(MPI Portal) - Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tại buổi họp báo vào sáng ngày 03/12/2014 cho thấy kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh hơn và dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014.
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Theo WB, viễn cảnh khả quan này chủ yếu là nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng giúp cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam về rủi ro quốc gia, giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế.
Tại buổi họp báo, ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB đã trình bày những nội dung của Báo cáo. Theo đó, Báo cáo đã cập nhật khá chi tiết về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, giúp tạo đà tăng trưởng và cải thiện mức độ xếp hạng rủi ro quốc gia. Các chỉ số về kinh tế trong 9 tháng năm 2014 đều đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi của ngành xây dựng phản ánh mức tăng chi đầu tư phát triển của nhà nước.
Cũng theo nhận định của WB, kết quả hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước là khá tương phản trong quá trình phục hồi kinh tế. Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là nguồn tăng trưởng quan trọng, trong khi hoạt động của doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, với số doanh nghiệp đóng cửa hoặc ngừng hoạt động vẫn gia tăng.
Phát biểu tại buổi họp báo, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, để kinh tế Việt nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cần tiếp tục giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới.
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2014 Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp mạnh nhằm cải thiện môi trường và điều kiện kinh doanh và dự tính sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm cắt giảm thủ tục và chi phí hành chính, tăng cường trách nhiệm giải trình và minh bạch trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Bên cạnh đó, Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sẽ tăng cường quản trị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Việc ban hành những luật này kỳ vọng sẽ cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp, cụ thể là doanh nghiệp nhà nước và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân.
WB đã đưa ra đề xuất đẩy nhanh chương trình cải cách của Chính phủ với mục tiêu là giải quyết những thách thức cơ bản trong ngành tài chính theo 3 giai đoạn gồm: Đáp ứng các điều kiện tiên quyết để thực hiện cải cách thành công; Phát động các hợp phần trong chương trình cải cách; Củng cố chương trình cải cách.
Theo đánh giá của WB, các nhà đầu tư nước ngoài luôn xem Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng. Khu vực FDI hiện vẫn là nguồn tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp 20% GDP, 22% tổng vốn đầu tư, 2/3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư