gắt, kéo dài ở miền Trung, Tây Nguyên, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp; giá cả một số nông sản giảm; một số ngành công nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại;...
Thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục xu hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công nghiệp tăng khá, trong đó ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau 3 năm giảm liên tục; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm. Công tác an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung giải quyết như giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa được cải thiện; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, lây lan hầu hết các tỉnh, thành phố; thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân; diện tích rừng bị cháy lớn; một số ngành công nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại, chi phí tăng cao; xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh giảm…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư