Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 26/09/2019-10:08:00 AM
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019
(MPI) – Ngày 26/9/2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI

Đầu tư công đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đầu tư công thời gian qua đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng từ miền núi đến miền xuôi, mọi miền của tổ quốc. Đầu tư công đã chiếm 10,7% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong năm 2019, vị thế rất lớn nhưng tình trạng chậm giải ngân đầu tư công nhiều năm qua đã tạo nút thắt cổ chai cho nền kinh tế, không phải riêng năm 2019 mà từ nhiều năm qua tỷ lệ giải ngân thấp. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có bốn hậu quả lớn. Thứ nhất, giải ngân chậm làm ảnh hưởng đến tăng trưởng nền kinh tế. Thứ hai, yếu tố vốn đầu tư công là nguồn lực của các dự án lớn, phát triển cơ sở hạ tầng, là nguồn lực quan trọng nên khi bị chậm sẽ kéo lùi các dòng vốn tư nhân, đầu tư nước ngoài, huy động vốn đầu tư toàn xã hội, giảm uy tín quốc gia, niềm tin của các nhà đầu tư. Thứ ba, chậm giải ngân sẽ gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn. Thứ tư, doanh nghiệp, xã hội chủ đầu tư phải chịu nhiều chi phí.

Thủ tướng nêu rõ, có nguyên nhân khách quan, chủ quan về năng lực, thể chế… nhưng nhiều địa phương, bộ ngành, địa phương gặp tình trạng như vậy mà tỷ lệ giải ngân vẫn đạt 70-80% nhưng lại có địa phương giải ngân đạt 10%. Vậy “Tại sao người ta làm được, mình chậm trễ hay còn do các vấn đề khác, nguyên nhân chậm do vốn, thủ tục phức tạp hay tinh thần trách nhiệm. Nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị là đưa ra các giải pháp thiết thực để giải ngân những tháng cuối năm 2019, đặc biệt rút kinh nghiệm để năm sau giải ngân tốt hơn. Tại hội nghị, những bộ, ngành, địa phương làm tốt thì chia sẻ và những bộ, ngành, địa phương làm không tốt cũng phải nói ra để tìm cách tháo gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019

Báo cáo tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng và ước 9 tháng cơ bản tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất kinh doanh và các mặt xã hội đều có bước tiến bộ, tăng trưởng khá, hướng tới hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch năm 2019 đã đề ra.

Tuy nhiên, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể của nền kinh tế. Việc phân tích, làm rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân để rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hiệu quả là rất cần thiết. Đây là mục đích chủ yếu của Hội nghị ngày hôm nay.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo số 6955/BC-BKHĐT ngày 24/9/2019 về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch đầu tư công 9 tháng đầu năm 2019, các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2019.

Cụ thể, về phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công năm 2019, tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội quyết định là 429.300 tỷ đồng. Trước 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch chi tiết đạt trên 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán. Như vậy, tỷ lệ kế hoạch vốn được giao sẵn sàng để giải ngân là khá cao. Số vốn chưa giao kế hoạch chi tiết chỉ chiếm 14,5%, không phải là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, ngay cả đối với số vốn đã được giao kế hoạch nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Trong năm 2019, căn cứ Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, trên cơ sở tổng hợp phương án đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và kết quả rà soát các dự án đảm bảo đủ, đúng thủ tục đầu tư theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ giao tiếp kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương. Lũy kế đến nay, số vốn được giao kế hoạch đạt trên 391.000 tỷ đồng, bằng 92,16% dự toán. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch khoảng 33.683,878 tỷ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục, một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch và trả lại vốn, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Trong đó, vốn TPCP còn lại chưa giao là 4.265,681 tỷ đồng, đây là số vốn đã được giao dự toán nhưng do Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và một số địa phương không phân bổ hết được cho các dự án do dự án chưa đủ thủ tục, do tính toán lại khả năng giải ngân đạt thấp và đề nghị giảm kế hoạch.

Vốn NSTW trong nước còn lại chưa giao là 15.071,901 tỷ đồng, mặc dù đã được giao dự toán nhưng một số bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện danh mục dự án đủ thủ tục, chờ điều chỉnh chủ trương của cấp có thẩm quyền, trong đó lớn nhất là 7.040 tỷ đồng của Bộ Quốc phòng được Chính phủ cho phép hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đến 31/10/2019; 2.860 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do đề xuất chưa phù hợp với đối tượng đầu tư công theo quy định của pháp luật; 1.952,859 tỷ đồng của các địa phương dự kiến bố trí cho dự án thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Vốn nước ngoài (ODA) còn lại chưa giao là 14.346,292 tỷ đồng, bên cạnh việc các dự án đang chờ hoàn thiện thủ tục, nhất là thủ tục điều chỉnh, gia hạn hiệp định, đáng chú ý số vốn do 03 Bộ và 06 địa phương đề nghị giảm kế hoạch, trả lại vốn là khá lớn (8.517,909 tỷ đồng); số vốn dự kiến thu hồi là 10.078,626 tỷ đồng, trong trường hợp một số dự án ODA quy mô lớn kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư (như các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), có thể báo cáo cấp có thẩm quyền điều chuyển số vốn dự kiến thu hồi này cho các dự án đó.

Tóm lại, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công cần phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng vi phạm, giao sai, giao vượt tổng mức đầu tư, giao khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép... làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm liên quan đến việc giao kế hoạch chậm, giao nhiều lần bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và từ các bộ, ngành, địa phương cho các ban quản lý dự án, đơn vị thực hiện là cần thiết.

Về khách quan, năm 2019 là năm có nhiều điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn, như sử dụng dự phòng 10% tại các bộ, ngành, địa phương, điều chỉnh cắt giảm, bổ sung vốn và danh mục dự án... nên mất nhiều thời gian rà soát, xét duyệt của các cấp có thẩm quyền theo quy định pháp luật, trong khi đó danh mục và số vốn kế hoạch trung hạn là điều kiện tiên quyết để giao kế hoạch vốn hằng năm.

Mặc dù vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó công tác kế hoạch hóa đầu tư công còn nhiều bất cập cả ở các cơ quan tổng hợp và ở các bộ, ngành, địa phương, lập kế hoạch chưa sát với thực tế, chưa tính toán kỹ khả năng giải ngân, có tâm lý xây dựng nhu cầu vốn cao nhưng phân bổ cho các dự án chưa hợp lý, chưa phù hợp với nguyên tắc, thứ tự ưu tiên, thậm chí còn dự kiến bố trí cho những dự án chưa đủ thủ tục nên dẫn tới không thể giao được kế hoạch theo quy định pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước

Về thực trạng giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136,038 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. trong đó, giải ngân vốn TPCP và ODA đều đạt thấp. Có 07 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 04 Bộ ngành và 04 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 01 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Nhìn chung, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 9 tháng năm 2019 cơ bản tương tự như các năm trước, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh nguyên nhân do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên.

Chi thường xuyên là để đảm bảo các hoạt động hằng tháng, nhu cầu chi tiêu và giải ngân cơ bản giống nhau giữa các tháng. Chi đầu tư đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị. Cụ thể, ước thực hiện 9 tháng vốn đầu tư nguồn NSNN đạt trên 230 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 55% kế hoạch được giao, theo đó, có khoảng 38 nghìn tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục hoặc đang làm thủ tục giải ngân tại kho bạc. Nếu số vốn này được giải ngân hết, thì tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 9 tháng cao hơn cùng kỳ.

Bên cạnh đó, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích lũy, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Tỷ lệ giải ngân vốn TPCP và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án TPCP vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân, các dự án TPCP quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn TPCP của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Về nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, trên cơ sở tổng hợp, cập nhật báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, phân loại. Các nguyên nhân là rất phong phú, đa dạng, không có nguyên nhân duy nhất cho vấn đề chậm giải ngân, có nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân của các nguyên nhân...

Về các nguyên nhân khách quan, do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Những vướng mắc này đã được nhận diện trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, nhưng do Luật mới chưa có hiệu lực nên những vướng mắc vẫn còn tồn tại, như: công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần. Bên cạnh đó, thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, thủ tục này phải chờ thủ tục kia, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt. Một số quy định sau một thời gian thực hiện bộc lộc nhiều hạn chế như: quyết định đầu tư phải trước 31/10 năm trước, tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư, cho phép giải ngân vốn 02 năm, bãi bỏ quy định Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền, ... cần được tháo gỡ.

Việc thực hiện các quy định của Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài; việc thực hiện phân cấp chưa triệt để, nhất là đối với 02 Chương trình mục tiêu quốc gia; sự khác biệt về thủ tục giải ngân, rút vốn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đối với các dự án ODA...

Về các nguyên nhân chủ quan, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch... Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang, giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp.

Công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chờ đợi các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện mới tổng hợp, trình giao kế hoạch. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp còn chưa nhanh, chưa kịp thời, thậm chí có những Tờ trình giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải qua nhiều vòng lấy ý kiến, mất vài tháng mới ban hành được Quyết định giao kế hoạch.

Công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng; một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả; thủ tục đăng ký kế hoạch vốn giải ngân trên hệ thống TABMIS còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; dự án sử dụng vốn hỗn hợp gặp vướng mắc về thủ tục cho vay lại, chậm ký hợp đồng cho vay lại; nhiều dự án gặp vướng mắc về thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn; số đơn vị gửi hồ sơ làm thủ tục rút vốn đạt thấp; vẫn còn tình trạng hồ sơ rút vốn sai, thiếu thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài; việc chuyển nguồn, hạch toán ghi thu - ghi chi, tạm ứng còn chậm, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, phê duyệt đơn rút vốn...

Tóm lại, nguyên nhân là rất đa dạng, mỗi một bộ, ngành, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Qua đó, bài học rút ra là một mặt, các cấp, các ngành phải có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đây là tiền thuế đóng góp của người dân, việc phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nên phải nhanh, hiệu quả và phải đảm bảo đúng pháp luật. Mặt khác, để giải quyết vấn đề phân bổ và giải ngân chậm, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

04 nhóm giải pháp để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

Để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong những tháng còn lại của năm 2019, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là Chỉ thị số 09/CT-TTg, Công điện số 1042/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 04 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, nhóm giải pháp về thể chế nhằm tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần đẩy mạnh công tác phân bổ, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn TPCP; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019, rút kinh nghiệm triệt để tình trạng giao chậm, giao nhiều lần như trước đây.

Thứ hai, nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp, trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019, trong đó, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian góp ý kiến, giải quyết các thủ tục liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch, đăng ký thanh toán, xét duyệt hồ sơ thanh toán vốn tại kho bạc... Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phân công trong đội ngũ lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp đối với một số dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân thấp của ngành, đơn vị, địa phương mình; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án.

Thứ ba, nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, trong đó, các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả; Hội đồng nhân dân và Đoàn Đại biểu quốc hội tại địa phương có trách nhiệm tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay tại địa phương mình; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác giám sát giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ tư, nhóm giải pháp về chế tài: người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân không chỉ cho năm 2019 và còn có trách nhiệm đối với dự kiến kế hoạch năm 2020 của đơn vị mình, trong đó, kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn NSNN (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo 01 Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công, báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2019.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường và các địa phương Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Nông đã báo cáo về tình hình giải ngân các dự án, nguyên nhân giải ngân chậm các dự án trọng điểm và các giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm…/.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 4309
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)