Báo cáo của WB cảnh báo rằng làn sóng nợ hiện nay có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế, đặc biệt nếu lãi suất tăng đột biến hoặc có một cú sốc toàn cầu đột ngột.
|
Báo cáo của WB cảnh báo rằng làn sóng nợ hiện nay có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính. (Nguồn: 112.international) |
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 19/12 cảnh báo khối nợ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang tăng nhanh và lớn hơn bất kỳ giai đoạn nào trong năm thập kỷ qua.
Theo báo cáo của WB, tình trạng trên có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng khác và nếu vỡ nợ xảy ra, tình hình sẽ diễn biến trầm trọng hơn khi các công ty tư nhân bị nhấn chìm giữa lúc kinh tế tăng trưởng chậm chạp.
WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tình trạng gia tăng nợ toàn cầu trong nhiều năm, nhưng báo cáo mới đây thậm chí còn đưa ra nhận định bi quan hơn và kêu gọi các chính phủ thực hiện các biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng nợ.
Tổng Giám đốc IMF, bà Kristalina Georgieva ngày 19/12 nhận định các quốc gia đang phát triển ở châu Phi cần đạt được sự cân bằng hợp lý giữa phát triển tài chính và quản lý nợ.
IMF ước tính tổng nợ toàn cầu đã tăng lên tới 188.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2018, tương đương gần 230% GDP của thế giới.
Trong khi đó, báo cáo của WB nhấn mạnh về đà tăng mạnh của khối nợ tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, với tốc độ nhanh nhất trong 50 năm qua.
Sau khi suy giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nợ ở các quốc gia nói trên đã tăng lên mức cao kỷ lục, tương đương 170% GDP (khoảng 55.000 tỷ USD) chỉ trong 8 năm kể từ năm 2010.
Báo cáo của WB cảnh báo rằng làn sóng nợ hiện nay có thể dẫn tới khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế, đặc biệt nếu lãi suất tăng đột biến hoặc có một cú sốc toàn cầu đột ngột.
WB nhấn mạnh việc tăng cường quản lý nợ, gia tăng nguồn thu thuế, áp dụng tỷ giá linh hoạt và thực thi các quy tắc tài chính nghiêm ngặt hơn trong quản lý chi tiêu là những biện pháp có thể giúp ngăn chặn khủng hoảng./.