(MPI) - Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam năm 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” là Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam thường niên lần thứ hai sẽ được tổ chức vào ngày 19/9/2019 tại Hà Nội. Để cung cấp thông tin về Diễn đàn quan trọng này, ngày 13/9/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí về VRDF 2019.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh và Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Phan Ngọc Mai Phương đã trao đổi làm rõ các vấn đề được các nhà báo quan tâm về VRDF 2019.
|
Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh và Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Phan Ngọc Mai Phương tại buổi gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí.Ảnh: Đức Trung (MPI)
|
Trao đổi với các nhà báo, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Phan Ngọc Mai Phương cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng thời xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã được cụ thể hóa một bước qua các chủ trương, giải pháp đề ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị khác nhau. Các chủ trương lớn cũng đã được cụ thể hóa để hoàn thiện hệ thống luật pháp theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội Khóa XIV. Để tiếp tục thực hiện sáu nhiệm vụ trọng tâm, với những nhiệm vụ cụ thể trực tiếp liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi tìm kiếm những biện pháp, những hành động cụ thể của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tháng 02/2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Việt Nam 2035. Bản báo cáo này đã trở thành một tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay, đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa các của chủ trương, đường lối của của Đảng. Tiếp nối Báo cáo Việt Nam 2035, hai bên đã cam kết thúc đẩy các hoạt động tham vấn, hỗ trợ chính sách, tăng cường đối thoại để tiếp tục tìm kiếm những giải pháp cụ thể thúc đẩy cải cách hơn nữa hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng cho phép phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức Diễn đàn thường niên với tên gọi “Diễn đàn Cải cách và phát triển” nhằm thảo luận rộng rãi về các lĩnh vực liên quan đến cải cách và xây dựng thể chế mới, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển bền vững.
Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam đầu tiên năm 2018 (VRDF 2018) là sự tiếp nối và kế thừa Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) trước đây nhưng nội dung mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách và các vấn đề về phát triển của Việt Nam, với sự tham gia rộng rãi hơn của các nhà hoạch định chính sách, các đối tác phát triển, các chuyên gia trong và ngoài nước, khu vực tư nhân… và dự kiến sẽ được tổ chức thường niên, trước mắt trong các năm 2018 - 2021. Tiếp nối thành công của VRDF 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép phối hợp với WB, Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAid) và các đối tác phát triển của Việt Nam tổ chức VRDF 2019.
Diễn đàn là nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia, các nhà cải cách, cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan, quan tâm đến sự phát triển của đất nước mong muốn trao đổi, thảo luận cởi mở, thẳng thắn về những vấn đề cải cách và phát triển của đất nước để tìm kiếm và đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn, các hành động cụ thể thông qua các cơ quan tổ chức diễn đàn (là cơ quan hoạch định chính sách) để chuyển đổi nhanh nhất thành các hành động chính sách cải cách và phát triển của Chính phủ, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Đồng thời, thông qua Diễn đàn cùng với các hoạt động truyền thông sâu rộng sẽ tạo ra sự chia sẻ và đồng thuận của xã hội về những giải pháp cải cách hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực tế phát triển hơn ba thập kỷ qua của Việt Nam kể từ khi đường lối đổi mới được thực hiện cho thấy cải cách phải đi liền với phát triển nếu chúng ta muốn đạt được các mục tiêu phát triển ngày càng mang tính bao trùm, bền vững hơn. Vì vậy, Diễn đàn này được kỳ vọng sẽ trở thành Diễn đàn cải cách và phát triển thường niên lớn nhất Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia, học giả hàng đầu trên thế giới, đề xuất được những giải pháp, hành động cải cách và phát triển có tính khả thi cao.
Mục tiêu quan trọng nhất của VRDF 2019 là cung cấp đầu vào quan trọng cho việc xây dựng một số văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Chiến lược phát triển đất nước thời kỳ 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 dựa trên các nghiên cứu thực chứng, khoa học, kinh nghiệm quốc tế và trong nước phù hợp.
VRDF diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, mô hình tăng trưởng kinh tế đang được chuyển dịch theo hướng nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì các cân đối vĩ mô lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba của mình cho thời kỳ 2011 - 2020 để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn. Đồng thời, Việt Nam đang xây dựng các văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó một số văn kiện quan trọng nhất bao gồm Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cũng đang được xây dựng.
Làm rõ vấn đề được các nhà báo quan tâm liên quan đến việc VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn so với VRDF 2018 cũng như kết quả của VRDF 2019 sẽ được sử dụng như thế nào cho công tác hoạch định chính sách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lưu Quang Khánh và Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Phan Ngọc Mai Phương cho biết, VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn nhằm mục đích thu nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong nước và quốc tế có uy tín cho nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, phương hướng và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (Khóa XII) vào tháng 10 tới. Đồng thời, VRDF 2019 sẽ cung cấp đầu vào cho việc xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 thông qua việc đề xuất các ưu tiên, các trọng tâm cải cách và phát triển cho giai đoạn phát triển tới của đất nước. Kết quả của VRDF 2019 sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cùng với các kiến nghị, đề xuất về các bước tiếp theo cần triển khai.
|
Toàn cảnh gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan báo chí. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Về chủ đề và nội dung của VRDF 2019, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Phan Ngọc Mai Phương cho biết, Chủ đề được lựa chọn mang tính bao trùm hơn, bao gồm cả các vấn đề về cải cách thể chế kinh tế thị trường, đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng. Chủ đề của VRDF 2019 thể hiện nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng và người dân hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Đồng thời, thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, mang tính hiện đại, hội nhập và quyết tâm thực hiện đổi mới sáng tạo một cách hiệu quả để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển nhanh và bền vững.
VRDF 2019 thu hút được các diễn giả quốc tế uy tín, được kỳ vọng sẽ có những chia sẻ có giá trị về hiểu biết, kinh nghiệm quốc tế và có những gợi ý, đề xuất khả thi cho Việt Nam. VRDF mang tầm vóc quốc tế với sự hiện diện của một số đại biểu đến từ các quốc gia khác, trong đó có các quốc gia đang phát triển mong muốn được học hỏi kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm của Việt Nam nhằm đưa quốc gia mình lên tầm phát triển mới.
VRDF 2019 được thiết kế thành hai phiên thảo luận chuyên đề theo nhóm diễn giả về hai tiểu chủ đề: (i) “Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập” và (ii) “Đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình” và một phiên toàn thể “Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng” với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên toàn thể. VRDF 2019 dành nhiều thời gian cho thảo luận chung tại các phiên chuyên đề và Phiên toàn thể. VRDF 2019 sẽ có sự tương tác mạnh giữa các diễn giả chính, người thảo luận với các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Thông qua các bài trình bày, các phần thảo luận của các diễn giả hàng đầu ở trong nước và quốc tế, các đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ có hiểu biết toàn diện, sâu sắc hơn về bối cảnh quốc tế mới và các xu hướng lớn toàn cầu trong một, hai thập kỷ tới và ảnh hưởng của chúng tới Việt Nam; yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hội nhập; động lực tăng trưởng mới của Việt Nam - đổi mới sáng tạo trên nền tảng công nghiệp 4.0 và các bước đi, giải pháp nhằm vượt qua các thách thức, nắm bắt thành công các cơ hội phát triển và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng mới của đất nước. VRDF 2019 được kỳ vọng sẽ thu nhận được nhiều ý kiến bình luận, đóng góp sâu sắc đối với chủ đề của Diễn đàn, kinh nghiệm quốc tế liên quan đến các vấn đề Việt Nam cần giải quyết thuộc chủ đề của Diễn đàn để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các đề xuất đối với Chính phủ.
Sau khi Diễn đàn kết thúc, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành có liên quan khác sẽ triển khai nghiên cứu để đề xuất các mục tiêu, giải pháp cải cách và phát triển phù hợp cho giai đoạn mới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư