Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/12/2019-21:26:00 PM
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi)
(MPI) - Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Để tiếp tục hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, ngày 04/12/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo xin ý kiến về dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) và Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo đồng chủ trì Hội thảo.

Tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp năm 2014 đã được xây dựng và thông qua trên tinh thần Hiến pháp năm 2013, tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển, không giới hạn quyền kinh doanh của các doanh nghiệp trừ các giới hạn trong Luật, chính sự thông thoáng, thuận lợi này đã tạo ra những kết quả rất tích cực trong sự phát triển doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước từ khi hai Luật này có hiệu lực từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã xuất hiện nhiều tình huống mới đòi hỏi phải sửa đổi hai Luật này để phù hợp với mô hình kinh tế mới; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên toàn cầu dẫn đến việc điều chỉnh hướng của dòng vốn đầu tư lưu chuyển trên thế giới, dẫn đến sự cạnh tranh rất gay gắt giữa các quốc gia trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh đến những tác động tích cực trong việc thi hành Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các yếu tố để làm căn cứ trong việc sửa đổi hai Luật này.

Để tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị về các nội dung tại dự thảo Luật. Đồng thời chia sẻ những thực tiễn của các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện, những vướng mắc trong thời gian qua ở các địa phương để cùng nghiên cứu, đưa ra được các kiến nghị, giải pháp tối ưu trình Chính phủ, Quốc hội về cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam trong thời gian tới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài

Tại Hội thảo, diện Ban Soạn thảo đã báo cáo tóm tắt những nội dung sửa đổi căn bản của hai dự thảo Luật. Mục tiêu, quan điểm tổng quát của Luật đầu tư (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đăng ký đầu tư; cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.

Qua đó nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt, phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Cùng với đó là nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp mà nhà nước có phần vốn góp chi phối; tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh phát huy tối đa tiềm năng và lợi ích, đóng góp cho phát triển kinh tế. Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bảo đảm thống nhất, phù hợp với sự thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động cải cách mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chủ yếu vào những nội dung liên quan đến các chính sách bảo vệ các Nhà đầu tư nhỏ lẻ; khái niệm, quan điểm liên quan đến doanh nghiệp nhà nước; Hộ kinh doanh; các chính sách thu hút đầu tư; các chính sách ưu đãi đầu tư mới phù hợp với các quy hoạch quốc tế cũng như bối cảnh tình hình cạnh tranh giữa các nước trong thời gian gần đây…

Việc sửa đổi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư với những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện các quy định về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2007
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)