Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/10/2019-16:30:00 PM
Tốc độ cải cách môi trường kinh doanh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chậm lại
(MPI) – Ngày 24/10/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2020, trong đó Việt Nam xếp hạng 70/190 quốc gia được khảo sát về môi trường kinh doanh.
Bảng xếp hạng Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Nguồn: WB

Về xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2020, Việt Nam hiện đứng sau 4 nước trong khu vực ASEAN, gồm: Xinh-ga-po (thứ 2), Ma-lai-xi-a (thứ 12), Thái Lan (thứ 21) và Bờ-ru-nây (thứ 66) và đứng trên In-đô-nê-xi-a (thứ 73), Phi-líp-pin (thứ 95), Cam-pu-chia (thứ 144), Lào (thứ 154), Mi-an-ma (thứ 165) và Đông Ti-mo (thứ 181).

Theo Báo cáo, trong năm vừa qua, các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Mặc dù nhiều nền kinh tế trong khu vực được đánh giá có môi trường thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ so với mặt bằng chung thế giới nhưng xét về tổng thể tốc độ cải cách đang chậm lại.

Số cải cách trong khu vực đã giảm đi 10 cải cách trong vòng 12 tháng qua tính đến ngày 01/5 và chưa tới một nửa số nền kinh tế (12 trên 25) có thực hiện cải cách. Mặc dù vậy, trong số 25 nền kinh tế đứng đầu thế giới về môi trường kinh doanh vẫn có 5 đại diện của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, bao gồm Xinh-ga-po (thứ 2), Hồng Kông (thứ 3), Ma-lai-xi-a (thứ 12), Đài Loan (thứ 15) và Thái Lan (thứ 21).

Theo nhận định của WB, các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương đạt kết quả tương đối tốt trong các chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng và cấp phép xây dựng. Thủ tục cấp nối điện cho một cơ sở mới xây dựng trong khu vực này là 63 ngày, ít hơn gần 12 ngày so với mức trung bình của các nền kinh tế OECD. Tương tự, quy trình cấp phép xây dựng ở các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương ngắn hơn 20 ngày so với các nền kinh tế OECD.

Giám đốc Cấp cao Nhóm Chỉ số Toàn cầu WB Rita Ramalho cho biết, những động lực cải cách ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục được duy trì, trong đó có một số quốc gia đạt những thành tích nổi bật như Trung Quốc. Cải cách liên tục là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân.

Với 8 chương trình cải cách, Trung Quốc được ghi nhận là một trong 10 quốc gia có nhiều cải cách nhất năm 2019 trong khu vực và đứng thứ hai toàn cầu. Các nền kinh tế khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cũng được ghi nhận nhiều cải cách gồm có In-đô-nê-xi-a và Mi-an-ma với 5 chương trình cải cách; Phi-líp-pin với 3 chương trình cải cách; Bờ-ru-nây, Lào, Pa-pu-a Niu Ghi-nê và Việt Nam với 2 chương trình cải cách. Nhìn chung, các nền kinh tế trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đều tập trung cải cách lĩnh vực cấp phép xây dựng với 7 cải cách và khởi sự kinh doanh với 5 cải cách.

Tuy nhiên, WB cho rằng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng, đây là lĩnh vực cần áp dụng các thông lệ quốc tế bao gồm các hệ thống thay thế giúp giải quyết tranh chấp và thành lập các tòa án thương mại chuyên biệt. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương có chi phí trung bình lên tới 47,2% giá trị khiếu nại, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 21,5% của các nền kinh tế OECD./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1830
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)