(MPI) - Hưởng ứng việc triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”, ngày 28/8/2019, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) tổ chức Hội nghị doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững. PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chủ trì Hội nghị.
|
PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại Hội nghị.
Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 300 đại biểu đến từ các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ, các chuyên gia kinh tế, các cơ quan thông tấn báo chí,…
Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của Doanh nghiệp xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời, thảo luận, bàn bạc sâu về thực trạng phát triển và những thách thức, giải pháp cho phát triển doanh nghiệp xã hội trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Lê Xuân Đình cho biết, khu vực doanh nghiệp xã hội đã và đang hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường một cách bền vững như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội cho các nhóm yếu thế, vấn đề bình đẳng giới, cung cấp các dịch vụ công như giáo dục, đào tạo, y tế, nước, xử lý rác thải cho các nhóm yếu thế hoặc nâng cao mặt bằng chất lượng dịch vụ của các ngành này. Nhiều doanh nghiệp xã hội đã có đóng góp quan trọng vào chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm an toàn, sạch cho xã hội.
Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam đang hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, 68% doanh nghiệp xã hội có hoạt động hướng tới xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng và kiến thức. Trong những năm qua, mô hình doanh nghiệp xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau như: doanh nghiệp thông thường, tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, doanh nghiêp xã hội đăng ký theo Luật doanh nghiệp 2014.
Tuy vậy, các doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình này doanh nghiệp này còn hạn chế,… Để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp xã hội một cách toàn diện và hiệu quả hơn, Chính phủ cần hướng tới xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi riêng biệt cho các doanh nghiệp xã hội, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp xã hội gia nhập thị trường và hoạt động.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Hội nghị, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) trình bày về vai trò của doanh nghiệp xã hội trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia theo góc nhìn quốc tế. Theo bà Catherine Phương cần những doanh nghiệp tư nhân để phát triển bền vững thúc đẩy các sáng tạo xã hội để phát triển và phải có trách nhiệm đối với môi trường và xã hội lâu dài. Khoảng 40% doanh nghiệp xã hội được thành lập từ năm 2015, hiện tại còn nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp xã hội. Bà Catherine Phương tin tưởng với những hỗ trợ của UNDP sẽ giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững được kỳ vọng sẽ là nơi tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xã hội nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, lan tỏa nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng. Qua đó, đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện đại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững dựa trên các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa các nhà quản lý chính sách và các doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển bền vững chính là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư