(MPI Portal) - Sáng ngày 01/11/2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội về Kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08/11/2011 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015”.
|
Ảnh: Internet
|
Việc ban hành chính sách, pháp luật về tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng gắn liền với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.
Qua hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, kết quả bước đầu đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Các cân đối lớn có chuyển biến rõ rệt. Cân đối cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Cân đối tiết kiệm lớn hơn đầu tư. Cân đối lương thực tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu an ninh lương thực, đồng thời tăng số lượng xuất khẩu. Cân đối điện đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và dự phòng. Cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư liên tục 03 năm liền. Cân đối lao động và việc làm được đảm bảo.
Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến tích cực với việc duy trì tốc độ tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người tăng, lạm phát được kiềm chế. Tốc độ tăng trưởng năm 2011: 6,24%; năm 2012: 5,25%; năm 2013: 5,42%, năm 2014 ước đạt 5,8%; năm 2015 dự báo tăng 6,2%. GDP bình quân đầu người năm 2011 là 1.543 USD, năm 2012 là 1.755 USD, năm 2013 là 1.911 USD . Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,1% (năm 2011) xuống 6,8% (năm 2012); 6,04% (năm 2013); CPI đến tháng 9/2014 so với cuối năm 2013 chỉ tăng 2,25%. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tại 62 huyện thuộc Chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ giảm nhanh qua các năm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5-7%): giai đoạn 2011-2014 tăng trưởng tăng bình quân 5,67%, ước thực hiện 5 năm 2011-2015 là 5,78% .
Quá trình chuyển dịch cơ cấu có sự thay đổi theo hướng tích cực. Hệ số ICOR toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008-2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011-2013 cho thấy việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn giai đoạn 2006-2010 (31,5% so với 42,7%GDP)..
Năng suất lao động xã hội đã tăng, năm 2011: 3,5%; năm 2012: 6,1%; năm 2013: 10,1%, có thể đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, chất lượng và đạt thấp so mục tiêu đến năm 2015 và 2020. Chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm. Khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có xu hướng giảm .
Việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư công
Đầu tư từ khu vực nhà nước đóng góp đáng kể trong tổng đầu tư toàn xã hội trong bối cảnh tổng cầu giảm, đầu tư từ các khu vực khác giảm sút. Huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu là huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Với những khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, tổng cầu giảm, đầu tư khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm và thiếu ổn định.
Việc huy động vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đã thu được kết quả nhiều hơn, tiêu biểu huy động xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thu hút gần 117.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 48 dự án, có 15 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 1 và 3 dự án BOT, BT trên Quốc lộ 14. Có 16 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT và BT trong các lĩnh vực nhiệt điện, nước, hạ tầng đô thị.
Phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung hơn; bố trí vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm tập trung cho các dự án quan trọng, cấp bách. Trong giai đoạn 2011-2013, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN đã giảm mạnh so với các năm trước; bình quân giai đoạn 2011-2013 là 19,57%/năm (nếu tính cả dự kiến năm 2014 là 18,73%) trong khi giai đoạn 2006-2010 là 28%.
Một giải pháp quan trọng đã được triển khai quyết liệt là việc cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án công để hạn chế khởi công các dự án mới, tập trung vốn cho các dự án chuyển tiếp, đang triển khai dở dang (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ). Kết quả đạt được là số dự án khởi công mới được kiểm soát chặt chẽ, tập trung vốn kế hoạch hàng năm cho các dự án có hiệu quả đang thực hiện dở dang. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác quản lý số nợ đọng xây dựng cơ bản còn chưa kịp thời, đến nay mới có số nợ đọng xây dựng cơ bản đến ngày 30/6/2013 là 43.358 tỷ đồng của 15.638 dự án.
Trong bối cảnh nguồn cân đối ngân sách dành cho đầu tư phát triển có hạn, việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trở thành nguồn vốn vô cùng quan trọng. Mặc dù còn thấp so với mức trung bình của khu vực, nhưng mức giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi ký kết đã được cải thiện qua các năm. Về mặt kinh tế nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã góp phần tác động tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các công trình sử dụng vốn ODA đã góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân. Về vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, trong giai đoạn 2011-2013 Ngân hàng Phát triển Việt Nam luôn bảo đảm huy động đủ vốn theo kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong những năm này bình quân giải ngân tín dụng đầu tư đạt khoảng 93%.
Việc thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
Việc thực hiện sắp xếp, chấn chỉnh, đổi mới các DNNN tiếp tục được triển khai mặc dù có những ảnh hưởng bất lợi từ suy giảm kinh tế. Trong 3 năm 2011-2013, cả nước đã sắp xếp được 180 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 99 doanh nghiệp với số cổ phần chào bán giá trị gần 19 nghìn tỷ đồng.
Vốn của DNNN cơ bản được bảo toàn, năng lực tài chính được bảo đảm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp được tăng cường.
Nhìn chung, DNNN tiếp tục nắm thị phần lớn, tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, góp phần vào ổn định kinh tế - xã hội, ngăn chặn suy giảm. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của các DNNN đạt mức 34,72% (năm 2009) và đạt 32,4% (năm 2013). Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tương đối ổn định, doanh thu năm 2013: 1.471.018 tỷ đồng, thu nộp NSNN năm 2013 đạt 218.915 tỷ đồng. DNNN tạo việc làm cho khoảng 1.255 nghìn lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thu nhập lao động chung của cả nước.
Việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng
Hoàn thành cơ bản phê duyệt các phương án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém. Năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và chỉ đạo tập trung cơ cấu lại một số NHTM cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ. Sau hơn 2 năm thực hiện, đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM cổ phần yếu kém. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt được tiến hành tích cực tại từng ngân hàng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được bảo đảm và khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện.
Huy động vốn và dư nợ tín dụng tiếp tục tăng, trong đó đáng lưu ý là một số ngân hàng yếu kém và hầu hết các ngân hàng thuộc diện cơ cấu lại vẫn có tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động khá so với mức trung bình của hệ thống. Trong quá trình tái cơ cấu, các TCTD đã tiến hành đánh giá, rà soát lại toàn bộ hoạt động kinh doanh, đầu tư để có biện pháp cơ cấu lại phù hợp, đồng thời định hướng lại chiến lược kinh doanh.
Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị:
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý mang tính nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế và tái cơ cấu nền kinh tế. Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt các luật đã được Quốc hội thông qua; Kiên trì thực hiện mục tiêu, hệ thống chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 gắn với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 triển khai đồng bộ 3 đột phá chiến lược, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tổng quát "2-3 năm tiếp theo bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”.
Đồng thời, xây dựng, triển khai các đề án cụ thể và hệ thống chính sách khuyến khích để thu hút đầu tư tư nhân đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trước mắt, cần nghiên cứu hoàn thiện các hình thức hợp tác công tư (PPP). Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, phát triển đô thị, làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn. Thực hiện nghiêm việc lập, triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, ràng buộc trách nhiệm với kết quả đầu ra của dự án. Đưa trái phiếu Chính phủ và các khoản thu, chi đang quản lý nằm ngoài dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) vào trong cân đối NSNN nhằm phản ánh đúng thu, chi NSNN và quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn này. Hoàn thành đúng kế hoạch sắp xếp, đổi mới DNNN. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, CPH, đổi mới DNNN; rà soát, hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư; thanh lý tài sản không sử dụng, sử dụng không hiệu quả; các quy trình kiểm kê, đánh giá chất lượng và giá trị tài sản, xác nhận các khoản nợ, xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện cơ chế đại diện chủ sở hữu nhà nước trong các DNNN, các doanh nghiệp có vốn sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, cần xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ. Xác định rõ hơn trách nhiệm và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm bảo đảm hiệu quả của quá trình tái cơ cấu. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính công và tài chính công theo hướng làm rõ trách nhiệm của từng cấp chính quyền, tránh trùng lắp công vụ; nâng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi phân cấp, phân quyền. Tăng cường quản lý tập trung của Trung ương trên các lĩnh vực bảo đảm chủ quyền, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thương mại quốc tế, các lĩnh vực then chốt như năng lượng, tài nguyên khoáng sản..., và phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương về các lĩnh vực khác kết hợp hài hoà lợi ích toàn cục với lợi ích bộ phận. Phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương trên cơ sở khoa học và thực tiễn, trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với năng lực quản lý từng cấp, bảo đảm xây dựng bộ máy hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư