Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/11/2019-16:18:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 năm 2019 tỉnh Tiền Giang

I. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản

1. Nông nghiệp:

Cây lương thực có hạt: trong tháng không xuống giống, thu hoạch 106 ha với sản lượng 440 tấn; ước tính đến cuối tháng 10/2019, gieo trồng 188.137 ha, đạt 95,5% kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ, sản lượng thu hoạch 994.275 tấn, đạt 83,9% kế hoạch, giảm 10,9% so cùng kỳ.

- Cây lúa: trong tháng không xuống giống. Kết thúc năm sản xuất, toàn tỉnh gieo sạ 184.227 ha, đạt 95,7% kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ; thu hoạch 157.326 ha với sản lượng 981.647 tấn, đạt 84% kế hoạch.

* Vụ Thu Đông: chính thức xuống giống 26.901 ha, giảm 4,4% so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện đề án cắt vụ để chuyển đổi sang gieo sạ vụ Đông Xuân nhằm tránh thiệt hại khi có hạn, mặn xâm thực. Vụ lúa này tập trung ở các huyện phía đông; đây là vùng trọng điểm trồng lúa đặc sản và lúa chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của địa phương với các loại giống: Nàng hoa 9, OM 4900, OM 6162…

* Vụ Đông - Xuân 2019 - 2020:

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn và của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở mức sớm và nặng hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng nhẹ hơn so với đợt xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016. Tại Tiền Giang, phần diện tích canh tác có khả năng bị ảnh hưởng khoảng 12.200 ha, tỉnh đang nghiên cứu giải pháp tổng thể về thủy lợi, trồng trọt để giảm thiểu thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp… Về thời điểm xuống giống, giải pháp quan trọng nhất là xuống giống sớm, đặc biệt là vùng ven biển. Về cơ cấu giống, vùng ven biển ưu tiên xuống giống ngắn ngày, nhưng phải đảm bảo chất lượng. Đồng thời, các địa phương tập trung tích trữ nước, nạo vét kinh mương nội đồng, sử dụng tiết kiệm nước tưới.

- Cây ngô: trong tháng không gieo trồng, thu hoạch 106 ha với sản lượng 440 tấn. Mười tháng gieo trồng 3.910 ha, đạt 83,9% kế hoạch, giảm 10,2% so cùng kỳ; thu hoạch 3.511 ha, năng suất quy thóc 36 tạ/ha với sản lượng quy thóc 12.628 tấn, đạt 73,5% kế hoạch, giảm 4,5% so cùng kỳ chủ yếu do diện tích gieo trồng giảm.

Cây rau đậu các loại: trong tháng gieo trồng 308 ha, thu hoạch 1.229 ha với sản lượng 24.703 tấn; mười tháng gieo trồng 57.460 ha, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 2,9% so cùng kỳ; thu hoạch 49.414 ha với sản lượng 965.818 tấn, đạt 85,1% kế hoạch, tăng 8,2% so cùng kỳ do nông dân tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở rộng quy mô trồng rau trong nhà lưới nhằm kiểm soát được sâu bệnh làm cho năng suất tăng, (trong đó: rau các loại 57.217 ha, thu hoạch 49.192 ha với sản lượng 965.153 tấn).

Chăn nuôi: ước thời điểm 01/10/2019 tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh như sau: đàn bò 120,4 ngàn con, tăng 0,4%; đàn lợn 402 ngàn con, giảm 33,4%; đàn gia cầm (không kể chim cút) 15,5 triệu con, tăng 31,5% so cùng kỳ.

- Những ngày qua, thương lái mua lợn gặp nhiều khó khăn do giá tăng nhanh trong khi người dân “neo” lợn để chờ giá và nguồn lợn còn nuôi trong dân không nhiều… Mặc dù thương lái đưa ra mức giá mua 5,8 - 6 triệu đồng/tạ lợn nhưng hộ dân vẫn chưa chịu bán. Có thể nói, chưa bao giờ người nuôi lợn lại bất an như hiện nay, giá lợn đang tăng cao nhưng người nuôi rất ngại tái đàn vì tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đã giảm nhiều nhưng vẫn còn xảy ra và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nếu tái đàn vào thời điểm này sẽ rất mạo hiểm cho người nuôi vì chưa có vắc xin phòng trị. Hiện nay có nhiều câu hỏi đặt ra cho ngành Nông nghiệp tập trung vào đối tượng tái đàn, tái đàn ở vùng nào, con giống ra sao, chuồng trại được thiết kế như thế nào để đạt chuẩn… và đưa ra dự báo về tình hình các loại dịch bệnh, cũng như giá lợn trong thời gian tới.

- Bệnh dịch tả lợn châu Phi:

Trong tháng, có 957 hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng đàn 30.827 con. Từ lúc dịch bệnh xảy ra đến cuối ngày 14/10/2019 có 5.678 hộ có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng đàn 164.723 con tại 145 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị, thành (huyện Tân Phú Đông chưa có bệnh). Đã tiêu hủy 140.280 con/5.471 hộ có lợn bệnh với trọng lượng 9.088 tấn. Trong đó: huyện Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy đã công bố dịch. Đến nay các địa phương đã giải ngân hỗ trợ cho 227 hộ có lợn bệnh bị tiêu hủy bắt buộc theo quy định với số tiền hơn 21,7 tỷ đồng.

2. Lâm nghiệp:

Trồng cây phân tán: trong tháng trồng mới 12,5 ngàn cây; ước đến cuối tháng 10/2019, thực hiện trồng mới được 630 ngàn cây phân tán các loại, giảm 19% so cùng kỳ. Các loại cây chủ yếu được trồng là tràm bông vàng, bạch đàn và cây khác trồng trên các bờ ao, ven sông và cặp theo tuyến kênh.

Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hiện có 1.949 ha (không gồm diện tích rừng thuộc đất an ninh quốc phòng); gồm: diện tích rừng phòng hộ 1.298 ha và rừng sản xuất 651 ha; giao khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ ven biển năm 2019 với diện tích giao khoán là 1.000 ha. Phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức nghiệm thu công tác trồng 50 ha rừng tại xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông thuộc công trình “Dự án trồng rừng thay thế do chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang thực hiện dự án Cụm Công nghiệp Gia Thuận 1”. Trong tháng không xảy ra cháy rừng.

3. Thủy hải sản:

Diện tích thủy sản các loại trong tháng thả nuôi 923 ha, mười tháng thả nuôi 15.824 ha, đạt 99,1% kế hoạch và tăng 0,6% so cùng kỳ. Thủy sản nước ngọt nuôi 5.709 ha, giảm 5,7% so cùng kỳ do các hộ nuôi nhỏ lẻ mang tính chất cải thiện đời sống gia đình bỏ trống ao nuôi và diện tích nuôi trong ao vườn cây ăn quả bị ảnh hưởng thuốc trừ sâu nên không tiến hành thả nuôi. Thủy sản nước mặn, lợ nuôi được 10.115 ha, tăng 7,7% so cùng kỳ, chủ yếu là tăng diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở huyện Gò Công Tây.

Sản lượng thủy sản trong tháng ước tính thu hoạch 27.318 tấn, mười tháng thu hoạch 259.695 tấn, đạt 90,2% kế hoạch, tăng 8,1% so cùng kỳ. Trong đó: sản lượng thu hoạch từ nuôi 161.032 tấn, đạt 95,9% kế hoạch, tăng 2,7% so cùng kỳ; sản lượng khai thác 98.663 tấn, đạt 82,2% kế hoạch, tăng 18,1% so cùng kỳ (trong đó: khai thác biển 93.696 tấn, tăng 18,5% so cùng kỳ do thời tiết thuận lợi cho việc khai thác).

II. Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2019 giảm 1,3% so với tháng trước (trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 1,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%) và tăng 11,3% so cùng kỳ (trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 20,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 22,2%). Tính chung 10 tháng năm 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,4% so cùng kỳ, gồm: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 20,1%.

Chỉ số sản xuất sản phẩm trong tháng so cùng kỳ như sau:

- Có 33/42 sản phẩm tăng so cùng kỳ: các bộ phận của bi, bánh răng, hộp số, các bộ phận điều khiển và truyền chuyển động khác tăng 101,1%; máy gặt đập liên hợp tăng 66,7%; bộ com lê, quần áo đồng bộ, áo jacket, quần dài, quần yếm, quần soóc cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 53,6%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 43,4%; bia đóng chai tăng 38,3%; phân vi sinh tăng 19,9%; màn bằng vải khác tăng 17,4%; nước uống được tăng 15,9%; bia đóng lon tăng 15,2%; thức ăn cho thủy sản tăng 13,2%; điện thương phẩm tăng 9,3%; thức ăn cho gia súc tăng 8,5%...

- Có 9/42 sản phẩm giảm so cùng kỳ: phân khoáng hoặc phân hóa học chứa 3 nguyên tố: nitơ, photpho và kali (NPK) giảm 41,4%; dịch vụ sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 36,8%; động cơ khác, bao gồm cả động cơ vạn năng (một chiều, xoay chiều) có công suất ≤ 37.5 W giảm 13,8%; đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người giảm 13,4%; giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic giảm 8,5%; túi xách giảm 7,7%; thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và thuốc điều hòa sinh trưởng cây trồng giảm 4,7%...

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 10/2019 so tháng trước tăng 1,3%, (trong đó: doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 1,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2%) và so với cùng kỳ tăng 1,7%, (trong đó: doanh nghiệp nhà nước tăng 0,5%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 0,1%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,3%). Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10/2019 tăng 2,5% so cùng kỳ, (trong đó: doanh nghiệp nhà nước giảm 0,7%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng 2,6%). Chia theo ngành công nghiệp: chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10/2019 tăng 2,5% so cùng kỳ; trong đó: ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý rác thải, nước thải giảm 2,5%.

* Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

- Chỉ số tiêu thụ tháng 10/2019 so với tháng trước giảm 0,8% và giảm 10,3% so cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ cộng dồn từ đầu năm đến cuối tháng 10/ 2019 tăng 0,3%. Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: sản xuất đồ uống tăng 24,7%; dệt tăng 11,1%; sản xuất trang phục tăng 22,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 6,4%; sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu tăng 2,9%; sản xuất sản phẩm cao su và plastic tăng 9%; sản xuất kim loại tăng 10,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 11%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 4,3%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản giảm 15,7%; sản xuất da giảm 4,1%, trong đó sản xuất va li, túi xách giảm 6,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 0,3%...

- Chỉ số tồn kho tháng 10/2019 so với tháng trước tăng 15,4% và so với cùng kỳ tăng 57,6%. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng kỳ: sản xuất chế biến thực phẩm tăng 65,5%, trong đó chế biến, bảo quản thủy sản tăng 85,4%; sản xuất đồ uống bằng gấp 9,8 lần; dệt bằng gấp 2,6 lần, trong đó sản xuất sợi tăng 50,6%; sản xuất trang phục tăng 9,7%; sản xuất da tăng 53,9%, trong đó sản xuất giày dép tăng 73,4%; sản xuất kim loại tăng 178,7%... Bên cạnh đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm so cùng kỳ: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 30,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 82,6%; sản xuất thiết bị điện giảm 0,2%, trong đó sản xuất mô tơ điện giảm 0,4%; công nghiệp chế biến chế tạo khác giảm 69,6%...

* Tình hình thu hút đầu tư và phát triển các khu - cụm công nghiệp:

- Khu công nghiệp: tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.083,5 ha; trong đó có 4 khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động.

Trong tháng 10, Ban Quản lý các Khu công nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản Đại Thành do Công ty TNHH Đại Thành làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 250,3 tỷ đồng với công suất 192.000 tấn/năm. Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án. Mười tháng, thu hút đầu tư 3 dự án (trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài), đạt 30% kế hoạch 2019; tổng vốn đầu tư đăng ký 346,9 triệu USD và 498 tỷ đồng, gấp 5 lần so cùng kỳ và gấp 3 lần so kế hoạch 2019; diện tích cho thuê thêm 41,4 ha, gấp 3 lần so với cùng kỳ và điều chỉnh 15 dự án, trong đó có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn, với vốn đầu tư tăng thêm là 22,5 triệu USD, giảm 78% so cùng kỳ; diện tích đất cho thuê tăng thêm 6 ha.

Đến cuối tháng 10/2019, tổng số dự án tại các khu công nghiệp là 103 dự án (trong đó có 73 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.225 triệu USD và 4.564 tỷ đồng (tương đương tổng vốn đầu tư 51.230 tỷ đồng), diện tích đất đã cho thuê 541,4 ha/765,2 ha đạt 70,8% diện tích đất của 4 khu công nghiệp đang hoạt động.

- Cụm công nghiệp: trên địa bàn tỉnh có 27 cụm công nghiệp được quy hoạch; trong đó có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động. Tháng 10/2019, cấp mới 1 dự án với tổng vốn 250 tỷ đồng và điều chỉnh 2 dự án bằng 200% so với cùng kỳ, số vốn đầu tư tăng 78,2 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư tại các cụm công nghiệp đến nay là 80 dự án (trong đó: có 7 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 4.530 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,6 ha, tỷ lệ lắp đầy đạt 96,9%.

Nhìn chung, 10 tháng năm 2019, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, an ninh trật tự, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tình hình việc làm và thu nhập của người lao động tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tương đối ổn định.

III. Đầu tư – Xây dựng

Tổng vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện trong tháng 419,3 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ. Mười tháng thực hiện 2.431,9 tỷ đồng, đạt 75,4% kế hoạch, tăng 12,1% so cùng kỳ.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh thực hiện 1.917,8 tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch, tăng 11,3% so cùng kỳ, chiếm 78,9% trong tổng số; trong đó: vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 368,5 tỷ đồng, tăng 11,4%, vốn xổ số kiến thiết thực hiện 923 tỷ đồng, tăng 18,3%...

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp huyện thực hiện 330,6 tỷ đồng, đạt 83,9% kế hoạch, tăng 17% so cùng kỳ, chiếm 13,6% tổng số; trong đó: vốn tỉnh hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 107,2 tỷ đồng, tăng 25,8% so cùng kỳ. Hiện nay, thời tiết thuận lợi các địa phương tập trung điều kiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả công trình.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp xã thực hiện 183,5 tỷ đồng, đạt 85,1% kế hoạch, tăng 12,4% so cùng kỳ, chiếm 7,5% tổng số; trong đó: vốn huyện hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện 142,6 tỷ đồng, tăng 10,5% so cùng kỳ... nguồn vốn chủ yếu phân cấp để thực hiện các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng phục vụ địa phương.

IV. Thương mại - Giá cả - Dịch vụ

1. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng:

Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng thực hiện 5.330,6 tỷ đồng, tăng 0,3% so tháng trước và tăng 12,6% so cùng kỳ; trong đó: tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 4.258,4 tỷ đồng, tăng 0,6% so tháng trước và tăng 14,1% so cùng kỳ. Mười tháng năm 2019, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thực hiện 51.209,8 tỷ đồng, đạt 82,6% kế hoạch, tăng 9,3% so cùng kỳ; trong đó: tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 40.607,7 tỷ đồng, tăng 9,6% so cùng kỳ. Phân theo ngành kinh tế: thương nghiệp 40.607,7 tỷ đồng, tăng 9,6%; lưu trú 106,5 tỷ đồng, tăng 8%; ăn uống 5.300,3 tỷ đồng, tăng 8,4%; du lịch lữ hành 97,6 tỷ đồng, tăng 12,2%; dịch vụ 5.097,7 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ.

2. Xuất - Nhập khẩu:

a. Xuất khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng thực hiện 240,6 triệu USD, giảm 9,8% so tháng trước; trong đó: kinh tế ngoài nhà nước 44 triệu USD, giảm 21,4%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 196 triệu USD, giảm 6,7% so tháng trước. Mười tháng xuất khẩu 2.607 triệu USD, đạt 86,9% kế hoạch, tăng 23,2% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế nhà nước 20 triệu USD, giảm 77,5%; kinh tế ngoài nhà nước 569 triệu USD, tăng 8,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 2.018 triệu USD, tăng 34,3% so cùng kỳ.

Tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như sau:

- Thủy sản: ước tính tháng 10/2019 xuất 9.517 tấn, giảm 8,5% so tháng trước với trị giá đạt 16,1 triệu USD, giảm 14,4% so tháng trước. Mười tháng xuất 107.014 tấn, tăng 15,6% so cùng kỳ, về trị giá đạt 277,8 triệu USD, tăng 9,9% so cùng kỳ. Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp khó khăn vì quy định kiểm tra từng lô hàng của Mỹ. Với những khoản phải chịu thêm như chi phí kiểm tra, chi phí lưu kho vì kiểm tra từng lô hàng thì doanh nghiệp xuất khẩu càng gặp khó khăn hơn.

- Gạo: ước tính tháng 10/2019 xuất 15.316 tấn với giá trị đạt 6,8 triệu USD, tương đương tháng trước. Mười tháng xuất 131.111 tấn, giảm 44,8% so cùng kỳ, về trị giá đạt 60 triệu USD, giảm 52,5% so cùng kỳ. Tình hình xuất khẩu gạo tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều trở ngại từ thị trường Trung Quốc vì những rào cản kỹ thuật mới do chính phủ nước này áp đặt. Hiện các Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường mới để bù đắp cho sự giảm sụt mạnh lượng gạo xuất sang Trung Quốc.

- May mặc: ước tính tháng 10/2019 xuất 8.210 ngàn sản phẩm, tăng 14,2% so tháng trước với giá trị xuất đạt 45,1 triệu USD, giảm 11,9% so tháng trước. Mười tháng xuất 63.424 ngàn sản phẩm, giảm 2% so cùng kỳ, về giá trị đạt 563,8 triệu USD, tăng 32,9% so cùng kỳ. Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới có hiệu lực như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... dòng thuế suất bằng 0% sẽ giúp ngành dệt may Việt Nam mở rộng thị phần tại một số nước đang có thuế suất cao như Canada, New Zealand, Australia...

b. Nhập khẩu:

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10/2019 đạt 510,4 triệu USD, giảm 0,1% so tháng trước. Mười tháng, kim ngạch nhập khẩu 2.163 triệu USD, đạt 120,2% kế hoạch, tăng 86,7% so cùng kỳ; trong đó: kinh tế tư nhân nhập 103 triệu USD, giảm 9,9%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhập 2.060 triệu USD, tăng 97,2% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng so cùng kỳ như: sản phẩm từ sắt, thép 3,7 triệu USD, tăng 141,1%; chất dẻo nguyên liệu 59 triệu USD, tăng 110,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử 35,7 triệu USD, tăng 58,1%...

3. Chỉ số giá:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng 0,42% so tháng 9/2019 (thành thị tăng 0,36%, nông thôn tăng 0,44%), so cùng kỳ năm trước tăng 2,33%, so tháng 12 năm 2018 tăng 2,43%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm hàng chỉ số giá tăng so tháng trước: tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,16%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,62%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%... Nhóm hàng bưu chính viễn thông và giáo dục chỉ số giá ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2019 tăng so tháng 9/2019 do:

Hiện nay đang cuối vụ thu hoạch lúa Hè Thu, tình hình xuất khẩu đang thuận lợi nên giá gạo thị trường nội địa tăng 0,5%, tác động nhóm lương thực trong tháng tăng 0,44%.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại 145 xã, phường của 10/11 huyện, thành phố, thị xã, dẫn đến sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 10 tháng đầu năm 2019 giảm 6,36% (giảm 5.844 tấn) so cùng kỳ, tác động giá thịt lợn tăng 5,8%, đóng góp tăng 0,21% vào mức tăng chung của CPI tháng 10/2019.

Đầu tháng 10/2019, giá gas trong nước tăng 24.000 đồng/ bình 12 kg, tăng 9,36%; giá dầu hỏa tăng 1,11%, tác động đến chỉ số giá nhóm gas và các loại chất đốt khác tăng 7,23% so tháng trước.

Giá xăng dầu điều chỉnh 2 đợt vào ngày 01/10/2019 và ngày 16/10/2019, bình quân chung trong tháng 10/2019 giá nhiên liệu tăng 2,22%, trong đó: giá xăng A95 tăng 650 đồng/lít, xăng E5 tăng 360 đồng/lít... góp phần làm tăng CPI tháng 10/2019 khoảng 0,1%.

Bên cạnh đó, có một số mặt hàng chỉ số giá giảm nhưng tỷ trọng quyền số nhỏ nên tác động chưa đủ lớn đến chỉ số giá tiêu dùng chung như:

- Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 1,63%, trứng gia cầm các loại giảm 1,22% do qua mùa làm bánh trung thu, vào mùa lũ vịt chạy đồng xuất bán nhiều, nguồn cung trong nước dồi dào.

- Vào mùa thu hoạch sản lượng cá, tôm về các chợ dồi dào làm giá thuỷ sản tươi sống giảm 0,99%, trong đó: cá tươi hoặc ướp lạnh giảm 0,71%, tôm tươi hoặc ướp lạnh giảm 1,97% và thuỷ hải sản tươi sống khác giảm 1,05%.

- Trong tháng 10, thời tiết mưa nhiều, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng điện, nước sinh hoạt giảm làm cho giá điện tiêu dùng giảm 0,09%, nước sinh hoạt giảm 0,03%.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng năm 2019 so cùng kỳ tăng 2,59%; một số nhóm hàng có chỉ số giá tăng nhiều trong 10 tháng năm 2019 so cùng kỳ như: nhóm giáo dục tăng 5,85%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,67%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,1%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,26%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,78%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,76%...

Chỉ số giá vàng 24 kara Ngọc Thẩm trong tháng 10/2019 giảm 0,05% so tháng trước; giá bình quân tháng 10/2019 là 4.174 ngàn đồng/chỉ, tăng 751 ngàn đồng/chỉ so cùng kỳ.

Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng 10/2019 giảm 0,01% so tháng trước, giá bình quân 23.263 đồng/USD, giảm 117 đồng/USD so cùng kỳ.

4. Du lịch:

Trong tháng, khách du lịch đến Tiền Giang với 167 ngàn lượt khách, giảm 2,6% so tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ; trong đó: khách du lịch quốc tế 53,6 ngàn lượt khách, giảm 0,1% so tháng trước và tăng 3,8% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác trong tháng 1.072,2 tỷ đồng, giảm 1% so tháng trước và tăng 7,3% so cùng kỳ.

Tính chung mười tháng năm 2019, khách du lịch đến Tiền Giang là 1.676 ngàn lượt khách, đạt 79,8% kế hoạch, tăng 5,6% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế 532,8 ngàn lượt khách, đạt 63,4% kế hoạch, tăng 0,6% so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác đạt 10.602 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ. Phân theo nhóm ngành hàng: doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5.407 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 51%, tăng 8,4%; du lịch lữ hành 98 tỷ đồng, tăng 12,2% và dịch vụ 5.097 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ.

5. Vận tải:

Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng thực hiện 212,2 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước và tăng 5,9% so cùng kỳ. Mười tháng thực hiện 2.070 tỷ đồng, tăng 8,5% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu vận tải hành khách 652,8 tỷ đồng, tăng 13,7%; doanh thu vận tải hàng hóa 1.261,5 tỷ đồng, tăng 7,6%. Doanh thu vận tải đường bộ 1.113,4 tỷ đồng, tăng 5,2%; doanh thu vận tải đường thủy 801 tỷ đồng, tăng 16,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải 155,7 tỷ đồng, giảm 3,2% so cùng kỳ.

Vận chuyển hành khách trong tháng đạt 3.327 ngàn hành khách, giảm 4,1% so tháng trước, tăng 9,4% so cùng kỳ; luân chuyển 68.157 ngàn hành khách.km, tăng 0,6% so tháng trước, tăng 1,6% so cùng kỳ. Mười tháng, vận chuyển 27.243 ngàn hành khách, tăng 17,3% so cùng kỳ; luân chuyển 803.968 ngàn hành khách.km, giảm 19,8% so cùng kỳ. Trong đó: vận chuyển đường bộ 14.813 ngàn hành khách, tăng 2,9% và luân chuyển 777.923 ngàn hành khách.km, giảm 21,1% so cùng kỳ; vận chuyển đường thủy 12.430 ngàn hành khách, tăng 40,7% và luân chuyển 26.045 ngàn hành khách.km, tăng 63% so cùng kỳ.

Vận tải hàng hóa trong tháng đạt 1.187 ngàn tấn, tăng 0,9% so tháng trước, tăng 6,7% so cùng kỳ; luân chuyển 161.892 ngàn tấn.km, tăng 0,9% so tháng trước, tăng 7,1% so cùng kỳ. Mười tháng, vận tải 11.927 ngàn tấn hàng hóa, tăng 10,6% so cùng kỳ; luân chuyển 1.434.187 ngàn tấn.km, tăng 1,1% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải đường bộ 3.169 ngàn tấn, tăng 1,3% và luân chuyển 334.853 ngàn tấn.km, giảm 1,4% so cùng kỳ; vận tải đường thủy 8.758 ngàn tấn, tăng 14,4% và luân chuyển 1.099.334 ngàn tấn.km, tăng 1,9% so cùng kỳ.

6. Bưu chính viễn thông:

Doanh thu trong tháng đạt 236,8 tỷ đồng, tăng 0,8% so tháng trước; trong đó: doanh thu bưu chính đạt 16,3 tỷ đồng, tăng 1,7% và viễn thông 220,5 tỷ đồng, tăng 0,7% so tháng trước. Mười tháng doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông đạt 2.322 tỷ đồng, tăng 15,2% so cùng kỳ; trong đó: doanh thu bưu chính 163 tỷ đồng, tăng 71,5% và viễn thông 2.159 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ.

Thuê bao điện thoại có trên mạng đến cuối tháng 10/2019 là 110.706 thuê bao, mật độ bình quân đạt 6,3 thuê bao/100 dân (chỉ tính thuê bao cố định và di động trả sau). Số thuê bao điện thoại di động có sử dụng internet đến cuối tháng 9 năm 2019 là 943.873 thuê bao.

Thuê bao internet trong tháng 10 phát triển mới 7.722 thuê bao, trong đó: ADSL giảm 74 thuê bao và FTTH tăng 7.796 thuê bao; 10 tháng năm 2019 thuê bao Internet phát triển mới 53.096 thuê bao, trong đó: ADSL giảm 3.688 thuê bao và FTTH tăng 56.784 thuê bao; thuê bao internet có trên mạng đến cuối tháng 10/2019 là 220.055 thuê bao, mật độ internet bình quân đạt 12,5 thuê bao/100 dân.

V. Tài chính - Ngân hàng

1. Tài chính:

Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng thực hiện 1.510 tỷ đồng; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn 1.359 tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 247 tỷ đồng. Mười tháng, thu 15.329 tỷ đồng, đạt 121,3% kế hoạch, tăng 38,6% so cùng kỳ; trong đó: thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 9.717 tỷ đồng, đạt 104,4% dự toán và tăng 35,8% so cùng kỳ; thu nội địa 9.471 tỷ đồng, đạt 106,1% dự toán, tăng 37,8% so cùng kỳ (trong thu ngân sách trên địa bàn: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.152 tỷ đồng, đạt 116,1% dự toán, tăng 36,4% so cùng kỳ; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 979 tỷ đồng, đạt 75,9% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 1.650 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, tăng 19,3% so cùng kỳ...).

Tổng chi ngân sách nhà nước trong tháng 1.422 tỷ đồng; trong đó: chi đầu tư phát triển 500 tỷ đồng. Mười tháng, chi 9.608 tỷ đồng, đạt 84,4% dự toán, tăng 24,6% so cùng kỳ; trong đó: chi đầu tư phát triển 3.000 tỷ đồng, đạt 78% dự toán, tăng 47,2% so cùng kỳ (tạm ứng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 282 tỷ đồng, tạm ứng bồi thường dự án nâng cấp đô thị Mỹ Tho là 179 tỷ đồng; thi công các công trình điện là 161 tỷ đồng...); chi hành chính sự nghiệp 5.150 tỷ đồng, đạt 82,4% dự toán và tăng 9,5% so cùng kỳ.

2. Ngân hàng:

Mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định nên vốn huy động tiếp tục tăng theo đà tăng của các tháng trước. Lãi suất tối đa bằng VND là 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Đến cuối tháng 9/2019, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 67.708 tỷ đồng, tăng 7.364 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 12,2% so đầu năm. Vốn huy động tăng bình quân là 1,29%/ tháng. Ước tính đến cuối tháng 10/2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68.385 tỷ đồng, tăng 667 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1% so với cuối tháng 9/2019.

VII. Các vấn đề xã hội

1. Lao động việc làm:

Trong tháng giới thiệu việc làm cho 260 lượt lao động, trong đó: nữ là 160 lao động, chiếm 61,5%; có 135 lượt lao động có được việc làm ổn định; có 31 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài; có 16 lao động xuất cảnh; có 1.045 người đăng ký thất nghiệp và giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 1.280 người với tổng số tiền chi trả tương đương 18.414 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay đã giới thiệu việc làm cho 2.034 lượt lao động, trong đó: nữ 1.179 lượt lao động (chiếm 58%); có 1.058 lao động có được việc làm ổn định; có 215 lao động xuất cảnh, trong đó xuất cảnh qua Nhật Bản: 165 lao động, Đài Loan: 38 lao động, Hàn Quốc: 5 lao động và thị trường khác: 7 lao động; có 13.260 người đăng ký thất nghiệp và đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 12.895 người với tổng số tiền chi trả tương đương 180.753 triệu đồng.

2. Chính sách xã hội:

Thực hiện tốt các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, các chính sách đối với gia đình người có công với cách mạng. Trong tháng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 800 triệu đồng, xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 680 triệu đồng, sửa chữa 10 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 200 triệu đồng từ nguồn vận động. Mười tháng vận động quỹ đền ơn đáp nghĩa được 11.400 triệu đồng, đạt 114% kế hoạch, xây dựng 88 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 3.320 tỷ đồng, đạt 67,7% kế hoạch, sửa chữa 93 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 1.800 triệu đồng, đạt 265,7% kế hoạch năm từ nguồn vận động; xét duyệt 7 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần theo quyết định 290/2005/QĐ-TTg, 15 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 02 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 05 hồ sơ thương binh đề nghị giám định vết thương còn sót.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em: Nhân dịp Tết Trung thu Sở lao động – Thương binh xã hội, phối hợp cùng Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà Trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 11 xã (mỗi xã 100 phần quà); riêng huyện Châu Thành, huyện Cái Bè; huyện Chợ Gạo là 03 đơn vị được tỉnh chọn làm điểm, mỗi điểm 300 phần quà. Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động trên 198,3 triệu đồng, trong đó tiền mặt trên 105,6 triệu đồng; hàng hóa trên 92,7 triệu đồng đồng hỗ trợ cho 2.157 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn trong tỉnh. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã vận động trên 2,3 tỷ đồng, trong đó tiền mặt trên 1,8 tỷ đồng; hàng hóa trên 438,7 triệu đồng hỗ trợ cho 4.592 trẻ em thông qua các chương trình trao tặng học bổng, tiếp sức đến trường, Mái ấm khuyến học...

Tệ nạn xã hội: Cơ sở cai nghiện ma túy hiện đang quản lý tại Cơ sở là 614 học viên trong đó có 562 học viên cai nghiện bắt buộc, 36 học viên cai nghiện tự nguyện và 16 học viên lưu trú ở khu xã hội; duy trì hoạt động 4 điểm điều trị nghiện và 2 điểm cấp phát thuốc Methadone cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện, tính đến tháng 10, Tiền Giang đã có 214 người tham gia điều trị bằng Methadone.

3. Hoạt động y tế:

Công tác khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao và hoạt động đi vào nề nếp đúng với quy định của ngành, tạo niềm tin cho nhân dân. Trong tháng đã khám bệnh cho 486.234 lượt, tăng 0,6%. Từ đầu năm đến nay đã khám bệnh cho 4.684.981 lượt người, giảm 1,3% so cùng kỳ; trong đó: số lượt người điều trị nội trú là 207.788 lượt người, tăng 6,7%. Công suất sử dụng giường bệnh bình quân của các cơ sở điều trị trong tháng đạt 94,3%, trong đó công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đạt 114,6%, các bệnh viện chuyên khoa đạt 81,1%, các bệnh viện tuyến huyện đạt 67,7% ....

Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được ngành y tế quan tâm, trong tháng có 1.464 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra; kết quả có 1.431 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt 97,7%; trong tháng xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 29 người mắc tại công ty Trách nhiệm hữu hạn BODYNITS Tiền Giang (huyện Cai Lậy), không có trường hợp tử vong.

Công tác phòng chống dịch bệnh: Tiếp tục tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm và bệnh tay chân miệng... xử lý kịp thời, không để lây lan và bùng phát thành dịch. So với cùng kỳ có 12 bệnh tăng (bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng 173,9%, bệnh viêm gan vi rút B tăng 28,2%, bệnh thủy đậu tăng 28,2%, bệnh tay-chân-miệng tăng 25%, bệnh tiêu chảy tăng 9,4%...) và 10 bệnh giảm (bệnh quai bị giảm 58,4%, bệnh ho gà giảm 42,9%, bệnh sốt rét giảm 33,3%, bệnh lao phổi giảm 6,6%...), các bệnh khác tương đương hoặc không xảy ra. Tính đến thời điểm báo cáo toàn tỉnh có 5.371 người nhiễm HIV, 1.773 người chuyển sang AIDS, tử vong do AIDS là 959 người.

4. Hoạt động giáo dục:

Công tác dạy và học trong ngành tiếp tục ổn định và đi vào nền nếp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2019-2020; các cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức học tập về những nội dung cơ bản các cuộc vận động và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Tổ chức kỳ thi lập đội tuyển học sinh giỏi trung học phổ thông dự thi cấp quốc gia năm 2019; xét duyệt cấp giấy chứng nhận trúng tuyển 10 năm học 2019-2020; in bằng tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2019; in giấy chứng nhận nghề phổ thông năm 2019; kiểm tra tình hình công tác quản lý nhà nước về Giáo dục mầm non tại một số trường mầm non thuộc đơn vị các huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Cái Bè và Tân Phước; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý chuyên môn các Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường tiểu học về việc sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

5. Hoạt động văn hóa - thể thao:

Trong tháng, tổ chức lễ hội văn hóa du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp năm 2019; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức liên hoan “Tiếng hát đồng quê năm 2019” vào tối 8/10/2019, tại xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước; tiếp tục hỗ trợ các xã điểm xây dựng nông thôn mới năm 2019 hoàn thành các tiêu chí số 6 và 16. Hoạt động thư viện phục vụ hơn 8.055 lượt bạn đọc, với 20.383 lượt sách báo lưu hành; bổ sung được 4.512 bản sách các loại với trị giá trên 374,3 triệu đồng, ngoài ra nhận từ các nhà xuất bản trong cả nước là 102 bản sách các loại. Đội thông tin lưu động tỉnh tổ chức biểu diễn phục vụ Hội chợ Triển lãm thương mại dịch vụ du lịch thành phố Hồ Chí Minh tại nước bạn Lào; tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Công nhân Tiền Giang trên chặng đường mới”; biểu diễn phục vụ Nhạc nước tại Quảng trường Trung tâm tỉnh 02 ngày (04 suất) thu hút hơn 1.000 lượt người xem.

Phong trào thể dục - thể thao trên địa bàn tỉnh luôn được duy trì và phát triển với nhiều hình thức đa dang. Tổ chức thành công giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc từ ngày 30/9-6/10/2019; Hội thi thể thao người cao tuổi, từ ngày 19/9-20/9/2019; tổ chức thành công giải Bóng đá thiếu niên U13 Yamaha Cup năm 2019, từ ngày 21/9 – 22/9/2019; đội Boxing tham dự giải vô địch Boxing toàn quốc năm 2019, từ ngày 7/9 – 18/9/2019 tại Tp Hồ Chí Minh, kết quả đạt 01 HCV, 01 HCB, 03 HCĐ; đội Taekwondo tham dự giải vô địch Taekwondo toàn quốc năm 2019, từ ngày 11/9 – 23/9/2019 tại Đà Nẵng, kết quả đạt 01 HCB, 01 HCĐ; đội PencakSilat tham dự giải vô địch PencakSilat toàn quốc năm 2019, từ ngày 19/9 – 29/9/2019 tại Hải Dương, kết quả đạt 01 HCB, 03 HCĐ; đội Bóng bàn tham dự giải Bóng bàn các đội mạnh toàn quốc năm 2019 từ ngày 30/9 – 6/10/2019, tại Tiền Giang, kết quả đạt 02 HCB, 01 HCĐ …

6. Tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội:

Tình hình an ninh được đảm bảo, tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động phá hoại; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh tại các khu, cụm công nghiệp, tình hình liên quan đến dịch tả Châu Phi... Kịp thời nắm tình hình, phối hợp giải quyết 01 vụ, có 950 công nhân Công ty TNHH Hansae khu công nghiệp Tân Hương đình công.

Tội phạm về trật tự an toàn xã hội xảy ra 58 vụ, bị thương 10 người, tài sản thiệt hại trị giá khoảng 1,6 tỷ đồng. Điều tra khám phá ban đầu đạt 63,8% (37vụ), bắt xử lý 39 đối tượng, thu hồi tài sản thiệt hại trị giá khoảng 248 triệu đồng; phát hiện, xử lý 13 vụ với 15 đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy và xử lý vi phạm hành chính 238 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; kinh doanh hàng hóa không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc) và 13 trường hợp khai thác cát trái phép; xử lý 19 tụ điểm, 92 đối tượng tham gia cờ bạc...

7. Trật tự an toàn giao thông:

Giao thông đường bộ: tai nạn xảy ra 39 vụ, làm chết 28 người, bị thương 16 người; so tháng trước tai nạn giảm 10 vụ, số người chết tăng 5 người, số người bị thương giảm 19 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 12 vụ, số người chết tăng 11 người, số người bị thương giảm 2 người. Tổng số vụ từ đầu năm đến nay xảy ra 270 vụ, làm chết 181 người, bị thương 151 người; so cùng kỳ tai nạn tăng 8 vụ, số người chết tăng 7 người, số người bị thương giảm 12 người. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tháng xảy ra 8.403 vụ, tăng 649 vụ so tháng trước và tăng 224 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 3.964 vụ, tước giấy phép lái xe 273 vụ, phạt tiền 4.439 vụ với số tiền phạt 2.979 triệu đồng. Tổng số vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ từ đầu năm đến nay xảy ra 64.987 vụ, giảm 19.721 vụ so cùng kỳ, đã xử lý tạm giữ giấy tờ và phương tiện 32.024 vụ, tước giấy phép lái xe 1.767 vụ, phạt tiền 32.963 vụ với số tiền phạt 23.688 triệu đồng.

Giao thông đường thủy: trong tháng không xảy ra. Từ đầu năm đến nay xảy ra 3 vụ, giảm 3 vụ so cùng kỳ. Vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy trong tháng xảy ra 2.046 vụ, tăng 50 vụ so tháng trước và tăng 12 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 459 vụ và phạt tiền tại chỗ 1.587 vụ với số tiền phạt 619,7 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay tổng số vụ vi phạm an toàn giao thông đường thủy là 16.206 vụ, giảm 4.755 vụ so cùng kỳ, đã xử lý lập biên bản tạm giữ giấy tờ 3.282 vụ và phạt tiền 12.924 vụ với số tiền phạt 4.934,4 triệu đồng.

8. Tình hình cháy nổ, môi trường:

Trong tháng xảy ra 1 vụ cháy tại kho chứa hàng của cửa hàng bán đồ điện trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, nguyên nhân đang điều tra. Từ đầu năm đến nay xảy ra 15 vụ cháy, làm chết 01 người, tài sản thiệt hại ước tính trên 15,5 tỷ đồng. Vi phạm môi trường phát hiện 9 vụ, đã xử lý 9 vụ với tổng số tiền xử phạt hơn 84,5 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay phát hiện và xử lý 49 vụ, với tổng số tiền xử phạt trên 992 triệu đồng./.

    Tổng số lượt xem: 992
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)