Cụm từ “suy yếu đi” được Văn phòng Nội các Nhật Bản từng sử dụng để mô tả về chỉ số phản ánh tình trạng kinh tế trong khoảng thời gian tháng 10/2012 và tháng 1/2013, nay đã có dấu hiệu ngừng lại.
|
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 6/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết đà “suy yếu đi” của nền kinh tế Nhật Bản đang ngừng lại dù vẫn ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Theo Nội các Nhật Bản, chỉ số phản ánh tình trạng kinh tế trong tháng 6/2019 giảm 3 điểm so với tháng trước đó và ở mức 100,4 điểm, căn cứ theo thang điểm 100 của năm 2015.
Đây là lần giảm đầu tiên trong 3 tháng với mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2014.
Trước đó, chỉ số phản ánh kinh tế của tháng 3-4/2019 cho thấy các điều kiện “suy yếu đi” – mức đánh giá bi quan nhất trong 5 mức độ miêu tả về tình hình kinh tế đất nước của Chính phủ Nhật Bản - khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang rơi vào suy thoái.
Cụm từ “suy yếu đi” được Văn phòng Nội các Nhật Bản từng sử dụng để mô tả về chỉ số trên trong khoảng thời gian tháng 10/2012 và tháng 1/2013.
Cùng với sự sụt giảm của các chỉ số trên, sản xuất công nghiệp và vận chuyển hàng hóa lâu dài đặc biệt yếu.
Theo quan chức của Văn phòng Nội các Nhật Bản, các số liệu trên thấp có thể do sự chững lại bất ngờ của hoạt động kinh tế trong kỳ nghỉ lễ 10 ngày từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Năm vừa qua.
Nền kinh tế Nhật Bản có thực sự tăng trưởng ổn định hay không đang rất được quan tâm, trong bối cảnh căng thăng thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang đang có nguy cơ gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu của Xứ sở hoa anh đào.
Cả hai nước này đều là những đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.
Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có nguy cơ gây ra nhiều tác động xấu đối với đà tăng trưởng kinh tế của Xứ sở hoa anh đào.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang lên kế hoạch tăng thuế tiêu dùng từ 8% hiện nay lên 10% vào tháng 10/2019-yếu tố có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và gây tổn hại đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Chính phủ Nhật Bản dự báo chỉ số phản ánh kinh tế trong những tháng tới đã giảm 1,6 điểm, ở mức 93,3 điểm, căn cứ theo thang điểm 100 của năm 2015./.