(MPI Portal) – Ngày 17/01, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Tọa đàm doanh nghiệp tỉnh Saitama tại miền Bắc Việt Nam. Tham dự buổi Tọa đàm có ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Yasuo IWASAKI, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ngoài ra còn có khách mời từ các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan và đại diện các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
|
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Saitama, Nhật Bản, ông Yasuo IWASAKI phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Saitama, Nhật Bản, ông Yasuo IWASAKI khẳng định,với phương châm “đối tác tin cậy, ổn định lâu dài” quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm qua không ngừng phát triển. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại, đầu tư của Nhật Bản tạo ra mối quan hệ và góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của hai nước, cũng như tạo môi trường hòa bình, thịnh vượng cho cả khu vực. Phó Tỉnh trưởng tỉnh Saitama, Nhật Bản đánh giá cao buổi Tọa đàm đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, qua đó có thêm nhiều thông tin hữu ích cho việc thu hút đầu tư của hai nước
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh Saitama có hiệu quả trong việc giới thiệu và tạo điều kiện giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đầu tư, quan hệ song phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó góp phần đưa quan hệ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
|
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Tọa đàm.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Cũng tại buổi Tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng đã giới thiệu về tỉnh Saitama Desk và một số điểm mới liên quan đến chính sách thu hút đầu tư tại Việt Nam. Saitama là tỉnh nằm cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản 30km. Với dân số 7,19 triệu dân, GDP vào khoảng hơn 20.000 tỷ Yên (tương đương hơn 200 tỷ USD), Saitam được đánh giá là tỉnh có vị trí chiến lược với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như lĩnh vực công nghiệp chế tạo, chế biến công nghiệp phụ trợ. Với những thế mạnh của mình, Saitama là tỉnh tập trung nhiều tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản như Nissan, Mitsubishi, Canon...những tập đoàn này hiện nay cũng đang có mặt tại Việt Nam. Với hơn 90% doanh nghiệp trong tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn đều chưa đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, xu hướng của các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là một trong những điểm đến mà các doanh nghiệp tỉnh Siatama quan tâm.
Vấn đề giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biếtcần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cần sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư. Điều chỉnh chính sách để khuyến khích tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ, sửa đổi chính sách để khuyến khích dự án công nghiệp cao đồng thời đảm bảo kiểm soát công nghệ nhập khẩu, hoàn thiện hơn nữa quy định về môi trường nâng cao hiệu quả quản lý ngoại hối cũng như tín dụng. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý lao động trong doanh nghiệp FDI. Hoàn thiện quy định về đất đai nhà ở, đánh giá tác động của Việt Nam tham gia đầy đủ vào AFTA, sửa đổi luật pháp, chính sách chuẩn bị cho việc tham gia TPP. Về chính sách ưu đãi và đầu tư cần thống nhất giữa chính sách đầu tư với các ưu đãi cụ thể. Thêm nữa, ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút đầu tư nước ngoài, bỏ bớt các hạn chế không cần thiết và cho phép tham gia nhiều hơn vào các thị trường vốn, thị trường tài chính trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng chặt chẽ. Tiếp tục nghiên cứu rà soát chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo chuỗi hệ thống, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước, dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến...
|
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
|
Liên quan đến chính sách khuyến khích dự án công nghệ cao và đảm bảo kiểm soát công nghệ nhập khẩu cần điều chỉnh và cụ thể hóa tiêu chí doanh nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong đó có sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, tăng cương công tác thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị theo hướng tăng cường sử dụng các công cụ giám định, tái giám định, quy định về tiêu chuẩn nhập khẩu. Cần tăng cường các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát máy móc, thiết bị, công nghệ nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, cần hoàn thiệt những quy định hướng dẫn về kiểm soát môi trường, quy định về đất đai, nhà ở, chính sách phát triển nguồn nhân lực và quản lý lao động, liên kết với doanh nghiệp để đào tạo lao động phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, khuyến khích thêm doanh nghiệp FDI đào tạo nghề cho người lao động. Qua đó, tạo thuận lợi hơn việc cấp phép cho lao động nước ngoài trong các vị trí và lao động trong nước chưa đáp ứng được. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về lao động của các doanh nghiệp FDI. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tại buổi Tọa đàm, chuyên gia cao cấp, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính ông Nguyễn Văn Phụng đã trình bày về những quy định mới về thuế từ 2013 liên quan đến đầu tư như hệ thống thuế hiện hành và khái quát những thay đổi 2013, sửa đổi thuế giá trị gia tăng (GTGT), sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)...
Buổi Tọa đàm đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin hữu ích cho việc sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, giúp hai bên thành công trong việc đầu tư của mình.Trên tinh thần đó, tọa đàm cũng chia sẻ lợi ích để các chuyên gia, các doanh nghiệp và quản lý sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận sâu sắc và cởi mở về tác động của các cơ chế chính sách đã ban hành đến phát triển kinh tế năm 2013, từ đó gợi mở những đề xuất, những hàm ý chính sách thiết thực cho công tác quản lý điều hành của Chính Phủ, của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan trong năm 2014, là năm được kỳ vọng các chính sách sẽ phát huy tác dụng, góp phần tạo động lực cho nền kinh tế Việt Nam cũng như Nhật Bản phát triển trong giai đoạn mới./.