(MPI) - Ngày 17/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu phối hợp với Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên hiệp quốc (UNESCAP) tổ chức Hội thảo tham vấn triển khai dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới (CWE)” do Chính phủ Canada tài trợ. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng tham dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul, đại diện một số Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ, hiệp hội doanh nhân nữ…
Đây là cơ hội để trao đổi về vai trò, hiệu quả của việc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững và phúc lợi xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, trao đổi về các sáng kiến đã và đang triển khai ở Việt Nam hướng đến xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và bình đẳng giới, thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, trong đó có các trở ngại, nhu cầu, các hoạt động cần thiết để tạo lập môi trường kinh doanh thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh, khai thác các lợi thế của công nghệ số, công nghệ thông tin để tiếp sức cho doanh nhân nữ tại Việt Nam, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nhân nữ ở Việt Nam.
Xây dựng Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án CWE với 3 hợp phần: Xây dựng chính sách và hoàn thiện thể chế, khung pháp lý nhằm thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh ở Việt Nam; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng khả năng tiếp cận tài chính cho doanh nhân nữ Việt Nam; Thu hút, tận dụng các sức mạnh, tiến bộ của công nghệ thông tin tiếp sức cho doanh nhân nữ Việt Nam.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, sau hơn 30 năm kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển khá nhanh và đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên đáng kể và Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2011.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn dưới 4%, cách đây 10 năm con số này là trên 10%. Những thành tựu này có sự đóng góp quan trọng của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Trong thời gian qua, với những cải cách đổi mới mạnh mẽ trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước, khu vực doanh nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc trong suốt hơn 1 thập kỷ qua về số lượng và chất lượng. Hiện có gần 800 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp khoảng 40% GDP, 50% tổng số lao động trong nền kinh tế. Đây chính là lực lượng quan trọng giúp xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân và phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp do nữ làm chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển kinh doanh, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai, công nghệ, thông tin, trình độ quản trị và năng lực cạnh tranh còn thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm chưa đến 30% tổng số doanh nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Khoảng 60% doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô siêu nhỏ, dưới 10 lao động. Bên cạnh những khó khăn hạn chế chung của khu vực doanh nghiệp, các doanh nghiệp do nữ làm chủ còn phải đối diện với những rào cản lớn xuất phát từ định kiến xã hội.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nhân nữ thông qua việc rà soát, xóa bỏ các rào cản về pháp lý đối với nữ giới, đẩy mạnh lồng ghép giới trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng có các chương trình hỗ trợ dành riêng cho đối tượng là doanh nhân nữ. Điển hình như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cũng đang tích cực triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nhân nữ khởi nghiệp…
Tại Hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Canada tại Việt Nam Deborah Paul nhấn mạnh đây là sự kiện hết sức có ý nghĩa và là cơ hội quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, hoạt động thúc đẩy phát triển doanh nghiệp do nữ làm chủ thông qua việc kiến tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nhân nữ. Việc trao quyền cho phụ nữ là biện pháp quan trọng trong việc giảm nghèo. Canada giúp Việt Nam cải thiện sự tham gia của phụ nữ trong việc quyết định kinh tế và hỗ trợ các doanh nhân nữ phát triển kinh doanh. Sự hợp tác của Canada với ESCAP sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao cơ hội cho phụ nữ ở Việt Nam và một số các quốc gia khác trên khắp châu Á Thái Bình Dương.
Tại Hội thảo các đại biểu đã cùng nhau thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp, sáng kiến để cải thiện môi trường, thể chế cũng như khung pháp lý thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời giúp cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của doanh nhân nữ./.
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư