Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/01/2020-16:45:00 PM
Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020
(MPI) – Ngày 09/01/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 với chủ đề Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, hành động hiệu quả. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. Hội nghị vinh dự có sự tham gia và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị. Ảnh: MPI

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan Đảng, Quốc hội cùng đại diện Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo UBND, đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài Nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục thống kê các địa phương… và hơn 900 đại biểu tại 63 điểm cầu các địa phương.

Trong buổi sáng giữa tháng Giêng năm Kỷ Hợi 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn để công bố lần đầu tiên 2 tầm nhìn 100 năm. Việt Nam 2030, Kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng với mục tiêu xã hội Việt Nam sẽ trở nên thịnh vượng hơn và thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, mốc lịch sử Kỷ niệm 100 năm thành lập Nước. Thời điểm Việt Nam trở thành quốc gia phát triển thịnh vượng và gia nhập nhóm quốc gia có cuộc sống hạnh phúc.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chọn Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nơi công bố hai tầm nhìn quốc gia này đã cho thấy, Thủ tướng tin tưởng gửi gắm tầm nhìn chiến lược của mình vào Bộ có vai trò quan trọng trong khơi dậy khát vọng dân tộc và tìm ra được những trụ cánh để loài chim Lạc, một biểu tượng của dân tộc Việt Nam sẽ bay cao bay xa đến bến bờ của sự thịnh vượng và hùng cường.

Là cơ quan giúp việc, thường trực và Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, trong suốt gần một năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cơ quan chủ chốt xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và dự thảo Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Để đất nước có được thành tựu toàn diện trong năm thứ 2 liên tiếp, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, ngay từ đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế.

Khơi thông điểm nghẽn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trực tiếp dự thảo Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước, để Thủ tướng ký ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới. Tiếp đó là Kịch bản tăng trưởng năm, các báo cáo vĩ mô hằng quý và hằng tháng, để Thủ tướng và Chính phủ có các quyết sách kịp thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định vĩ mô.

Cùng với Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu để Thủ tướng ban hành Chỉ thị về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cho cả năm.

Với trên 90% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư công (sửa đổi). Đây là điểm đột phá quan trọng trong đổi mới, cải cách quản lý nhà nước, khơi thông điểm nghẽn đã tồn tại từ cuối nhiệm kỳ trước tới nay.

Cùng với kết quả của Hội nghị nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, kết hợp tinh thần của Luật đầu tư công (sửa đổi), công tác giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 từ trung ương cho các Bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 100%, góp phần quan trọng để giải phóng một nguồn lực chiếm gần 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc ra đời các khuôn khổ pháp luật nhằm khơi thông các điểm nghẽn về sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp và thiếu doanh nghiệp lớn, cùng với khơi thông điểm nghẽn về nguồn lực đất đai, huy động nguồn lực tư nhân đầu tư cho hạ tầng thông qua phương thức đối tác công - tư, đi cùng với khơi thông điểm nghẽn về nguồn nhân lực chất lượng cao và điểm nghẽn tạo sự bùng nổ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi các khuôn khổ pháp luật này được hoàn thiện, sẽ góp phần tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Đây cũng chính là các “đầu tàu thế hệ mới” đưa Việt Nam thực hiện được khát vọng phát triển trong 10 năm tới.

Giải phóng nguồn lực

Theo Kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có 96,2 triệu người, đứng thứ 15 thế giới. Trong khi đó, sau khi đánh giá lại quy mô nền kinh tế, đến năm 2017, tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam tăng thêm 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 275 tỷ đô la Mỹ.

Việc đánh giá đúng quy mô của nền kinh tế và nguồn lực của đất nước là một yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ đầu nhiệm kỳ này. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoạch định những chính sách hiệu quả để giải phóng các nguồn lực và giải phóng sức sản xuất, cũng như đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Từ tham mưu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp luật, hay việc bổ sung, sửa đổi nhiều chính sách đã góp phần đưa năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục. Với trên 138 nghìn doanh nghiệp ra nhập thị trường, trong năm 2019 đã đưa tổng số doanh nghiệp trong cả nước lên gần 800 nghìn. Đi cùng với đó là trên 2 nghìn hợp tác xã được thành lập mới, đưa tổng số hợp tác xã trong cả nước lên trên 24 nghìn.

Việc các doanh nghiệp tư nhân lớn mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao hay hạ tầng giao thông và nhiều lĩnh vực khác đã đưa tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực này lên tới 34% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và năng lực cạnh tranh quốc gia thăng hạng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã góp phần lập nên một kỷ lục mới, khi các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư vào Việt Nam trên 38 tỷ đô la Mỹ, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, trong đó trên 20 tỷ đô la đã được giải ngân.

Trong những ngày cuối năm 2019, gần 3 nghìn doanh nghiệp tham dự Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, gấp 3 lần so với dự kiến đã cho thấy sự hồ hởi và niềm tin của giới doanh nhân trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.

Hành động hiệu quả

Với “Tinh thần tiên phong đi trước, nắm bắt cơ hội” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tin tưởng gửi gắm, cùng với phương châm hành động chính xác, kịp thời và hiệu quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động đề xuất, tham mưu cho Chính phủ giải pháp đối với những vấn đề mới, nhạy cảm và phức tạp dễ gặp phải trở lực và rào cản.

Cùng với Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, tạo nền tảng pháp lý cho kinh tế chia sẻ, đã được Thủ tướng ký Quyết định ban hành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thành công Diễn đàn Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Đặc biệt là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia đã được Thủ tướng ký Quyết định thành lập, sẽ góp phần hình thành nên nền tảng của một hệ thống chính sách để từng bước đưa đổi mới, sáng tạo và kinh tế số trở thành một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, giúp Việt Nam chủ động nắm bắt được các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hiện thực được khát vọng phồn vinh của dân tộc.

Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, tạo lập môi trường hành chính hiện đại, minh bạch, công bằng và tiết kiệm chi phí cho người dân. Với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2019 đã có trên 182 triệu lượt truy cập, tăng 1,22 lần so với năm 2018. Còn Chỉ số Gia nhập thị trường nhận được sự hài lòng nhất của doanh nghiệp trong 14 năm liên tiếp, từ năm 2005 đến nay.

Trong 10.500 nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao cho các Bộ và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao và đã hoàn thành 650 nhiệm vụ, chiếm 6,2%.

Trong số 513 đề án lớn năm 2019 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được giao tổ chức triển khai và hoàn thành 53 đề án, đạt tỷ lệ hoàn thành 100%, chiếm hơn 1/10 tổng số đề án.

Trong số 12 hội nghị toàn quốc được tổ chức trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 7 hội nghị (5 hội nghị đã tổ chức trong năm 2019, 2 hội nghị sẽ tổ chức đầu quý I năm 2020), trong đó có Diễn đàn bền vững Việt Nam 2019; Hội nghị Cải thiện năng suất lao động Quốc gia; Diễn đàn kinh tế hợp tác và hợp tác xã năm 2019; Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019; Chuỗi Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công, phát triển vùng kinh tế trọng điểm và đồng bằng Sông Cửu Long, cùng với chuỗi Hội thảo góp ý sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp và tham vấn mô hình đầu tư theo phương thức công - tư.

Qua 44 sự kiện tầm quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong năm 2019 đã góp phần từng bước xác định rõ các nguồn lực của đất nước, đồng thời gợi mở các giải pháp hiệu quả để nền kinh tế Việt Nam có thể thoát được bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp và bẫy rác thải công nghệ.

Để tiếp tục có những đóng góp xứng đáng vào nỗ lực khơi nguồn khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn kiên trì đường lối đổi mới, cải cách của Đảng, thông qua việc luôn ở vị trí tiên phong đi đầu về đổi mới trong các lĩnh vực. Trong công tác cán bộ - “then chốt của then chốt”, Bộ đã tích cực thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm các cán bộ trẻ có đủ năng lực và phẩm chất. Trong đó, nhiều người đã vững tin đảm nhiệm tốt nhiệm vụ và trọng trách mới.

Với quan điểm: “Người dân là trọng tâm của phát triển, mọi chính sách của Chính phủ hướng tới hạnh phúc của người dân”, 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai Chương trình vì sự Phát triển cộng đồng hướng tới những giá trị nhân văn và tử tế.

Thông qua Sáng kiến Cây gậy trắng cho 1 triệu người mù Việt Nam, được phát động vào đầu tháng 12 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn, những sự kiện thấm đượm nhân văn này sẽ lay động trái tim của những người tham gia hoạch định, tham mưu và quyết định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xây dựng xã hội ngày càng công bằng, văn minh và “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm trong nước trên 7% trong hai năm vừa qua, đã củng cố thêm niềm tin, đất nước Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao sau 5 năm nữa.

Mục tiêu này đang thôi thúc mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược như Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát huy được tinh thần tự hào của mình, góp phần khơi dậy được khát vọng dân tộc, thông qua việc đề ra được các giải pháp hiệu quả trên hành trình chiến lược đưa đất nước Việt Nam hiện thực hóa được các mục tiêu độc lập, tự cường và thịnh vượng trong Tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045. Trước hết năm trong năm 2020 cả nước sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tổng sản phẩm trong nước tăng trưởng 7%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao và đổi mới sáng tạo cùng với kinh tế số tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Sứ mệnh ấy đang ở trên vai của những người đã được gửi gắm niềm tin và kỳ vọng sẽ khơi nguồn được khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2282
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)